Hotline 24/7
08983-08983

Ông già gom rác ở Sài Gòn cứu bác sĩ gặp nạn

Với chiếc xe cứu thương di động do ông Thơm tự chế tạo từ những đồ phế liệu nhặt nhanh từ bãi rác, ông đã cứu giúp vị bác sĩ gặp nạn trên đường.

Ông Tống Văn Thơm (68 tuổi, TP.HCM) sinh ra ở Campuchia nhưng lớn lên ở mảnh đất Sài Gòn. Suốt nhiều năm qua, với bản tính nghĩa hiệp, hễ thấy chuyện gì bất bình, ông liền ra tay hỗ trợ.

Người đàn ông 40 năm gom rác

Bôn ba khắp nơi làm đủ nghề, ông Thơm mới đến với nghề thu gom rác. Tính đến nay, ông Thơm đã gắn bó với nghề làm rác hơn 40 năm.

Chia sẻ cơ duyên đến với công việc này, ông cho hay, trong thời gian làm nghề vá xe đạp, ông thấy các hộ dân trong hẻm nơi ông làm việc không có ai lấy rác. Thấy vậy, ông tiên phong thành lập hệ thống thu gom rác dân lập.

Năm 2004, Nghiệp đoàn rác TP.HCM được thành lập. Ông Thơm được được bầu làm Chủ tịch nghiệp đoàn rác quận 5.

Mỗi sáng, ông đều đặn chạy xe máy từ ngôi nhà mà ông thuê ở con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Lê Văn Khương, quận 12, TP.HCM đến nghiệp đoàn làm việc và đi gom rác. Đến 3 giờ chiều, ông lại trở về nhà, tiếp tục công việc mày mò tái chế rác của mình.

Ông Thơm dành thời gian tái chế những phế liệu.
Ông Thơm dành thời gian tái chế những phế liệu.

Trong căn nhà nhỏ, sau nhiều năm miệt mài sửa chữa, sáng tạo và làm sống lại những đồ bỏ đi, ông Thơm có gia tài khổng lồ với nhiều sản phẩm độc đáo. Hiện giờ ông có hơn 2.000 mô hình, sản phẩm tái chế mà ông ước tính giá trị trên 1 tỷ đồng.

Trong suốt 40 năm gắn bó với nghề, ông Thơm đã rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của khu vực mà ông đảm nhiệm thu gom rác.

Chiếc xe máy cà tàng là phương tiện được ông sử dụng hằng ngày để đi lại. Ông cũng luôn mang theo trên xe đầy đủ những vật dụng như chiếc đèn báo động, tủ thuốc cứu thương, bình cứu hỏa, hộp sửa xe…

Theo ông, tất cả đều được ông sử dụng trong trường hợp khẩn cấp như cứu người gặp nạn, dập các vụ cháy mà ông gặp trên đường…

Ngoài ra, ông Thơm cũng cho hay, trong suốt 2 năm qua, ông đều mang theo con vẹt như một người bạn đồng hành khi đi thu gom rác. Con vẹt do một đứa cháu mua tặng vì ông đã giúp đỡ cháu chi trả tiền trong quá trình làm thủ tục du học Đức.

Ông lão ve chai “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Người đàn ông thu gom rác giữa Sài Gòn này không chỉ được biết đến với gia tài “tái sinh” bạc tỷ từ rác mà ông còn nổi tiếng về những câu chuyện nghĩa hiệp.

Ông Thơm cho hay, như một thói quen, sau khi hoàn thành công việc thu gom rác, ông lại tất bật chạy xe máy đến các nút giao thông của thành phố để quan sát người đi đường và thực hiện điều tiết giao thông.

Có hôm mưa ngập đường, thấy vậy ông Thơm lập tức dừng xe để khơi thông cống rãnh thoát nước.

Ông luôn quan niệm rằng ông làm việc với cái tâm hướng thiện, không màng đến danh lợi của bản thân.

“Mọi người làm việc gì cũng nghĩ đến lợi nhuận của bản thân trước tiên. Không có mấy ai "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" chạy lòng vòng bao giờ”, ông Thơm cho biết.

Chiếc xe được ông Thơm “độ” để thực hiện việc cứu giúp người
Chiếc xe được ông Thơm “độ” để thực hiện việc cứu giúp người

Nhiều năm làm việc thiện, đến giờ ông không nhớ nổi số lần mà ông đã chữa cháy và cứu giúp người.

Tuy vậy, ông Thơm cho biết, ông vẫn nhớ rõ nhất câu chuyện về vị bác sĩ lớn tuổi làm việc tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM gặp nạn trên đường 3/2 (Quận 10, TP.HCM).

Ông nói, khi đang đi trên đường, không hiểu lý do vì sao, người đàn ông này đâm vào sau chiếc xe ba gác rồi ngã lăn ra đường. Ông Thơm dừng xe lại, quan sát thì thấy chân của ông bác sĩ bị bong gân nặng. Thấy vậy, ông Thơm mới nắn lại và băng bó trước khi đưa người này đến bệnh viện.

“Tôi hỏi ông ấy đi nhà thương nào thì tôi chở đi. Thấy chân ông ấy bị thương nặng không chạy xe được, tôi gửi xe của ông ấy vào trường học gần đó. Sau đó, ông ấy nhờ tôi chở ông vào bệnh viện của ông”, ông Thơm cho hay.

Đến cổng bệnh viên, ông bác sĩ lấy điện thoại ra để chụp ảnh lại chiếc xe độc đáo của ông Thơm. Sau đó, người đàn ông này gọi ý tá ở trong bệnh viện đi ra giúp đỡ.

Trước khi đi vào trong phòng bệnh, ông bác sĩ không quên đưa danh thiếp và dặn ông Thơm là nếu vào bệnh viện cần giúp đỡ thì gọi cho ông ấy.

Ông Thơm kể, suốt 2 năm liền sau đó, mỗi khi vào bệnh viện, vị bác sĩ đều tặng ông bông băng và một số loại thuốc men. Sau đó, từ khi bác sĩ nghỉ hưu thì ông chưa có cơ hội gặp lại.

Ông Thơm chia sẻ, nhiều năm giúp người, ông không mong được đền đáp. Ở gần vào tuổi “xưa nay hiếm”, ông luôn nghĩ rằng ông sẽ cố gắng làm thật nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời.

Theo Hoàng Tuân - VietnamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X