Hotline 24/7
08983-08983

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi tư vấn trực tuyến về Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh

Dành khoảng thời gian sít sao từ những công việc bộn bề tại khoa Phẫu thuật Tim mạch - BV ĐH Y Dược TPHCM, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi đã tặng cho bạn đọc AloBacsi 4 tiếng tư vấn quý báu.

Vừa bước vào cuộc tư vấn, BS Lê Minh Khôi nói ngay, “ca số 1, con của bạn đọc Phạm Thanh Vũ, đọc nghe buồn quá. Rất khó làm gì hơn để giúp em bé”. Dù rất bận rộn với các ca phẫu thuật, các cuộc hội thảo, các chuyến đi chuyển giao kỹ thuật y khoa cho các bệnh viện tỉnh, vị bác sĩ trẻ quê Quảng Ngãi vẫn muốn dành tối đa thời gian cho những vấn đề về sức khỏe tim mạch nhi.

Tấm lòng của bác sĩ cũng là sự mong mỏi của nhiều bạn đọc AloBacsi. Hơn 150 câu hỏi của các phụ huynh có con, cháu bị Tứ chứng Fallot, cơ tim xốp, suy tim, dị tật tim bẩm sinh… đã được gửi cho bác sĩ. Và số lượng câu hỏi vẫn tiếp tục đổ về khi cuộc giao lưu với BS Khôi bắt đầu.

15 phút trước cuộc giao lưu trực tuyến, nhiều bạn đọc trên Facebook đã xin link bài tư vấn của PGS.TS.BS Lê Minh Khôi để theo dõi. Do cuộc giao lưu trực tuyến được thực hiện ngay tại Khoa Phẫu thuật Tim mạch của BV ĐH Y Dược TPHCM để bác sĩ đỡ mất thời gian di chuyển, nhưng đường truyền Internet gặp trục trặc, nên việc cập nhật không được nhanh như bình thường. Rất mong bạn đọc lượng thứ.

 


NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

- Bạn đọc Phạm Thanh Vũ - phthanhvu00…@gmail.com, Long An

Bác sĩ ơi, con em sinh ra hay le lưỡi và thở khò khè, bé vẫn bình thường và vẫn đi khám định kỳ và chích ngừa ở BV Hùng Vương. Cho đến tháng thứ 8, bé sốt và thở gấp nên đem cháu đi cấp cứu BV Nhi Đồng 1 và được chẩn đoán bé bị tim bẩm sinh (tim lớn, bệnh cơ tim xốp).

BS nói chỉ có thay tim nhưng chỉ có nước ngoài mới thay được. Bây giờ em và gia đình không biết phải làm sao? Mong BS chỉ và giúp em có hướng đi đúng đắn. Con em hiện đang nằm ở khoa tim mạch - BV Nhi đồng 1. Xin hãy cứu giúp chúng em!

Em và gia đình rất mong được sự giúp đỡ của các BS. Em chân thành cảm ơn.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào Thanh Vũ,

Nếu đúng trường hợp của bé được chẩn đoán cơ tim xốp thì thực sự đó là một căn bệnh khó bởi vì trong quá trình bào thai có bất thường làm xoang trong cơ tim ngừng phát triển và chính vì ngừng phát triển nên cơ tim không hoàn chỉnh cả về co bóp cũng như giãn nở. Vì xoang không tiêu đi nên khi sinh ra trên tim có những rãnh rất sâu, nhìn giống như bị xốp bọt biển. Do đó, bệnh được gọi là cơ tim xốp (non-compaction myocardiopathy). Bởi vì cả chức năng co bóp cũng như giãn nở để rút máu về tim bị ảnh hưởng nên chức năng của tim rất kém.

Triệu chứng của bệnh này có thể xuất hiện sớm cũng có thể xuất hiện muộn. Khi chẩn đoán xác định bệnh cơ tim xốp thì việc điều trị chỉ là điều trị triệu chứng suy tim, điều trị bổ trợ, tăng cường thể lực cho bé, điều trị biến chứng cho bệnh lý này: suy tim, viêm phổi, suy dinh dưỡng…

Hiện nay, chưa có điều trị triệt để cho bệnh lý này ngoại trừ ghép tim. Thực sự với trường hợp của cháu rất khó. Ở Việt Nam hiện tại chưa ghép tim đại trà cũng như ghép tim cho trẻ em.


- Bạn đọc Trịnh Thị Phương - 28 tuổi, Đồng Nai

Nhờ AloBacsi chuyển câu hỏi đến BS Khôi giúp tôi,

Tôi đọc được một bài báo, trong đó có nói rằng thực tế hiện nay, số trẻ bị chẩn đoán muộn cũng như tỷ lệ bỏ sót các dị tật ở tim vẫn còn tương đối cao. Việc bỏ sót này có thể dẫn đến tử vong hoặc cho ra đời những đứa trẻ khiếm khuyết mà lẽ ra trẻ có thể được cứu sống hoặc có cuộc sống sau sinh tốt hơn nếu được can thiệp kịp thời.

Vậy xin hỏi BS trong trường hợp phát hiện sớm thì có thể sửa chữa dị tật tim bẩm sinh ngay từ trong bào thai không? Nếu được thì những bệnh như thế nào mới có thể sửa chữa? Sau khi sửa chữa thì sức khỏe, thể chất có phát triển như bình thường.

Vì tôi đang chuẩn bị có em bé trong năm nay nên rất lo lắng. Mong BS giải đáp giúp tôi. Thật lòng rất cảm ơn BS đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc chúng tôi hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn Phương,

Bệnh tim bẩm sinh chỉ xảy ra từ 8-12 trẻ trong 1.000 lần sinh ra sống. So với các dị tật bẩm sinh khác thì tim bẩm sinh là dị tật thường gặp nhất. Tuy nhiên, trường hợp của mình không cần phải lo lắng quá. Việc lo lắng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người chuẩn bị mang thai.

Số trẻ bị chẩn đoán muộn cũng như tỷ lệ bỏ sót các dị tật ở tim vẫn còn tương đối cao, điều này đúng tuy nhiên hiện nay trình độ sàng lọc, chẩn đoán tại Việt Nam đã cải thiện rất nhiều. Cho nên có thể phát hiện sớm và nhiều bệnh lý phức tạp chứ không còn bỏ sót nhiều nữa.

Vì sao hiện nay chúng ta có phát hiện sớm:

- Ý thức xã hội ngày càng cao
- Năng lực chẩn đoán của BS đã được cải thiện rất nhiều
- Có sự hỗ trợ của máy móc, đặc biệt là siêu âm tim. Thậm chí chúng ta còn phát hiện ngay từ khi còn trong bào thai.

Nếu như một số thai kỳ khi phát hiện sớm trong bào thai có thể có kế hoạch chẩn đoán sớm, sinh ở những trung tâm ở BV có khả năng can thiệp cho các bé, từ đó sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong trong 1 số bệnh lý tim phức tạp.

Trên thế giới hiện nay đã tiến hành can thiệp tim bẩm sinh trong giai đoạn bào thai. Ví dụ như hội chứng tim trái thiểu sản, người ta sẽ đưa dụng cụ vào qua thành bụng mẹ vào trong tim của bào thai để nong qua thì van của bào thai có khả năng tự lành rất tốt. Do đó, can thiệp sớm trong bào thai thì khả năng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh đều cần phải và có thể can thiệp sớm trong bào thai bởi vì chỉ có 1 số trung tâm tiên tiến mới có thể thực hiện can thiệp này. Hơn nữa, sự can thiệp này cũng có tỷ lệ biến chứng khá cao.

Riêng ở Việt Nam, hiện nay chẩn đoán tim bẩm sinh trong bào thai đang được quan tâm rất đặc biệt. Thực tế, ở TPHCM đã phát hiện rất nhiều trường hợp. Tuy vậy, ở Việt Nam chưa thể can thiệp trong giai đoạn bào thai. Có thể trong 3-5 năm nữa, một trung tâm nào đó ở TPHCM có thể can thiệp nhưng việc can thiệp này sẽ chỉ ở một số trung tâm.

Tuy nhiên, tỷ lệ bị tâm bẩm sinh chỉ xảy ra khoảng 1%. Do đó bạn không nên quá lo lắng bạn nhé.

Điều quan trọng để phát hiện sớm thì phải có lối sống lành mạnh (không hút thuốc, bia rượu, không tự ý sử dụng thuốc trước và trong giai đoạn thai kỳ). Với những phụ nữ bị đái tháo đường thì phải kiểm soát đường huyết tốt. Bắt buộc phải khám thai định kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ bởi vì trong 3 tháng này BS có thể khám lâm sàng đánh giá nguy cơ, sau đó làm siêu âm, nếu cần xét nghiệm khác để tầm soát nếu có nghi ngờ.

BS Lê Minh Khôi trong vòng tay âu yếm của một bệnh nhi đặc biệt. Thật nhiều yêu thương và tin cậy!

 

- Bạn đọc Vũ Thị Uyên - Hà Nam

Chào bác sĩ,

Cháu em 3 tuổi, có kết quả khám lâm sàng bị tim bẩm sinh Fallot IV, hiện giờ đang bị viêm phổi, cháu khó thở quấy khóc tím tái người. Bác sĩ cho em hỏi trường hợp này có chữa được khỏi không và tỷ lệ thành công được bao nhiêu phần trăm, có di chứng gì về sau không? Cảm ơn bác sĩ.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào em Uyên,

Tứ chứng Fallot là bệnh tim bẩm sinh có tím thường gặp nhất. Bệnh có 4 tổn thương quan trọng:

- Lỗ thông liên thất rất lớn

- Động mạch chủ lệch ra trước (động mạch chủ cưỡi ngựa)

- Hẹp nặng động mạch phổi

- Dày và giãn thất phải

Vì hẹp nặng động mạch phổi nên máu không lên phổi đủ để trao đổi oxy. Vì máu không lên phổi nên đi ra ngoại biên nên gây ra thể tím. Tùy mức độ nặng của hẹp động mạch phổi mà bé có thể tím sớm hoặc tím muộn hoặc có những cơn ngất. Trước đây, nếu không được điều trị thì cháu bé có thể bị tím, ngất, đột tử hoặc cô đọng máu… Tuy niên, hiện nay việc điều trị tứ chứng Fallot đã được huyển hóa và đã có rất nhiều trung tâm phẫu thuật tim ở Việt Nam có thể làm được: Viện Tim TPHCM, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Tim Tâm Đức, BV Trung ương Huế, BV Nhi Quốc gia, BV Tim Hà Nội, BV Đà Nẵng.

Riêng tại Trung tâm Tim mạch - BV Đại học Y Dược TPHCM là một trong những trung tâm phẫu thuật tim mà đặc biệt quan tâm đến bệnh lý Tứ chứng Fallot này. Chính vì vậy, chúng tôi có thể phẫu thuật từ rất sớm khi cháu bé được 6 tháng và nặng trên 5kg. Phẫu thuật này mang lại kết quả rất tốt.

Tuy nhiên, về lâu dài (VD: 10 năm, 20 năm) vì một số trẻ ban đầu có van động mạch phổi quá nhỏ mà khi phẫu thuật phải xẻ van đó, các cháu bé này sẽ bị hở van động mạch phổi. Nếu hở van động mạch phổi nặng thì dần dần thất phải sẽ bị giãn ra làm hở van 3 lá, rối loạn nhịp, suy tim, đột tử. Lúc đó, chúng ta cần phải thay van động mạch phổi. Thay van động mạch phổi thì chúng ta có thể phẫu thuật lại. Hiện nay, một điều may mắn là thay van động mạch phổi qua da có thể thể thực hiện được một cách an toàn và hiệu quả. Do vậy, chúng ta cũng không cần phải lo lắng.một cháu bé có thể phát triển bình thường, vận động, tập thể dục, thể thao vừa phải, đến trường, lấy vợ/ chồng, sinh con.

Trường hợp của bạn, bé được 3 tuổi khả năng đủ lớn để phẫu thuật triệt để. Tuy nhiên, để trả lời chính xác cần phẫu thuật thế nào, nguy cơ về lâu dài thì bạn cần đưa bé đến Trung tâm Tim mạch BV Đại học Y Dược TPHCM để khám và được tư vấn, điều trị tốt hơn.


- Bạn đọc Hoàng Ngọc Nhi - Bình Dương

Con gái tôi được 16 tháng tuổi, cân nặng chỉ mới được 7.9kg, bé bị suy dinh dưỡng, vừa rồi tôi có đưa bé đi khám ở BV Nhi đồng 1 thì phát hiện bé bị tim bẩm sinh, thông liên nhĩ lỗ thứ phát, d=2mm, shunt T->p, không cao áp phổi.

Bác sĩ cho tôi hỏi tình trạng bệnh tim của con tôi như vậy có phải can thiệp gì không, hay chỉ theo dõi tái khám 6 tháng 1 lần?

Về dinh dưỡng: Làm sao cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của bé? Bé ăn ngày 4 bát cháo, uống khoảng 300ml sữa. Cảm ơn bác sĩ.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn Ngọc Nhi,

Bé 16 tháng, nặng 7.9 kg là bị suy dinh dưỡng. Bé được chẩn đoán bị tim bẩm sinh, thông liên nhĩ lỗ thứ phát, d=2mm, shunt T->p, không cao áp phổi. Thực sự lỗ thông ở nhĩ chỉ 2mm thì chắc chắn không gây ảnh hưởng gì về mặt huyết động cả. Do đó, trường hợp của bạn là bệnh tim bẩm sinh nhưng rất nhẹ. Nếu là 2mm thì không cần phải can thiệp, chỉ cần theo dõi tái khám 6 - 12 tháng 1 lần.

Việc suy dinh dưỡng không phải do bệnh tim bẩm sinh mà do nhiều nguyên nhân khác. Đặc biệt là cách nuôi dưỡng là chủ yếu. Để điều trị suy dinh dưỡng bạn cần cho bé đi khám Nhi để biết chính xác suy dinh dưỡng là do chế độ ăn hay do bệnh lý khác mà chúng ta chưa biết. Ba mẹ nên tạo được bữa ăn vui vẻ, đầy đủ chất tinh bột, đạm, và rau củ quả. Tuy nhiên, vấn đề dinh dưỡng ở trẻ em rất khó để tư vấn mà không qua thăm khám. Do đó, tốt nhất bạn nên cho bé đến khám với BS Nhi chuyên khoa dinh dưỡng.

- Bạn đọc Phú Đỗ - phudx…@gmail.com

Xin hỏi bác sĩ, cháu nhà tôi mới được 1 tuổi, mắc bệnh tim bẩm sinh Fallot IV, vậy có phải mổ không? Cảm ơn bác sĩ!

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Bạn có thể xem thêm câu trả lời trước. Bé đã 1 tuổi thì bạn nên cho bé đến các chuyên khoa tim mạch nhi như đã nói ở trên. Tứ chứng Fallot chắc chắn là phải phẫu thuật bạn nhé!

- Bạn đọc Tạ Thị Thu Hoài - thoai198…@gmail.com

BS Khôi ơi,

Con trai em nhịp tim thường rất nhanh kể cả khi bé không chạy nhảy, có khi em đếm đến 120 nhịp/phút. Em muốn hỏi BS như sau:

Nhịp tim bình thường của trẻ em là bao nhiêu? Khi nhịp tim của trẻ bất thường cha mẹ nên làm thế nào? Làm sao để các bà mẹ nhận biết trẻ bị loạn nhịp tim? Chẩn đoán rối loạn nhịp tim nhanh như thế nào?

Chân thành cảm ơn BS đã giải đáp.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn Thu Hoài,

Thứ nhất, bạn không cho biết tuổi chính xác của bé nên không thể nói chắc chắn là bé bị tim nhanh hay không. Tuy nhiên, một quy tắc dễ nhớ đó là trẻ càng nhỏ thì tần số tim càng nhanh do cấu trúc cơ tim nhỏ, muốn đảm bảo lượng máu theo nhu cầu cơ thể thì tim phải tăng tần số tim. Trẻ có nhu cầu chuyển hóa cao hơn so với người lớn do đó bé sẽ thở nhanh hơn, tim đập nhanh hơn cũng là điều bình thường.

Tuy nhiên, nếu chỉ có tim nhanh thôi mà không có biểu hiện khác như ngất xỉu, tím hoặc cảm giác đánh trống ngực, hụt hẫng trong tim… thì thường không phải triệu chứng nguy hiểm. Nhưng cần phải xem xét các yếu tố khác gây tăng tần số tim: ví dụ con bạn có bị cường giáp không, có bị thiếu máu không… Muốn chẩn đoán thì bạn cần đưa bé đến chuyên khoa nhé.

Để mẹ chẩn đoán được rối loạn nhịp tim là một vấn đề khó. Nếu bạn nghi ngờ thì nên đưa trẻ đi khám. Đặc biệt là trường hợp bắt mạch thấy nhanh, nhẹ, không đều, lúc hụt lúc ngừng thì đó là dấu hiệu bắt buộc phải đi khám. Thậm chí khi đi khám thì với BS chuyên khoa cũng không thể chỉ với lâm sàng mà chẩn đoán được bệnh, BS sẽ khám lâm sàng, xem xét các yếu tố làm ảnh hưởng nhịp tim, bắt buộc đo điện tim. Trong một số trường hợp khó, BS phải đo điện tim kéo dài 24 giờ mới có thể chẩn đoán được. Tuy nhiên, rối loạn nhịp tim ở trẻ em thì ít gặp hơn với người lớn, đặc biệt là ở người già.

- Bạn đọc Trần Trọng Dũng - trongdung…@yahoo.com - Bình Định

Em chào AloBacsi,

Em đọc thông tin trên trang thấy chuẩn bị giao lưu với BS Lê Minh Khôi nên em muốn nhờ AloBacsi gửi thắc mắc của em đến BS Khôi ạ.

Trong tất cả các bệnh tim bẩm sinh có bao nhiêu bệnh do di truyền?

Em thấy như trường hợp của chị gái và anh rể em sức khỏe đều bình thường nhưng tại sao cháu sinh ra lại bị thông liên nhĩ? Nguyên nhân do đâu, điều gì tác động đến việc sinh ra trẻ bị tim bẩm sinh? Các cặp vợ chồng nên làm gì để phòng ngừa cho trẻ không bị tim bẩm sinh?

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào Trọng Dũng,

Bệnh tim bẩm sinh trong đa số trường hợp là không biết nguyên nhân. Chỉ một só trường hợp chứng minh được bệnh tim bẩm sinh có yếu tố di truyền, môi trường. Một số bệnh lý di truyền làm tăng cao nguy cơ bị bệnh tim bẩm sinh như: Down, 3 NST 18, 3 NST 13, hội chứng Turner, hội chứng DiGeorge, hội chứng William, hội chứng Noonan, hội chứng Marfan… Ngoài ra, còn có thể do người mẹ lớn tuổi, mẹ bị đái tháo đường, dùng một số thuốc Vitamin A liều cao, thuốc chống động kinh hoặc một số thuốc có chất độc arsen, cảm cúm... Những bệnh lý kể trên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh chứ không bắt buộc có các bệnh lý này thì chắc chắn sẽ mắc tim bẩm sinh.

Đa phần các trường hợp bị tim bẩm sinh là xuất hiện đơn độc và không tìm được nguyên nhân đẻ giải thích. Thậm chí, nhiều nhân viên y tế cũng bị tim bẩm sinh, do đó không thể nào nói trước được ai có khả năng sinh con bị tim bẩm sinh.

Do đó, anh chị bạn muốn giảm nguy cơ sinh con bị bẩm tim sinh thì:

- Nên sinh con ở độ tuổi thích hợp (ví dụ người mẹ sinh con sau 35 tuổi thì nguy cơ rối loạn NST cao, sinh con nguy cơ bị dị tật trong đó có dị tật tim bẩm sinh cao hơn).

- Điều trị tất cả bệnh lý về chuyển hóa, đặc biệt là đái tháo đường trước khi lên kế hoạch mang thai, với những phụ nữ thì nên tiêm ngừa Rubella,

- Có lối sống lành mạnh, không hút thuốc, rượu bia, không dùng chất kích thích và đặc biệt là tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, kể cả thuốc nam, thuốc tây nếu như không được tư vấn kỹ càng trong thai kỳ.

- Khi có thai thì phải khám thai định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu cảnh báo dị tật bẩm sinh ở bào thai trong đó có bệnh tim bẩm sinh.


- Bạn đọc Huỳnh Diễm - Email: bhuynh…@gmail.com

Xin chào PGS.TS Lê Minh Khôi,

Con em mới đẻ ra đã bị tim bẩm sinh. Được bác sĩ BV Nhi đồng 2 chẩn đoán là bệnh không van động mạch phổi thông liên thất. Đã được bác sĩ thông tim đặt ống stent và đã xuất viện về uống thuốc.

Cháu mới 3 tuần tuổi, em rất lo tình trạng sức khỏe của cháu sau này em. Mong bác sĩ tư vấn bệnh của cháu giúp em ạ. Xin chân thành cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn,

Bệnh tim bẩm sinh không lỗ van động mạch phổi kèm thông liên thất có thể được xem là thể nặng hơn của tứ chứng Fallot. Thông thường, bệnh này sẽ được phân thành 4 mức độ từ nhẹ đến nặng. Mức độ 1,2 có thể điều trị được. Mức độ 3 điều trị được nhưng phải nhiều lần. Mức độ 4 thì hầu như không thể điều trị.

Nếu tứ chứng Fallot thì vẫn còn luồng máu qua van động mạch phổi để lên phổi dù ít thì trong bệnh thông lỗ van động mạch phổi kèm thông liên thất thì hoàn toàn không có máu từ tim trực tiếp lên phổi.

Chính vì vậy, để trẻ có thể sống được bắt buộc phải có dòng máu từ động mạch chủ đổ sang động mạch phổi. Dòng máu này có thể thông qua ống động mạch hoặc qua các mạch máu bất thường được gọi là tuần hoàn bàng hệ chủ phổi.

Trong trường hợp của bé chắc chắn có ống động mạch để máu đi từ động mạch chủ vào động mạch phổi. Tuy nhiên, ống động mạch này có thể sẽ bị đóng lại sau sinh. Chính vì vậy, các BS ở BV Nhi đồng 2 đã đặt 1 stent vào ống động mạch để duy trì sự thông thường trong 1 thời gian dài.

Trong thời gian này rất quan trọng để cháu bé phát triển về mặt thể chất và hệ động mạch phổi phát triển đủ lớn để đến thời điểm thích hợp chúng ta có thể phẫu thuật sửa chữa triệt để. Phẫu thuật sửa chữa triệt để của bệnh không lỗ van động mạch phổi kèm thông liên thất phức tạp hơn sửa chữa tứ chứng Fallot và cần phải sử dụng 1 ống ghép nhân tạo nối thất phải vào động mạch phổi.

Hiện tại cháu bé mới 3 tuần tuổi thì chắc chắn chưa thể phẫu thuật triệt để được, chính vì vậy điều quan trọng là phải uống thuốc đều đặn để đảm bảo stent hoạt động tốt, đảm bảo cung cấp máu cho phổi, việc chăm sóc nuôi dưỡng cháu bé cũng cực kỳ quan trọng đẻ bé có thể lớn, đủ sức khỏe để chịu được cuộc phẫu thuật sau này.

Việc trước mắt là bạn nên tập trung chăm sóc cho bé, tái khám đúng theo hẹn, phát hiện sớm bất cứ biểu hiện bất thường nào, ví dụ như ho, sốt, ngất, tím để vào BV kịp thời. Hiện tại, ở BV Đại học Y dược có thể phẫu thuật bệnh này với bệnh nhi từ 8kg trở lên.

Nếu phẫu thuật sửa chữa triệt để được thì sức khỏe của cháu bé cũng rất khả năng, có thể vận động, vui chơi, học tập, làm việc như bình thường, có thể lập gia đình, sinh con.

- Bạn đọc Đỗ Hùng Cường - Email: cuong…@gmail.com

Dạ chào bác sĩ! Con em bị tim bẩm sinh với chẩn đoán bị thông liên thất phần màng 4mm, hiện bé 18 tháng, nặng 9,5kg. Em muốn đưa bé vào TPHCM chữa trị thì nên đến bệnh viện nào? Trường hợp của bé ngồi máy bay có ảnh hưởng gì và có cần hỗ trợ gì không ạ? Em cảm ơn bác sĩ!

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Cháu bé 18 tháng, nặng 9,5kg là phát triển rất tốt. Thông liên thất phần màng 4mm là không phải lớn, cho nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cháu. Một số trường hợp thông liên thất phần cơ và thông liên thất phần màng lỗ nhỏ có thể tự đóng. Thường có thể đóng trong 5 năm đầu .

Tuy nhiên, để chẩn đoán một cách chính xác vị trí, kích thước cũng như ảnh hưởng của thông liên thất đến huyết động và các cấu trúc lân cận trong tim, ví dụ như van động mạch chủ, vạn 3 lá, thì cần phải được đánh giá bởi 1 BS chuyên khoa tim mạch Nhi. Bạn có thể trực tiếp đến một số BV: Viện Tim TPHCM, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Tim Tâm Đức, BV Trung ương Huế, BV Nhi Quốc gia, BV Tim Hà Nội, BV Đà Nẵng, BV Đại học Y Dược TPHCM hoặc trực tiếp đến PGS.TS.BS Lê Mình Khôi.

Riêng cháu bé thì có thể đi máy bay mà không cần phải lo lắng gì.


- Bạn đọc Mai Hương - TPHCM

Chào bác sĩ,

Con tôi 22 tháng tuổi, bị tim bẩm sinh (APSO TYPE III + MAPCAs), 2 tháng trước bé phẫu thuật có đặt ống thông nối các MAPCA với 2 nhánh ĐMP, giờ bé phải uống ASPIRIN 81mg thường xuyên, ngày 1/2 viên, chống kết dính tiểu cầu.

Hiện tại bé đang bị viêm tai giữa cấp, bác sĩ kê kháng viêm Corticoid-Prednisone (Solupred). Tôi muốn hỏi cho bé uống chung ASPIRIN + SOLUPRED, 2 loại kháng viêm cùng lúc có được không? Theo tôi được biết ASPIRIN cũng là kháng viêm nhưng là kháng viêm không Steroid. Cảm ơn bác sĩ.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn Mai Hương,

Xin được giải thích rõ với bạn, bệnh tim bẩm sinh (APSO TYPE III + MAPCAs) có nghĩa là bệnh không lỗ van động mạch phổi kèm thông liên thất như đã nói ở câu trả lời cho bạn Huỳnh Diễn. Như chúng tôi đã tư vấn ở mức độ 3 là mức độ nặng có MAPCAs có nghĩa là có tuần hoàn bàng hệ chủ phổi dẫn máu từ động mạch chủ phổi vào nhu mô phổi.

Điều trị bệnh này rất phức tạp và phải qua rất nhiều bước với mục đích là huy động càng nhiều mạch máu nuôi phổi càng tốt và kết nối các nhánh này với nhau để tạo nên nhánh động mạch phổi lớn (trong chuyên môn gọi là phẫu thuật hợp lưu các tuần hoàn bàng hệ) để sau này có thể phẫu thuật sửa chữa triệt để được.

Hiện tại, cháu bị viêm tai giữa cấp, phải uống corticoid, có thể vẫn có thể uống được cortioid theo chỉ định của BS Tai Mũi Họng. Tuy nhiên, thời gian sử dụng corticoid không nên kéo dài. Tốt nhất là dưới 1 tuần. Aspirin cũng được coi là thuốc chống viêm nhưng là thuốc chống viêm yếu. Trong trường hợp này Aspirin chủ yếu là để tránh kết tập tiểu cầu.



- Bạn đọc Đinh Thu Hằng - Xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

Em đang có thai 22 tuần, không may cháu bị tim bẩm sinh hội chứng Fallot 4. BS ơi, có cách nào giảm thiểu sự phát triển của bệnh tim bẩm sinh ở bé khi bé ra đời không? Sau khi ra đời bao lâu thì bé được mổ tim? Vợ chồng em hiện đang rất hoang mang. Rất mong nhận được sự tư vấn của BS. Chân thành cảm ơn BS Khôi.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn Thu Hằng,

Như đã tư vấn ở trên. Bệnh tứ chứng Fallot là bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhất tuy nhiên với phương tiện kỹ thuật hiện nay cũng như tay nghề phẫu thuật và hồi sức của BS thì các bé mắc bệnh tứ chứng Fallot có thể được chẩn đoán, điều trị một cách thành công và có một đời sống có chất lượng cao.

Hiện tại chưa có phương pháp để giảm thiểu bệnh tim bẩm sinh ở trẻ khi bé ra đời. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị hiện nay như: đặt stent ống động mạch trong giai đoạn sớm giúp cháu bé phát triển tốt về thể lực cũng như trí não và sau đó là phẫu thuật triệt để từ tháng thứ 6 trở đi. Như vậy bạn có thể yên tâm gìn giữ sức khỏe để bào thai phát triển tốt, không nên quá hoang mang vì tâm lý lo lắng cũng ảnh hưởng rất xấu đến bé. Bạn nên tin tưởng bé sẽ được điều trị thành công sau này.


- Bạn đọc Dương Minh Truyền
- Email: dstress…@gmail.com

Chào bác sĩ!

Hiện nay bé nhà em được 19 tháng rồi, lúc 8 tháng em phát hiện bé bị tim bẩm sinh sau đó vào BV Nhi đồng 2 kiểm tra, bác sĩ bảo bé bị hẹp van động mạch phổi (ĐMP), sau đó can thiệp bằng hình thức thông tim bằng bóng.

Sau khi thông tim, em đưa bé đi tái khám theo định kỳ, tình hình diễn biến phát triển tốt, nhưng đợt vừa rồi bác sĩ lại kết luận là: Hẹp van ĐMP đã nong, vòng van 11,5mm; vòng van hẹp nhẹ; Hở van 3 lá 1/4, buồng tim phải dãn nhẹ, chức năng co bóp thất tốt.

Sau đó bác sĩ cho lịch 1 năm sau mới tái khám lại. Em rất lo lắng về tình trạng của bé. Xin BS cho biết làm cách nào để khắc phục tình trạng của bé một cách sớm nhất?

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn,

Hẹp van động mạch phổi bẩm sinh là một bệnh cũng khá thường gặp và có nhiều thể khác nhau. Riêng đối với cháu bé đã được nông van bằng bóng thành công lúc 8 tháng tuổi thì khả năng là cháu bị hẹp tại van động mạch phổi.

Biện pháp điều trị hẹp van động mạch phổi hiện nay là dùng bóng để nong mà không cần phải phẫu thuật như trước đây. Đây là thủ thuật được chuẩn hóa đơn giản, thực hiện nhanh chóng, ít biến chứng và tỷ lệ thành công cao.

Thường sau khi nông van  thì vẫn còn hẹp tồn lưu ở mức độ nhẹ trong giới hạn chấp nhận được (chênh áp qua van dưới 20mmHg). Trường hợp của bé được kết luận: Hẹp van ĐMP đã nong, vòng van 11,5mm; vòng van hẹp nhẹ; Hở van 3 lá 1/4, buồng tim phải dãn nhẹ, chức năng co bóp thất tốt thì không có gì phải lo lắng nhiều. Hở van 3 lá ¼ là tình trạng hở van nhẹ mà rất nhiều người không mắc bệnh tim vẫn có thể có, mức độ hở van này không ảnh hưởng đến chức năng tim. Chính vì vậy mà BS mới hẹn 1 năm sau tái khám. Tôi nghĩ kết quả nong vành của cháu đã rất tốt. Bạn không nên quá lo lắng mà cứ yên tâm theo dõi định kỳ.


- Mẹ bé Nguyễn Bảo Huy - TPHCM

Chào bác sĩ,

Con em được 14 tháng (cao 72cm, nặng 8kg), bé bị tim bẩm sinh (APSO TYPE III), bé rất hay bị viêm đường hô hấp, cả hô hấp trên và dưới, vì thế hay phải uống kháng sinh thường xuyên. Hiện tại bé đã uống kháng sinh 2 tháng liên tục.

Em biết dùng kháng sinh nhiều như vậy là không tốt nhưng không còn cách nào khác. Cứ ngưng kháng sinh được mấy ngày là bé lại sốt và bệnh lại nặng thêm.

Hiện tại bé đang bị viêm tai giữa và khò khè, xin bác sĩ cho em lời khuyên cách chăm sóc bé tốt nhất trong hoàn cảnh này. Bé rất rất còi, mấy tháng trời cân nặng chỉ giữ nguyên hoặc giảm không tăng. Xin bác sĩ giúp đỡ. Chân thành cảm ơn.

Bé đang uống AUGMENTIN 500mg, ngày 2 lần.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Mẹ của bé Huy thân mến,

Trường hợp của bé được chẩn đoán tim bẩm sinh (APSO TYPE III) tuy nhiên bạn không cho chúng tôi biết bé được can thiệp hay phẫu thuật gì chưa nên khó có thể đưa ra lời khuyên cụ thể.

Với bệnh lý tim bẩm sinh APSO TYPE III (không lỗ van động mạch phổi thông liên thất) thì cần phải được khám lâm sàng, siêu âm, chụp mạch máu để khảo sát toàn bộ động mạch chủ và động mạch phổi để có thể đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể.

Bạn nói cháu đã uống kháng sinh 2 tháng liên tục, tuy nhiên BS không biết là kháng sinh này là theo đơn của BS chuyên khoa Nhi hay bạn tự ý mua thuốc uống. Nếu tự cho uống thuốc thì đó là điều không nên, cần phải đánh giá lại tình trạng tim mạch và phổi để hiểu rõ tại sao cháu liên tục bị viêm hô hấp.

Hiện tại cháu đang bị viêm tai giữa và khò khè thì lời khuyên tốt nhất là nên đi khám BS chuyên khoa Nhi (tim mạch hoặc hô hấp) để tránh những diễn tiến không thuận lợi cho sức khỏe của cháu.


- Bạn đọc Hanh Nguyen
- Email: bang…@gmail.com

Con trai tôi được 15 tháng, hiện cháu được 9kg. Cháu bị tim bẩm sinh thông liên thất quanh màng kích thước lỗ thông 4mm. Với kích thước như trên thì tiến hành can thiệp đóng lỗ thông cho cháu được chưa? Khả năng lỗ thông có tự đóng được không? Chân thành cảm ơn bác sĩ.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Mời bạn xem thêm câu tư vấn của tôi với bạn đọc Đỗ Hùng Cường.

Như đã nói vì một số trường hợp thông liên thất có thể tự đóng, đặc biệt là lỗ thông liên thất nhỏ trong 5 năm đầu tiên. Do đó, hiện nay tôi nghĩ bạn có thể tiếp tục cho cháu thăm khám định kỳ ở BS chuyên khoa Nhi chứ chưa cần phải can thiệp ngay lúc này.


- Bạn đọc Hong Nguyen - Email: nguyenhong…@gmail.com

Kính thưa BS Khôi,

Con tôi 8 tháng tuổi, phát hiện tim bẩm sinh khi 3 tháng tuổi với kết luận: còn ống động mạch. Cháu đã được mổ tim cách đây 1 tháng. Sau mổ xong, bác sĩ nói cháu vẫn còn ống động mạch, Cháu bị mất tiếng, khóc không ra tiếng nữa. Sau môt 1 tuần, cháu lại bị viêm phổi nằm viện từ đó đến nay là 1 tháng, cháu khóc vẫn không ra tiếng.

Bác sĩ cho tôi hỏi tại sao như vậy. Rất mong được BS quan tâm giải đáp. Trân trọng cám ơn.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn Hong Nguyen,

Ống động mạch là một cấu trúc nối giữa động mạch phổi và động mạch chủ. Đây là cấu trúc bình thường bắt buộc phải có trong giai đoạn bào thai. Tuy nhiên sau sinh ống này sẽ nhanh chóng bị đóng lại và tạo thành di tích là một dây chằng. Trong một số trường hợp vì nhiều lý do khác nhau ống này không đóng lại và được gọi là dị tật tim bẩm sinh còn ống động mạch. Vì ống động mạch nối giữa động mạch chủ là nơi có áp lực rất cao và động mạch phổi là nơi có áp lực thấp nên máu sẽ đi từ động mạch chủ vào động mạch phổi làm tăng lưu lượng máu và áp lực trong động mạch phổi.

Với những ống động mạch lớn thì lượng máu phù trợ này cũng rất cao gây quá tải cho động mạch phổi làm ứ máu phổi, ảnh hưởng đến hô hấp bình thường của bé, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp và làm dãn các buồng tim bên trái, về lâu về dài các ống động mạch lớn có thể gây nên tăng áp phổi. Thậm chí tăng áp phổi rất nặng, không thể điều trị được trong giai đoạn muộn. Chính vì vậy, cần phải đóng ống động mạch bằng phẫu thuật như trước đây hoặc can thiệp qua da đóng bằng dụng cụ. Kỹ thuật này cũng được sử dụng rất rộng rãi và nhanh chống, nguy cơ thấp và tỷ lệ thành công cao.

Bạn cho biết là cháu được mổ nhưng tôi không rõ là cháu được mổ thực sự (phẫu thuật) hay can thiệp qua da.

Trong một số trường hợp với ống động mạch lớn hình thái bất thường thì việc can thiệp đóng có khó khăn hơn và có một tỷ lệ nhỏ ống động mạch không được bít hoàn toàn gọi là ống động mạch tồn lưu. Một số trường hợp thì ống động mạch tồn lưu này có thể tự đóng trong vòng 6 tháng khi nội mạc của ống động mạch che phủ hoàn toàn lên dụng cụ và dụng cụ được bít bởi cục máu đông bên trong lòng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ống động mạch tồn lưu này sẽ tồn tại lâu dài.

Vì không xem được hồ sơ của cháu cho nên tôi không thể trả lời cụ thể mức độ và tính chất nguy hiểm của ống động mạch tồn lưu. Tôi cũng không rõ là trong quá trình thủ thuật hoặc sau đó cháu có được đặt nội khí quản hay không vì một số trường hợp được đặt nội khí quản giúp thở, đặc biệt là đặt nội khí quản lâu ngày và/ hoặc đặt đi đặt lại nhiều lần thì đường thở của cháu có thể bị viêm, phù nề, thậm chí là bị tổn thương dây thanh âm, gây nên tình trạng khàn tiếng, mất tiếng. Vì bạn không mô tả rõ tình trạng của bé nên tôi không trả lời được lý do vì sao.

Tuy nhiên, nếu cháu bị viêm phổi và nằm viện liên tục trong 1 tháng thì đây không phải là bệnh đơn giản vì môi trường của bệnh viện thường có những vi khuẩn có sức đề kháng với nhiều loại kháng sinh khác nhau. Tôi khuyên bạn hãy trực tiếp gặp BS điều trị để trao đổi cho một cách rõ ràng hơn.

Ảnh a
Ngoài công tác chuyên môn ở đơn vị Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh (Trung tâm Tim mạch - BV ĐH Y Dược TPHCM), PGS.TS.BS Lê Minh Khôi còn được biết đến là tác giả nhiều cuốn sách thấm đậm tình người. (Trong ảnh: Tác phẩm "Những sườn núi lấp lánh" của BS Khôi đang được nhiều người tìm đọc).


- Bạn đọc Hoài Trinh - 26 tuổi, TPHCM

Thưa bác sĩ! Em bị tim bẩm sinh. Hiện em đang mang thai 12 tuần.

Hôm qua em có đi bệnh viện khám thai và siêu âm tim. Bác sĩ kết luận: - Lớn tim (P), không huyết khối

- Thông liên nhĩ lỗ thứ phát d=23mm ,Shunt (T)->(P)
- Không màng dịch ngoài tim. Loạn động vách liên thất.
- Hở van 3 lá 1.5/4, áp lực đmpĐMP tăng trung bình (paps =50mmHg) _
- Chức năng tâm thu thất (T) bảo tồn EF 71%

BS tim mạch có khuyên em nên mổ tim, nhưng bác sĩ lại không nói rõ tình trạng bệnh cho em biết..Ví nếu như em mổ tim thì hiện đang có thai có nguy hiểm nhiều không, có anh hưởng tới em bé không và xác xuất thành công của ca mổ là bao nhiêu %?

Chi phí ca mổ là bao nhiêu và nên mổ ở đâu? Hoặc nếu như không mổ bây giờ mà để sanh xong rồi mổ sau thì có được không? Mong BS tư vấn giúp. Hiện em  rất lo lắng, bác sĩ cũng không cho em uống thuốc tim...

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn Hoài Trinh,

Thông liên nhĩ là dị tật tim bẩm sinh ở vách liên nhĩ nằm giữa nhĩ trái và nhĩ phải. Đây là thông liên nhĩ có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn nhưng nữ thì thường gặp gấp đôi so với nam giới. Thông liên nhĩ là bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhất ở người lớn.

Đôi khi thông liên nhĩ được phát hiện một cách tình cờ qua kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc khi kiểm tra sức khỏe vì một lý do nào khác, ví dụ như trong trường hợp của bạn. Vì có lỗ thông liên nhĩ nên máu từ nhĩ trái sẽ sang nhĩ phải xuống thất phải rồi lên phổi. Chính vì vậy mà thất phải thường sẽ bị dãn, về lâu về dài thông liên nhĩ cũng có thể gây nên tăng áp phổi.

Trong trường hợp của bạn lỗ thông liên nhĩ thứ phát 23mm là lỗ thông khá lớn đã gây dãn thất phải rõ và làm loạn động vách liên thất. Với một người bình thường thì với lỗ thông này đã có chỉ định phẫu thuật vá hoặc thường nhất là can thiệp đóng bằng dụng cụ qua da. Thường thì nên đóng trước 40 tuổi để đảm bảo sự hồi phục của thất phải tốt nhất.

Trong trường hợp có thai, thể tích máu trong cơ thể người mẹ sẽ tăng cao rất nhiều tạo nên gánh nặng cho tim. Với thai phụ có thông liên nhĩ thì chắc chắn gánh nặng sẽ càng rõ rệt hơn. Diễn tiến của thông liên nhĩ có thể sẽ nặng dần theo thời gian của thai kỳ, có thể gây suy tim, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn bé và chắc chắn nguy cơ của thai kỳ sẽ cao hơn so với một thai phụ không bị thông liên nhĩ.

Để quyết định có can thiệp trong thai kỳ hay không, theo tôi cần phải có sự hội ý giữa BS Tim mạch và BS Sản khoa, đặc biệt là diễn tiến của sức khỏe người mẹ cũng như tình trạng tim mạch trong thai kỳ, nếu BS tim mạch và BS sản khoa khuyên bạn phải can thiệp thì thời điểm tốt nhất là vào khoảng tháng thứ 5, tức là giữa thai kỳ. Chắc chắn bất kỳ cuộc mổ nào cũng sẽ có nguy cơ đến thai nhi, tuy nhiên để trả lời nguy cơ ở mức độ nào thì BS cần phải thăm khám trực tiếp và hội chẩn với các khoa liên quan. Riêng thành công của ca mổ thì gần như là 100%.

Hiện nay có các phương pháp mổ mở, mổ nội soi và can thiệp qua da để đóng thông liên nhĩ. Đóng thông liên nhĩ qua da là thủ thuật nhanh chóng nhất, tuy nhiên có các điểm bất lợi là thai nhi sẽ bị nhiễm tia X-Quang trong quá trình thủ thuật. Hơn nữa, việc quyết định đóng bằng dụng cụ qua da còn phụ thuộc vào vị trí cũng như rìa của bản thân lỗ thông liên nhĩ.

Chi phí ca mổ tùy theo từng bệnh viện, trung bình khoảng 80 triệu đồng. Các BV như: Viện Tim TPHCM, BV Đại học Y Dược TPHCM, BV Tim Tâm Đức đều có thể mổ hở và can thiệp qua da được. Riêng BV Đại học Y Dược TPHCM có thể mổ nội soi trong trường hợp lỗ thông không đóng được bằng dụng cụ.

Có một số trường hợp bệnh nhân có thông liên nhĩ nhưng có thể sinh con được, tuy nhiên nguy cơ cho cả mẹ lẫn con sẽ cao. Việc quyết định mổ bây giờ hay sinh xong mới mổ tôi nghĩ cần phải được quyết định sau 1 vài lần thăm khám kế tiếp nhau và có sự hội chẩn của các khoa có liên quan.   

- Bạn đọc Phuong Kieu - Email: phuong78…@gmail.com

Chào BS, con cháu được 15 tháng tuổi, nặng 10kg và bị bệnh tim bẩm sinh: thông liên thất phần quanh màng, lỗ thông nhỏ shunt T->P, chức năng thất trái bình thường, áp lực động mạch phổi bình thường. Như thế con cháu có phải phẫu thuật không ạ? Cháu cám ơn BS.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn,

Mời bạn xem thêm các câu tôi tư vấn ở trên nhé.


- Bạn đọc Thái Trung - Email: mtm…@gmail.com

Chào bác sĩ!

Con trai tôi 6 tuổi nặng 28 kg, cao 1m25, vừa rồi tôi cho cháu đi khám ở BV nhi và nhận được kết luận là cháu bị dị tật tim bẩm sinh dạng còn ống thông động mạch. Vậy nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi phương pháp chữa tối ưu trong trường hợp này của cháu.

Bác sĩ siêu âm tim cho cháu nói là dùng phương pháp bít ống thông đó, tôi băn khoăn nếu ống thông đó có lớn theo tuổi không? Nếu có thì sau này ảnh hưởng gì đến chỗ đã bít và khi đó sẽ xử lí ra sao? Tôi rất lo lắng. Rất mong giải đáp của bác sĩ giúp tôi!

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn Thái Trung,

Như trên đã nói, dị tật tim bẩm sinh còn ống động mạch có thể được điều trị với tỷ lệ thành công rất cao bằng phương pháp can thiệp qua da và đóng bằng dụng cụ. Sau khi dụng cụ đã vào ống động mạch thì ống động mạch được bít hoàn toàn, bị xơ hóa và sẽ không lớn theo thời gian.

Nói một cách khác nếu đã đóng ống động mạch thành công thì không lo bệnh tái phát, chỗ đã bít sẽ không gây nên bất kỳ biến chứng nào. Dĩ nhiên trong quá trình thủ thuật BS sẽ đánh giá nguy cơ liệu dụng cụ có quá lớn gây chèn ép động mạch chủ và động mạch phổi hay không. Trong trường hợp của cháu, tôi dự đoán là ống động mạch không quá lớn nên hy vọng có thể điều trị bằng phương pháp can thiệp này.

- Bạn đọc Hải Phong - Quảng Ninh

Bác sĩ cho em hỏi, vợ em mổ tim được 3 tháng vết mổ khá lớn vị trí vết mổ ở phía dưới vú phải dài 20cm mà giờ cô ấy có thai rồi, em đang rất lo, có để sinh được không và liệu vết mổ có bị bục khi thai lớn? Việc vợ em bị tim có di truyền cho con không? Xin bác sĩ cho em lời khuyên. Em xin cám ơn rất nhiều.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn Hải Phong,

Bạn không nói rõ bệnh chẩn đoán trước mổ của vợ bạn là gì vì sự ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng của chính chẩn đoán trước mổ. Nhưng nếu vợ bạn bị bệnh tim bẩm sinh được mổ đường dưới vú thì khả năng là thông liên nhĩ. Thông thường sau khi mổ nên hoãn có thai cho đến khi nào sức khỏe hồi phục hoàn toàn, thường là 6 tháng đến 1 năm.

Tuy nhiên, vợ của bạn mới mổ 3 tháng mà có thai thì hơi sớm. Hiện tại, bạn lo lắng là vết mổ có bục ra khi thai lớn hay không thì tôi không nghĩ đó là nguy cơ. Thông thường thì bệnh tim bẩm sinh không di truyền, tuy nhiên theo khuyến cáo thì vợ bạn nên được siêu âm tim thai vì tỷ lệ sinh con bị tim bẩm sinh của một người mẹ bị tim bẩm sinh cao hơn chút ít so với quần thể chung.

Hiện nay, giai đoạn siêu âm tim bào thai thích hợp nhất là từ 18-22 tuần thai. Nếu đúng vợ bạn bị thông liên nhĩ và sức khỏe hồi phục tốt sau mổ thì bạn không nên lo lắng nhiều.

 

- Bạn đọc Đinh Duy - Email: plan….@gmail.com

Chào bác sĩ Khôi,

Con trai tôi 20 tháng tuổi, bị bệnh tim bẩm sinh. Kết quả siêu âm tim là: Thông liên thất quanh màng lan dưới van chủ, ĐK 7mm, lỗ thông được bịt một phần bởi tổ chức lá vách VBL, ĐK còn lại 4mm, PG 60mmHg, shunt T-P, không ống ĐM-TLN, quai chủ quay trái không hẹp eo, các TMP đổ về nhĩ trái.

Tôi muốn nhờ bác sĩ tư vấn cho tôi là trường hợp của bé nhà tôi đã cần phải phẫu thuật hay chưa?

Cháu nặng 11,5kg, rất biếng ăn, không chịu uống sữa ngoài, vẫn còn bú mẹ, hay bị bệnh táo bón. Bé thường khó ngủ, ngủ không yên giấc, thường lăn lóc, hay giật mình. Đặc biệt khi ngủ bé thường nằm sấp.

Nếu mổ thì sau mổ hở, vết mổ có làm cháu bị đau nhiều không ạ, tôi rất lo nếu cháu phải mổ. Cảm ơn bác sĩ!

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn,

Thông liên thất là một bệnh tim thường gặp nhất, tùy theo vị trí của lỗ thông liên thất mà thông liên thất được phân loại thành: Thông liên thất phần cơ, thông liên thất phần màng, thông liên thất buồng nhận, thông liên thất phần phễu. Mỗi loại thông liên thất có khác nhau về diễn tiến, biến chứng cũng như thái độ điều trị.

Với con của bạn lỗ thông liên thất quanh màng lan dưới van chủ, ĐK 7mm là khá lớn. Tuy nhiên đã được bít một phần bởi van 3 lá. Lỗ thông còn lại 4mm không phải quá lớn. Tuy nhiên vì chẩn đoán là thông liên thất lan dưới van động mạch chủ thì cần phải lưu ý một biến chứng có thể xảy ra là sa van động mạch chủ gây hở chủ.

Trong trường hợp thông liên thất dưới van động mạch chủ có biểu hiện sa van gây hở van động mạch chủ thì dù lỗ thông nhỏ không gây ảnh hưởng đến huyết động vẫn có chỉ định phẫu thuật đóng lỗ thông tránh diễn tiến xấu hơn của hở van động mạch chủ.

Chính vì vậy, tôi nghĩ cháu cần được khám và siêu âm tim định kỳ để đánh giá mức độ ảnh hưởng của lỗ thông liên thất lên sức khỏe của cháu và phát hiện sớm hở van động mạch chủ chứ hiện nay tôi nghĩ chưa cần phải phẫu thuật gấp.

Thông liên thất cũng có thể phẫu thuật bằng mổ mở như lâu nay vẫn thực hiện. Tuy nhiên hiện nay một số trung tâm có thể phẫu thuật với đường mở xương ức ngắn hoặc trong một số trường hợp thuận lợi có thể can thiệp đóng thông liên thất bằng dụng cụ. Việc quyết định có can thiệp hay chưa và bằng phương pháp nào thì cần phải đánh giá trực tiếp tình trạng lâm sàng cũng như hình thái của lỗ thông liên thất và ảnh hưởng của lỗ thông liên thất bằng siêu âm tim.

Ảnh báo TT
Trong một cuộc trò chuyện với AloBacsi, BS Lê Minh Khôi chia sẻ: "Mỗi lần "được" đi khám bệnh từ thiện, đi tầm soát bệnh tim cho trẻ vùng sâu xa, thấy sung sướng lắm. Thấy được nhiều lắm. Không phải mình đang "cho đi" mà thực ra là mình được "nhận lại" nhiều hơn". (Trong ảnh: BS Khôi trong chuyến đi khám cho các trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh ở Chợ Lách, Bến Tre vào tháng 12/2016 - Ảnh: BS Nguyễn Hoàng Định)


- Bạn đọc Thanh Hiền - Bình Phước

Thưa BS,

Em bé của cháu sinh non nay đã được 2 tháng tuổi, hôm trước cháu có cho bé đi siêu âm tim và được chẩn đoán là hở van tim 2/4, áp lực phổi 30mmHg, chức năng tim bình thường. Cho cháu hỏi phương pháp điều trị của bé và kinh phí điều trị ạ?

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

 

Chào bạn Thanh Hiền,

Rất tiếc bạn không cho BS biết là cháu sinh non khi được bao nhiêu tuần thai và không cho biết sự phát triển của cháu như thế nào. Chẩn đoán hở van tim 2/4 cũng không rõ ràng vì bạn không cho biết đó là van tim nào. Tuy nhiên có điều may mắn là áp lực phổi của cháu không tăng (30mmHg), chức năng tim bình thường thì hở van 2/4 không phải là một chỉ định điều trị. Bạn có thể tiếp tục theo dõi và nếu được thì nên được siêu âm tim bởi 1 BS chuyên khoa Tim mạch Nhi.


- Bạn đọc Hồ Thanh Mai - Nghệ An

Cháu tôi mới đẻ ra bị tím, vậy có phải bị bệnh tim bẩm sinh không? Tôi nên đưa bé đi khám ở BV Nhi đồng hay BV chuyên khoa Tim?

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn,

Một cháu bé sơ sinh bị tím ngay sau khi sinh thì có thể có rất nhiều nguyên nhân khác nhau như ngạt, hoặc bệnh phổi ở trẻ sinh non, biến chứng hít phân xu, dị tật bẩm sinh ở đường thở và bệnh tim bẩm sinh. Nếu đến lúc này cháu vẫn tím và tím tăng khi khóc, hoạt động thể lực thì tốt nhất bạn nên cho cháu đi khám. Bạn có thể khám ở BV Nhi đồng, BV Đại học Y Dược TPHCM, Viện Tim TPHCM, BV Tim Tâm Đức hoặc ở phía Bắc bạn có thể đến BV Sản Nhi Nghệ An, BV Nhi Quốc gia, BV Tim Hà Nội.

- Bạn đọc Nga Huỳnh có SĐT: 0908090…

Xin chào BS. Tôi 32 tuổi, bé đầu bị tim bẩm sinh, dạng thông liên thất quanh màng, kích thước 7 mm. Cháu đã mổ lúc 4 tháng tuổi (bây giờ cháu hơn 3 tuổi). Qua những lần thăm khám định kỳ thì tình hình sức khỏe của cháu tốt.

Trước khi có bầu cháu, sức khỏe tôi hoàn toàn bình thường. Trong 3 tháng đầu mang thai, tôi có tiếp xúc với 1 số đồng nghiệp bị cúm, nhưng không bị lây nhiễm mặc dù tôi rất nghén trong 4 tháng đầu.

Đến tuần 20 tôi ốm sốt và phải truyền dịch. Rất nhiều lần siêu âm ở Bệnh viện nhưng không phát hiện bé bị tim bẩm sinh. Đến khi sinh ra mới biết. Vậy đâu là nguyên nhân khiến bé bị bệnh này?

Vợ chồng tôi định sinh bé thứ 2 nhưng lo lắng sẽ bị như bé đầu. Có phải sinh con đầu lòng bị tim bẩm sinh thì chắc chắn bé thứ 2 cũng bị? Tôi đã đi tiêm rubella, cúm, viêm gan B. Mong BS tư vấn để sinh bé khỏe mạnh.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn,

Như đã tư vấn ở trên, trong rất nhiều trường hợp không thể tìm được nguyên nhân gây nên bệnh tim bẩm sinh. Trong trường hợp của bạn chúng tôi cũng không thể quy kết cho một nguyên nhân nào.

Bạn 32 tuổi, việc sinh bé thứ 2 như dự định là việc nên làm, khả năng bị tim bẩm sinh của cháu bé thứ 2 có cao hơn so với quần thể chung. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh tim bẩm sinh ở cháu bé thứ 2 không phải là cao và cũng không phải là lý do để các cặp vợ chồng quyết định không sinh con. Ttrước khi có thai bạn cần kiểm tra sức khỏe, thực hiện lối sống lành mạnh và điều trị các bệnh lý nếu có, thực hiện lối sống lành mạnh. Khi có thai bạn nên khám thai định kỳ và siêu âm tim bào thai trong khoảng 18-22 tuần.

- Bạn đọc Trần Hoàng Khánh - Vĩnh Long

Chào AloBacsi,

Con em 3 tháng 10 ngày, hiện giờ được 7,2kg. Bé bị thông liên thất 6mm. Bác sĩ hẹn khi nào cháu được 6 tháng sẽ tiến hành phẫu thuật. Em muốn tẩm bổ cho con và chăm sóc để trái tim con luôn khoẻ mạnh để con không ốm vặt cho đến lúc mổ. Vậy xin BS tư vấn giúp em những loại thức ăn tốt để em ăn cho con bú ạ? Sau khi phẫu thuật, chế độ dinh dưỡng cho bé phải như thế nào ạ? Em cần làm gì? Em cảm ơn BS nhiều lắm ạ.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Bạn Khánh thân mến,

Như bạn đã biết sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho con. Chính vì vậy để có một nguồn sữa có chất lượng cao bạn phải an tâm tin tưởng vào sự thành công của cuộc mổ sau này, chế độ ăn uống, cân bằng có đầy đủ  tinh bột, thịt, rau, củ quả. Bạn cũng có thể bổ sung thêm một số vitamin. Với cháu bé chế độ cho bú và ăn dặm cũng giống như bình thường, không có gì quá đặc biệt. Điều quan trọng là bạn cần phát hiện sớm và điều trị đúng chuyên khoa mỗi khi cháu có biểu hiện thông thường của trẻ em hay gặp, đặc biệt là viêm hô hấp, tiêu chảy. Hiện nay, cháu 3 tháng 10 ngày, được 7,2kg thì tình trạng dinh dưỡng rất tốt. Bạn không nên lo lắng nhiều.

Ngay cả sau khi phẫu thuật thì chế độ dinh dưỡng cũng không có gì đặc biệt, nghĩa là bạn thực hiện đủ, cân bằng, tuyệt đối không được kiêng cữ.

- Bạn đọc Bùi Thị Trâm Anh - tramanhthe…@yahoo.com

Xin hỏi PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, tôi được biết là nhiều trường hợp trẻ sinh ra không mắc bệnh tim nhưng sau khi có những triệu chứng khác thường và đưa con đi khám, gia đình mới biết phát hiện ra bệnh. Vậy có cách nào nhận diện trẻ có bệnh tim bẩm sinh không, thưa PGS Khôi?

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn,

Đúng là trên thực tế có rất nhiều trường hợp cháu bé được phát hiện bệnh tim bẩm sinh một cách tình cờ. Một số trường hợp chỉ có thể phát hiện khi ở lứa tuổi người lớn. Thậm chí sau khi đã sinh con. Một số trường hợp ở người già khi có biểu hiện mạch vành thì mới tình cờ phát hiện bệnh tim bẩm sinh.

Bệnh tim bẩm sinh có biểu hiện rất đa dạng từ thể nhẹ khó phát hiện đến những biểu hiện rất nặng đe dọa tính mạng ngay sau khi sinh. Để phát hiện trẻ bị bệnh tim thì có thể dựa vào 1 số biểu hiện thường gặp sau đây:

- Trường hợp bệnh tim bẩm sinh có tím. Trong trường hợp này trẻ bị tím rất rõ, hoặc không rõ khi không gắng sức nhưng khi gắng sức thì mức độ tím gia tăng. Vì vậy với bất kỳ cháu bé nào có biểu hiện tím thì cần được đưa đi khám chuyên khoa.

- Trường hợp những đứa trẻ không tím sẽ khó phát hiện hơn nhưng nếu một trẻ thường xuyên bị viêm phổi, khó thở, chậm lớn, suy dinh dưỡng cũng cần phải nghi ngờ là có bệnh tim bẩm sinh cần được đi khám để loại trừ hoặc chẩn đoán xác định.

Một số biểu hiện khác như: ngất, xỉu cũng cần được khám, đánh giá một cách đầy đủ nhằm không chỉ phát hiện bệnh tim mà còn phát hiện những bệnh lý khác cũng gây nên những biểu hiện tương tự.

Trên thực tế một số cha mẹ đã tự phát hiện tim bẩm sinh khi nhìn thấy lồng ngực của cháu bé nhô cao bất thường, tim đập mạnh, hoặc có người áp tai vào nghe và so sánh với những đứa trẻ khác và họ thực sự phát hiện bệnh tim khi tim có âm thổi bất thường rõ.


- Bạn đọc Huệ Chi - Cách Mạng Tháng Tám, Q.1, TPHCM

Chào BS, con tôi bị block nhĩ thất hoàn toàn. Cháu đã được cấy máy tạo nhịp cách đây 1 tháng. Bác sĩ cho tôi hỏi con nhà tôi có khả năng bình phục không và cách chăm sóc cháu sau phẫu thuật như thế nào là tốt nhất? Sau phẫu thuật, trẻ có những dấu hiệu nào thì cần phải đưa đến BV?

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn,

Block nhĩ thất hoàn toàn là tình trạng trong đó dòng điện không đi được từ nhĩ xuống thất, do vậy sẽ mất sự đồng bộ trong sự hoạt động của các buồng tim và thường thì nhịp tim sẽ rất chậm làm trẻ dễ bị ngất xỉu, không gắng sức được và nguy hiểm nhất là có thể tử vong. Chính vì vậy mà cần phải đặt máy tạo nhịp trong trường hợp block nhĩ thất hoàn toàn, khả năng hồi phục từ 1 block hoàn toàn trở lại một dẫn truyền bình thường hầu như không có xảy ra.

Chăm sóc sau phẫu thuật đặt máy tạo nhịp cũng không có gì đặc biệt ngoài việc giữ vệ sinh vùng da được đặt máy tạo nhịp. Khi đã được đặt máy tạo nhịp thì mỗi cháu sẽ có một cuốn sổ theo dõi về tình trạng tim mạch, tình trạng hoạt động của máy tạo nhịp. Việc đánh giá hoạt động của máy cần phải có máy móc chuyên dụng và BS hoặc kỹ thuật viên được đào tạo trong chuyên ngành này. Chính vì vậy, bạn cần tuân thủ triệt để trong chăm sóc trong cuốn sổ theo dõi và phải tái khám đúng theo hẹn. Nếu trong trường hợp đã được máy tạo nhịp mà cháu vẫn có biểu hiện như là chóng mặt, không gắng sức được hoặc thậm chí là ngất xỉu, hoặc với trẻ lớn thì cảm giác tim đập không bình thường so với trước đó. Đây là những dấu hiệu cần tái khám sớm để điều chỉnh kịp thời.


- Bạn đọc Nhân Trần - cogaidentu…@yahoo.com

Xin hỏi BS, một cô gái nếu như được chẩn đoán bị bệnh tim bẩm sinh thì có thể lấy chồng sinh con được không? Bệnh tim bẩm sinh nào thì được sinh con và bệnh nào thì không được ạ?

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn,

Với sự tiến bộ của y học trong đó có tim mạch học và sản khoa thì rất nhiều người bị bệnh tim, trong đó có bệnh tim bẩm sinh vẫn có thể lấy chồng và sinh con được. Rất nhiều bệnh tim bẩm sinh chiếm tỷ lệ cao như thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, hẹp van động mạch phổi nếu được điều trị sớm thì khả năng trở về cuộc sống bình thường rất cao. Do đó, những người này nếu đã được điều trị thì đều có thể lấy chồng, sinh con được.

Một số bệnh tim khác trước đây không có khả năng trở về cuộc sống bình thường nhưng hiện nay sau khi được điều trị cũng có chất lượng cuộc sống rất cao, ví dụ như: tứ chứng Fallot hoặc bệnh không lỗ van động mạch phổi kèm thông liên thất mức độ 1, 2, nếu được điều trị sớm và đúng đắn thì việc có chồng, sinh con là điều hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, cũng có một số bệnh tim mà việc có thai và sinh con sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến diễn tiến bệnh cũng như làm tăng nguy cơ cho thai nhi. Ví dụ là bị tim bẩm sinh một thất đã được phẫu thuật Fontan. Trên thực tế một số bệnh nhân được phẫu thuật Fontan vẫn lấy chồng, sinh con. Tuy nhiên, các thầy thuốc thì không khuyến cáo điều này vì nguy cơ rất cao. Một số bệnh tim bẩm sinh khác ảnh hưởng đến van tim phải thay van cơ học thì việc dùng thuốc chống đông đường uống cũng làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi và nguy cơ xuất huyết hoặc thuyên tắc ở mẹ nên cũng không được khuyến cáo.

Dĩ nhiên, một số bệnh tim bẩm sinh đơn giản nhưng đã diễn tiến đến mức độ suy tim nặng hoặc tăng áp phổi nặng thì thai kỳ và cuộc sinh cũng rất nguy hiểm. Chính vì vậy mà những đối tượng này không nên có thai.


- Bạn đọc Trần Thị Thu Hương - alohuong…@gmailcom

Chào PGS.TS.BS Lê Minh Khôi,

Tôi là cộng tác viên của AloBacsi tại Bình Dương. Trong nhiều trường hợp tiếp nhận câu hỏi của bạn đọc, tôi mới thấy hết được những lo lắng của các bậc phụ huynh khi biết con mình bị tim bẩm sinh, nhưng do hiểu biết về bệnh còn hạn chế dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn. Nhiều cặp vợ chồng trẻ hoang mang, không biết bệnh tình con mình sẽ đi đâu, về đâu. Thậm chí nhiều ông bố/ bà mẹ còn tưởng như bệnh tim là “án tử treo ngay trước mắt” nên rất lo sợ. Xin BS Khôi cho bạn đọc lời khuyên về bệnh tim sinh, cha mẹ cần làm gì khi BS cho biết bệnh tình của bé, nên chuẩn bị tâm lý như thế nào để chiến đấu với bệnh này?

Chân thành cảm ơn PGS Khôi đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc AloBacsi.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM:

Chào bạn Thu Hương,

Tiến bộ trong y khoa đã đẩy lùi những biên giới trước đây người ta nghĩ là sẽ không bao giờ vượt qua. Nhiều bệnh được coi là nan y đã điều trị được. Tương tự như trong lĩnh vực tim bẩm sinh, bị tim bẩm sinh ngày nay không đồng nghĩa với việc “án tử treo ngay trước mắt”.

Một điều may mắn là những bệnh tim bẩm sinh “đơn giản” lại chiếm phần lớn, những bệnh tim này như: thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, hẹp van động mạch phổi, tứ chứng Fallot nếu được điều trị sớm thì khả năng trở về cuộc sống bình thường rất cao.

Những bệnh tim khác hiện nay cũng đã được điều trị thành công, tuổi thọ tăng cao, chất lượng sống cũng được nâng cao. Một số bệnh khác phức tạp hơn thì hiện vẫn còn đang rất khó khăn. Tuy nhiên, trong tương lai chắc chắn sẽ có những đột phá về khoa học, công nghệ giúp cải thiện hơn nữa tiên lượng của những bệnh này.

Cho dù bệnh tim đơn giản hay phức tạp thì đối với các ông bố, bà mẹ đó cũng vẫn là tin rất khó chấp nhận. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên buông xuôi, không phó mặc cho số phận và cũng không quá bi quan. Quan trọng nhất là phải tin tưởng vào thầy thuốc, vào sự tiến bộ của y học và hợp tác tốt với giới chuyên môn để vạch ra một kế hoạch điều trị tốt nhất cho cháu bé.

18g30 cuộc giao lưu trực tuyến mới kết thúc. Một buổi chiều thứ 7 không nghỉ ngơi của PGS.TS.BS Lê Minh Khôi. Sự hết lòng của vị Phó giáo sư trẻ trước mỗi trái tim trẻ thơ hay trước mỗi câu hỏi của bạn đọc thật đáng quý. Ngày mai - 27/2, Ngày Thầy thuốc Việt Nam - xin gửi lời tri ân đến BS Lê Minh Khôi và các đồng nghiệp của ông tại Đơn vị Tim mạch Nhi và Tim bẩm sinh (Trung tâm Tim mạch - BV ĐH Y Dược TPHCM). Cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng đang ngày đêm chiến đấu giành lại nhịp tim khỏe mạnh cho hàng ngàn, hàng ngàn trẻ em.

 


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X