Hotline 24/7
08983-08983

Những nhóm yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc bệnh tim mạch

Các yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm những yếu tố không thể thay đổi được (như tuổi, giới, di truyền) và các yếu tố có thể thay đổi được (như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường,...).

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch không thay đổi được

- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, sau khi mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nữ giới sẽ gia tăng nhanh chóng, bắt kịp, thậm chí có xu hướng vượt qua nam giới. Bệnh lý tim mạch ở nữ giới cũng thường nặng hơn, có tỷ lệ tử vong cao hơn, song lại thường bị bỏ sót và đến muộn hơn so với nam giới.

- Tuổi tác: Nguy cơ xảy ra biển cố tim mạch gia tăng khi tuổi đời cao hơn. Trên 50% số người đột quỵ liên quan đến bệnh lý tim mạch và 80% số chết vì đột quỵ xảy ra ở độ tuổi trên 65. Tuổi già là điều không thể tránh được, tuy nhiên việc ăn uống điều độ, sinh hoạt hợp lý và duy trì một lối sống lành mạnh sẽ góp phần làm chậm lại quá trình thoái hoá do tuổi gây ra.

- Di truyền: Yếu tố gia đình cũng rất quan trọng: nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ gia tăng nếu trong gia đình đã có người mắc bệnh tim mạch sớm (dưới 55 tuổi).

Yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch có thể thay đổi được

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh: 90% các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp hoặc tai biến mạch não đều liên quan đến 9 yếu tố nguy cơ chính sẽ được đưa ra dưới đây:

- Rối loạn lipid máu và tăng cholesterol trong máu

Rối loạn lipid máu hay tăng hàm lượng các chất mỡ trong máu là một trong những yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất, thường gặp và liên quan mật thiết đến bệnh xơ vữa gây hẹp, tắc động mạch vành.

Cholesterol máu có nhiều dạng khác nhau, như HDL-C (cholesterol tốt tác dụng giảm xơ vữa), LDL-C (cholesterol xấu làm gia tăng xơ vữa động mạch). Để giảm nguy cơ xơ vữa và dự phòng các biến cố tim mạch, cần duy trì nồng độ cholesterol toàn phần ở mức dưới 200 mg/dL (5,17mmol/L), LDL-C dưới 130 mg/dL (3,34 mmol/L) và HDL-C trên 40 mg/dL (1,03 mmol/L), cũng như triglycerid dưới 150 mg/dL (1,73 mmol/L). Người đã có bệnh tim mạch thậm chí cần hạ mỡ máu tích cực hơn (có thể dùng các thuốc thuộc nhóm statin) để dự phòng biến chứng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi tuổi (lượng cholesterol toàn phần tăng theo tuổi), giới (phụ nữ thường có lượng HDL cao hơn) hay yếu tố di truyền, các rối loạn lipid máu vẫn có thể thay đổi đáng kể khi ta điều chỉnh tích cực lối sống. Chế độ ăn ít cholesterol và mỡ bão hoà có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu. Giảm lượng rượu uống hàng ngày và giảm số cân dư thừa làm hạ thấp đáng kể lượng triglycerid trong máu. Bỏ thuốc lá, tập luyện thường xuyên cũng làm giảm triglycerid và tăng lượng HDL-C.

- Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tim mạch được chú ý nhiều nhất. Gọi là tăng huyết áp khi số đo huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và/hoặc số đo huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg. Cả hai số đo huyết áp tâm thu và tâm trương đều là những yếu tố nguy cơ tim mạch, tuy nhiên số đo huyết áp tâm thu được xem là yếu tố dự báo quan trọng hơn đối với nguy cơ xuất hiện các biến chứng do tăng huyết áp nhất là tai biến mạch não.

Tăng huyết áp thường kết hợp với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường... Trong các rối loạn, một rối loạn này có thể là nguy cơ của rối loạn khác và ngược lại. Kiểm soát thành công tăng huyết áp làm giảm rõ rệt nguy cơ xảy ra các biến chứng. Cho dù kết quả điều trị tăng huyết áp phụ thuộc vào việc dùng thuốc nhưng các biện pháp khác như giảm cân nặng, hạn chế muối và tập luyện cũng góp phần đáng kể làm giảm huyết áp của bạn.

- Hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạch vành, tai biến mạch não, hẹp động mạch ngoại vi... dù người hút thuốc thường gầy và có huyết áp thấp hơn người không hút thuốc. Nguy cơ đột tử của người hút thuốc lá cao gấp 10 lần so với người không hút ở nam và gấp 5 lần ở nữ giới. Trên thực tế, 30-40% các trường hợp chết vì bệnh mạch vành có nguyên nhân từ hút thuốc lá.

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ giảm dần ngay sau khi ngừng hút thuốc, kể cả khi đã hút nhiều và lâu năm. Nếu tiếp tục ngừng hút, mức độ nguy cơ sẽ dần dần thấp gần như tương đương với mức ở người chưa từng hút thuốc. Hút thuốc lá chứa lượng nicotin thấp không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hơn thế nữa, nhiều người khi sử dụng loại thuốc này có xu hướng hút nhiều hơn và hít vào sâu hơn, tăng mức độ tiếp xúc với các chất độc hại trong khói thuốc và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.

- Ít hoạt động thể lực

Lối sống ít vận động là một trong những nguy cơ tim mạch chính gây ra các biến cố tim mạch. Tập luyện thể lực thường xuyên làm giảm nguy cơ xuất hiện nhồi máu cơ tim đồng thời nâng cao khả năng sống sót khi xảy ra nhồi máu cơ tim. Tập luyện cũng có tác động tích cực tới các yếu tố nguy cơ khác như giảm cân, tránh béo phì, giảm stress...

- Uống nhiều rượu

Nếu sử dụng điều độ, không quá 1 đến 2 chén mỗi ngày, rượu có thể giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành. Nhưng uống quá nhiều rượu lại làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch do làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ tổn thương gan, biến chứng não (nhất là xuất huyết não) và một số bệnh lý tim mạch khác.

Tốt nhất, nam giới nên duy trì vòng bụng dưới 90 cm, không vượt quá 90% chu vi vòng mông; nữ giới nên cố gắng duy trì vòng bụng dưới 80cm và không vượt quá 80% chu vi vòng mông.

- Đái tháo đường và kháng insulin

Người mắc đái tháo đường được coi là có khả năng xuất hiện các biến cố tim mạch tương đương với một người đã mắc bệnh mạch vành. Ngay cả khi lượng đường trong máu chỉ mới tăng nhẹ thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng cao hơn người bình thường. Những người đái tháo đường týp 2 (xuất hiện ở tuổi trung niên, khác với týp 1 thường xuất hiện sớm ở người trẻ) thường có nồng độ insulin trong máu cao (còn gọi là tình trạng kháng insulin), thúc đẩy tăng huyết áp và tăng lắng đọng cholesterol vào mảng vữa xơ động mạch, thúc đẩy quá trình xơ vữa và các biến chứng của nó. Ngoài việc sử dụng thuốc để kiểm soát đường máu, giảm cân và tập luyện thể lực thường xuyên thúc đẩy quá trình sử dụng đường trong máu và giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm lại sự xuất hiện của bệnh đái tháo đường.

- Thừa cân/béo phì

Béo phì ở các mức độ khác nhau đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Béo phì có thể tác động tới sự hình thành một số yếu tố nguy cơ tim mạch khác - tiền đề cho xơ vữa động mạch - như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu hay đề kháng insulin.

Có hai dạng béo phì: dạng thứ nhất, mỡ thừa thường tập trung tại vùng bụng, thường gặp ở nam giới (gọi là “bụng bia” hay béo phì dạng quả táo); dạng thứ hai có sự tích lũy mỡ nhiều ở vùng mông và đùi, thường gặp ở phụ nữ (béo phì dạng quả lê). Béo bụng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là xơ vữa gây hẹp mạch vành và tai biến mạch não cũng như gia tăng chính các yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng khác như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, giảm dung nạp đường và đái tháo đường.

Nguồn tham khảo:
http://benhviendhqghn.com/y-hoc-thuong-thuc/cac-yeu-to-nguy-co-tim-mach/83

Lê Hoa (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X