Hotline 24/7
08983-08983

Ô nhiễm không khí và cách sống chung với khói bụi

Không khí ô nhiễm, nhưng mọi người vẫn phải đi làm, trẻ em vẫn phải đi học... và nạn ùn tắc giao thông khiến nguy cơ khói bụi độc hại thâm nhập vào cơ thể càng cao.

Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần đeo khẩu trang là ngăn được khói bụi, nhưng thực ra, các hạt bụi siêu mịn dễ dàng lọt qua các lớp khẩu trang lại là các hạt bụi nguy hiểm nhất.

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Yale (Mỹ), Việt Nam là nước có chỉ số chất lượng không khí xếp thứ 170/180, nằm trong tốp 11 quốc gia có chất lượng không khí thấp nhất thế giới. Có lẽ đánh giá kia không thực sự chính xác và họ chỉ lấy mẫu không khí ở các thành phố lớn, nhưng đó cũng là điều đáng lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí.

Chẳng cần phải có thiết bị quan trắc gì cao siêu, chỉ cần dạo một vòng tại các thành phố lớn, bằng cảm quan đủ thấy ô nhiễm không khí chủ yếu do khói từ các phương tiện giao thông và bụi đất từ các đại công trường. Đó là chưa kể khói bụi từ các nhà máy, các khu công nghiệp ở ven đô, khói từ hiện tượng đốt rơm tạ cuối mùa thu hoạch, khói từ thói quen hút thuốc, đốt rác, đốt lá cây của người dân v.v…

Không khí ô nhiễm, nhưng mọi người vẫn phải đi làm, trẻ em vẫn phải đi học, mọi người vẫn phải ra ngoài đường và nạn ùn tắc giao thông khiến nguy cơ khói bụi độc hại thâm nhập vào cơ thể càng cao. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần đeo khẩu trang là ngăn được khói bụi, nhưng thực ra, các hạt bụi siêu mịn dễ dàng lọt qua các lớp khẩu trang lại là các hạt bụi nguy hiểm nhất.

Theo BS Đặng Hùng Minh (Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai), thành phần nguy hiểm nhất trong không khí ô nhiễm là bụi siêu mịn hay còn gọi là bụi phân tử với kích thước siêu nhỏ có thể xâm nhập vào sâu trong phổi và gây bệnh ung thư phổi. Ngoài ra, các khí cacbonic, nitrit, lưu huỳnh, chì và các phần tử khói... cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe tổng thể nếu hít phải.

Có nhiều cách ngăn độc tố thâm nhập vào cơ thể qua phổi và tích độc tại máu, gan và những bộ phận khác như hạn chế ra ngoài đường vào giờ cao điểm, không hút thuốc, trồng nhiều cây xanh, mua máy lọc không khí v.v....

Nhưng cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất là giữ gìn sức khỏe, tăng sức đề kháng và sử dụng thực phẩm có tác dụng khử độc. Dưới đây là một số thực phẩm có khả năng giúp cơ thể chống chọi lại ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí và cách sống chung với khói bụiVitamin C với khả năng chống oxy hóa cao có thể bảo vệ cơ thể khỏi các tác động xấu của ô nhiễm không khí

Tiết động vật nấu chín là một trong những “phương thuốc” giải độc được biết đến từ xa xưa. Sau một quá trình thanh lọc cơ thể, người ta thường dùng cháo nấu với tiết heo để phục hồi thể trạng và thải độc.

Protein trong huyết tương của heo, gà, vịt… sau khi chuyển hóa bởi dịch vị tiêu hóa trong dạ dày sẽ sinh ra chất giải độc cho đường ruột, đồng thời sinh ra phản ứng với các hạt bụi bẩn, hạt kim loại có hại đi vào trong cơ thể, biến chúng trở thành những thứ mà cơ thể khó hấp thu, sau đó bài tiết ra ngoài qua đường tiêu hóa. Ngoài tiết động vật, đậu phụ cũng có tính năng giải độc tương tự.

Các loại rong biển và mộc nhĩ cũng có tác dụng giải độc rất hiệu quả. Rong biển và mộc nhĩ có tác dụng điều tiết việc lưu thông máu, tiêu độc, loại bỏ các cặn bã trong cơ thể.

Chất keo từ 2 loại thực phẩm này sẽ bám dính chất độc ô nhiễm và đào thải ra ngoài cơ thể. Hơn nữa, cả rong biển và mộc nhĩ là những thực phẩm giàu dinh dưỡng có tác dụng bổ máu, tim, thận, hệ tuần hoàn, hệ bài tiết.

Sữa cũng là thực phẩm chống độc rất lợi hại đặc biệt là với chì. Khi chì thâm nhập vào cơ thể, các phân tử chì sẽ trú ngụ và bám rất chắc vào xương và các bộ phận khác. Sữa có chứa thành phần protein có thể hòa tan, thúc đẩy cơ thể sự bài tiết chì.

Tỏi là một trong những loại thực phẩm có chức năng giải độc tuyệt vời. Tỏi giúp gan sản xuất ra một loại men chống ôxy hóa thần diệu, giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Tỏi có những chất đặc biệt giúp khử độc cho cơ thể, kháng nấm, kháng vi khuẩn, kháng ký sinh trùng, kháng virus và những tác động do ô nhiễm không khí gây ra.

Các loại rau họ cải màu xanh thẫm cũng có khả năng giải độc rất tốt. Rau cải giúp kiến tạo máu và thanh lọc máu, giúp tái tạo những tế bào mới, kìm hãm sự tăng trưởng của những vi khuẩn độc hại tá túc trong cơ thể.

Yếu tố cuối cùng và hiệu quả nhất giúp cơ thể chống lại ô nhiễm không khí chính là vitamin C. Các nhà khoa học Anh phát hiện thấy những người mang hàm lượng vitamin C trong cơ thể thấp có tỷ lệ khó thở cao khi mức độ ô nhiễm trong không khí tăng.

Các nhà khoa học cho rằng, vitamin C với khả năng chống oxy hóa cao có thể bảo vệ cơ thể khỏi các tác động xấu của ô nhiễm không khí. Các chất gốc tự do trong không khí ô nhiễm xâm nhập vào phổi gây ra các bệnh về hô hấp, tim, ung thư.

Các chất chống oxy hóa có thể ngăn chặn và vô hiệu hóa các gốc tự do trước khi chúng làm tổn hại tế bào. Chính vì vậy, ta có thể hiểu rằng, để chống lại ô nhiễm không khí, không còn cách nào khác là tăng cường sức đề kháng, rèn luyện thể lực, ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C để cơ thể đủ mạnh mẽ chống lại những ô nhiễm từ môi trường.

Theo Tuổi trẻ và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X