Hotline 24/7
08983-08983

Những trục trặc thời tiền mãn kinh

Ở tuổi 45-50, các cơ và dây chằng nâng đỡ bàng quang bị yếu đi, chùng xuống, có thể làm bạn hay mót tiểu, tiểu nhiều lần, khó nhịn tiểu so với trước.

Thông thường, đến tuổi 45-50, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi. Hoạt động của các tuyến nội tiết bắt đầu trễ nải, lượng hoóc môn sinh dục (estrogen và progesteron) giảm dần. Phản ứng của trứng và niêm mạc tử cung với các tín hiệu hoóc môn không còn nhịp nhàng như trước.

Khả năng sinh sản của người phụ nữ giảm, trứng rụng thưa dần, nhiều chu kỳ không có trứng rụng, kinh nguyệt thất thường, vài ba tháng không có, sau đó kinh có thể nhiều hơn và liên tục.

Nhiều người có hiện tượng “bốc hỏa”: đột nhiên thấy như có luồng khí nóng bừng lên từ phần trên cơ thể bốc lên mặt, lan tỏa ra các phần khác của cơ thể, nhiều khi da đỏ ửng, thân nhiệt tăng, tim đập nhanh hoặc không đều, người mệt mỏi. Hết cơn bốc hỏa, bạn có thể vã mồ hôi, đôi khi cảm thấy lạnh. Tính khí nhiều khi thất thường, dễ lo lắng, buồn phiền... Nếu bốc hỏa về đêm, bạn có thể thức giấc và khó ngủ lại.

Để khắc phục hiện tượng bốc hỏa, bạn nên mặc quần áo thoáng mát; về mùa đông nên mặc nhiều lớp áo mỏng để có thể cởi bớt mỗi khi có cơn bốc hỏa. Nên ở nơi thoáng khí; tránh những đồ ăn thức uống cay, nóng. Khi thấy bốc hỏa hoặc cảm thấy sắp có cơn bốc hỏa, bạn hãy thư giãn, thở đều, thở chậm.

Vì ở thời kỳ này vẫn có những chu kỳ có trứng rụng nên bạn cần tiếp tục sử dụng các biện pháp tránh thai. Vì trứng rụng thất thường, nếu đang tránh thai dựa vào cách tính vòng kinh, bạn hãy thay bằng biện pháp hiệu quả cao để tránh bị “vỡ kế hoạch”. Nếu sau một năm không hành kinh và chắc chắn không có thai nghĩa là bạn đã mãn kinh. Tuy vậy, bạn không cần phải ngừng sinh hoạt tình dục.

Do oestrogen sụt giảm, trong vài năm đầu, âm đạo có thể trở nên khô, kém đàn hồi, đôi khi cản trở sinh hoạt tình dục. Vợ chồng bạn nên kéo dài “khúc dạo đầu” để âm đạo có thời gian tiết đủ dịch trơn và tăng thêm độ đàn hồi, khi đó sinh hoạt tình dục sẽ cảm thấy thoải mái hơn, lại không gây đau hoặc chảy máu.

Để khắc phục những “bất tiện” về tiết niệu như tiểu són, bạn cần tập luyện để làm săn chắc các cơ vòng ở vùng âm hộ có liên quan đến việc tiểu tiện theo cách sau: khi đang đi tiểu, bạn cố cắt dòng sẽ nhận biết được các cơ đó đang co. Bạn hãy tập co giãn các cơ này nhiều lần, lúc đầu chậm, sau nhanh hơn. Bạn có thể tập như thế bất kỳ lúc nào, ở đâu, cả khi đang làm công việc khác.

Theo BS Nguyễn Châu Long - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X