Hotline 24/7
08983-08983

Nội dung tư vấn trực tiếp ngày 19/4 của BS Lan Hương

Trong buổi tư vấn, BS Lan Hương đã luôn tay tiếp điện thoại của bạn đọc gọi về. Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn hôm nay, 19/4.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Nhân dân 115

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Hai Luu - luthihai…@gmail.com

Thưa BS,

Chồng tôi xét nghiệm thấy CA 19-9 < 27 thì có sao không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi

Chào bạn,

Kháng nguyên ung thư CA19-9 (cancer antigen 19-9 hoặc carbohydrate antigen 19-9). CA 19-9 huyết tương có thể tăng trong ung thư tụy, gan, mật, dạ dày, đại trực tràng, buồng trứng, thực quản, … và trong một số bệnh lành tính như tắc mật, viêm đường mật, viêm ruột, viêm tụy cấp hoặc mãn tính, xơ gan, xơ nang, bệnh tuyến giáp.

Vai trò chủ yếu của CA19-9 là sử dụng để chẩn đoán sớm, theo dõi hiệu quả điều trị, phát hiện tái phát và tiên lượng ung thư tụy. Bình thường CA 19-9 tồn tại trong máu ở mức < 37 IU/mL. Những trường hợp xét nghiệm CA 19.9 thấp và không kèm triệu chứng khó chịu gì, các xét nghiệm tầm soát bệnh thông thường cũng bình thường, phản ảnh sức khỏe tốt.

 

- Trương Phương - thaoquecui…@gmail.com

BS ơi,

Cháu bị thủy đậu đã 4 ngày nay, có 2 nốt thủy đậu bị mưng mủ, một nốt trên lỗ mũi. Bây giờ dịch vàng càng ngày càng to ra và che gần hết lỗ mũi. Cháu phải làm gì ạ? Cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi

Chào em,

Khi thủy đậu bị bội nhiễm thì cần sử dụng kháng sinh đường toàn thân kết hợp với tại chỗ bôi thuốc sát khuẩn. Em cần khám chuyên khoa Nhiễm hoặc chuyên khoa Da liễu để bác sĩ kê đơn thuốc điều trị (BS phải dựa vào tiền căn dị ứng thuốc, tổng trạng của em...).

Trong thời gian đó, em vẫn tiếp tục dùng các thuốc bôi màu như Milian, Eosin 2%... bôi lên các tổn thương mụn - bóng nước (đã vỡ, chưa vỡ) vì có tác dụng kháng khuẩn và giúp khô tổn thương, có thể bôi được trên da và cả vùng kín; cần ăn đầy đủ dưỡng chất, mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng, thoáng; thay quần áo 2 lần mỗi ngày và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm trong phòng kín gió.


- Nhật Kỳ - Phan Thiết

Chào BS,

Cho cháu hỏi, dưới hạ sườn gần mũi ức cả hai bên khi sờ vào thấy có hơi vậy là bất thường hay bình thường vậy ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi

Chào em,

Trong bụng của chúng ta có rất nhiều các quai ruột, ngay dưới mũi ức là vị trí của dạ dày. Trong dạ dày - ruột luôn có ít dịch và hơi, nên việc cảm nhận thấy hơi ở vị trí của dạ dày - ruột là bình thường, sẽ bất thường khi hơi này nhiều quá gây khó chịu, còn gọi là đầy hơi - khó tiêu, hay những lúc cách xa bữa ăn mà bụng vẫn óc ách, hay khi có kèm triệu chứng nôn - đau bụng - không xì hơi được; khi đó em cần khám chuyên khoa Tiêu hóa để BS kiểm tra và xử trí thích hợp.


- thanhtruc…@gmail.com

BS cho em hỏi,

Em hay bị nhức đầu thường xuyên. Đầu óc em lúc nào cũng bị căng thẳng, mệt mỏi kéo dài. Tệ nhất là tinh thần của em lúc nào cũng buồn bã chán nản một thời gian dài. Em dễ lên cơn nóng giận, có những lúc muốn bỏ đi đến những nơi xa. Giờ em không biết phải làm sao? Em cảm thấy mình chán sống, không biết chia sẻ cùng ai. BS ơi, có phải thần kinh của em có vấn đề?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi

Chào em,

Căng thẳng - mệt mỏi kéo dài có thể bắt nguồn từ những điều không thuận lợi trong công việc, cuộc sống và là nguyên nhân gân đau đầu thường xuyên, thay đổi tính tình. Nhưng, nhức đầu cũng có thể là nguyên nhân gây mệt mỏi, làm công việc không thuận lợi, tinh thần càng đi xuống.

Trước mắt, em cần khám chuyên khoa Nội thần kinh, tìm xem có bệnh lý tiềm ẩn nào gây đau đầu không, như bệnh ở mắt, viêm mũi xoang, đau đầu Migraine... Nếu mọi thứ bình thường, em nên cố gắng tìm cách giải tỏa đầu óc bằng cách tập thể dục, đi chùa/ nhà thờ, nghe nhạc... Nếu không cải thiện thì nên khám BS chuyên khoa Tâm thần, trong đó có tư vấn tâm lý và thuốc sẽ hỗ trợ em nhiều hơn.

Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ... em có thể đến BV ĐH Y dược, BV Nguyễn Tri Phương, BV 175... những cơ sở y tế có chuyên khoa này ở TPHCM, em nhé


- young…@gmail.com

BS ơi,

Em 17 tuổi, đang điều trị thuốc nam vậy bây giờ em chích thuốc ngừa sởi và rubella có sao không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi

Chào em,

BS cần biết em đang có bệnh gì mà cần phải uống thuốc nam. Vì một số thành phần thuốc và tình trạng sức khỏe cần tránh tiêm ngừa trong một thời gian. Ngoài ra, Tiêm ngừa sởi - quai bị - rubella (mũi 3 trong 1) thì không được tiêm khi đang có thai, và tốt nhất là 3 tháng trước khi mang thai.



- Hồng Hạnh, 33 tuổi

Kính thưa BS,

Cháu cao 1,55m, nặng 42kg. Cách đây 2 năm cháu đi kiểm tra sức khỏe, BS kết luận cháu bị thiếu máu hồng cầu nhỏ. Các chỉ số là RBC: 6,10; HGB: 128; HCT: 0,381; MCV 62,5; MCH: 21,0. BS kê thuốc bổ máu cho cháu uống.

Vừa rồi cháu đi kiểm tra sức khỏe lại, BS kết luận cháu bị thiếu máu hồng cầu nhỏ.

Các chỉ số là RBC: 6,06; HGB: 128; HCT: 0,398; MCV: 65,9; MCH: 21,2.

Thưa BS, vậy cháu có mắc bệnh huyết tán không? Với các chỉ số như vậy bệnh thiếu máu của cháu có nguy hiểm không? Cháu cảm ơn BS nhiều.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi

Chào em,

Em bị thiếu máu mức độ nhẹ, nhưng hồng cầu của em nhỏ và nhược sắc, gọi là thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc. Cần phải kiểm tra nguyên nhân gây hồng cầu nhỏ nhược sắc, gồm thiếu sắt (do ăn uống kém, do rối loạn hấp thu, do mất máu rỉ rả do rối loạn kinh nguyệt hay xuất huyết tiêu hóa...).

Bệnh máu di truyền (HbH, β-thalasemia), do viêm nhiễm mạn tính... Bệnh tán huyết thường gây thiếu máu đẳng sắc đẳng bào (hồng cầu không nhỏ).

Như em thấy đó, có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu hồng cầu nhỏ, em nên đến chuyên khoa Huyết học hay BV Truyền máu huyết học (TPHCM) để kiểm tra sâu thêm, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp riêng, như thiếu sắt thì bù sắt, bệnh máu di truyền thì không được dùng thuốc bổ sắt (thường có trong các thuốc bổ máu).


- Tâm Nguyễn - tantam…@gmail.com

Kính gửi BS,

- Cha và mẹ có nhóm máu: O, AB thì con có thể có nhóm máu O không?

- Gia đình em có 3 người con, cha nhóm máu O, mẹ nhóm máu AB, theo bảng nhóm máu thì con không thể có nhóm máu O, vậy mà 2/3 người con có nhóm máu O, vậy có đúng không ạ? Nhờ BS tư vấn giúp, em cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi

Chào bạn,

Nếu người chồng có nhóm máu O, người vợ có nhóm máu AB thì con sinh ra từ sự kết hợp của 2 người này chỉ có 2 trường hợp, hoặc nhóm máu A - hoặc nhóm máu B.

Tuy nhiên, việc xác định huyết thống dựa vào nhóm máu chỉ mang tính chất tương đối, vì có trường hợp đột biến gien xảy ra ở thế hệ con (tuy hiếm). Như vậy, trước mắt là xét nghiệm lại nhóm máu của người vợ và người chồng, và muốn kiểm tra chắc chắn nhất về huyết thống thì tin cậy nhất là xét nghiệm ADN.


 

- Hoài Nam - TPHCM

Thưa BS,

Em Clotest dương tính và viêm hang vị, được BS cho uống kháng sinh Amoxcillin và Clarithromycin được 2 tuần, sau đó uống thêm Metronidazole được 5 ngày. BS cho hỏi, em dừng dùng kháng sinh và bắt đầu uống thuốc dạ dày được chưa ạ?       

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi

Chào em,

Như vậy là em bị viêm dạ dày do vi khuẩn Hp. Trong phác đồ điều trị tiệt trừ Hp, theo khuyến cáo của thế giới và Bộ Y tế VN, ngoài kháng sinh chắc chắn BS chuyên khoa Tiêu hóa phải kê “thuốc dạ dày” nữa, đó là thuốc ức chế tiết acid dạ dày, có thể có thuốc hỗ trợ triệu chứng (trị đầy hơi, khó tiêu, ợ nóng...) chứ không chỉ có kháng sinh.

Sau 1 đợt điều trị tiệt trừ Hp, nếu người bệnh hết triệu chứng khó chịu ở dạ dày thì cần ngưng tất cả các thuốc trong 1 tháng, sau đó quay lại kiểm tra xem tiệt trừ thành công Hp chưa (thường là trắc nghiệm hơi thở) thì kết quả mới chính xác, còn nếu người bệnh còn triệu chứng khó chịu thì cần tái khám BS để BS điều chỉnh lại thuốc dùng thêm 1 thời gian nữa (không thể lấy toa thuốc cũ uống tiếp) trước khi ngừng tất cả thuốc để kiểm tra.


- Ngọc Quỳnh - TPHCM

BS ơi,

Cháu 16 tuổi mà mỗi khi học bài vai lại đau nhức chịu không nổi. Có vài lần bên cánh tay trái cứ 2-3p là nhói lên, như có gì giật lên vậy. Lúc đang cầm đồ mà nó xuất hiện là tay chỉ có thả đồ xuống luôn. Không biết cháu bị gì vậy ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi

Chào em,

Biểu hiện của em có thể do ngồi học sai quy cách gây căng mỏi cơ, nặng hơn thì có thể có vấn đề ở cột sống cổ, gù vẹo cột sống; ngoài ra, có thể do bệnh lý của thần kinh cơ (viêm, thoái hóa...).

Nhìn chung, em cần phải khám chuyên khoa Nội thần kinh (có ở nhiều bệnh viện lớn như Gia Định, Nguyễn Tri Phương, BV Nhân dân 115, BV Đại học Y dược TPHCM...) để phát hiện sớm bệnh lý (qua thăm khám, xét nghiệm máu, chụp Xquang cột sống cổ, khớp vai, đo điện cơ...) mà điều trị thích hợp.


- Minh Minh - Lào Cai

Chào BS,

Cách đây khoảng 2 năm, em có bị ong vàng chích vào mặt. Khi đó em không có dùng loại thuốc nào và để nó tự khỏi. Nhưng sau khi khỏi em nhận thấy má bên phải lệch to hơn má bên trái rất nhiều.

Mới đầu em cho rằng do sưng và sẽ tự hết nhưng gần đây em nhận thấy má bên phải không hết sưng mà giờ nó to và lệch hẳn với mà bên trái. Như vậy, má bên phải của em có bị viêm nhiễm gì hay không? Có hướng khắc phục hay không? Mong BS giải đáp giúp em. Xin chân thành cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi

Chào em,

Theo miêu tả của em, tôi hình dung là cách đây 2 năm, em bị ong vàng chích vào má bên phải làm sưng đau, không điều trị gì và tự khỏi (tức là phải bớt sưng đau nhiều), nhưng má bên phải bị lệch so với má bên trái, đến nay vẫn còn và có xu hướng lệch nhiều hơn. Có phải vậy không em?

Nếu như vậy thì có thể có một số nguyên nhân thường gặp gây hiện tượng này, như mô sẹo xơ co rút từ chỗ sưng viêm cũ, từ lỗ chích cũ tạo thành nang tuyến bã, do thói quan ăn 1 bên lâu ngày hình thành, viêm thần kinh mặt, viêm tuyến mang tai bên phải mạn tính...

Em cần phải khám chuyên khoa Răng hàm mặt để BS xác định nguyên nhân, mức độ di lệch, từ đó mới đề ra hướng khắc phục thích hợp, em nhé


- Nam Phuong, 26 tuổi

Chào BS,

Mấy ngày nay em thấy dưới lông mày phải hơi sưng và nhức, tới chiều là đau đầu kèm theo chảy nước mắt. Xin hỏi em bị bệnh gì? Em có tiền sử bị dị ứng mũi. Xin cám ơn BS nhiều! 

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi

Chào em,

Tôi không khám trực tiếp cho em nên rất khó chẩn đoán chính xác bệnh. Tuy nhiên dựa trên dấu hiệu mi mắt sưng, nhức, chảy nước mắt mà em miêu tả thì có khả năng em bị chắp hoặc lẹo ở mắt (vì đây là bệnh thường gặp nhất gây các triệu chứng trên).

Những việc em cần làm là chườm ấm cho mắt 3 - 6 lần/ngày (Rửa tay sạch sẽ trước chườm. Sử dụng một miếng vải sạch hoặc miếng gạc tẩm nước muối pha loãng ấm đắp lên mắt trong khoảng 5 - 10 phút); Không xông hoặc đắp các loại lá hay các bài thuốc của người không có chuyên môn vì có thể khiến mắt nhiễm trùng nặng; nên đi khám tại chuyên khoa Mắt để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh và cho thuốc điều trị phù hợp.


- Ngọc Anh - Hà Nội

Chào BS,

Em bị tức ngực, đau ở phần dạ dày theo cơn khoảng 15-30 giây, có ợ hơi và sôi bụng. Gần đây em  có dùng kháng sinh và các thuốc khác để chữa bệnh ho. BS cho hỏi, em bị bệnh gì và chữa trị như thế nào ạ? Em có cần thiết phải đi bệnh viện không? Cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi

Chào em,

Triệu chứng của em thường gặp trong bệnh viêm dạ dày tá tràng, có thể do tác dụng phụ của thuốc trị ho lần trước, có thể em có bệnh lý viêm dạ dày tá tràng từ trước (có thể nhiễm vi khuẩn Hp hoặc không).

Em cần khám BS chuyên khoa Tiêu hóa để BS chẩn đoán xác định bệnh (qua thăm khám, xét nghiệm, nếu nghi ngờ bệnh dạ dày thì tốt nhất nên nội soi dạ dày tá tràng xem viêm ở đâu, có loét không, có nhiễm Hp không) và kê thuốc thích hợp.

Song song đó em cần hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ, em nhé.




Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X