Hotline 24/7
08983-08983

Nóng bụng dưới, đau lưng, sốt, tiểu đêm... triệu chứng bệnh gì?

Câu hỏi

Cháu chào bác sĩ, Cháu là nam, năm nay 24 tuổi. Thời gian gần đây cháu hay bị đau nhói, nóng bụng dưới; đau lan ra sau hông, đau lưng kèm dưới háng; đau tức ngực trái, phải nằm ngửa xuống mới đỡ; kèm theo sốt và lạnh run, nhưng nằm nghỉ 1 đêm sáng hôm sau thì đỡ hơn. Cháu cũng bị đi tiểu đêm, 1 đêm đi tiểu 2-3 lần, khi đang ngủ cũng phải thức dậy để đi tiểu. Hàng ngày cháu cũng uống đủ 1,5 đến 2l nước, mỗi lần uống xong chỉ 10 phút sau là cháu muốn đi tiểu. Cháu mới đi mổ giãn tĩnh mạch tinh ở bệnh viện, có làm xét nghiệm máu và nước tiểu, nếu có vấn đề gì về thận chắc các bác sĩ đã thông báo. Cháu rất lo lắng về tình trạng của mình, mong bác sĩ cho cháu lời khuyên và cần phải làm những xét nghiệm cụ thể gì để biết mình có mắc bệnh gì về thận hay không? Cháu xin cám ơn và rất mong nhận được hồi âm của bác sĩ.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Nhiễm trùng đường tiết niệu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Nhiễm trùng đường tiết niệu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Những triệu chứng như sốt, tiểu nhiều lần, cảm giác nóng rát vùng bụng dưới… gợi ý nhiều đến nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu ở nam giới trẻ tuổi có thể do bất thường hệ niệu, sỏi niệu hoặc do một số tác nhân đặc biệt lây truyền qua đường tình dục. Xét nghiệm nước tiểu và siêu âm bụng là những cận lâm sàng giúp chẩn đoán nhưng vẫn có trường hợp âm tính giả. Do đó, nếu các triệu chứng của hệ niệu vẫn còn tiếp diễn, bạn nên khám chuyên khoa tiết niệu để được làm lại xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

Về vấn đề đau ngực trái liên quan đến tư thế (nằm ngửa đỡ đau) thường ít gợi ý các nguyên nhân nguy hiểm như bệnh tim mạch hay phổi. Có vô số các bệnh lý khác ít gây ra đau ngực trái, như bệnh lý thực quản, viêm sụn sườn, đau thần kinh liên sườn, đau cơ,…

Nhìn chung không phải là vấn đề đáng lo ngại, nhưng nếu đau nhiều, dai dẳng, tăng dần bạn cũng cần khám bác sĩ để trực tiếp đánh giá, tìm nguyên nhân và điều trị bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) xảy ra khi có sự xuất hiện của vi khuẩn ở bất kỳ cơ quan nào thuộc đường tiết niệu. Đường tiết niệu bao gồm các cơ quan sản xuất, lưu trữ và đào thải nước tiểu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Trong đó, bàng quang và niệu đạo thường bị nhiễm trùng nhất.

Các triệu chứng chung của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm: buồn tiểu thường xuyên, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, không kiểm soát được dòng chảy, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi, có mủ hoặc máu trong nước tiểu. Người bệnh, đặc biệt là phụ nữ sẽ cảm thấy đau vùng xương mu.

Bệnh nhân thường sẽ dùng kháng sinh trong 3-10 ngày. Bạn cần uống nhiều nước để giúp rửa trôi đường tiểu. Ngoài ra, uống nước ép trái cây cũng như vitamin C để làm tăng axit trong nước tiểu có thể hữu ích và nên tránh các đồ uống có cồn hoặc caffeine. Bác sĩ sẽ kê thuốc để giảm đau khi tiểu. Bệnh nhân có thể ngồi ngâm trong nước ấm để làm dịu cơn khó chịu. Hãy nghỉ ngơi đầy đủ cho đến khi hết sốt và đau.

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể được hạn chế nếu bạn:

- Uống 6-8 cốc nước mỗi ngày. Nước lọc và nước ép giúp lọc đường tiết niệu và hỗ trợ điều trị;
- Vệ sinh sạch sẽ. Phụ nữ sau khi vệ sinh nên lau chùi từ trước ra sau. Tránh thụt rửa và xịt nước sâu vào âm đạo. Nên tắm vòi sen hơn là tắm bồn. Mặc quần lót làm từ cotton và tránh các loại quần chật;
- Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Phụ nữ nên đi tiểu và vệ sinh sạch trước và sau khi quan hệ tình dục. Tránh đặt màng ngăn tinh trùng hoặc dùng thuốc diệt tinh trùng;
- Nên tiểu thường xuyên và làm rỗng bàng quang hoàn toàn;
- Báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang uống thuốc tránh thai. Một số loại kháng sinh có thể tương tác với thuốc tránh thai.

Dùng thuốc kháng sinh cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Nếu bạn hay bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh cho bạn để phòng ngừa bệnh.

Nhiễm trùng đường tiểu thông thường có thể trị khỏi hoàn toàn bằng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu bị nhiễm trùng tiểu kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa thận học hoặc tiết niệu vì thường là sẽ có nguyên nhân gây tắc nghẽn hoặc bất thường cấu trúc đường tiểu. Các thói quen vệ sinh đúng khi tiêu tiểu hoặc quan hệ tình dục rất hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu ở phụ nữ. Còn đối với nam giới, nếu có nhiễm trùng tiểu xảy ra, bạn nên đến khám bác sĩ sớm vì bệnh thường do nguyên nhân bất thường đường tiểu như sỏi thận hoặc phì đại tiền liệt tuyến gây ra.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X