Hotline 24/7
08983-08983

Nổi mẩn đỏ dù đã điều trị giun lươn, bệnh tái phát hay tác dụng phụ?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, vài tháng trước em bị nổi mẩn đỏ trên tay, chân. Sau đó em đi khám ở Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương thì được kết luận là dương tính với giun lươn. Bác sĩ có kê đơn thuốc Ivermeetin, và levabite mỗi ngày 4 viên. Em uống đến nay đã được 3 tuần, ban đầu những vết mẩn đỏ lặn hẳn, nhưng gần đây lại xuất hiện lại. Em không biết có phải em lại bị nhiễm giun lại không hay đó là biểu hiện bình thường trong quá trình đang điều trị ạ? Mong bác sĩ cho em lời giải đáp, em cảm ơn ạ! (Trần Lan - Hà Nội)

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào em,
Bệnh giun lươn là do nhiễm giun lươn Strongyloides stercoralis (2 - 2,5 x 30 - 50 mm). Các triệu chứng chính của bệnh là do sự ký sinh của giun trưởng thành, chủ yếu ở tá tràng và hỗng tràng, hoặc do ấu trùng di trú qua phổi và các tổ chức dưới da. Có tới 30% số người nhiễm bệnh không có triệu chứng.

Thời gian từ khi ấu trùng dạng sợi xâm nhập qua da cho đến khi ấu trùng xuất hiện trong phân là 3 - 4 tuần. Một hội chứng cấp đôi khi được nhận biết, khi các triệu chứng ngoài da, thường ở chân, được nối tiếp bằng các triệu chứng phổi và sau đó là các triệu chứng đường ruột.

Tuy nhiên, bệnh nhân thường có các biểu hiện mạn tính (kéo dài hoặc tái phát từng đợt) tồn tại hàng năm hoặc suốt đời. Do giun lươn có thể sinh sản trong cơ thể người, điều trị cần được tiếp tục cho đến khi giun bị loại trừ hết.

Hiện tại những mẩn đỏ trên tay đã lặn nay xuất hiện lại sau 1 liệu trình điều trị giun lươn thì em cần tái khám lại Viện ký sinh trùng Trung ương để bác sĩ kiểm tra lại cho em, xem bệnh đã hết chưa hay tái lại hay do dị ứng da thông thường.

Vì có một số trường hợp điều trị nhiễm giun đúng phác đồ rồi nhưng lại ngứa hơn là do khi giun bị “tiêu diệt” thì cũng “phóng thích vào máu một số chất” gây tăng mức độ dị ứng, nhưng tình trạng này sẽ giảm dần.

Mặt khác, ngoài nhiễm giun sán thì còn có các yếu tố gây dị ứng khác thường gặp có thể kèm theo là thay đổi môi trường sống quá khác biệt (còn gọi là trái nước trái gió), ăn hải sản, cá biển, thịt bò, rệp giường chiếu, chăn ga gối nệm quần áo không sạch, khô cứng còn cặn bột giặt, rượu bia, chàm tiếp xúc... Trong trường hợp này thì khi hết liệu trình điều trị giun sán thì nên ngưng thuốc trị giun, mà chỉ trị ngứa đơn thuần mà thôi, vì uống thuốc trị giun kéo dài không có lợi mà có hại cho gan, thận. Song song đó, xem lại các yếu tố gây dị ứng khác kể trên xem có không để xử trí luôn em nhé!

Bệnh giun lươn hình thành do ấu trùng giun lươn xâm nhập vào cơ thể bằng cách chui qua da, đi theo đường tĩnh mạch chạy lên tim, qua phổi rồi tới khí quản, hầu, sau đó di chuyển xuống thực quản và ruột để sinh trưởng thành giun trưởng thành.

Giun lươn được xếp vào loại ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa do nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể người và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong. Số người mắc bệnh giun lươn ở Việt Nam khá cao, chiếm 1 - 2 % tổng dân số, bệnh cũng có tỉ lệ tái nhiễm cao hơn so với các bệnh khác.

Người mắc bệnh giun lươn không có những triệu chứng lâm sàng điển hình, tuy nhiên, một số biểu hiện dưới đây có thể là dấu hiệu mắc bệnh giun lươn.

- Đau bụng vùng thượng vị
- Tiêu chảy
- Viêm da tại chỗ khi có ấu trùng xâm nhập vào cơ thể
- Xét nghiệm máu thấy thiếu máu nhẹ
- Lên cơn hen với người bị cơ địa dị ứng
- Giun lươn lạc chỗ có thể ký sinh ở thực quản, phổi, hạch bạch huyết
- Phân có mùi hôi tanh

Ngoài những dấu hiệu trên, khi xét nghiệm phân bằng kỹ thuật Kato hoặc Kato-Katz, kết quả trong phân có ấu trùng giun lươn sẽ có ngay sau khi lấy phân làm xét nghiệm.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X