Hotline 24/7
08983-08983

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng giao lưu cùng bệnh nhân ung thư vú về dinh dưỡng và vận động

Sáng 2/4 PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng có buổi gặp gỡ, giao lưu cùng nhóm các chị em bị ung thư vú tại TPHCM, chia sẻ về các chủ đề: dinh dưỡng cho người bệnh ung thư và vận động sau phẫu thuật.

Vừa trở về ngay sau chuyến công tác tại Nhật Bản, PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng Phó giám đốc Trung tâm Ung bướu, BV Trung ương Huế - Chủ tịch Hội Ung thư vú Huế đã nhận lời giao lưu cùng bệnh nhân ung thư vú tại TPHCM trước khi trở về Huế, nhằm chia sẻ những kiến thức hữu ích về chăm sóc bệnh nhân ung thư vú là dinh dưỡng và vận động, đồng thời cập nhật những thông tin mới từ chuyến công tác.


Biết được thông tin về buổi offline này, cả tháng trước, các thành viên của Nhóm hỗ trợ ung thư vú miền Nam đã í ới gọi nhau tham dự, số lượng đăng ký tới hơn 80 người. Từ TPHCM, Vũng Tàu, Bình Phước, Nha Trang… họ có mặt từ sáng sớm 2/4 tại điểm hẹn để được gặp vị bác sĩ đã mang lại sự sống, vẻ đẹp và niềm tin cho rất nhiều chị em bị ung thư vú.


Sau phần tổng quan về tỷ lệ ung thư vú, các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư, BS Tùng chia sẻ về vấn đề dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Đây cũng là nội dung mà BS đã trình bày tại Nhật Bản trong chuyến công tác vừa qua.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị ung thư nhưng chưa được quan tâm đúng mức. BS Tùng đưa ra một số liệu thống kê cho thấy: 20% bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng, 50% sụt cân sau 1 tháng điều trị, 75% sụt cân sau 6 tháng điều trị. Suy dinh dưỡng khiến bệnh nhân trì hoãn điều trị, ngưng điều trị, nhiễm trùng lâu lành và giảm chất lượng sống.

Nguyên nhân là do bệnh nhân đau quá không ăn được, ăn rồi bị nôn ra, mệt mỏi nên ăn uống kém… thậm chí suy kiệt quá nghiêm trọng, phải nuôi ăn qua sonde. Trong khi đó, có đến 30% bệnh nhân ung thư không được tư vấn về dinh dưỡng trước và trong liệu trình điều trị do bệnh viện không có khoa dinh dưỡng. Hơn nữa, đa số bệnh nhân ung thư khi đến bệnh viện đã ở giai đoạn muộn, lúc này họ cũng đã ăn uống kém rồi.



Để góp phần cải thiện tình trạng này, BS Nguyễn Đình Tùng đưa ra chỉ dẫn: trong 2 giờ trước và sau thời điểm vào hóa chất hay xạ trị, bệnh nhân không nên ăn gì cả để tránh bị nôn ói. Sau đó thì có thể ăn từng ít một, không vừa ăn vừa uống, không nằm ngay sau ăn, tránh thức ăn nhiều mỡ vì chất béo tồn tại lâu trong dạ dày gây nôn, ưu tiên món ăn mềm, dễ tiêu.

Nhóm bệnh nhân gặp khó khăn nhiều nhất trong việc ăn uống chính là bệnh nhân ung thư vòm họng, bởi vì việc xạ trị vùng họng sẽ dẫn đến khô miệng, bỏng rát miệng, lở loét miệng, chảy máu chân răng… Để khắc phục tình trạng này, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc súc miệng, kháng sinh, giảm viêm. Tình trạng này sẽ cải thiện dần khi ngưng điều trị. Trong việc ăn uống, bệnh nhân nên ăn những món mềm, nuốt từ từ, thường xuyên súc miệng để giữ vệ sinh miệng họng.


Về thành phần dinh dưỡng món ăn, BS Tùng khuyên chị em hãy thuộc nằm lòng câu: “Ít mỡ, nhiều xơ, protein vừa phải”. Mỡ đây là chất béo từ mỡ cá, các loại hạt, bơ, dầu oliu chứ không phải mỡ heo, mỡ bò. Thức ăn giàu protein cũng có rất nhiều lựa chọn: trứng, cá, hạt, đậu phụ, thịt… BS dặn chị em không nên kiêng khem quá vì mình phải có sức khỏe mới chiến đấu với bệnh được.

Với câu hỏi mà rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm là: uống sữa đậu nành, ăn đậu phụ làm từ đậu nành có làm gia tăng nguy cơ ung thư vú hay thúc đẩy ung thư tái phát hay không? BS Tùng trả lời: Estrogen trong cơ thể chúng ta là estrogen nội sinh, estrogen trong đậu nành đưa vào cơ thể là estrogen ngoại sinh. Lượng estrogen ngoại sinh rất thấp so với estrogen nội sinh. Chị em không thể ngày nào cũng ăn đậu nành (rất ngán), cho nên việc ăn đậu nành xen kẽ cùng những món khác, tiếp nhận lượng estrogen rất nhỏ từ đậu không thể khiến estrogen trong cơ thể tăng cao lên được. Do đó chị em cứ ăn đậu nành mà không cần băn khoăn gì cả!


Việc vận động cũng đóng vai trò quan trọng vì có thể tăng cường miễn dịch thông qua tập luyện, giúp giảm nguy cơ tử vong, tỷ lệ tái phát và di căn ung thư. Hầu hết các bệnh nhân vừa mới trải qua trị liệu thường không nghĩ tới việc tập luyện vì đau đớn, mệt mỏi, do đó cần xây dựng ý thức tập luyện cho người bệnh theo từng bước, đến khi việc tập luyện, thể dục trở thành thói quen. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi người, có thể chọn các môn thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, đi bơi… thậm chí làm việc nhà như giặt giũ, lau dọn cũng được xem là tập luyện.

Chị em cũng nên ưu tiên vận động ngoài trời để hấp thu vitamin D. Đây không chỉ là một vi chất quan trọng đối với cơ thể, nó còn được chứng minh là có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú cho phái nữ và tăng cơ hội sống sót của các bệnh nhân ung thư vú. Vitamin D cũng có thể bổ sung thông qua việc ăn các loại cá béo như như cá hồi, cá thu, cá ngừ, dầu cá...

Ở người bình thường, lượng vitamin D trong máu là 30 đơn vị nhưng với chị em ung thư vú thì nên duy trì ở mức 40 đơn vị. Chị em có thể kiểm tra mình có đủ vitamin D không thông qua việc xét nghiệm máu 3 tháng 1 lần.


Với người mới phẫu thuật cắt vú, tái tạo vú thì vận động giúp giảm nguy cơ phù cánh tay cùng bên mổ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được khuyến khích cử động càng sớm càng tốt, động tác đầu tiên là giơ tay lên cao nhất có thể, những ngày sau đó áp bàn tay vào tường, cố gắng mỗi ngày đưa bàn tay lên cao hơn.

Lưu ý, việc tập luyện không giống nhau giữa người cắt vú, tái tạo vú, tái tạo đặt túi ngực, tái tạo bằng vạt… các bài tập này được hướng dẫn phổ biến trên youtube. Các động tác không tập quá mạnh và phải tập lâu dài.

Ngoài ra, BS Tùng căn dặn chị em không xách vật nặng, không tiêm/ truyền vào cánh tay bên mổ để tránh nguy cơ phù tay.

Kết thúc 2 chủ đề dinh dưỡng và vận động, BS Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh: điều trị ung thư đừng chỉ dựa vào thuốc tốt, bác sĩ giỏi mà nỗ lực của bệnh nhân cũng góp phần lớn trong việc tăng hiệu quả điều trị thông qua việc cải thiện bữa ăn, tăng chất lượng dinh dưỡng và duy trì luyện tập thể dục đều đặn.

Nhiều thắc mắc của chị em được BS Tùng giải đáp: nên tái tạo vú 1 thì hay 2 thì, hiện tượng "bốc hỏa" khi dùng thuốc chống ung thư, bị ung thư có nên uống sữa, dùng thuốc đông y song song có được không, tầm quan trọng của việc tầm soát gen BRCA1, BRCA2...

BS Nguyễn Đình Tùng sẵn sàng giải đáp 1001 thắc mắc của chị em cả trong và ngoài buổi giao lưu

Cô Nguyễn Thị Hai - trưởng nhóm Hỗ trợ ung thư vú miền Nam gửi lời cảm ơn đến BS Nguyễn Đình Tùng vì đã tư vấn rất nhiệt tình cho chị em
Với tinh thần thương yêu đùm bọc, họ tặng nhau những bộ tóc giả, mút độn ngực, áo ngực,... là phụ kiện không thể thiếu của hội chị em ung thư "trái cây". Ông Kh., 82 tuổi, đến từ quận 11 là quý ông duy nhất trong số khán giả tham dự. Bà xã 74 tuổi của ông vừa phẫu thuật vú 3 tháng trước. Đây là lần đầu bà tham gia buổi giao lưu như vầy. Ông Kh. chia sẻ: "Nhờ một người bạn mách dùm là có buổi này nên tôi đưa bà xã đến để bà ấy được giao lưu cùng mọi người, biết thêm kiến thức về bệnh. Bản thân tôi cũng cần hiểu để chia sẻ, động viên bà ấy".

Lưu niệm cùng ban tổ chức AloBacsi

Nhóm Hỗ trợ ung thư vú miền Nam

Xinh tươi và vui vẻ là ấn tượng các chị để lại trong mắt mọi người.

Hồng Nhung - Mỹ Thi
Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X