Hotline 24/7
08983-08983

Ông xã tôi bị Parkinson, nên bổ sung vitamin B như thế nào?

Email của BS Tố Uyên giải đáp các vấn đề bạn đọc AloBacsi thắc mắc: cách dùng vitamin B cho người bệnh Parkinson, thai phụ bị viêm gan B làm sao tránh lây cho con, đau lưng...

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - BV Nguyễn Tri Phương
Nội dung buổi tư vấn của BS Tố Uyên với bạn đọc AloBacsi


- Bạn đọc N.T.H.L. - Biên Hòa

Em mới mổ sỏi túi mật (mổ hở, vết mổ dài gang tay). Vậy cho em hỏi sau khi mổ xong bao lâu thì em quan hệ vợ chồng được ạ? Và ăn uống sau này cần kiêng cữ gì không? Em đã cắt túi mật luôn rồi.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Sau mổ cắt túi mật, nếu không nhiễm trùng thì sau khoảng 4-6 tuần, vết mổ đã lành và người bệnh không còn cảm giác đau, có thể sinh hoạt nhẹ nhàng thông thường. Lúc này bạn có thể quan hệ vợ chồng trở lại, bạn nhé!


- Ngọc Lệ - cauam…@gmail.com

BS cho cháu hỏi, cháu làm môi được 6 ngày và chỉ đã rụng hết, môi trên vẫn sưng, trong khi 1 tuần mới được cắt chỉ, liệu môi cháu có làm sao không BS?

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em Lệ,

BS không rõ em đã làm phẫu thuật gì tác động lên môi, nhưng nếu là chỉ thông thường thì cần phải cắt chỉ sau 5-7 ngày. Chỉ chưa được cắt nhưng đã tự biến mất thì có thể là chỉ tự tiêu, không cần cắt chỉ.

Đối với phẫu thuật xâm lấn sau 6 ngày vẫn còn sưng nhẹ nhưng giảm so với những ngày đầu, là bình thường. Nếu vết thương chảy mủ, máu, sưng đỏ nhiều hơn hoặc có kèm sốt thì em nên đến BV kiểm tra càng sớm càng tốt, em nhé!


- Thùy Trang - kyo…@gmail.com

Chào BS,

Sau khi bị va chạm đầu với thành giường ngày hôm sau cháu có đi chụp CT, kết quả hoàn toàn bình thường nhưng cháu lại bị mất ngủ, ngủ không sâu, và khi ngủ dậy 1 bên tay của cháu hơi cứng, cảm giác không linh hoạt bằng một bên kia.

Xin hỏi với những triệu chứng đó thì cháu có bị tụ máu não hay các vấn đề liên quan tới não không ạ? Chỗ bị đập của cháu không bị bầm và BS kê cho cháu vitamin B12 cùng với Aminopectin.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Trang thân mến,

Với những thông tin em cung cấp thì ít nghĩ tới khả năng em bị tụ máu não.

Sau một sang chấn nặng, chức năng não bộ có thể tổn thương nhẹ nhưng sẽ hồi phục dần dần, ít để lại di chứng nên cũng không cần thiết phải điều trị.

Em không nên quá lo lắng về vấn đề này, dễ làm cho sức khỏe đi xuống; nhưng cũng cần chú ý theo dõi các triệu chứng, nếu tăng nặng lên thì nên đến khám BS ngay, em nhé!


- Thành Bình - Q10

Thưa BS, cho em hỏi tai phải của em nó bị nhức mà nhói liên tục như có cái gì trong tai, cho em hỏi em bị triệu chứng gì vậy ạ?

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Đau tai mới xuất hiện có thể do viêm tai, côn trùng, dị vật… Em cần phải đến BS tai mũi họng để BS dùng dụng cụ chuyên dụng kiểm tra và kê toa cho em nhé!


- Tran Phuoc - loiphuoc…@outlook.com.vn

Tôi khám bệnh BV Chợ Rẫy, BS kết luận: Thận ổn. Xin hỏi chỉ số creatinin 1.17 có phải tôi bị suy thận độ 1 không? Xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào anh Phước,

Xét nghiệm máu anh cung cấp đều trong giới hạn bình thường. Chỉ số Creatinine 1.17 với eGFR > 60, xét nghiệm nước tiểu bình thường, siêu âm thận bình thường và không phát hiện các biến chứng khác của suy thận nên hiện tại có thể kết luận anh không có suy thận.


- Lan Anh - pham…@gmail.com

Kính thưa BS,

Tôi đang ở Hà Nội, tôi có con điều trị viêm gan B từ 23/1/2016 đến 23/8/2016 bằng Topflovir, sau đó BS bổ sung thêm Efava vì xét nghiệm định lượng HBV-DNA tăng từ 2,8x10 mũ 3 lên 4,3x10 mũ 4.

23/11/2016 và 23/2/2017 kiểm tra định kỳ HBV-DNA đều dưới ngưỡng phát hiện. Đến 1/4/2017 cháu phát hiện có thai và dừng thuốc luôn.

22/4/2017 kiểm tra tăng lên 3,8x10 mũ 5. Tôi tìm hiểu thì thấy bảo để tránh lây sang em bé, mẹ nên tiêm vào tháng 7, 8, 9 của thai kỳ mỗi tháng 1 mũi Globulin miễn dịch tránh truyền bệnh trong tử cung (từ mẹ sang con). Nếu định lượng virut cao mẹ sẽ uống thuốc 3 tháng cuối và sinh mổ thì nguy cơ lây bệnh sang con sẽ thấp hơn.

Ngoài ra em bé sẽ không được bú mẹ vì có thể lây qua sữa mẹ. Sau khi sinh em bé sẽ được tiêm 2 mũi huyết thanh đặc hiệu và vacxin viêm gan B trong 24g sau sinh.

Con tôi đã mang bầu được 3 tháng. Tôi thật sự rất lo và buồn, kính mong BS tư vấn giúp tôi có cách nào nữa để có thể tránh lây nhiễm sang em bé. Gia đình chúng tôi xác định theo phương pháp nào có lợi nhất cho em bé để tránh lây nhiễm dù cho mẹ có thiệt.

Con tôi đang ở TPHCM thì sẽ đến khám và tư vấn ở đâu? Kính mong BS sớm cho tôi lời tư vấn. Tôi xin trân trọng cảm ơn!

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào cô Lan Anh,

HBV không qua được nhau thai do kích thước virus nếu không có sự phá vỡ lớp màng ngăn cách giữa mẹ và con này. Virus chủ yếu được truyền qua em bé trong quá trình sinh nở.

Đối với mẹ có HBeAg dương tính thì tỷ lệ em bé mắc bệnh lên tới 90%. Tuy nhiên, miễn dịch thụ động với HBIG được tiêm cho trẻ trong vòng 48 giờ sau sinh có thể giúp phòng ngừa nhiễm virus từ 3-6 tháng sau.

Do vậy, với mẹ nhiễm viêm gan B có HBsAg dương tính (cơ thể đang bị nhiễm siêu vi B) và HBeAg âm tính (siêu vi B đang trong giai đoạn nằm yên, không sinh sôi nảy nở) thì ngay sau sinh trong vòng 12 giờ, bé được tiêm một liều HBIG (Hepatitis B Immune Globulin) và một mũi vaccin ngừa viêm gan B thông thường.

Vaccin được tiêm nhắc lại vào thời điểm tháng thứ hai và tháng thứ tư sau sinh. Khi đó bé sẽ có hơn 95% cơ hội không bị mắc viêm gan B sau này. Nếu không tiêm phòng đúng cách (hoặc tiêm phòng quá muộn), bé có nguy cơ viêm gan B rất cao.

Khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh thì tỷ lệ lây nhiễm HBV theo đường dọc (từ mẹ con) giảm từ 90% xuống còn khoảng 1, 1 - 15%.

Do vậy cô nên giúp con gái theo dõi thai kỳ chặt chẽ và cả trong thời kỳ sau khi sinh. BS sản khoa sẽ có hướng dẫn cụ thể để theo dõi tình trạng bệnh lý gan cho thai phụ, cô nhé!

Một trong những kiểu lây nhiễm HBV cần quan tâm là lây nhiễm qua sữa mẹ. Một vài nghiên cứu cho thấy trong sữa mẹ có một số lượng nhỏ HBsAg, nhưng bú mẹ không làm tăng nguy cơ lây nhiễm HBV từ bà mẹ mang HBsAg (+) sang cho con.

Ngoài ra, khi trẻ sơ sinh được dùng HBIG và vaccin sẽ giúp trẻ chống lại được nhiễm HBV. Trẻ sơ sinh có thể bú mẹ ngay sau khi sinh với điều kiện có chủng ngừa như đã nêu trên. Bú bình được đề nghị cho những trẻ con của bà mẹ có núm vú bị nứt hay nhiễm khuẩn vú.

Đôi điều chia sẻ cùng gia đình!


- Trần Minh Phượng - TPHCM

Thưa BS,

Ông xã tôi bị Parkinson. Mỗi ngày ông ấy đang dùng Madopar 250 (4.5viên) và Sifrol 0.25 (4.5viên) chia làm 6 lần xen kẻ, mỗi lần cách nhau 3 giờ. Thường thì ông ấy đêm không mất ngủ nhưng ban ngày cũng hay buồn ngủ, không thể đọc sách hay tập thể dục được. Hiện nay xuất hiện tình trạng đi đứng khó nhưng tay không run.

Tôi có thấy một thực phẩm chức năng tên Active Live sx ở Tiệp Khắc với thành phần cho mỗi tablet là: Guarana 200mg, Cholin 200 mg, Kofein 50 mg, Ginkgobiloba 24/6 20 mg, DMAE 10 mg, Vitamin B5, Vitamin B6 5 mg.

Dùng thử 1 tablet/ngày vào buổi sáng khi uống Sifrol (trước cữ uống Madopar 3giờ).

Kết quả thấy bệnh nhân buổi sáng không buồn ngủ nữa, đọc sách được, tối vẫn ngủ ngon giấc, không bị bón.

Vậy xin hỏi BS với lượng vitamin B5, B6 như vậy dùng thường xuyên có được không? Có thể hạn chế những thực phẩm ăn hàng ngày như chuối, thịt bò, ngũ cốc, yến mạch,... để tiếp tục uống viên Active Live nói trên không?

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào chị Phượng,

Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa vitamin B và bệnh Parkinson, cụ thể là việc bổ sung đầy đủ vitamin B6 có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson; thiếu một số loại vitamin nhóm B có thể làm tăng nguy cơ mắc Parkinson.

Có lẽ đây là lý do việc bổ sung các loại vitamin này làm cho chồng chị cảm thấy giảm phần nào triệu chứng bệnh. Đương nhiên, mọi loại thuốc nếu quá liều đều có thể gây nguy hiểm.

Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin B6 qua đường uống thường khá an toàn. Liều khuyến cáo ở nam là 1, 3 mg/ngày và liều gây độc khi sử dụng lên đến 200mg/ngày nên chị có thể yên tâm cho chồng mình dùng thuốc chị nhé!


- Sakata Gintoki - kpro…@gmail.com

Chào BS,

Vừa rồi em bị cây đinh rỉ đâm vào chân nhưng nó đâm ngang qua 2 lớp da (như hình) chứ không đâm thẳng vào lòng bàn chân. Có chảy máu và đã đi chích 1 mũi SAT và 1 mũi VAT 1 lượt sau khi bị đâm 5 tiếng! Vì em có đọc trên mạng thấy phải tiêm 5 mũi!

Vậy em chỉ tiêm 2 mũi thì có cần đi tiêm nữa không và có nguy hiểm gì không? Vết thương đã khô. Lúc chích xong BS có kêu đợi 20 phút rồi về nhưng có việc gấp nên em trốn về luôn, nên em sợ BS có hẹn chích thêm mà em không biết!

Mong BS trả lời! Cảm ơn BS.


BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Hiện tại vết thương đã khô, không có dấu hiệu nhiễm trùng thì ít có khả năng bị uốn ván.

Việc tiêm đầy đủ 5 mũi sẽ có tác dụng phòng ngừa cho em trong ít nhất 5-10 năm tới. Nghĩa là sau này em không phải lo vấn đề uốn ván nếu có vết thương nhiễm trùng. Do đó, BS khuyên em nên đi tiêm đầy đủ, em nhé!


- Thức Trương - congthuc…@gmail.com

Em chào BS ạ,

Em tên Thức, nam, 24 tuổi. Em bị đau đốt sống giữa khi ngồi lâu, cảm giác rất mệt và khó thở, phải nằm nghỉ. Em đã chụp MRI thắt lưng nhưng bình thường.

BS ơi, em bị như vậy là bệnh gì ạ? BS cho em hỏi em có nguy cơ bị u tủy ngực không ạ?

Trong lúc chụp MRI phần thắt lưng thì phần ngực có được thấy trên vi tính không ạ? Nếu thấy có bệnh BS có thông báo cho mình không ạ. Hiện tại trong kết quả MRI của em chỉ có phần thắt lưng. Em có cần chụp tiếp MRI phần ngực!? Em cảm ơn BS ạ.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em Thức,

Trên phim MRI thắt lưng thì không thể thấy được vùng ngực. Tuy nhiên để định bệnh em nên đến khám BS Nội khoa để đánh giá và xem xét có nên chụp MRI tiếp hay phải thực hiện thêm cận lâm sàng nào khác để phục vụ chẩn đoán và điều trị, em nhé!


- Pham Van Phi - Yên Bái

Cháu bị tai nạn từ năm 2011, từ đó đến nay cháu nói ngọng, thần kinh kém lúc nhớ lúc quên. Cháu hỏi BS như bệnh của cháu chữa được không ạ?

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Em Phi thân mến,

Đối với những di chứng thần kinh sau tai nạn đã qua nhiều năm thường không có phương pháp nào có thể giúp hồi phục lại như bình thường. Tuy nhiên em có thể cải thiện phần nào triệu chứng nhờ luyện phát âm.

Riêng vấn đề về trí nhớ có lẽ cần phải khám trực tiếp BS nội thần kinh để đánh giá mức độ và tìm phương pháp điều chỉnh, em nhé!


- Nguyễn T. - TPHCM

Chào BS,

Em năm nay 22 tuổi, khoảng 3 tháng trở lại đây em bị các triệu chứng sau:

- Khó ngủ, mỗi khi nhắm mắt đi chuẩn bị đi vào giấc ngủ là em nghe cau nói, tieng nói của những người quen tái hiện lại trong đầu, hay tiếng nhạc khi chơi game... làm em giật mình dậy và không ngủ được.

- Mỗi khi thấy chiếc võng đung đưa hay xích đu đung đưa là hình ảnh đó cứ hiện trong đầu hoài làm em khó chịu, em cố không nghĩ đến nhưng rất khó.

- Em hay dễ bị xúc động, nhiều lúc cảm thấy buồn, sợ sợ điều gì đó, lo lắng mình bị tâm thần

- Em hay bị chóng mặt, không nhiều nhưng cảm giác phía trước cứ bồng bềnh bồng bềnh.

Vậy xin BS tư vấn giúp em với ạ, em có bị bệnh không? Và em nên đi khám ở đâu? Em xin cảm ơn ạ.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Hiện tại em đang có tình trạng rối loạn tâm thần kinh rõ rệt, nhưng trước tiên em cần xem lại chế độ sinh hoạt của mình đã hợp lý hay chưa? Ngủ có đủ giấc, ngủ sớm và đúng giờ không? Giấc ngủ của em có chất lượng hay sau khi ngủ dậy lại thấy mệt mỏi hơn?

Em có phải tiếp xúc quá nhiều với màn hình điện tử không? Có tham gia các hoạt động ngoài trời, thể dục thể thao gì hay không? Ăn uống có đủ chất, cân nặng có bị thay đổi đột ngột không?

Nếu em có những vấn đề nêu trên thì em cần điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt của mình trước. Trong một số giai đoạn, người ta sẽ gặp phải một vài rối loạn nhưng đa số là thoáng qua, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đời sống.

Nếu như kéo dài dai dẳng, dù đã cố gắng cải thiện vấn đề lối sống thì được xem là bệnh lý, cần đến khám BS chuyên khoa Tâm thần kinh, em nhé!


- Nhung Le - nhung…@gmail.com

Em muốn hỏi là em bị đau lưng ở 2 bên sườn lưng chạy dọc xuống 2 bên hông. Giờ em đi lại vẫn bình thường nhưng cúi xuống thấp làm gì đó hay ngồi xuống ghế thấp nhà giặt đồ là 2 bên lưng em cứ đau không tài nào ngồi thấp thẳng lưng được.

AloBacsi cho em hỏi em bị như vậy là sao ạ? Em cảm ơn AloBacsi nhiều ạ.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Em Nhung thân mến,

Với bệnh cảnh đau lưng cấp khá nghiêm trọng như trên, em cần đến khám tại BV có khoa Cơ xương khớp để BS thăm khám và làm một số xét nghiệm kiểm tra tìm nguyên nhân đau, trước khi tiến hành điều trị, em nhé!


- Bạn đọc V. Ng. - v…@gmail.com.

Chào BS,

Em năm nay 26 tuổi, độc thân, đã từng quan hệ. Cách đây hơn 1 tuần dưới lưỡi em có mọc gai nhỏ, dài, cổ họng em bị đau khi nuốt nước bọt.

Em đã trị sùi mào gà dưới âm đạo bằng cách chấm thuốc và uống thuốc bắc. Liệu đó có phải là sùi mào gà ở miệng? Vùng kín em cũng bị ngứa.

BS cho em hỏi trị sùi mào gà trên miệng đâu uy tín, cụ thể là điều trị ở khoa nào, phương pháp ra sao? Em đã tốn rất nhiều tiền để trị rồi nhưng vẫn không khỏi, em rất hoang mang. Mong BS tư vấn cho em ạ.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Cũng giống như bệnh sùi mào gà ở cơ quan sinh dục, sùi mào gà ở miệng được xác định là do chủng virus HPV gây ra. Hiện nay chưa có cách nào chữa khỏi hoàn toàn virus HPV, các phương chủ yếu là điều trị triệu chứng, làm giảm sự khó chịu do virus gây ra.

Để đánh giá sang thương và lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả, em có thể đến BV Da Liễu TPHCM, em nhé!

Thân mến,

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X