Hotline 24/7
08983-08983

Phải làm gì để đối phó với kiến ba khoang?

Mùa này, kiến ba khoang "hoành hành" ở các quận, huyện ven đô của Hà Nội khiến người dân lo lắng. Vậy loài kiến này gây nguy hiểm như thế nào, phòng ngừa ra sao?... là vấn đề quan tâm lớn nhất hiện nay của mọi người. Kính mời quý độc giả tham khảo những tư vấn từ BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình.

I. Hà Nội, hàng nghìn người bị nhiễm độc kiến ba khoang đốt phải đến viện

Hai tuần qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận bệnh nhân viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tăng đột biến, mỗi ngày có khi khám hơn 100 bệnh nhân, trong khi ngày bình thường chỉ rải rác vài ca.

Bệnh nhân tập trung nhiều ở các quận, huyện ven đô của Hà Nội. Nhiều trường hợp 2-3 người trong cùng gia đình phải đi khám vì kiến ba khoang. Không ít trường hợp bị tổn thương nặng, thường đến khám sau 3-4 ngày có vệt đỏ đầu tiên do tiếp xúc độc tố của kiến.

Thông tin này khiến nhiều người lo lắng, nhất là khi độc tính của kiến ba khoang mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang và lại dễ nhầm lẫn với zona thần kinh.

Mời bạn đọc theo dõi phần tư vấn của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - chuyên gia tư vấn của AloBacsi giải đáp về tình trạng nhiễm độc kiến ba khoang và cách xử trí.

II. Kiến ba khoang xuất hiện thường ở đâu?

Gần đây các gia đình lo ngại nhiều về kiến ba khoang. Xin hỏi BS kiến ba khoang là gì, thường xuất hiện ở đâu?

Kiến ba khoang (hay kiến khoang) là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen - vàng cam xen kẽ. Kiến ba khoang còn có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến lác, kiến gạo, kiến nhốt, cằm cặp, kiến cong đít.

Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và ưa thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau những cơn mưa, nước ngập chúng không còn nơi cư trú, nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, bám vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn. Kiến ba khoang thường tiết ra chất dịch có thể làm tổn thương da người nếu tiếp xúc với dịch này.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Loài kiến này khi cắn (đốt) chúng ta thì gây nguy hiểm gì? Vì sao kiến ba khoang đáng sợ vậy ạ?

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ. Khi bị loài kiến này cắn (đốt) gây nguy hiểm rất nhiều, nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

Ngay cả khi kiến không đốt người thì chất độc trong cơ thể kiến giải phóng ra khi bị tác động, chà xát hoặc bị giết (do chúng ta có thói quen đập kiến là dùng tay đập) làm cho chất độc trong kiến tiết ra có thể làm tổn thương da người như bỏng da, viêm da.

Biến chứng nguy hiểm do kiến ba khoang đốt sẽ tùy thuộc vào vị trí kiến đốt. Nếu kiến đốt ở trên cơ thể, tay chân có thể gây ra biến chứng loét, sẹo xấu, sẹo thâm. Kiến đốt ở bộ phận sinh dục có thể gây loét tổn thương bộ phận sinh dục nếu không được điều trị đúng cách. Bị đốt hoặc dịch tiết của kiến dính tại mắt có thể gây phù nề, tổn thương giác mạc, ảnh hưởng thị giác.

III. Xử lý thế nào khi bị dính độc của kiến ba khoang?

Khi mới bị kiến ba khoang cắn, nên sơ cứu như thế nào, thưa BS?

Nếu không may bị kiến ba khoang cắn, mọi người nên sơ cứu như sau: trước tiên dùng cồn 70 độ hoặc sữa tắm dịu nhẹ rửa sạch vùng da bị thương tổn để giúp giảm khó chịu trên da. Sau đó, đưa bệnh nhân đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa Da Liễu khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng xấu xảy ra.

Trường hợp nạn nhân không rõ bị côn trùng gì cắn, vết cắn của kiến ba khoang có đặc trưng gì dễ nhận biết không ạ? Vết cắn sẽ có diễn tiến như thế nào?

Kiến ba khoang thường xuất hiện sau những đợt mưa, chúng theo những con côn trùng bay vào nơi có nhiều ánh sáng.

Kiến ba khoang có đặc điểm như:

- Thân mình thon, dài như hạt lúa: ngang 1-1.2cm; dài 2-3cm, thường có màu đen và vàng;

- Có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ;

- Bay và chạy rất nhanh;

- Cơ thể đôi khi màu cam tối màu, hay sậm màu và nhọn ở vùng bụng, vùng bụng trên và đầu màu đen.

Vết cắn có diễn tiến như sau: khi tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, trong vòng 24 giờ đầu, xung quanh vùng da bị đốt sưng và ngứa nghiêm trọng. Sau 2-3 ngày, các vùng da tiếp xúc sẽ đỏ dần và sưng phình ra, vết thương thành vệt dài hoặc thành đám.

Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ có điểm lỏm màu trắng vàng ở giữa như mụn nước khi bị phỏng. Nếu không giữ gìn cẩn thận mụn nước sẽ vỡ ra có thể làm rỉ dịch và tụ lại tạo thành dạng vết thương như vết bỏng có cảm giác đau rát, ngứa ngáy khó chịu, một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch.

Vết đốt của kiến ba khoang

IV. Phân biệt tổn thương da do kiến ba khoang và zona?

Nhờ BS hướng dẫn cách phân biệt tổn thương do kiến ba khoang với viêm da do zona?

Kiến ba khoang cắn có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt rất giống bệnh zona.

Bệnh zona thường gặp ở những người từng bị thủy đậu, với các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi có thương tổn. Tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể…

Khi bị kiến ba khoang cắn thì da bị tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Thương tổn tiếp tục xuất hiện trên da mặc dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp. Sau đó, có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

V. Bôi thuốc gì khi bị kiến ba khoang đốt, chăm sóc da thế nào?

Nếu đã xác định chắc chắn do kiến ba khoang đốt thì nên bôi thuốc gì ạ? Bị kiến ba khoang cắn có cần phải đến bệnh viện không, thưa BS?

Nếu đã xác định chắc chắn do kiến ba khoang đốt thì ngay sau khi tiếp xúc, cần:

- Loại bỏ côn trùng, không dùng tay trần để bắt, giết, miết;

- Người bị kiến ba khoang đốt cần rửa ngay bằng nước sạch và xà phòng, sau đó sau đó dùng cồn 70 độ sát khuẩn nhẹ loại bỏ tác động của chất độc.

Người bị kiến ba khoang đốt thì đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa Da Liễu khám tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ có cách xử trí phù hợp.

Đối với vết đốt có bóng nước chưa vỡ, cách chăm sóc vùng da này như thế nào ạ? Còn khi bóng nước đã vỡ thì nên làm gì, bôi thuốc gì?

Đối với vết đốt có bóng nước chưa vỡ, cách chăm sóc vùng da này là: Trường hợp nhẹ chỉ cần sát trùng, bệnh tự giới hạn. Da bị tổn thương nhẹ thì dùng nước sạch hay sữa tắm rửa nhẹ nhàng vết thương rồi bôi dung dịch xanh methylen lên vết thương để sát khuẩn, tránh bị nhiễm trùng. Vết thương sau 5-7 ngày sẽ khô và lành.

Khi vùng da bị tổn thương nặng đã phỏng rộp và bọng nước vỡ ra, tùy vào mức độ tổn thương mà bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp. Nếu tình trạng trung bình và nặng thì phải bôi thuốc dịu da, corticosteroid, uống kháng histamin, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm.

Vết cắn do kiến ba khoang sẽ lành trong thời gian bao lâu ạ?

Khi bị kiến ba khoang đốt, người bị đốt sẽ cảm thấy ngứa, da căng, đỏ một vùng da. Sau khoảng từ 6 - 12 giờ vết đỏ cộm thành vệt rồi nổi mụn nước to nhỏ không đều.

Sau từ 1 - 3 ngày vết kiến đốt thành phỏng nước, phỏng mủ gây đau đớn, độ rát tăng lên. Một số người xuất hiện cảm giác sốt nhẹ, nổi hạch, cổ đau,…

Khi tay dính nọc độc từ kiến ba khoang, nên rửa sạch tay với nước rửa tay. Tránh quệt tay có nọc độc của kiến vào mắt gây bỏng mắt.

Người bị kiến ba khoang đốt cần điều trị kịp thời trước khi da bị viêm và biến chứng thành viêm, loét. Các vết loét này có nhiều hình dạng khác nhau tùy vào mức độ lan rộng của nọc độc kiến. Thường bị kiến ba khoang đốt sẽ khỏi sau từ 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, sẽ để lại vết thâm lâu ngày.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình.

VI. Bí quyết trị thâm sau khi bị kiến ba khoang đốt

Theo BS, vết cắn của kiến ba khoang sau khi đã lành để lại vết thâm thì phải làm gì cho mau hết thâm ạ?

Vết cắn của kiến ba khoang sau khi đã lành để lại vết thâm. Cách xử trí vết thâm như sau:
- Trị vết thâm do kiến ba khoang cắn bằng các nguyên liệu thiên nhiên như mật ong, hành tây, nghệ, rau má,... để làm mờ sẹo, có thể đắp trực tiếp nguyên liệu lên sẹo. Tuy nhiên cách làm này thường tốn nhiều thời gian và chỉ áp dụng cho vùng da bị tổn thương nhẹ.

- Một số loại kem trị sẹo do kiến ba khoang đốt khá tốt và được ưa chuộng hiện nay có thể kể đến như kem nghệ, kem rau má, kem hành tây, Contractubex… Tuy nhiên cũng tương tự như cách điều trị sẹo từ nguyên liệu thiên nhiên, dùng kem bôi đòi hỏi phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài, hiệu quả còn tùy thuộc vào cơ địa và mức độ tổn thương của vết thâm.

- Điều trị vết thâm bằng công nghệ cao tại các thẩm mỹ viện như: lăn kim, sóng cao tần…

Các gia đình nên làm gì để phòng tránh, loại bỏ kiến ba khoang, thưa BS?

Để phòng tránh, loại bỏ kiến ba khoang bay vào nhà bằng cách:

- Hạn chế mở cửa nhiều, nhất là nhà ở gần cây cối, cánh đồng... Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà.

- Khi đi làm việc trên đồng ruộng, vườn cây (nhất là mùa mưa bão) cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng...

- Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng.

- Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

- Ngủ trong mùng/màn.

- Không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang.

- Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng...

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X