Hotline 24/7
08983-08983

Những 'gót sen' ghi dấu trên nẻo đường khoa học

Nhiều phụ nữ đã chọn cho mình con đường khó khăn khi dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học - “địa hạt” mà đàn ông vẫn đang chiếm ưu thế.

Nỗ lực và nỗ lực gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp mười lần và để rồi thành công, sự đóng góp quan trọng của họ trong các lĩnh vực khoa học, xã hội khiến ngay cả phái mạnh cũng phải ngả mũ thán phục.

Nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học vật liệu và khoa học đời sống năm 2017 đã được vinh danh vào trung tuần tháng 1/2018. Mỗi năm một lần, Hội đồng khoa học giải thưởng L’Oreal-UNESO Việt Nam lựa chọn và vinh danh các nhà khoa học nữ xuất sắc nhất trong cả nước. Hai nhà khoa học nữ đạt giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2017 L’Oreal-UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học là PGS.TS Nguyễn Thị Hoài - Trưởng khoa Dược, ĐH Y dược - ĐH Huế và TS. Trần Thị Ngọc Dung - Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

“Cặm cụi thực hiện ước mơ”

Khi được hỏi bí quyết gì đã đưa chị đến với niềm vinh dự hôm nay, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài chỉ ngắn gọn một câu nói: “Tôi cặm cụi thực hiện ước mơ”. Vậy, ước mơ của chị là gì mà khiến chị phải “cặm cụi thực hiện”?

Say mê cái nghề nghiên cứu thuốc cứu người, năm 1999, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội. Về Đại học Huế làm việc, trong suốt 15 năm chị Hoài đã không ngừng nỗ lực bổ sung kiến thức cho bản thân và năm 2012 chị đã trở thành nữ PGS trẻ nhất của Đại học Huế khi tuổi đời mới 35. 

Nhận thấy, đồng bào Pako Vân Kiều ở miền Trung có các cây thuốc có tác dụng chống ô xy hóa, diệt tế bào ung thư, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài đã lặn lội tìm đến “nằm vùng” hàng tháng với đồng bào để tìm hiểu, nghiên cứu. Và công trình nghiên cứu của PGS.TS Hoài được cộng đồng khoa học ghi nhận vì tâm huyết tìm ra những sản phẩm ứng dụng  làm thuốc từ nguồn dược liệu y học dân tộc cổ truyền, nghiên cứu phát triển tìm kiếm thuốc mới trong định hướng phát triển sản phẩm giảm cân, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh suy giảm trí nhớ của người già.

Một trong những nghiên cứu nổi bật của chị là công trình nghiên cứu các cây thuốc của đồng bào Pako Vân Kiều ở miền Trung theo hướng tác dụng chống ô xy hóa, diệt tế bào ung thư. Sau quá trình kiên trì thu thập, phân tích, sàng lọc và nghiên cứu, chị đã tìm ra hai cây dược liệu quý là bù dẻ tía và mán đỉa có tác dụng ứng chế tế bào ung thư và chống ô xy hóa tốt, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ trong điều trị ung thư và các bệnh liên quan đến ô xy hóa.

“Khi nhận được email hồi âm của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam công nhận kết quả nghiên cứu của mình, tôi bật khóc. Điều mà tôi nghĩ đến đầu tiên là có thể mang cây thuốc quay về với đồng bào Pako để giúp cho đồng bào đỡ khổ” - chị Hoài tâm sự tại Lễ nhận giải thưởng L’Oreal-UNESO Việt Nam.

Hiện, vừa phụ trách Khoa Dược - một trong những khoa lớn của Trường Đại học Y Dược Huế và trên cả nước, lại vừa thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có quy mô, nhưng ở lĩnh vực nào PGS.TS Nguyễn Thị Hoài cũng hoàn thành tốt vai trò của mình.

GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng, giảng viên Bộ môn Hoá hữu cơ, Khoa Hoá học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM

Ý tưởng khoa học đến từ trái tim trắc ẩn

TS. Trần Thị Ngọc Dung - Trưởng phòng Công nghệ thân môi trường, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được vinh danh vì những nghiên cứu mang tính ứng dụng về vật liệu nano.

Sản phẩm đã được nghiên cứu đánh giá hoạt tính kháng khuẩn trên hàng chục loại vi sinh vật gây bệnh trên người và được thực hiện tại Viện Công nghệ môi trường và nhiều cơ sở y tế lớn trong nước như Học viện Quân Y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, Viện Bỏng Quốc gia, Viện các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia, Bệnh viện Da liễu Trung ương... cho thấy sản phẩm được chế tạo có thể tiêu diệt tất cả các đối tượng vi sinh vật ở trên.

Các nghiên cứu của TS. Trần Thị Ngọc Dung mang tính ứng dụng lớn vào các sản phẩm thiết thân và có khả năng thương mại hóa các sản phẩm này trên thị trường. Trong đó có thể kể đến băng gạc điều trị vết thương, vết loét lâu lành, bộ dụng cụ lọc dùng cho mục đích làm sạch nước quy mô gia đình, băng bỉm vệ sinh cho trẻ em, người lớn, người già và khẩu trang phòng chống ô nhiễm môi trường, dung dịch vệ sinh phụ nữ.

Công nghệ gắn nano bạc lên vật liệu để sản xuất băng bỉm vệ sinh của TS Dung đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích. Công nghệ chế tạo vật liệu lọc nước ceramic xốp cố định nano bạc đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế đã gắn tên tuổi của nữ Tiến sĩ với công nghệ tiên tiến này. Trong thời gian tới, TS Dung sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nano bạc trong lĩnh vực nông nghiệp như công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, xử lý bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi.

Những nhà khoa học được Giải thưởng Kovalepxkai xướng tên

Cũng trong năm 2017, Giải thưởng Kovalepxkai năm 2016 đã được trao cho 1 tập thể và 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học để biểu dương tôn vinh và động viên các nhà khoa học nữ phấn đấu, đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Cá nhân đạt Giải thưởng Kovalepxkai năm 2016 là GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng giảng viên Bộ môn Hoá Hữu cơ, Khoa Hoá học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM. Với niềm say mê nghiên cứu khoa học, hướng nghiên cứu chính của chị là khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật hoặc địa y ở Việt Nam, đặc biệt là những loài thực vật chưa được các tác giả ở Việt Nam cũng như trên thế giới khảo sát.

Trong quá trình nghiên cứu, chị đã tiến hành khảo sát 53 loài cây và cho ra kết quả thực nghiệm về hóa học và hoạt tính sinh học của những loài thực vật đó. Chị đã phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế tốt sự phát triển của tế bào ung thư ở người như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi, hoặc ức chế được các loại enzyme liên quan đến bệnh tiểu đường, gây nám đen da, bệnh Alzheimer…

Kết quả các công trình nghiên cứu của chị đã đóng góp vào kho tàng cây thuốc Việt Nam, đồng thời cung cấp cơ sở dữ liệu cho các nhà khoa học, nhất là lĩnh vực hóa dược, có thể định hướng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, phục vụ cho nền công nghiệp dược ở Việt Nam và thế giới.

Tập thể nữ khoa học nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về khoa học và công nghệ nano, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là tập thể nữ đạt Giải thưởng Kovalepxkai năm 2016. Tập thể nữ có 5 thành viên là hội viên Hội Nữ trí thức Việt Nam bao gồm PGS.TS. Trần Kim Anh; PGS.TS. Vũ Thị Bích; PGS.TS. Phạm Thu Nga; PGS.TS Trần Hồng Nhung; PGS.TS Nguyễn Phương Tùng. Trong số các công trình nghiên cứu khoa học, cụm công trình khoa học nổi bật nhất của các chị có nhan đề “Cụm công trình nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về khoa học và công nghệ nano” nhằm tới các ứng dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, y - sinh và dược học.

Theo Hồng Minh - Pháp luật Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X