Hotline 24/7
08983-08983

Những món ăn "khoái khẩu" của trẻ nhỏ có nguy cơ bị tẩm màu độc hại

Bất cứ loại thức ăn nào càng dùng nhiều hóa chất tạo màu thì càng độc hại, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Mới đây, vụ 2 anh em ruột bị tan máu cấp nghi do ăn xôi có phẩm màu đã khiến nhiều người lo lắng. Việc này một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hại nếu vô tình ăn phải các thực phẩm có “nhuộm” phẩm màu hóa học độc hại.

Từng chia sẻ với phóng viên về tác hại của việc dùng màu hóa học trong chế biến thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, bất cứ loại thức ăn nào càng dùng nhiều hóa chất tạo màu thì càng độc hại. Trong đó, tùy vào việc sử dụng liều lượng bao nhiêu và dùng trong bao lâu mới có thể đánh giá chính xác được mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, nếu dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng cho sức khoẻ.


Nhiều món ăn "khoái khẩu" của trẻ nhỏ có nguy cơ bị tẩm màu độc hại.

Tuy nhiên, hiện nay, vì giá thành các loại phẩm màu và hương liệu nguồn gốc tự nhiên khá cao nên nhiều người thường chạy theo lợi nhuận trong buôn bán kinh doanh dẫn đến việc lạm dụng quá mức các hóa chất tạo màu và tạo mùi hoặc sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm. Điều này sẽ rất nguy hại đối với sức khỏe con người.

Độc tính có thể nhẹ như nôn ói, đau bụng, nhức đầu hay có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Hiện nay, thời điểm đã vào hè, nhiều thực phẩm phổ biến trong mùa hè dễ bị “ướp màu” hóa chất, bố mẹ cần lưu ý để tránh con gặp hại:

Thịt bò khô

Trên thị trường hiện nay, không khó để bắt gặp những quầy hàng bán những túi thịt bò khô đỏ au thu hút giới trẻ. Loại bò khô này chủ yếu là bò dạng sợi, được đựng trong những túi nilon, không có nhãn mác hoặc được đựng trong những khay bán kèm ở các hàng chè, bánh mì và các quán ăn vặt.

Tuy nhiên, ít người biết rằng, để làm ra những sợi bò thơm ngon, bắt mắt như thế, nhiều cửa hàng đã lạm dụng các loại màu hóa học và phụ gia công nghiệp trôi nổi trên thị trường.

Thậm chí, để tăng độ dai cho sản phẩm, nhiều cơ sở chế biến còn ngâm hàn the, một chất nằm trong danh mục bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Thực tế, đã có nhiều hậu quả nhãn tiền về việc sử dụng hóa chất trong chế biến bò khô. Như trường hợp của bé Dư Gia H. (8 tuổi, Hà Nội), sau khi ăn thịt bò khô có nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc, bé xuất hiện triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, sốt, rét run, tiểu đỏ. Khi vào viện, các bác sĩ cho biết, bé bị tan máu do nhiễm độc.

Kem nhiều màu

Kem cũng là một loại đồ ăn được trẻ nhỏ yêu thích trong mùa hè nóng nực. Tuy nhiên, thời gian qua, báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều đến việc làm kem “bẩn” bằng hóa chất của nhiều cơ sở sản xuất.

Thế nhưng, nhiều bố mẹ sẵn lòng bỏ ra hàng chục nghìn đồng để mua một cây kem màu xanh, đỏ, tím, vàng bắt mắt, đủ các loại hương vị trái cây, socola thơm, ngọt, béo ngậy, hấp dẫn đựng trong những chiếc thùng inox bán quanh các khu trường học, quán kem đường phố... nhưng lại không để ý, những chiếc kem này không hề có nhãn mác, nguồn gốc, thời hạn sử dụng. Việc này rất nguy hại, vì có thể, những đứa trẻ đang phải ăn hóa chất vào người mỗi ngày.

Các loại chè

Hiện nay, trên thị trường bày bán rất nhiều loại chè với nhiều tên gọi khác nhau kèm theo nhiều màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên, để làm ra những loại “nhân chè” nhiều màu như vậy, cần rất nhiều thời gian nếu làm từ những nguyên liệu thiên nhiên.

Theo đó, không ít chủ cửa hàng đã dùng màu công nghiệp để nấu, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà vẫn được những màu bắt mắt. Chẳng hạn, với một cốc chè bảy màu mà cả bảy màu đó đều sử dụng phẩm màu hóa học thì đồng nghĩa với việc chúng ta “rước” cùng lúc bảy chất hóa học vào cơ thể. Đó là chưa kể đến việc sử dụng thêm các chất bảo quản hoặc phụ gia khác (tạo độ sánh, đường hóa học…).

Thạch

Nếu thạch được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như rau xanh hoặc nước ép các loại trái cây thì sẽ rất an toàn và bổ dưỡng, giúp cung cấp chất xơ cho đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu thạch bị trộn lẫn với phẩm màu hóa học, ví dụ Sodium Cyclamate - là hóa chất nằm trong danh mục cấm sử dụng vào sản phẩm thực phẩm, hoặc những chất gây màu, gây mùi không nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm thì sẽ gây hại cho người sử dụng.

Trà sữa trân châu

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở trà sữa không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu để pha nước trà. Bên cạnh đó, có cửa hàng dù dùng trà thật nhưng để gia tăng hương vị cho trà, họ thường tẩm thêm hương liệu (hương nhài, hương sen) vào trà để trà có thêm hương vị hấp dẫn.

Theo các chuyên gia, nếu không sử dụng đúng loại trà hoặc hương liệu thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rất có thể những loại hương liệu này sẽ có chứa các hóa chất độc hại.
Theo Eva.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X