Hotline 24/7
08983-08983

Những lo sợ thường gặp về tác dụng phụ khi điều trị ung thư

Khi chuẩn bị bắt đầu điều trị ung thư, sự lo lắng về các tác dụng ngoại ý hay tác dụng phụ liên quan đến điều trị là điều bình thường. Tuy nhiên, nhóm chăm sóc sẽ tập trung vào việc ngăn ngừa và kiểm soát các tác dụng ngoại ý.

Đừng ngại trao đổi với bác sĩ, điều dưỡng hay dược sĩ về những tác dụng ngoại ý có thể có và cách bạn có thể kiểm soát chúng. Thông tin này sẽ giúp bạn thoải mái và chuẩn bị cho những gì ở phía trước.

Những lo sợ thường gặp

Một vài nỗi sợ hay gặp nhất về tác dụng ngoại ý bao gồm:

- Mất sự kiểm soát và/hoặc không biết trông đợi điều gì.
- Những trải nghiệm khó chịu, đau đớn, buồn nôn, và mệt mỏi.
- Mất khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày, như làm việc, hoàn thành việc nhà và tham dự các sự kiện xã hội.
- Thay đổi vẻ bề ngoài, như rụng tóc hoặc mang sẹo.
- Xuất hiện các vấn đề về tình dục, khó thụ thai hay sinh con sau điều trị.
- Cảm giác lo lắng về cách điều trị hoặc thủ thuật.

Thích nghi với nỗi sợ

Những gợi ý sau có thể giúp bạn thích nghi với nỗi sợ về các tác dụng ngoại ý liên quan đến điều trị:

- Cần nhớ rằng mục tiêu điều trị lâu dài là để giúp bạn, không phải hại bạn.

- Cần biết rằng các phương pháp điều trị hiện nay ít nặng nề (ít tác dụng phụ) và đỡ mất thời gian hơn so với trước đây.

- Các tác dụng ngoại ý thường kiểm soát được bằng thuốc, và đa số sẽ biến mất sau điều trị.

- Hỏi bác sĩ, điều dưỡng hay dược sĩ về cách kiểm soát những tác dụng ngoại ý thường gặp của mỗi phương pháp điều trị. Thông thường, phần lớn các tác dụng ngoại ý có thể được dự đoán và/hoặc phòng ngừa trước khi bắt đầu điều trị.

- Hỏi nhân viên xã hội về việc tham vấn hoặc giới thiệu đến những chuyên viên hỗ trợ cộng đồng.

- Hỏi cách liên lạc với bác sĩ sau giờ hành chính và danh sách các triệu chứng cần được chăm sóc khẩn cấp.

- Tham gia vào công việc chăm sóc của chính mình và bày tỏ suy nghĩ trong quá trình quyết định điều trị.

- Nếu có lo lắng về vô sinh, hãy tìm hiểu cách bảo tồn khả năng sinh sản và nhờ bác sĩ giới thiệu đến chuyên gia về sinh sản trước khi bắt đầu điều trị.

- Trò chuyện với gia đình và người thân về các mong đợi và lo lắng của bạn. Sự hỗ trợ của họ có thể giúp bạn bớt lo lắng khi trải qua các tác dụng ngoại ý.

- Tìm những người đã từng điều trị cùng phương pháp. Bạn có thể tìm các nhóm hỗ trợ này từ cộng đồng hoặc trên mạng. Những trao đổi với họ sẽ giúp ích cho bạn và khiến bạn cảm thấy không cô độc. Tuy nhiên, nên nhớ rằng trải nghiệm của mọi người về tác dụng ngoại ý có thể sẽ khác bạn.

- Trao đổi với người phụ trách cơ quan/công ty bạn đang làm về những gì bạn sẽ trải qua. Bàn luận về việc điều chỉnh thời gian làm việc của bạn khi đang điều trị. Tìm hiểu thêm về quay trở lại làm việc sau khi điều trị.

- Duy trì sự tập trung vào hiện tại. Mải suy nghĩ về những chuyện có thể hoặc không thể xảy ra trong tương lai chỉ làm những cảm giác tiêu cực tệ thêm.

- Có một quyển nhật ký để ghi lại những cảm xúc và trải nghiệm của bạn.

- Thử các biện pháp thư giãn, như hít thở sâu, nghe nhạc, yoga và thiền. Khi bớt lo lắng, bạn có thể tập trung tốt hơn và đưa ra quyết định kĩ lưỡng hơn.

- Cho phép bản thân có thời gian để đau buồn trước những thay đổi về thể chất và để điều chỉnh với trạng thái mới của cơ thể.

Theo bác sĩ Hoàng Đức - Y học cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X