Hotline 24/7
08983-08983

Những sai lầm cần tránh khi dùng thuốc kháng sinh

Kháng sinh là thuốc được dùng trong điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra. Nếu chúng ta lạm dụng, sử dụng sai thuốc kháng sinh sẽ làm yếu đi loại vũ khí diệt khuẩn này.

Sau đây là những sai lầm thường gặp của chúng ta trong sử dụng loại thuốc này, cần phải tránh.

Uống thuốc mau dứt triệu chứng mới là thuốc tốt

Khi bị bệnh, ai cũng muốn bệnh mau khỏi. Chính tâm lý này mà bệnh nhân tin rằng thuốc “mạnh” mới  là thuốc tốt. Vì  thế, một số (không phải tất cả) bác sĩ (hoặc nhà thuốc) đã “chiều lòng” bệnh nhân mà kê đơn thuốc kháng sinh liều cao, thuốc thế hệ mới... khi chưa cần thiết phải dùng. Rồi các bệnh nhân truyền miệng cho nhau “bác sĩ A” giỏi, “nhà thuốc B” bán thuốc  tốt, nên uống thuốc vào bệnh khỏi  nhanh... Tuy nhiên, họ đâu biết rằng kháng sinh uống sai cũng như uống độc dược. Khi dùng liều cao sẽ tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ, tăng độc tính của thuốc. Nhẹ thì ngứa ngáy khó chịu, nổi ban, nặng có thể bị sốc phản vệ dẫn đến tử vong... Và điều tệ hại là khi đã dùng kháng sinh “mạnh, liều cao” sẽ dẫn đến việc “nhờn” thuốc.

Uống thuốc không đủ liều

Tâm lý chung dựa trên sự hiểu biết không đầy đủ của rất nhiều người bệnh thường là “thuốc tây nó hại” lắm, cho nên chỉ cần uống mấy liều thấy đỡ rồi thì thôi, chứ uống làm gì nhiều cho hại người.

Tuy nhiên, kháng sinh có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm khuẩn, nhưng phải được sử dụng đúng liều và đủ thời gian thì mới có được tác dụng này. Nếu dừng thuốc khi bệnh mới thuyên giảm (chưa hết thời gian dùng thuốc), vi khuẩn lúc này mới chỉ bị yếu đi, sẽ sống lại trong môi trường kháng sinh đã giảm nồng độ. Chúng sẽ “rút ra kinh nghiệm” chống kháng sinh và sẽ tồn tại mạnh mẽ hơn. Vi khuẩn sẽ sản sinh ra thế hệ sau “gan lì” hơn và tất nhiên, kháng sinh không còn tác dụng với chúng. Đó là lý do vì sao phải dùng kháng sinh đủ ngày, dùng kháng sinh là phải “đánh” tận gốc vi khuẩn. Các nhà khoa học đã tính toán, tùy theo liều dùng mà kháng sinh thông thường cần phải uống đủ 7 - 10 ngày thì vi khuẩn mới “sạch” được.

Những sai lầm cần tránh khi dùng kháng sinhSai lầm khi dùng kháng sinh, dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng.

Dùng thuốc theo mách bảo

Thường các phụ huynh hay chia sẻ với nhau về bệnh của con mình. Chia sẻ này thường nhận được sự cảm thông: “Bệnh này giống hệt bệnh của con tôi, để tôi đưa cho cái thuốc con bé nhà tôi đã dùng, nhanh khỏi lắm, đỡ phải đưa con đi khám bệnh vừa tốn kém, vừa chờ đợi lâu mà biết đâu lại bị lây bệnh khác...”. Và  thế là không ít phụ huynh “tặc lưỡi” nhận thuốc được tặng (hoặc đi mua thuốc giống hệt) về dùng cho con.

Điều này là sai lầm lớn, nhưng thực tế lâm sàng lại rất hay gặp ở các phụ huynh. Bởi ngay cả khi có thể là bệnh giống hệt nhau thì việc dùng kháng sinh trên mỗi cá thể bệnh nhân lại khác nhau.

Dùng lại thuốc của lần trước

Với tâm lý ngại đi khám bệnh và tiếc tiền thuốc, không ít các trường hợp bệnh nhân sử dụng lại thuốc của lần dùng trước, khi có triệu chứng bệnh giống nhau. Đây là một sai lầm lớn, bởi có thể bệnh lần sau dù có  triệu chứng “giống” với lần trước nhưng chưa chắc đã phải cùng là một bệnh. Mà ngay cả khi bệnh đó tái phát thì việc dùng thuốc của lần sau chưa chắc đã giống lần trước. Hơn nữa, thuốc của lần trước (đã mua được bao nhiêu ngày, tháng? Đã mở hộp/lọ/vỉ thuốc ra  chưa?) thì chất lượng thuốc không chắc đã được bảo đảm. Bởi chất lượng cuả thuốc còn phụ thuộc vào việc bảo quản: Nhiệt độ, tủ thuốc, ánh sáng... Nếu việc bảo quản này không tốt có thể làm thay đổi, thậm chí mất tác dụng của thuốc. Do đó, đừng bao giờ trả giá với sinh mệnh của mình khi dùng lại thuốc đã cũ.

Tự ý đổi thuốc

Kháng sinh dù có mạnh đến đâu, cũng cần có thời gian nhất định để phát huy tác dụng, chứ không thể vừa uống, bệnh đã khỏi. Nhiều cha mẹ cho con uống thuốc chưa hết liều nhưng thấy con không có dấu hiệu thuyên giảm thì yêu cầu bác sĩ đổi thuốc ngay. Nhiều trường hợp bác sĩ giải thích thì không nghe, còn chê “bác sĩ trình độ kém” và đi khám bệnh nơi khác chiều ý mình mới chịu. Đây cũng là một sai lầm của rất nhiều bệnh nhân.

Còn đối với bác sĩ, khi bệnh nhân dùng thuốc không có tác dụng, họ sẽ cần xem xét đến các khía cạnh như: Bệnh nhân đã tuân thủ đúng liều chưa? khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể bệnh nhân như thế nào... rồi mới ra chỉ định tiếp theo được.

Theo BS Nguyễn Khánh - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X