Hotline 24/7
08983-08983

Phân biệt viêm amidan có mủ hay ung thư vòm họng như thế nào?

Bác sĩ bệnh viện quốc tế Mỹ AIH (TPHCM) cho biết viêm amidan có mủ và ung thư vòm họng đều xảy ra liên quan đến khu vực vòm họng và có những biểu hiện tương đồng, dễ nhầm lẫn.

Một ca phẫu thuật cắt amidan bằng kỹ thuật nạo cổ điển bóc tách cho bệnh nhân - Ảnh : Nguyễn Công Thành

* Tôi được biết một trong những nguyên nhân gây ung thư vòm hầu là do nhiễm virút EBV. Bác sĩ có thể trình bày rõ hơn nguyên nhân này, cụ thể là virút EBV? (Trần Hữu Tâm, Lâm Đồng, tamht03@...)

- Tuy ung thư vòm họng có mối liên quan chặt chẽ với virus Epstein-Barr (EBV) nhưng không phải tất cả những ai nhiễm EBV đều bị ung thư vòm họng.

Về cơ bản, nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng có thể đến từ rất nhiều nguồn, như chế độ ăn uống không lành mạnh, thuốc lá  và rượu…

* Cô tôi bị ung thư tế bào vảy ở thực quản. Bác sĩ cho biết thời gian tới sẽ phẫu thuật nội soi qua ngực. Bác sĩ cho tôi hỏi, phương pháp này ưu - nhược điểm như thế nào? Những biến chứng thường gặp sau phẫu thuật? (Nguyễn Văn Hậu, Quận 3, TP.HCM, haunguyen0405@...)

- Phẫu thuật nội soi qua ngực là phương pháp mới trong điều trị ung thư thực quản. Điểm nổi trội của phương pháp này là nạo vét được gần như triệt để các hạch di căn, điều mà trước đây thường bỏ sót dẫn tới tỷ lệ tái phát cao.

Các biến chứng có thể là biến chứng tại chỗ, tại vùng hoặc di căn xa. Biến chứng liên quan từng giai đoạn và tổng trạng của bệnh nhân. Bạn cần gặp trực tiếp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

* Tôi thấy các dấu hiệu ung thư vòm họng và viêm amidam khá giống nhau? Vậy làm sao để phân biệt, thưa bác sĩ? (Đàm Thúy Vân, Đà Nẵng, thuyvandam1514@...)

- Viêm amidan có mủ và ung thư vòm họng đều xảy ra liên quan đến khu vực vòm họng và có những biểu hiện tương đồng dễ nhầm lẫn. Bạn có thể phân biệt viêm amidan có mủ và ung thư vòm họng thông qua những dấu hiệu sau:

Viêm amidan có mủ:

+ Mủ xuất hiện giữa amidan và bao quanh amidan.

+ Vướng họng, đau nhói trong họng.

+ Đau lan lên tai, nuốt đau, không nuốt được.

+ Nước bọt tiết nhiều, đau khi há miệng lớn.

+ Sốt.

+ Hàm sưng…

Ung thư vòm họng:

+ Đau đầu: lúc đầu đau âm ỉ không thành cơn sau đau dữ dội và lan ra hai bên.

+ Ù tai: lúc đầu ù tai nhẹ một bên sau ù cả hai bên, nghe kém đi rất nhiều.

+ Ngạt mũi: ở giai đoạn ung thư tiến triển, bệnh nhân có thể bị ngạt mũi liên tục, chảy máu mũi, chảy mủ lẫn máu.

+ Nổi hạch góc hàm: hạch lúc đầu nhỏ, rắn có thể di động nhưng sau cứng dần và dính chặt vào vùng cổ, ấn có cảm giác đau và sau lan đến nhiều vị trí khác.

+ Liệt dây thần kinh sọ: xảy ra khi ung thư lan tới nền sọ khiến sự phối hợp các cơ quan kém.

Nếu nghi ngờ bệnh, tốt nhất bạn nên đi khám bệnh viện chuyên khoa để làm các xét nghiệm cần thiết.

* Được biết tỉ lệ mắc bệnh ung thư thực quản ở nam cao hơn ở nữ. Tại sao vậy bác sĩ? (Nguyễn Thị Tám, Đồng Tháp, suhoangmt@...)

- Nguy cơ mắc bệnh phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn uống sinh hoạt. Nam giới thường uống rượu bia, hút thuốc...Tuy nhiên, nhóm nguy cơ bị ung thư thực quản có cả nam và nữ.

* Mới đây, các bác sĩ kết luận ung thư thực quản giai đoạn cuối. Tôi rất hoảng loạn và rất mong nhờ bác sĩ tư vấn cách chăm sóc sức khỏe tinh thần để kéo dài sự sống? (Nguyễn Mạnh Hùng, Ninh Thuận, n.m.hung0241@...)

- Khi thể chất được nâng cao, kết hợp cùng một số phương pháp giúp ổn định tinh thần, suy nghĩ tích cực, hiểu đúng về phác đồ điều trị thông qua các cuộc trò chuyện với bác sĩ sẽ giúp bạn hạn chế được những suy nghĩ tiêu cực.

Bạn nên kiên trì điều trị vì đã có rất nhiều trường hợp chiến thắng ung thư ngoạn mục nhờ tuân thủ phác đồ điều trị khoa học, xây dựng lối sống khỏe mạnh và suy nghĩ lạc quan.

* Tôi đang mắc ung thư thực quản giai đoạn đầu, xin bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả? (Võ Thị An Thúy, Long An, anthuy23@...)

- Ung thư thực quản ở bất cứ giai đoạn nào cũng cần điều trị. Tùy thuộc vào từng giai đoạn sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau, phẫu thuật hay không phẫu thuật. Bên cạnh đó, ở mỗi giai đoạn mục tiêu để đạt được hiệu quả điều trị hướng tới sẽ khác nhau, vì vậy bạn cần tới cơ sở y tế để được tham vấn để khởi đầu quá trình trị liệu.

* Mới đây, tôi phát hiện nổi u hạch ở vị trí thường gặp nhất như vùng dưới xương hàm và vùng dưới cằm. Dấu hiệu này có liên quan đến ung thư miệng? (Lê Thị Tâm, Bình Định, lethitam94@...)

- Tốt nhất bạn nên đi khám bệnh viện chuyên khoa để làm các xét nghiệm cần thiết. Các triệu chứng này không kết luận được là ung thư miệng.

* Mặc dù không hề hút thuốc, uống rượu hay ăn thực phẩm lên men; trong nhà cũng không có người bị ung thư vòm hầu nhưng các bác sĩ vừa kết luận tôi bị ung thư vòm hầu giai đoạn đầu. Thưa bác sĩ, bệnh chữa khỏi hoàn toàn được không?  (Võ Thị Phước, Đắk Nông, phuocvo72@...)

- Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn với điều kiện bạn cần tuân thủ phác đồ điều trị và theo dõi định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ điều trị. Bác sĩ điều trị sẽ có kế hoạch dài hạn theo dõi và điều trị để phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát hoặc di căn liên quan tới bệnh lý của bạn.

* Qua kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ cho biết tôi bị ung thư giai đoạn hai, di căn hạch cổ kích thước 2,5cm, hạch hầu sau 15mm và đang hoại tử. Các bác sĩ hội chẩn quyết định điều trị bằng phương pháp hóa xạ trị kết hợp. Tôi rất băn khoăn về phương pháp này. Thưa bác sĩ, những biến chứng thường gặp sau phẫu thuật bằng phương pháp này? (Từ Văn Tú, Gia Lai, tvt.anbinh54@...)

- Các thuốc điều trị ung thư có xu hướng tiêu diệt các tế bào đang phát triển với tốc độ nhanh, trong đó sẽ bao gồm cả các tế bào ung thư và tế bào lành.

Việc tiêu diệt các tế bào lành gây nên các biến chứng trong điều trị ung thư bằng hóa trị. Trong đó hệ thần kinh, tủy xương, hệ tạo máu, hệ tiêu hóa, tóc… là nhóm những tế bào có tốc độ phát triển nhanh nhất và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hóa trị ung thư.

Tương tự, phương pháp này có thể gây ra một số biến chứng như: đỏ da, sạm da, viêm da khô, loét da; rối loạn tiêu hoá; viêm đường tiết niệu, sinh dục; xơ teo các tổ chức phần mềm vùng xạ trị.

Bạn nên được bác sĩ tư vấn kỹ những biến chứng có thể xảy ra để chuẩn bị tâm lý tốt nhất trước khi điều trị.

* Tôi bị ung thư hạ hầu giai đoạn đầu. Thưa bác sĩ những thói quen sinh hoạt nào giúp hạn chế diễn tiến bệnh? (Trần Thị Thanh Nguyên, huyện Bình Chánh, TP.HCM, cobala1964@...)

- Bệnh nhân bị ung thư hạ hầu sẽ có nguy cơ hình thành ung thư thứ hai ở đầu và cổ. Điều quan trọng là bạn cần theo dõi thường xuyên.

Ở giai đoạn I, việc điều trị có thể bao gồm cắt hạ hầu (loại bỏ một phần của hầu) và phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết hoặc các mô khác ở cổ. Một số bệnh nhân có di căn các hạch bạch huyết cổ có thể áp dụng liệu pháp xạ trị sau phẫu thuật. Một phương án điều trị khác là bạn chỉ cần áp dụng liệu pháp xạ trị để điều trị ung thư hạ hầu.

Bất cứ loại ung thư nào cũng cần tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Nên duy trì lối sống lành mạnh, cung cấp dinh dưỡng, giữ tinh thần lạc quan, nâng cao thể trạng để đáp ứng phác đồ điều trị.

* Các bác sĩ đều khuyến cáo ăn nhiều các món dưa muối chua dẫn đến ung thư dạ dày. Tôi muốn hiểu rõ hơn về cơ chế này như thế nào dẫn đến ung thư dạ dày ạ? (Đức Khiêm, 60 tuổi, duckhiemdoan@...)

- Dưa cà muối/cải bắp là món ăn quen thuộc của nhiều người Việt.

Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, ăn dưa không hề tốt cho sức khỏe. Bởi các loại rau xanh nói chung đều chứa muối nitrat. Trong khi muối dưa, nitrat bị vi khuẩn trong môi trường tác động tạo phản ứng oxy hóa chuyển thành nitrit.

Lúc bạn ăn dưa muối, hàm lượng axit trong dạ dày sẽ tạo điều kiện để nitrit tác động đến axit amin trong món ăn như thịt, cá, tôm... tạo thành hợp chất nitrosamine - 1 chất có khả năng gây ung thư.

* Thưa bác sĩ, mỗi lần căng thẳng là dạ dày tôi lại đau. Tần suất căng thẳng do công việc, gia đình gần đây lại nhiều, tôi lo lắng liệu có khiến tôi bị ung thư dạ dày không nếu tình trạng này kéo dài? (Minh Huệ, 53 tuổi, huephan66@...)

- Nhiều người bệnh vẫn cho rằng đau dạ dày chỉ xuất phát từ thói quen ăn uống không điều độ. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại, việc thường xuyên lâm vào tình trạng căng thẳng thần kinh do phải đối mặt với áp lực từ cuộc sống và công việc hàng ngày cũng là một nguyên nhân dẫn tới các vấn đề về dạ dày.

Nếu bệnh không được chữa trị từ đầu sẽ dẫn tới các biến chứng viêm loét dạ dày hay thậm chí là ung thư dạ dày về sau.

* Tôi được biết hiện nay có test hơi thở C13, C14 là phương pháp chẩn đoán được đánh giá là chính xác và thuận tiện nhất hiện nay giúp phát hiện vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) gây viêm loét dạ dày và có thể gây ung thư. Bác sĩ tư vấn giúp ưu nhược điểm của test này và nó có đủ độ tin cậy hơn là nội soi không ạ? (Ngọc Hân, 35 tuổi, lengochan@...)

- Tiêu chuẩn vàng vẫn là nội soi để tầm soát ung thư dạ dày. Việc test hơi thở: Ưu điểm là không xâm lấn cơ thể. Tuy nhiên chỉ đánh giá về HP chứ không thể phát hiện tổn thương khác như: Viêm loét, Polyp, Các giai đoạn bệnh...

* Tôi bị béo phì và được tư vấn là cắt bớt dạ dày - một trong những phương pháp giảm cân phù hợp dành cho người béo phì cơ địa như tôi. Tôi lo sợ liệu có ảnh hưởng đến dạ dày như thế nào? Cắt bỏ dạ dày có khiến cuộc sống tôi gặp trở ngại và lâu dài có gây ung thư dạ dày không? (Thu Hà, 30 tuổi, thuha.ngo@...)

- Béo phì là điều trị đa chuyên khoa. Phẫu thuật chỉ là 1 mắt xích mà thôi. Tuỳ thuộc chỉ định của bác sĩ sẽ cắt như thế nào, cắt ra sao...Ngoài phẫu thuật, bạn còn cần kết hợp điều trị thêm về sinh hoạt, dinh dưỡng, tâm lý...

Chắc chắn sẽ có đánh đổi nhiều nếu bạn quyết định thực hiện giảm cân bằng phương pháp này. Bạn cần hiểu đủ và đúng để chuẩn bị tốt tâm lý.

* Gần đây có nhiều bài báo cảnh báo việc thức khuya dẫn đến ung thư dạ dày. Nhưng tôi không tìm thấy được mối liên hệ nào giữa hai việc này, mong được bác sĩ giải thích cụ thể. (Ngọc Hòa, 37 tuổi, caingochoa@...)

- Thức khuya sẽ làm cho dạ dày của bạn hoạt động quá tải, tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa, dịch vị dạ dày tiết nhiều hơn dễ dẫn đến mắc các bệnh như viêm loét, tăng nguy cơ ung thư hình thành.

* Tôi bị viêm loét dạ dày, gần đây bị nhiễm trùng dạ dày. Tôi gần như không ăn uống được gì, thỉnh thoảng bị xuất huyết dạ dày. Bác sĩ có thể cho tôi biết phải làm sao, liệu tôi đã có dấu hiệu bị ung thư dạ dày chưa? Tôi mới nội soi dạ dày cách đây 2 tháng, nhưng bác sĩ cho thấy tôi bị viêm loét và nhiễm trùng thôi. (Xuân Thùy, 36 tuổi, thuynguyen1983@...)

- Ung thư dạ dày giai đoạn đầu hiếm khi gây ra các triệu chứng. Đây là một trong những lý do ung thư dạ dày rất khó phát hiện sớm. Các triệu chứng của ung thư dạ dày có thể bao gồm:

+ Ăn kém

+ Sụt cân

+ Đau bụng

+ Khó chịu mơ hồ ở bụng, thường ở phía trên rốn

+ Cảm giác no bụng sau khi ăn một bữa nhỏ

+ Chứng ợ nóng hoặc khó tiêu

+ Buồn nôn

+ Nôn, có hoặc không có máu

+ Đầy bụng

+ Có máu trong phân

+ Thiếu máu.

Hầu hết các triệu chứng này có nhiều khả năng gây ra bởi những bệnh lý khác ngoài ung thư, chẳng hạn như viêm dạ dày hoặc loét…. Chúng cũng có thể xảy ra với các loại ung thư khác.

Những người có bất kỳ vấn đề nào trong những triệu chứng này, nên tới gặp bác sĩ kiểm tra để có thể tìm ra và điều trị nguyên nhân.

Triệu chứng của bạn chưa rõ ràng để kết luận có ung thư dạ dày hay không. Lời khuyên duy nhất là bạn nên đến bệnh viện/phòng khám chuyên khoa ung bướu để theo dõi.

* Tôi không thích ăn rau từ nhỏ, đã gần 40 năm, liệu tôi có nằm trong nhóm nguy cơ bị ung thư dạ dày không? Tôi có uống bổ sung bằng viên rau (sản phẩm thông dụng của Nhật Bản), như vậy có đủ bù đắp lượng rau tươi không? (Phúc Minh, 40 tuổi, phucminh.dang@...)

- Chế độ ăn uống ít trái cây và rau được xác định là một trong các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Nhu cầu chất xơ và vitamin của người trưởng thành là 25- 30g/ngày, như vậy viên rau xanh sẽ không đảm bảo đủ nhu cầu. Bạn cần duy trì sức khỏe bằng chế độ ăn uống lành mạnh khoa học.

* Vi khuẩn HP dạ dày tồn tại trong không khí bao lâu thì bị chết, tức là không có thể gây bệnh? Có dung dịch tẩy rửa an toàn nào có thể sử dụng thường xuyên mà không ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình không ạ? (Minh Tâm, 49 tuổi, tam.minhdang@...)

- Thời gian sống của vi khuẩn HP ở ngoài môi trường không khí còn phụ thuộc vào độ ẩm, nhiệt độ. Trung bình thời gian sống trong không khí của vi khuẩn HP sau khi ra khỏi cơ thể được xác định là 60 phút tới 4 giờ đồng hồ. Môi trường nước và đất thì khác.

* Kết quả nội soi của tôi cách đây 2 tuần cho thấy tôi bị polip dạ dày 1.5cm, cho hỏi như vậy có nguy hiểm không, có nên cắt nó đi không? Nếu không cắt thì có tiến triển thành ung thư dạ dày không? (Ý Nhi, 39 tuổi, nhinguyen.y@...)

- Bạn cần phải sinh thiết xem như thế nào rồi mới cắt được bạn nhé.

* Mỗi ngày tôi đi đại tiện 4 đến 5 lần, hầu như ngày nào cũng vậy. Phân thì không ổn định, lúc lỏng lúc chặt. Trước đây tôi có nhiễm khuẩn HP nhưng đã điều trị khỏi. Vậy xin hỏi tiêu hóa và da dày tôi có bình thường không? Nếu cần khám thì khám chuyên khoa nào? Xin cảm ơn. (Lê Phú Cường, 45 tuổi, lecuong0574@...)

- Với các triệu chứng bạn mô tả thì đây là vấn đề về tiêu hóa dưới, rối loạn đi cầu và có thể là viêm nhiễm mãn tính. Bạn chắc chắn phải đi soi đại tràng mới có kết quả chính xác được.

* Xin chào bác sĩ. Năm nay tôi 45 tuổi, thường xuyên ợ nóng trào ngược dạ dày. Trước đây tôi có nhiễm vi khuẩn HP nhưng đã trị hết. Vậy tôi có nguy cơ ung thư dạ dày không và cần khám chuyên khoa nào? Xin cảm ơn. (Lý Kim Ngọc, xinhxinhfs@...)

- Trào ngược thực quản dạ dày nếu không được điều trị triệt để có thể dẫn đến các biến chứng như:

+ Viêm hệ thống hô hấp

+ Trào ngược dạ dày - thực quản dẫn đến hẹp thực quản

+ Barret thực quản

+ Ung thư thực quản.

Vì vậy bạn nên gặp các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật để được thăm khám và điều trị phù hợp.

Theo Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X