Hotline 24/7
08983-08983

Phép màu của mẹ

Nếu chúng ta phải rời bỏ trái đất để đi đến một hành tinh khác và mỗi người chỉ được mang theo một hình ảnh thì bạn sẽ mang hình ảnh nào theo mình.

Tôi sẽ mang hình ảnh mẹ tôi. Và tôi tin hầu hết những ai được hỏi câu hỏi này cũng sẽ trả lời như tôi.

Không phải vì mẹ sinh ra ta mà trong suốt cuộc đời ta khi có mẹ ở bên đã làm ta không bao giờ có thể rời xa mẹ. Lúc nào ta cũng ở trong mẹ chứ không chỉ trong những tháng ngày ta đang là một thai nhi. Và tôi luôn luôn có cảm giác khi rời xa mẹ thì ngay lập tức tôi trở thành một hạt bụi.

Có hai khoảng thời gian trong năm tôi nhớ mẹ tôi nhiều nhất. Đó là những ngày trước khi mẹ tôi ra đi vĩnh viễn và những ngày gần Tết. Tôi chẳng khi nào có thể cầm lòng khi nhớ về những ngày đó. Với tôi, những năm tháng của đói rét đã đi qua. Nhưng những ngày Tết của đói rét xa xưa không bao giờ phai nhạt.

Ký ức ấy không bao giờ chết bởi nó làm nên những giá trị mà tôi có được trong cuộc đời mình. Tôi sống ở thành phố đã gần 40 năm. Nhưng chưa bao giờ tôi ăn Tết ở đó. Khi được nghỉ Tết là tôi khăn gói về quê.

Cả khi tôi còn trẻ cho đến khi tôi đã có vợ con và ngay cả bây giờ khi mẹ tôi đã về cõi vĩnh hằng. Tôi trở về chỉ để được sống thêm một lần nữa trong hơi thở của mẹ vẫn phả ấm ngôi nhà. Để ngồi xuống bất cứ nơi nào trong ngôi nhà và nhắm mắt lại là mẹ tôi lại hiện về.

Có một điều kỳ lạ là mỗi khi nhớ về mẹ thì cái đầu tiên tôi cảm nhận là mùi khói bếp. Một căn bếp nhỏ, chật chội. Nhưng vào những ngày cuối năm ở đó lúc nào cũng có ánh lửa và bóng mẹ in trên bức tường bếp đầy tro và màu khói ám. Đấy là nơi mà mẹ đã đưa chúng tôi qua những năm đói rét và dạy dỗ chúng tôi nên người. Đấy cũng là nơi mẹ dẫn dắt chúng tôi đi đến những điều nhân ái bằng những câu chuyện kể và lời khuyên răn.

me_va_bep_cui.jpg
 Mỗi khi nhớ về mẹ thì cái đầu tiên tôi cảm nhận là mùi khói bếp

Cũng như hầu hết các bà mẹ, mẹ tôi không ngơi nghỉ bất cứ một ngày nào trong năm. Nhưng những ngày gần Tết là những ngày mẹ bận hơn, lo lắng hơn. Biết bao việc mẹ phải làm cho một cái Tết. Những năm tháng đó, cha tôi đi công tác có khi mồng Một Tết mới về. Tất cả dồn lên vai mẹ. Có một việc mà mẹ tôi phải lo cho cái Tết ngay từ những ngày giữa năm. Đó là những bộ quần áo Tết cho anh em tôi. Nhưng những năm tháng đó, đất nước vô cùng khó khăn. Có được miếng vải nào mẹ đều cất kỹ để cuối năm may áo cho các con.

Rồi vào một ngày cuối năm, mẹ mở vuông vải ra. Có đêm, mẹ ngồi trước vuông vải hàng giờ. Sau này tôi mới hiểu lúc đó mẹ phải suy nghĩ và tính toán rất nhiều để làm sao chỉ một vuông vải thôi có thể may cho mỗi đứa con một cái áo hoặc một cái quần.

Chưa bao giờ chúng tôi có trọn vẹn một bộ quần áo mới trong những năm tháng đó. Có một năm, vì không đủ vải. Mẹ đã phá chiếc áo lành lặn nhất của mẹ cùng với những miếng vải lành lấy từ một chiếc áo rách khác của mẹ để may hai chiếc cho chị và em gái tôi.

Vì là vải cũ, may xong mẹ phải mang hai chiếc áo đi chợ để nhuộm như áo mới cho các con. Năm nay chị gái tôi đã 60 tuổi và em gái tôi 50. Nhưng mỗi lần về quê dịp Tết nói lại chuyện mẹ may áo là chị và em gái tôi lại khóc.

Những chiếc áo mẹ may chắp vải cũ với vải mới thuở ấy không còn nhưng đã ủ ấm cuộc đời anh chị em tôi. Và mỗi sáng mồng Một Tết, chúng tôi đều dậy sớm xếp hàng để mẹ cho áo mới. Và niềm vui áo mới theo chúng tôi đến tận mùa hè.

Cho dù những năm tháng xưa vô cùng ngèo đói, nhưng chẳng Tết nào mẹ để cho chúng tôi có cảm giác thiếu thốn. Mẹ như một bà Tiên. Mẹ biến chiều cuối năm trong ngôi nhà nghèo khó của chúng tôi thành Vương quốc của những điều kỳ diệu.

Ngôi nhà được quét vôi trắng có kẻ chân tường màu vàng chanh, sực nức mùi bánh trưng mới vớt, mùi thơm của chè lam, bánh mật, mùi của cá nướng, một món ăn ngày Tết truyền thống của làng tôi... mùi của hương trầm thơm ngát.

Chúng tôi không thể tưởng tượng được bằng cách nào mà mẹ làm ra một thế giới như vậy cho chúng tôi. Và những ngày Tết suốt những năm tháng ấu thơ ấy, chúng tôi thực sự được sống trong một Thiên đường.

Mẹ không có một chiếc đũa thần nào cả. Lòng thương yêu vô tận các con mình và sự tần tảo sớm khuya của mẹ đã biến thành phép màu. Ngày tôi còn nhỏ, vào những buổi chiều tôi thường ra ngõ chờ mẹ.

Chiều nào mẹ cũng đi làm về rất muộn. Tôi đứng đó và chìm dần vào bóng tối. Lúc nào đi làm về, mẹ cũng mang theo một mớ tép, một mớ cua, những nắm rau dại. Và chỉ khi giọng nói mẹ vang lên trong ngôi nhà đầy bóng tối, muỗi bay và ngọn lửa trong bếp bắt đầu thức dậy, chúng tôi mới cảm thấy sự sống tràn ngập ngôi nhà.

Sau những bữa tối muộn, chúng tôi lăn ra ngủ. Khi đó, một ngày mới trong bóng tối của mẹ bắt đầu. Mẹ dọn dẹp, giặt giũ, xay thóc, giã gạo, nấu cám cho lợn và có lúc tưới rau khuya trong vườn. Nhiều đêm mẹ chỉ có thể đi nằm khi gà gáy canh một, canh hai rộ lên trong xóm và thức dậy khi trời chưa tỏ mặt người.

Bây giờ, mỗi năm anh em tôi vẫn về quê ăn Tết. Chúng tôi vẫn làm tất cả những món ăn ngày Tết mà mẹ đã làm cho chúng tôi những năm tháng xa xưa. Chúng tôi làm vậy cũng là một cách để thấy mẹ vẫn đâu đấy trong ngôi nhà. Để không bao giờ lãng quên mẹ đã sống cực nhọc trong âm thầm suốt cuộc đời để nuôi lớn những đứa con mà chúng tôi chẳng bao giờ nghe một lời than thở của mẹ.

Theo Nguyễn Quang Thiều
Hạnh phúc Gia đình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X