Hotline 24/7
08983-08983

Phẫu thuật van 2 lá

Phẫu thuật van 2 lá được thực hiện để sửa chữa hoặc thay thế van 2 lá trong tim bệnh nhân.

Tim là một trong những cơ quan quan trọng của cơ thể, có 4 buồng và được chia thành hai bên, tim bên trái giúp bơm máu giàu Oxy (máu động mạch) đi nuôi các cơ quan và tim bên phải bơm máu nghèo Oxy (máu tĩnh mạch) lên phổi để trao đổi khí. Để đảm bảo giòng máu đi theo một chiều nhất định, tim có chứa các van chống trào ngược, mỗi bên của tim có 2 van. Tim trái có van hai lá và van động mạch chủ, tim phải có van 3 lá và van động mạch phổi. Van 2 lá mở ra để dòng máu đi từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Sau đó, 2 lá van đóng kín, giữ cho dòng máu không trào ngược lại.

Trong loại phẫu thuật này, bác sĩ rạch da và cưa xương ức để tiếp cận đến tim.

Mô tả

Để chuẩn bị phẫu thuật, bạn được gây mê toàn thân để không cảm thấy đau trong suốt thời gian mổ. Có hai cách để tiếp cận van hai lá: Mổ hở và mổ nội soi.

Trong mổ hở, bác sĩ phẫu thuật rạch da giữa ngực dài khoảng 20cm (hình 1) để tiếp cận đến tim bệnh nhân.

Hình 1: Đường mổ giữa xương ức (mổ hở)

Nếu bệnh nhân được phẫu thuật theo phương thức ít xâm lấn (mổ nội soi), bác sĩ sẽ mở  ngực theo một đường nhỏ ở thành bên ngực phải và những vết rạch nhỏ khác để đưa thiết bị nội soi vào lồng ngực (hình 2).

Hình 2: Phẫu thuật van 2 lá nội soi

Bạn sẽ được kết nối với máy tuần hoàn ngoài cơ thể, còn gọi là máy tim phổi nhân tạo, thiết bị sẽ hoạt động thay thế cho tim và phổi của bạn. Bác sĩ sẽ sửa chữa hoặc thay thế van 2 lá qua 1 đường mở vào tâm nhĩ trái của bạn.

Nếu phẫu thuật viên có thể thực hiện sửa van 2 lá, bạn sẽ được đặt một loại vật liệu nhân tạo gọi là vòng van hai lá.

Nếu van 2 lá của bạn bị tổn thương không phù hợp để sửa chữa, lúc này bạn sẽ được thay 1 van mới. Bác sĩ sẽ cắt bỏ van 2 lá tổn thương và khâu đặt van 2 lá nhân tạo vào buồng tim. Có 2 loại van nhân tạo:

- Van cơ học (hình 3): được làm bằng vật liệu tổng hợp. Loại van này có tuổi thọ lâu bền nhất. Người bệnh được thay van cơ học sẽ phải uống thuốc chống đông máu, như Sintrom hoặc Warfarin suốt quãng đời còn lại

Van sinh học (hình 4): được làm bằng mảnh mô của người hoặc động vật. Loại van này có tuổi thọ từ 10-12 năm. Người bệnh được thay van sinh học không cần dùng thuốc chống đông máu suốt đời.

Hình 3, 4: Van cơ học (trái) và van sinh học (phải)

Sau khi van 2 lá mới bắt đầu hoạt động, bác sĩ sẽ:

- Khâu đóng buồng tim, rút máy tuần hoàn ngoài cơ thể

- Đặt các ống dẫn lưu dịch quanh tim.

- Khâu đóng xương ức bằng chỉ thép (mổ hở). Vết mổ xương ức cần ít nhất 6 - 8 tuần để hồi phục. Còn chỉ thép sẽ tồn tại trong cơ thể bệnh nhân.

Bệnh nhân có thể được đặt dây tạo nhịp tạm thời trên tim cho đến khi nhịp tim tự nhiên của bệnh nhân hồi phục

Thời gian phẫu thuật có thể kéo dài từ 3-6 giờ.

Tại sao cần phẫu thuật van 2 lá?

Bệnh nhân cần phải phẫu thuật khi van 2 lá không hoạt động bình thường, bao gồm:

- Van 2 lá không đóng kín, để dòng máu chảy ngược vào tâm nhĩ trái khi tim bóp (thì tâm thu). Tình trạng này gọi là hở van 2 lá. (hình 5)

- Van 2 lá không mở rộng đủ sẽ giới hạn dòng máu đi qua khi tim giãn nở (thì tâm trương). Tình trạng này gọi là hẹp van 2 lá (hình 6).

Các lý do để phẫu thuật van 2 lá trên bệnh nhân:

- Tổn thương van 2 lá gây nên triệu chứng trên tim như đau thắt ngực, khó thở, ngất hoặc suy tim.

- Các xét nghiệm cho thấy tổn thương van 2 lá dẫn đến giảm chức năng tim

- Bệnh nhân cần phẫu thuật tim vì lý do khác và có thêm chỉ định thay hoặc sửa van 2 lá trong cùng cuộc mổ.

- Lá van bị tổn thương do nhiễm trùng (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng)

- Bệnh nhân đã phẫu thuật thay van và van nhân tạo này không hoạt động bình thường

- Bệnh nhân có vấn đề về máu đông, nhiễm trùng hoặc chảy máu sau khi được thay van nhân tạo.

 Nguy cơ

Nguy cơ của phẫu thuật nói chung:

- Máu đông từ chân di chuyển lên phổi

- Mất máu

- Biến chứng hô hấp

- Nhiễm trùng bao gồm phổi, thận, bàng quang, ngực hoặc van tim

- Phản ứng với thuốc

Nguy cơ của phẫu thuật van tim:

- Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ

- Loạn nhịp tim

- Nhiễm trùng vết mổ ( thường xảy ra ở người béo phì, có đái tháo đường, hoặc đã phẫu thuật tim trước đây)

- Thay đổi trí nhớ hoặc tri giác

- Hội chứng sau mở màng tim, bao gồm sốt và đau ngực. Biến chứng này có thể kéo dài đến 6 tháng.

Giai đoạn sau phẫu thuật

Hầu hết các bệnh nhân sẽ trải qua 4 đến 7 ngày nằm viện sau mổ

Người bệnh sẽ hồi tỉnh tại đơn vị hồi sức tim (ICU). Người bệnh sẽ nằm điều trị tại đây từ 1 đến 2 ngày. Người bệnh được đặt 2-3 ống dẫn lưu vùng ngực để dẫn ra ngoài các loại dịch, máu quanh tim sau phẫu thuật. Các ống ngày thường được rút bỏ sau mổ 1-3 ngày.

Người bệnh cũng được đặt ống thông tiểu, các đường truyền tĩnh mạch. Các dấu hiệu sinh tồn (mạch, thân nhiệt, hô hấp, huyết áp) cũng được theo dõi kỹ lưỡng.

Người bệnh sẽ được chuyển ra phòng trại và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, triệu chứng đến khi xuất viện. Người bệnh được cho thuốc giảm đau sau mổ.

Điều dưỡng sẽ hỗ trợ người bệnh tập vận động ban đầu nhẹ nhàng. Người bệnh cũng được tập vật lí trị liệu để hỗ trợ cho chức năng tim mạch, hô hấp.

Tiên lượng

Van tim cơ học rất khó hư hại và có thể tồn tại từ 12-20 năm. Tuy nhiên, các khối máu đông có thể hình thành trên van. Nếu tình trạng này xảy ra, người bệnh có nguy cơ đột quỵ. Biến chứng chảy máu cũng có thể xảy ra nhưng ít gặp

Các van tim làm bằng chất liệu sinh học sẽ hư hại dần theo thời gian nhưng ít có nguy cơ hình thành máu đông hơn.

Trung tâm Tim mạch - BV Đại học Y dược TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X