Hotline 24/7
08983-08983

Những người trăm tuổi ăn gì?

Gen di truyền, chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên có phải là bí quyết của những người đã sống đến 100 tuổi muốn chia sẻ?

Điều thú vị là những cụ già lại có các lời khuyên trái chiều nhau và đôi khi khiến chúng ta phải băn khoăn.

Ăn, ngủ điều độ

Ăn ngủ, tập thể dục đều đặn... rất tốt cho người cao tuổi - Ảnh: www.huffingtonpost.com

Chúng ta hãy bắt đầu với lời chia sẻ của cụ bà Misao Okawa, người đang giữ kỷ lục Guinness sống lâu nhất thế giới. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Daily Telegraph, bà Misao Okawa 116 tuổi khuyên nên ăn nhiều sushi, ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm, đồng thời thường xuyên có những giấc ngủ ngắn và học cách thư giãn.

Ông Tomohino Okada, giám đốc viện dưỡng lão Kurenai nơi bà đang ở, cho biết. “Cụ bà rất thích sushi, nhất là cá thu, giấm gạo và phải ăn món này ít nhất một lần trong tháng. Mỗi ngày, bà Misao ăn đều đặn ba bữa và đêm nào cũng ngủ đủ 8 tiếng”.

Tương tự Fauja Singh, người già nhất tham dự một cuộc chạy marathon quốc tế, cũng chia sẻ về một thực đơn “thanh đạm”. Ông nói: “Tuổi đời đem lại sự thông thái, và nếu muốn có một sức khỏe tốt, hãy chuyển sang ăn chay. Tôi muốn nói rằng không con vật nào chịu đau khổ vì cái bao tử của tôi”.

Ăn chay với thực đơn nhiều gia vị của vùng Punjab, Ấn Độ đã giúp ông Singh, năm nay 103 tuổi, có được sức khỏe dẻo dai. Đến năm 89 tuổi sau khi vợ và con qua đời ông mới bắt đầu chạy marathon. Vừa qua, ông đã được công nhận là người già nhất hành tinh tham dự một cuộc marathon và hoàn thành cuộc đua marathon Toronto với thời gian 8 giờ 25 phút 16 giây, về đích thứ 3.850, hơn được 5 người.

Đây là hai chia sẻ điển hình trong số rất nhiều người cao tuổi. Thông thường một chế độ ăn uống kiêng khem, thiếu đạm, nhiều rau xanh và dương như không ngon miệng sẽ giúp tăng cao sức khỏe.

Nhưng, cũng có nhiều ví dụ khác, cho thấy điều ngược lại.

Những người già ăn “thả ga”

Một cụ già hút thuốc mừng ngày sinh nhật thứ 100 - Ảnh: Daily Mail

“Cô gái vàng của điền kinh thế giới” Ruth Firth, 103 tuổi đang giữ kỷ lục thế giới ở nhiều nội dung thi đấu khác nhau dành cho người trên 90 tuổi, chia sẻ bí quyết sống lâu khiến ai cũng sốc: “Đừng ăn rau xanh, cả đời tôi không bao giờ ăn rau xanh. Tôi biết điều này sẽ khiến những kẻ thích ăn kiêng hét vào mặt tôi, nhưng bí quyết là chớ đụng vào rau xanh. Suốt đời tôi chỉ ăn thịt”.

Nhưng bù lại, bà Firth có một cuộc sống khá “sạch”, không hút thuốc, không uống rượu và tập luyện năm ngày mỗi tuần.

Hay như bà Jeanne Calmet 122 tuổi, đã hút thuốc trong suốt hơn 100 năm và có chế độ ăn uống có phần “quá độ”. Mãi tới khi 117 tuổi, bà mới bắt đầu bỏ thuốc lá sau khi đều đặn “ngày hai điếu” từ năm 21 cho đến 117 tuổi. Ngoài ra, tuần nào bà Calmet cũng ăn khoảng 1kg sôcôla béo ngậy.

Còn cụ ông Carmelo Flores Laura ở Bolivia là một người mê thịt. Theo những tài liệu không chính thống, lão ông chăn cừu Laura ở vùng núi cao tại Bolivia là người già nhất hành tinh hiện nay với tuổi đời 123. Bí quyết sống lâu của ông là: “Tất cả chỉ là đi bộ nhiều. Tôi chơi đùa nhiều với lũ súc vật. Tôi không ăn mì hay cơm, chỉ ăn lúa mạch”.

Theo tờ Telegraph, nguồn nước uống của ông Laura thật sự rất tinh khiết bởi nó bắt nguồn từ những đỉnh núi tuyết tại Illampu, một trong những đỉnh núi cao nhất Bolivia. Thực đơn của ông Laura bao gồm rất nhiều loại thịt, đặc biệt thịt cừu. Thậm chí khi còn trẻ ông Laura là một thợ săn lành nghề và thường ăn thịt cáo.

Không ảo tưởng vào di truyền

Quyển “Những người sống trăm tuổi: Bí mật để họ có cuộc sống lâu dài, khoẻ mạnh” của Gwen Weiss-Numeroff , đọc giả phần nào hiểu được bí quyết giúp họ sống lâu.

Cuốn sách tập hợp 30 hồ sơ về những người trăm tuổi cùng những bí mật ăn uống, tập thể dục để giúp họ khoẻ mạnh ở độ tuổi trên 90. Weiss cho biết, qua quá trình nghiên cứu, tuổi thọ con người không phụ thuộc hoàn toàn vào tính di truyền: “Khoảng 80% những người sống trăm tuổi có anh chị em qua đời độ tuổi 60 hoặc trẻ hơn. Di truyền học chắc chắn đóng vai trò nào đó, nhưng không là tất cả".

Ngoài ra, trong nhiều cuộc nghiên cứu khác, các nhà khoa học không phủ nhận yếu tố di truyền có ảnh hưởng phần nào đến tuổi thọ, nhưng nó không phải là yếu tố quan trọng để quyết định bạn thọ trăm tuổi hay không.

Bằng chứng cho thấy, có nhiều người sống đến tận trăm tuổi mặc dù ba mẹ, hay những người thân trong gia đình chỉ sống đến độ tuổi 60-70 tuổi.

Theo Trùng Dương - Chu Yên - Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X