Hotline 24/7
08983-08983

NSND Lan Hương bỏ đi Trường Sa: "Nếu trái tim ta không đủ rộng lượng..."

“Nếu trái tim của chúng ta không đủ rộng lượng để cảm thông với một người đàn bà yếu đuối thì nó không đủ chỗ để chứa lòng yêu nước của chúng ta đâu.”.

Chuyến tàu ra Trường Sa với muôn trùng khó khăn.

NSND Lan Hương đang đứng giữa tâm bão chỉ trích của dư luận trước việc hủy bỏ chuyến thăm và động viên cán bộ chiến sĩ tại đảo Trường Sa vào phút cuối với lý do sức khỏe. Nhưng chị cũng nhận được sự cảm thông của những người đã từng “sống dở chết dở” vì chưa quen với biển .

Mới đây, chia sẻ của nhà báo Phạm Trung Tuyến, người đã từng 4 lần ra Trường Sa, với những trải nghiệm rất chân thực đã mang tới cái nhìn công tâm trước câu chuyện “hủy show” của Lan Hương. Ngay cả những người khỏe mạnh, cơ bắp cũng vật lộn nằm thở vì không chịu nổi say sóng.

Có người mới đi hơn chục hải lý đã “lạy van” xin vào, hay một sĩ quan cấp tá quyết nhảy xuống biển vì quá sức chịu đựng. Những câu chuyện rất thực đó phần nào giúp dư luận có cái nhìn đa chiều, cảm thông cho những người nghệ sĩ như Lan Hương.

Nội dung bài chia sẻ của Facebook Phạm Trung Tuyến:

“Mình đi Trường Sa cả thảy 4 lần, đủ cả tuyến bắc, tuyến giữa, tuyến nam, và DK. Dell phải khoe, vì mỗi một lần đi là một lần phải chứng kiến cái sự hèn.

Mình là loại dạn nước, 8 tuổi đã dám lặn qua phai cống cửa sông khi tháo nước chỉ vì thách đố. Vậy nhưng sau mỗi lần ra Trường Sa trở về lại bé mồm hơn một chút khi nói về biển. Và cũng vì thế, mình thực sự kinh ngạc về thái độ của nhiều người đối với bà nghệ sĩ tên Hương khi phút chót đã quyết định không theo tàu để ra Trường Sa.

Có người bảo mình là chị ý bỏ về không phải vì chuyện sức khỏe. OK. Vấn đề là trên một chuyến tàu ra Trường Sa không chỉ là sức khỏe.

Mình đã chứng kiến ở một chuyến đi, nhiều bạn bè trong friend list của mình cũng đi chuyến này, một anh nhà báo hầm hố như cao bồi miền tây nhưng khi tàu rời cảng chừng hơn chục hải lý đã lạy van xin vào, thậm chí còn nói cả lý do nhà có hai anh em trai thì ông em đã mất sớm.

Mình cũng đã phải vật lộn với một sĩ quan cấp tá để giữ anh ý không nhảy xuống biển vì quá sức chịu đựng. Biển tháng chạp, sóng cấp 9, con tàu Trường Sa 12 vừa bé vừa cũ chở gần 300 tân binh nằm xếp lớp như cá hộp, chiếu dưới võng trên, nôn ngược nôn xuôi. Anh sĩ quan được luân chuyển từ học viện ra đảo nằm bẹp ngay từ đêm đầu tiên, đến đêm thứ hai bò ra mạn tàu ôm cái lan can nhìn trân trân xuống dưới. Mình ngồi hút thuốc, thấy lạ mò ra hỏi thì anh ấy nước mắt giàn dụa bảo "nhục quá, lính nó nôn vào mặt mà không làm sao tránh được!". Mình giữ tay an ủi thì anh ấy bóp cổ mình như thể phát điên. Vật lộn một lúc, may mà anh ấy mệt nên nằm vật ra thở. Sau đó thì hết say sóng.

Họ đều khỏe hơn bà nghệ sĩ kia nhiều. Và cũng đều đầy quyết tâm để ra đảo, đều tự nghĩ sẽ vượt qua và tự tin lên tàu, mà dù không tự tin thì mình cũng tin họ không dám từ chối khi tàu chưa nhổ neo. Nhưng chuyện say sóng, say tàu chưa là gì.

Mình sốc nhất là lần chứng kiến chuyện của một anh Phó chủ tịch tỉnh. Tỉnh đó nhiều con em đóng ở Trường Sa nên năm ấy anh ta được giao nhiệm vụ ra đảo chúc tết. Anh ta khỏe, chả say tý sóng nào, vui vẻ, hòa nhã, là hoàng tử của các cuộc rượu. Chuyến đó đi dài, 28 ngày, đảo chìm và nhà giàn là chính nên ăn uống chủ yếu là cá và thịt hộp. Những ngày cuối, rau gần như không có. Hôm đó nhổ neo từ Sinh Tồn đông, anh thợ máy được bạn đồng hương trên đảo cho hai quả mướp non.

Bữa ấy mâm cơm của mấy lãnh đạo dân sự và nhà báo được ưu tiên đĩa mướp xào. Vừa ngồi vào mâm, anh phó chủ tịch quên cả uống rượu, gắp lia lịa đĩa mướp. Cả mâm lặng ngắt, buông đũa ngồi nhìn đến khi anh ấy ngẩng lên tròn mắt nhìn lại. Chẳng ai nói gì, mình gắp miếng mướp cuối cùng trên đĩa bỏ vào bát anh ý thì anh ý ôm mặt khóc rồi đi vào cabin.

Tất cả những người mà mình kể đều đều nhận huy hiệu, hoặc kỷ niệm chương chiến sĩ Trường Sa. Và với cái huy hiệu, cái kỷ niệm chương lấp lánh tự hào thì người ta có thể quên đi những khoảnh khắc yếu lòng trên hành trình đằng đẵng gian khổ đó. Quên là đúng thôi, bởi điều đáng nhớ hơn tất cả vẫn là lòng yêu nước mà chúng ta đem về từ Trường Sa.

Tình yêu ấy lớn lắm! Vì thế, nếu trái tim của chúng ta không đủ rộng lượng để cảm thông với một người đàn bà yếu đuối thì nó không đủ chỗ để chứa lòng yêu nước của chúng ta đâu.”

Sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ canh giữ biển đảo cho đất nước

Nỗi lòng của những người "sợ biển"

Ngay khi được đăng trên Facebook, bài viết nhận được nhiều ý kiến đồng tình, nhất là những người đã từng say sóng. Tài khoản Xuan Phuc Vu chia sẻ: “Chẳng cần đi đến Trường Sa. Chỉ cần bạn đi từ Sa Kỳ ra Lý Sơn hoặc ngược lại trong biển động sẽ thấu hiểu và chia sẻ với Lan Hương.”

Hay như người dùng Phuong Phương chỉ đi Côn Đảo một đêm đã “từ mặt” không dám lên tàu lần nữa: “Mình đi Côn đảo vào tháng 3 âm lịch biển êm mà còn sợ mất mật, chỉ một đêm trên tàu mà cũng xin chừa, ko dám nói ko bao giờ đi nữa, nhưng mình hãi vô cùng, thông cảm với Lan Hương”.

Bạn có nickname Xiao Mi tỏ ra thông cảm với nghệ sĩ Lan Hương: “Sau yêu còn có chia tay. Vậy hà cớ gì mà "em bé Hà Nội" bị chỉ trích nhiều thế. Người phụ nữ mà chúng ta đang dành cho rất nhiều "gạch đá" ấy, có lẽ sức chịu đựng cũng chỉ có hạn thôi.."

Bởi vậy, chúng ta mới phần nào hiểu được nỗi vất vả của các chiến sĩ Trường Sa canh giữ nơi biển đảo. Facebook Trần Thị Thanh Bình viết: “Đọc mà nước mắt cứ rơi, bởi vì nó được viết từ những cảm xúc từ sâu thẳm trong trái tim cùng với sự ngưỡng mộ chân thành vô bờ bến với các chiến sĩ đảo Trường Sa. Cảm ơn anh Phạm Trung Tuyến Nếu là tôi, tôi từ chối ngay từ đầu vì tôi sợ nước, chấp nhận là người hèn nhát”.

Theo Khánh Hòa - VnTinnhanh - Đại Đoàn Kết

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X