Hotline 24/7
08983-08983

Những nguyên nhân khiến bàn chân bị sưng tấy

Một bên hay cả hai bàn chân sưng tấy có thể gây đau đớn và khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Bạn hãy tham khảo 1 số nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Phù nề: Đây là tình trạng khi cơ thể tích quá nhiều nước, khiến bàn chân, bàn tay và mặt sưng phù. Tình trạng này thường xuất hiện ở người vừa trải qua một chuyến bay dài hay phải đứng lâu. Tuy nhiên đó cũng có thể là dấu hiệu của sự thiếu protein, suy tim, bệnh thận hoặc bệnh gan.

Chấn thương: Khi bạn trượt chân hay bước hụt, sưng bàn chân có thể là dấu hiệu của gãy xương hoặc bong gân. Bàn chân và mắt cá chân của bạn sưng lên do máu dồn về nơi bị chấn thương.

Thai kì: Sưng chân có thể là một hiện tượng tự nhiên ở phụ nữ mang thai vì cơ thể họ thường tích nhiều nước. Hiện tượng này không ảnh hưởng gì đến thai phụ hay thai nhi, nhưng nó có thể gây khó chịu cho thai phụ.

Tiền sản giật: Dù thai phụ thường bị sưng chân do tích nước, nếu hiện tượng này đi kèm với đau đầu, buồn nôn, khó thở, đau bụng, đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Tiền sản giật có thể xảy ra sau tuần thai thứ 20, và có liên quan đến huyết áp cao. Tình trạng này có thể gây tổn thương gan hoặc thận.

Phù bạch huyết: Đây là tình trạng khi các hạch bạch huyết bị tổn thương hay loại bỏ, thường xảy ra trong quá trình điều trị ung thư. Hậu quả là cơ thể đào thải được ít chất lỏng hơn, dẫn đến sưng cẳng chân, tay và bàn chân.

Suy tim: Đây là hiện tượng khi tim không thể bơm máu hiệu quả. Khi đó, máu có thể chảy ngược lại cẳng chân và bàn chân gây sưng phù. Suy tim có thể gây khó chịu khi bạn nằm xuống vì tim bạn sẽ đập bất thường và bạn có thể thấy khó thở.

Bệnh thận: Thận lọc độc tố và chất thải khỏi máu. Nếu thận không hoạt động hiệu quả do tiểu đường hay huyết áp cao, muối sẽ tích tụ lại trong máu khiến cơ thể giữ nhiều nước hơn. Theo trọng lực, lượng nước này sẽ tích tụ ở bàn chân gây sưng phù.

Bệnh gan: Nếu bạn mắc bệnh viêm gan hoặc bạn uống quá nhiều rượu bia, gan phải tự điều chỉnh liên tục. Điều này có thể khiến các mô sẹo thay thế các mô khỏe mạnh, khiến gan không thể hoạt động hiệu quả. Khi đó, các chất lỏng sẽ tích tụ gây sưng phù.

Nghỉ ngơi, dùng đá lạnh: Nếu bạn nghỉ ngơi và nâng chân lên cao, các chất lỏng sẽ lưu thông từ chân đến các bộ phận khác. Đá lạnh giúp thu hẹp các mạch máu, hạn chế lưu thông máu và giảm đau.

Đi lại: Nếu bạn đi lại, các chất lỏng sẽ khó tích tụ ở một nơi và máu sẽ buộc phải lưu thông khắp cơ thể. Bất kì cử động nào khiến đầu gối và mắt cá chân phải di chuyển đều có thể giúp giảm sưng.

Thuốc: Một số loại thuốc điều trị huyết áp cao, tiểu đường và viêm có thể khiến cơ thể tích nước. Bạn có thể sử dụng thuốc lợi tiểu để giảm tích nước bằng cách đi tiểu nhiều hơn.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?: Hãy gặp bác sĩ ngay nếu bạn bị sưng chân đồng thời đau ngực và khó thở. Đó có thể là dấu hiệu của cục máu đông trong phổi. Hãy gọi cấp cứu nếu xuất hiện vết lõm không biến mất sau khi bạn ấn vào chân sưng; phần da ở chỗ sưng bị căng hoặc rách; sưng kèm đau và không thuyên giảm.

Theo Ngọc Diệp - VOV.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X