Hotline 24/7
08983-08983

Những nguyên nhân làm thay đổi đường huyết của bạn - Phần 2

Đường huyết là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá bệnh tiểu đường. Một số yếu tố sau đây sẽ có tác động rất lớn đối với đường huyết của bạn và cần lưu ý để có thể kiểm soát tốt chỉ số này.

Trong bài viết phần 1, chúng ta đã tìm hiểu những ảnh hưởng của thực phẩm lên chỉ số đường huyết của bạn. Hãy cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tiếp tục tìm hiểu xem còn những nguyên nhân nào gây thay đổi chỉ số đường huyết.

Tăng đường huyết: Khi bị cảm lạnh

Đường huyết của bạn sẽ tăng khi cơ thể bạn đang phải chiến đấu với một căn bệnh nào đó. Hãy uống đủ nước và các loại đồ uống khác để giúp cơ thể không bị mất nước. Cần thông báo cho bác sỹ ngay nếu bạn bị tiêu chảy hay nôn mửa kéo dài hơn 2 giờ hoặc nếu bạn bị ốm và vẫn không có dấu hiệu khá hơn sau 2 ngày. Cần lưu ý rằng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh và thuốc trị nghẹt mũi cũng có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết của bạn.

Tăng đường huyết: Stress công việc

Bạn cảm thấy quá tải hay không vui vẻ trong công việc? Khi bạn cảm thấy căng thẳng, stress, cơ thể sẽ giải phóng ra hormon có thể làm tăng đường huyết. Hiện tượng này rất hay gặp ở những người mắc tiểu đường type 2. Do vậy, điều quan trọng là bạn cần phải học cách thư giãn bằng cách thở sâu và tập luyện thể dục, thể thao. Ngoài ra, hãy thử một số biện pháp giúp giải tỏa stress nếu có thể.

Tăng đường huyết: Steroid và thuốc lợi tiểu

Một số loại corticosteroid như prednisolon được sử dụng để điều trị phát ban, viêm khớp, hen phế quản và nhiều căn bệnh khác. Tuy nhiên, bản thân chúng cũng có thể làm tăng đường huyết của bạn và thậm chí gây bệnh tiểu đường ở một số đối tượng. Các loại thuốc lợi tiểu giúp kiểm soát huyết áp cũng có tác động tương tự. Ngoài ra, một số thuốc chống trầm cảm cũng có thể làm tăng hoặc hạ đường huyết.

Tăng đường huyết: Thuốc cảm

Các loại thuốc trị nghẹt mũi có chứa pseudoephedrine hay phenylephrine có thể làm tăng đường máu. Các loại thuốc trị cảm lạnh đôi khi cũng có chứa một chút đường hoặc rượu trong thành phần, do vậy cần kiểm tra kỹ nhãn thuốc trước khi sử dụng. Các thuốc kháng histamine thường không gây ra vấn đề gì đối với đường huyết. Hãy hỏi dược sỹ về các tác dụng có thể gặp của một số loại thuốc không kê đơn trước khi bạn mua chúng.

Thận trọng: Thuốc tránh thai

Loại thuốc có chứa estrogen có thể ảnh hưởng đến cơ chế sử dụng insulin của cơ thể. Nói chung thì các thuốc tránh thai đường uống vẫn khá an toàn đối với những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường. Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo nên sử dụng viên tránh thai dạng kết hợp giữa norgestimate và estrogen tổng hợp.

Ngoài ra thuốc tránh thai dạng tiêm và que tránh thai cấy dưới da vẫn được coi là an toàn đối với phụ nữ mắc phải căn bệnh này, mặc dù chúng có thể ảnh hưởng đến nồng độ đường huyết của bạn.

Hạ đường huyết: Làm công việc vặt trong nhà

Lau dọn nhà cửa hoặc cắt xén cỏ trong vườn có tác động tích cực đối với những bệnh nhân tiểu đường: đó là giúp hạ đường huyết. Nhiều công việc lặt vặt bạn làm hàng ngày cũng được tính như các hoạt động thể lực cường độ trung bình với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bạn cũng có thể đi dạo xung quanh các cửa hàng mua sắm hoặc khi đậu xe chọn chỗ đậu xa cửa chính để có thể đi bộ được nhiều hơn. Chỉ cần vận động như vậy mỗi ngày cũng đủ để tạo ra sự khác biệt.

Thận trọng: Giấc ngủ

Đường huyết có thể hạ thấp đáng kể trong giấc ngủ đối với một số bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt nếu họ có sử dụng insulin. Tốt nhất là nên kiểm tra đường huyết trước khi đi ngủ và khi thức dậy. Trong trường hợp cần thiết, có thể ăn nhẹ trước khi ngủ. Một số người có thể bị tăng đường huyết vào buổi sáng - ngay cả trước khi ăn sáng - do sự thay đổi nồng độ hormon hay do giảm nồng độ insulin. Do vậy việc kiểm tra đường huyết thường xuyên là vô cùng quan trọng.

Thận trọng: Tập luyện

Hoạt động thể dục thể thao có tác động rất tích cực đối với sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nên điều chỉnh cường độ vận động cho phù hợp với bản thân của mỗi người. Khi bạn vận động nhiều đến mức vã mồ hôi và nhịp tim tăng cao, đường huyết của bạn có thể tăng rồi lại hạ xuống. Các bài luyện tập sức bền hay cường độ cao có thể khiến đường huyết hạ ít nhất trong vòng 24 giờ sau đó. Ăn nhẹ trước khi luyện tập có thể giúp phòng tránh tình trạng này. Nên kiểm tra đường huyết trước, trong và sau khi luyện tập.

Thận trọng: Rượu

Rượu có chứa nhiều carb, do vậy ban đầu chúng sẽ làm tăng đường huyết của bạn. Tuy nhiên nồng độ đường máu có thể sẽ giảm khoảng 12 giờ sau khi uống. Tốt nhất là chỉ nên uống rượu trong khi ăn và nhớ kiểm tra đường huyết. Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ khuyên rằng không nên tiêu thụ nhiều hơn 1 ly/ngày đối với phụ nữ và 2 ly/ngày đối với nam giới. Một ly ở đây tương đương với 150 ml rượu vang, 355 ml bia hay 45 ml rượu nặng như vodka hoặc whiskey.

Thận trọng: Nắng nóng

Khi thời tiết nắng nóng gay gắt thì tốt nhất là nên ngồi trong nhà có điều hòa. Nhiệt độ cao sẽ khiến đường huyết của bạn khó kiểm soát hơn. Bạn nên kiểm tra thường xuyên và uống nhiều nước để tránh bị mất nước.

Nhiệt độ quá nóng còn có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc, thiết bị đo đường huyết và cả các que thử.. Do vậy không nên bảo quản chúng ở nơi quá nóng.

Thận trọng: Hormon sinh dục nữ

Khi lượng hormon của một phụ nữ thay đổi thì đường huyết của người đó cũng sẽ thay đổi theo. Hãy theo dõi đường huyết hàng tháng trong mỗi chu kỳ để biết được chu kỳ kinh nguyệt có ảnh hưởng đến đường huyết như thế nào. Sự dao động của hormon trong giai đoạn mãn kinh có thể khiến đường huyết khó kiểm soát hơn. Hãy trao đổi với bác sỹ xem sử dụng liệu pháp thay thế hormon có phù hợp với bạn không.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X