Hotline 24/7
08983-08983

Phân biệt thuốc kháng sinh và thuốc kháng viêm?

Nhiều độc giả viết thư hỏi cách phân biệt kháng sinh, trụ sinh và kháng viêm. Bài viết của BS Đào Ty Tách dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ điều này.

Kháng sinh theo ngữ nguyên antibiotic bao gồm hai từ anti nghĩa là kháng và bio nghĩa là vi sinh vật. Đây là các hợp chất có tác dụng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn.

Kháng sinh đầu tiên trên thế giới là Penicillin do nhà khoa học Alexander Fleming tìm ra một cách tình cờ khi đang nghiên cứu sự phát triển của loài nấm men Penicillinum. Sau này người ta càng ngày càng tìm ra nhiều loại kháng sinh mới có tác dụng diệt khuẩn mạnh hơn và phổ diệt khuẩn rộng hơn.

Trụ sinh là danh từ có ý nghĩa tương tự như kháng sinh nhưng thường dùng trước năm 1975 ở miền Nam, ngày nay ít người còn sử dụng. Dựa theo tác dụng, người ta chia ra hai loại kháng sinh, đó là kháng khuẩn và trụ khuẩn hay kềm khuẩn.

Kháng sinh có tác dụng kháng khuẩn khi tiêu diệt vi khuẩn tận gốc, còn kháng sinh kềm khuẩn chỉ hạn chế khả năng phát triển và sinh sản của vi khuẩn chứ không thể tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, khái niệm này chỉ có ý nghĩa tương đối vì người ta nhận thấy ở liều cao, các kháng sinh kềm khuẩn cũng có tác dụng diệt khuẩn.

Kháng sinh bao gồm nhiều nhóm có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Chẳng hạn như nhóm kháng sinh Penicillin có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gram dương. Nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ I, II có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gram dương, nhưng thế hệ III, IV lại có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gram âm. Nhóm Aminosid có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gram âm, trong khi nhóm Macrolid lại có tác dụng trên vi khuẩn gram dương. Nên nhớ, khi nhuộm bằng phương pháp nhuộm gram, vi khuẩn bắt màu hồng là gram âm, còn vi khuẩn bắt màu xanh là gram dương, và trên thực tế thì vi khuẩn gram âm độc hại hơn.

Hiện nay, tình trạng đề kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng. Các vi khuẩn lờn với hầu hết các loại kháng sinh, ngay cả các kháng sinh thế hệ mới. Nguyên nhân là do tình trạng dùng kháng sinh bừa bãi, bệnh gì cũng dùng kháng sinh, đánh kháng sinh bao vây. Nhiều dòng vi khuẩn đề kháng với hầu hết các loại kháng sinh đời mới, nói nôm na là “hết thuốc chữa”. Hai con vi khuẩn nổi tiếng hiện nay là vi khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa gây bệnh viêm phổi bệnh viện và vi khuẩn cơ hội Clostridium difficile gây bệnh tiêu chảy kéo dài.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Kháng sinh gây ra nhiều tác dụng phụ như dị ứng từ nhẹ là nổi mề đay và ngứa ngáy đến nặng là sốc phản vệ gây tử vong. Kháng sinh cũng gây độc cho gan, thận, máu và thần kinh. Đặc biệt kháng sinh hay gây loạn khuẩn đường ruột dẫn đến tiêu chảy mất nước nghiêm trọng và thiếu vitamin.

Hiện tượng viêm là gì? Viêm là một phản ứng của cơ thể đối với vật lạ, đó có thể là vi khuẩn hay siêu vi, đó có thể là một khối u mới nổi lên, đó cũng có thể là một chấn thương hay vết thương ngoài da. Phản ứng viêm thể hiện qua dấu hiệu sung, nóng, đỏ và đau do bạch cầu kéo đến và tiết ra chất prostaglandin. Thuốc kháng viêm là chất ức chế prostaglandin nên ức chế hiện tượng viêm.

Có hai loại thuốc kháng viêm chính: đó là thuốc kháng viêm không có steroid NSAID và thuốc kháng viêm steroid. Loại NSAID có tác dụng giảm đau hạ sốt nhưng có tác dụng phụ là gây xuất huyết dạ dày. Các thuốc kháng viêm steroid thường gọi nôm na thuốc “hạt dưa” hay “đề-xa”. Đây là loại thuốc có tác dụng rất mạnh nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ như giữ nước, suy thận, mục xương và suy giảm miễn dịch.

Theo BS Đào Ty Tách
Tuần Báo Văn Nghệ TPHCM số 432

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X