Hotline 24/7
08983-08983

Nữ bệnh nhân tử vong sau khi uống kháng sinh 40 phút

Sau khi được các bác sĩ tại Trung tâm y tế thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho uống kháng sinh, bệnh nhân H. có dấu hiệu sốc thuốc và tử vong ngay sau đó. Điều này một lần nữa báo động về tình trạng "Sốc phản vệ, tử vong vì dị ứng thuốc kháng sinh".

Sáng 19/12/2018, ông Hoàng Văn Đức, chánh văn phòng Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết vừa nhận được báo cáo của Trung tâm y tế thị xã Hương Trà về một trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do sốc thuốc.

Theo đó, bệnh nhân M.H. (32 tuổi, trú tổ dân phố Liễu Nam, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà) nhập viện tại trung tâm trên vào ngày 8/12 với triệu chứng bị viêm ruột thừa. Bệnh nhân được tiến hành mổ ruột thừa ngay sau đó.

Sau ca mổ, sức khỏe của chị H. tiến triển tốt và sắp được cho xuất viện. Tuy nhiên đến ngày 14/12 chị H. có biểu hiện sốt do nhiễm trùng nên các bác sĩ khoa ngoại của trung tâm đã hội chẩn và cho bệnh nhân uống một loại kháng sinh.

Sau khi uống kháng sinh, chị H. có dấu hiệu bị sốc thuốc. Khoảng 40 phút sau, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên nhưng tử vong ngay sau đó.

Ông Đức cho biết hiện sở đang tiến hành kiểm tra vụ việc và sẽ xử lý trách nhiệm những người có liên quan đến cái chết của bệnh nhân theo quy định.

Chuyên gia chỉ rõ dấu hiệu nguy cơ sốc phản vệ sớm nhất

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, nguy cơ sốc phản vệ do thuốc kháng sinh ở trẻ nhỏ có thể xảy ra với bất cứ cháu nào nhưng tỷ lệ sốc thấp hơn người lớn.

Sốc phản vệ là hiện tượng cơ thể chống lại bất cứ chất lạ gì đưa vào cơ thể. Phản ứng chống lại này có khi bất lợi làm cơ thể tiết ra một số hóa chất ảnh hưởng tới tim, mạch, hô hấp và cần phải được điều trị rất nhanh.

Bác sĩ Khanh cho biết, mỗi năm tại khoa của ông tiếp nhận 5 đến 7 trường hợp bị sốc phản vệ thuốc kháng sinh, nhưng các cháu đều được cứu thành công bởi các y tá, điều dưỡng và các bác sĩ đều nằm lòng các dấu hiệu cảnh báo sốc phản vệ để cấp cứu cháu bé nhanh nhất.

Bác sĩ Khanh cho biết, với trường hợp bệnh nhi ở Bắc Ninh, ông không rõ cháu có bệnh lý nền nào khác không. Dù tiêm mũi tiêm này là lần thứ 7 nhưng vẫn có thể xảy ra sốc phản vệ, bởi thực tế có những mũi tiêm 100 mũi đầu không sao đến mũi thứ 101 thì sốc vẫn xảy ra.

Sốc phản vệ xảy ra khi hệ miễn dịch của trẻ nhạy cảm quá mức với một chất gây dị ứng mà trẻ được tiếp xúc hay được tiêm vào người. Khi đó, cơ thể trẻ sẽ kích thích sản xuất một chất có tên là histamine và các hóa chất khác với số lượng lớn chỉ trong vài phút khiến trẻ bị sốc.

Hiện tượng này gồm nhiều triệu chứng và đôi khi có thể đe dọa đến tính mạng trẻ. Không chỉ riêng thuốc mà nguy cơ sốc có thể xảy ra khi ăn các thực phẩm như đậu phộng, các loại hạt, trứng, sữa

Theo bác sĩ Khanh, rất khó khó phòng sốc phản vệ, cách tốt nhất là cần nhớ các dấu hiệu nguy cơ sốc phản vệ để cấp cứu thành công cho trẻ. Các dấu hiệu sốc ban đầu là nổi mẩn, ngứa chân tay, dộp phỏng, trẻ quấy khóc, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi... lúc ấy trẻ cần cấp cứu gấp. Cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.

Trong quá trình chích thuốc tại bệnh viện hay tiêm ngừa tại cơ sở y tế, phụ huynh phải ở lại nơi tiêm chích 30 phút để theo dõi, phát hiện kịp thời khi trẻ có dấu hiệu trên. Ngay cả y tá, điều dưỡng cũng phải lường trước nguy cơ sốc phản vệ và chuẩn bị cấp cứu theo hác đồ của Bộ Y tế mà không chờ đợi đến khi trẻ bị tím tái, co giật mới cấp cứu.

Bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo, tình trạng này phổ biến ở các địa phương, nhất là khu vực nông thôn - bố mẹ cứ thấy trẻ ốm là đưa đi trích thuốc để nhanh khỏi, điều này càng làm tăng nguy cơ sốc phản vệ ở trẻ nhỏ.

Kháng sinh là thuốc nguy cơ gây dị ứng cao nhất

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong các nhóm thuốc có khả năng gây dị ứng thì kháng sinh đứng ở vị trí đầu tiên.

Cụ thể, nghiên cứu tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị dị ứng với kháng sinh chiếm tới gần 78%, tiếp theo là các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs chiếm 5,28%), thuốc điều trị lao (3,78%), thuốc chống động kinh (3,04%), thuốc điều trị bệnh gout (1,5%). Trong nhóm kháng sinh, nhóm beta-lactam gây dị ứng nhiều nhất (45,91%), sau đó là nhóm aminoglycosid (8,33%), nhóm cyclin (7,23%), nhóm phenicol (3,96%) và macrolid (3,69%).

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó ban Nghiên cứu khoa học - thư viện, Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM cũng nhấn mạnh, kháng sinh là loại thuốc đặc biệt dễ gây dị ứng nhất. “Kháng sinh không thể tự tiện sử dụng vì đây là một loại thuốc đặc biệt được sử dụng cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn. Biểu hiện của dị ứng thuốc kháng sinh là cảm giác ngứa, da nổi mề đay, đỏ da toàn thân... trong đó nặng nhất là sốc phản vệ nếu như không được chữa trị kịp thời sẽ gây ra tử vong”, TS. Đức nhận định và khuyến cáo: “Bệnh dị ứng xuất hiện khi sử dụng loại thuốc mà cơ thể không thích nghi được và coi đó là một chất lạ, không tiếp nhận. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng cơ thể chưa hoàn chỉnh nếu như bị dị ứng kháng sinh thì rất dễ bị nặng”.

Qua đây, TS. Đức khuyến cáo: “Đối với thuốc kháng sinh, người bệnh không nên tự tiện sử dụng bừa bãi, mà phải đi khám và nhận được sự chỉ dẫn của bác sĩ, nếu không sẽ cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt, với những người bị hen suyễn, dị ứng thức ăn cần thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh. Khi bị dị ứng thuốc, cần kiểm tra xét nghiệm, test thử các loại kháng sinh để xem cơ thể thích ứng khi sử dụng loại nào cho phù hợp”.

AloBacsi tổng hợp (Tuổi Trẻ/ Tri Thức Trẻ)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X