Hotline 24/7
08983-08983

Phình động mạch chủ: Cần phát hiện sớm

Một trong những bệnh gây đau ngực dữ dội là phình bóc tách động mạch chủ (ĐMC) ngực.

Bệnh nhân bị đau nhiều ở vùng ngực bên trái, kèm theo rối loạn huyết áp, mạch nhanh, vã mồ hôi. Bệnh thường xảy ra ở những người có tiền căn cao huyết áp, kèm theo béo phì và hút thuốc lá. Phình bóc tách ĐMC ngực rất dễ chẩn đoán nhầm với nhồi máu cơ tim cấp.

Biến chứng nguy hiểm

Phình ĐMC xảy ra khi thành ĐMC bị yếu, dãn ra, phình to. Khối phình có thể lệch về một hướng hoặc phình đều ra mọi hướng. Theo thời gian, khối phình sẽ tăng dần kích thước. Khối phình quá lớn có thể chèn ép và làm tổn thương mạch máu, thần kinh lân cận, gây tình trạng rối loạn tưới máu khu vực.

Cục huyết khối dễ hình thành trong túi phình, khi bị bung ra, trôi theo dòng máu, có thể gây tắc mạch làm tổn thương các cơ quan hoặc gây đột quỵ. Khi khối phình bị nứt hoặc vỡ sẽ gây xuất huyết và giảm cung cấp máu cho các mô, các cơ quan. Vỡ phình ĐMC là biến chứng rất nặng, tỷ lệ tử vong lên đến 82%.

Phình ĐMC thường ít có triệu chứng. Một số người có cảm giác đè nặng hoặc đau ở ngực, bụng, lưng. Khi bị biến chứng cấp tính và nặng nề, người bệnh có thể bị đau ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi, bất tỉnh…

TEVAR: Phương pháp điều trị mới

Khi túi phình ĐMC có kích thước nhỏ, chỉ cần theo dõi và điều trị nội khoa. Người bệnh cần tránh vận động mạnh; không chơi các môn thể thao cần nhiều thể lực, có tính đối kháng cao, dễ va chạm; đánh giá tổn thương định kỳ sau sáu tháng hoặc một năm.

Nếu khối phình ĐMC quá lớn hoặc phát triển quá nhanh, dọa vỡ, cần can thiệp ngoại khoa (đặt giá đỡ hoặc phẫu thuật). Trường hợp bị vỡ phình ĐMC, bóc tách ĐMC cấp hoặc xảy ra biến chứng nặng, phải phẫu thuật cấp cứu.

Phẫu thuật can thiệp phình ĐMC có nhiều nguy cơ, thời gian hồi sức kéo dài, tỷ lệ tử vong cao, biến chứng nặng. Hiện nay, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã áp dụng phương pháp đặt giá đỡ có phủ cho ĐMC ngực (phương pháp TEVAR). Giá đỡ được cấu tạo bởi hợp kim nickel - titanium, có phủ sợi polyester. Khi đặt vào ĐMC, giá đỡ giúp loại trừ đoạn động mạch bệnh lý, tạo độ vững chắc cho thành mạch, giảm nguy cơ vỡ túi phình và điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch.

Phòng ngừa và phát hiện sớm

Phình ĐMC có những yếu tố nguy cơ không thay đổi được như: tuổi (thường xảy ra ở người trên 60 tuổi), giới tính (nguy cơ ở nam giới nhiều hơn 5 - 10 lần so với nữ giới), di truyền, mắc bệnh bất thường mô liên kết…

Ngoài ra, bệnh còn có những yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, xơ vữa động mạch, hút thuốc, béo phì. Cần loại bỏ và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ này: ổn định huyết áp nếu bị tăng huyết áp; điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ máu, nếu có; không hút thuốc; áp dụng chế độ ăn lạt, ăn ít chất béo có hại, ăn nhiều rau quả; tập thể dục đều đặn; người béo phì cần giảm cân...

Việc tầm soát nhằm phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng. Các xét nghiệm như X-quang ngực thẳng, siêu âm tim, siêu âm bụng, chụp CT scan ngực bụng có cản quang… giúp tầm soát, chẩn đoán và đánh giá tổn thương. Cần cảnh giác với triệu chứng đau ngực và đau bụng, nên kiểm tra ngay nếu đau nhiều và có tính chất đau bất thường.

Những ai cần tầm soát phình động mạch chủ?

- Tầm soát phình ĐMC bụng ở nam giới từ 65-75 tuổi có tiền sử hút thuốc.

- Tầm soát phình ĐMC bụng ở nam giới trên 60 tuổi khi có người cùng huyết thống gần gũi nhất (anh, em ruột hoặc cha) bị phình ĐMC bụng.

- Tầm soát phình ĐMC ngực ở những đối tượng có người cùng huyết thống gần gũi nhất mắc bệnh phình ĐMC ngực.

- Tầm soát bệnh ĐMC ở đối tượng mắc bệnh mô liên kết, hội chứng Marfan (rối loạn di truyền có ảnh hưởng đến mô liên kết, gây tổn thương ở mạch máu, tim, phổi…).

Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Định - ThS.BS Ngô Bảo Khoa - BV Đại học Y Dược TPHCM
Phụ nữ TPHCM


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X