Hotline 24/7
08983-08983

Phân biệt tăng huyết áp và tăng huyết áp giả tạo

Nhiều người lo sợ khi đi khám bệnh, trong lúc đo huyết áp thì căng thẳng, hồi hộp làm huyết áp cao hơn bình thường gọi là tăng huyết áp giả tạo.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì phụ nữ trước tuổi trung niên có tỷ lệ bị "hội chứng" này cao hơn so với các lứa tuổi khác.

Nếu không nhận ra tăng huyết áp giả tạo mà điều trị như cao huyết áp thực sự có thể dẫn đến tụt huyết áp. Mặc dù chẩn đoán cao huyết áp là trách nhiệm của thầy thuốc nhưng chúng ta cũng cần biết đôi chút về hiện tượng này để tránh những tác hại.

Huyết áp trung bình của người Việt Nam là 120/80 mmHg, thường được gọi tắt là 12/8, trong đó 12 gọi là số huyết áp trên, 8 gọi là số huyết áp dưới. Hơn 10 năm trước, theo WHO, gọi là cao huyết áp khi số huyết áp trên cao hơn 16 hoặc số huyết áp dưới cao hơn 9,5; ở người cao tuổi, huyết áp 16 - 17 vẫn xem là bình thường không cần điều trị.

Nhưng quan niệm hiện nay có nhiều khác biệt. Gọi là cao huyết áp khi số huyết áp trên cao hơn 14 hoặc số huyết áp dưới cao hơn 9 và ở người có mức huyết áp 16 - 17 có nhiều nguy cơ gây hại cho tim, não, mạch máu… nên phải điều trị đưa huyết áp về dưới 14/9.

Cao huyết áp có năm triệu chứng chính

Nhức đầu: đau nhức phía sau gáy hay trước trán, thường vào buổi sáng, đôi khi kéo dài cả ngày.

Chóng mặt: cảm giác đi đứng không vững và hơi nặng đầu.

Mệt: cảm giác nặng ở ngực và hơi khó thở.

Yếu liệt tay chân vài giây đến vài phút.

Chảy máu cam: chảy máu giọt nhanh và nhiều do áp lực máu cao làm vỡ mạch máu nhỏ ở niêm mạc mũi. Nếu cao huyết áp không được phát hiện và chữa trị thì tình trạng chảy máu cam sẽ tái phát nhiều lần.

Hiện tượng cao huyết áp giả tạo thường do hai nguyên nhân

1. Do hồi hộp lúc đến khám bệnh làm tim đập nhanh, huyết áp tăng lên. Một số trường hợp số huyết áp trên có thể tăng cao từ 160 – 180 mmHg nhưng hiếm khi tăng đến 200 mmHg.

Tăng huyết áp giả tạo luôn đi kèm với nhịp tim nhanh, người bệnh có cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực… Sau khi nghỉ ngơi khoảng 30 phút thì huyết áp và nhịp tim trở lại bình thường.

Cũng có nhiều trường hợp phải nghỉ đến vài giờ số huyết áp trên mới ổn định. Trong một số trường hợp phải đo huyết áp tại nhà mới xác định được tăng huyết áp giả tạo.

2. Do xơ cứng động mạch cánh tay làm cho số huyết áp trên đo được cao hơn thực tế.

Hiện tượng này có thể gặp ở người già (khoảng 10%). Với những trường hợp này, bác sĩ sẽ cho thực hiện một số biện pháp đặc biệt để xác định tình trạng tăng huyết áp giả tạo.

Nếu không xác định được tăng huyết áp giả tạo mà điều trị như cao huyết áp thực sự thì sẽ gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh như tụt huyết áp, hạ huyết áp tư thế đứng (hiện tượng người đang nằm hoặc ngồi, khi đứng dậy nhanh thấy bị hoa mắt, không đứng vững, bị té ngã đột ngột)...


AloBacsi.vn
Theo ThS-BS Phan Hữu Phước - Phụ Nữ Online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X