Hotline 24/7
08983-08983

Những đường dây ma tuý "khủng" hoạt động thế nào ở Sài Gòn

Các ông trùm ở nước ngoài cử người đến TP HCM lập doanh nghiệp bình phong, thuê kho bãi tập kết ma tuý rồi xuất khẩu bằng đường biển.

Ngày 21/4, Công an TPHCM tiếp tục lấy lời khai Yeh Ching Wei (33 tuổi), Chiang Wei (31 tuổi, cùng quốc tịch Đài Loan) và Bùi Nguyễn Huy Vũ (38 tuổi) để điều tra hành vi tàng trữ, vận chuyển hơn 1,1 tấn ma tuý đá.

Cơ quan điều tra xác định đường đi của số ma tuý "khủng" đến Sài Gòn, thủ đoạn của băng nhóm tội phạm nước ngoài, đều tương tự như đường dây Wu HeShan (57 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) vận chuyển tổng cộng 1,16 tấn ma tuý đá bị Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý (C04, Bộ Công an) triệt phá ngày 20/3 tại TPHCM và các tỉnh miền Trung; hay vụ Công an TPHCM bắt xe tải có 895 bánh heroin một tuần sau đó.

Nguồn ma tuý từ Tam Giác Vàng (Myanmar) được đưa vào Việt Nam thông qua việc xuất nhập khẩu từ Lào, Thái Lan, Campuchia. Từ đây, các lô ma tuý được chuyển đến TPHCM để xuất khẩu bằng đường biển đi các nước khác tiêu thụ.

Cầm đầu các băng tội phạm này là người Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia... và chủ yếu cư ngụ ở nước ngoài. Trước khi tổ chức, chúng cử người nhập cảnh vào Việt Nam vài lần để thăm dò, thuê mướn các kho bãi trong thời gian ngắn (1-3 tháng). Những kho hàng đều kín đáo, che chắn cẩn thận. Chúng thuê nhân công người Việt phụ việc chỉ là hình thức che mắt cơ quan điều tra.

Lô ma tuý lớn nhất từ trước đến nay bị bắt tại TPHCM. Ảnh: Công an cung cấp

Như trong vụ Wu HeShan, ông trùm mở công ty xuất khẩu may mặc tại khu vực vắng vẻ quận Bình Tân (TPHCM) đứng tên người tình Việt Nam, thuê kho chứa hàng nhưng thực chất làm bình phong cho hoạt động mua bán ma túy. Trong chuyến nhận 300 kg ma tuý đá được chở đến bằng xe bán tải, chúng dự tính nguỵ trang ma tuý trong các bao hạt nhựa, thuê công ty xuất khẩu xuất ra nước ngoài - giống như lô hàng đến Philippines một tuần trước đó. Tờ khai xuất khẩu "hạt nhựa tái sinh" thuộc luồng vàng nên được hải quan miễn kiểm tra.

Hay vụ 895 bánh heroin, kẻ cầm đầu 37 tuổi, người Đài Loan, từng ba lần nhập cảnh vào Việt Nam. Ông ta cùng đồng phạm thuê kho ở huyện Dĩ An, Bình Dương. Sau khi ma tuý từ Tam Giác Vàng được đưa về đây, chúng thuê xe tải chuyển đến nhà xưởng ở huyện Hóc Môn (TPHCM) - nơi hai người đàn ông Đài Loan khác mở công ty kinh doanh keo dính dán điện. Từ đây, chúng ngụy trang heroin vào hàng hoá, thuê doanh nghiệp đóng container xuất khẩu đến cảng Cao Hùng (Đài Loan) tiêu thụ.

"Các đường dây ma tuý nước ngoài chọn TPHCM vì có giao thông kết nối nhanh với các nước, nhiều cảng biển, thuận tiện giao thương. Ngoài ra, chúng ta quản lý ngoại tệ còn yếu kém, cửa khẩu còn thiếu sót so với các nước khác. Tình hình thế này, tôi nghĩ các vụ phát hiện sau sẽ lớn hơn vụ trước", thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó giám đốc Công an TPHCM) e ngại.

Công an TPHCM khuyến cáo người dân phải cảnh giác, nhất là chủ các kho bãi, nhà xưởng cho thuê; những doanh nghiệp kinh doanh vận tải logistics; công nhân lao động trong các khu vực... Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường phải báo với cơ quan chức năng, không được trực tiếp tiêu huỷ tang vật là ma tuý.

Loa thùng đựng ma tuý bị bắt ở Sài Gòn. Ảnh: Công an cung cấp

Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, tất cả vụ án ma tuý lớn bị phát hiện gần đây đều liên quan đến đầu tư nước ngoài. Họ đến ngoại thành TPHCM mở công ty nhưng không sản xuất, hoặc làm rất ít để ngụy trang. Vào Việt Nam mấy năm nhưng các công ty này xuất đi chỉ vài container, bên trong nhồi nhét bã đậu, băng keo, hạt nhựa...

Trong khi đó TPHCM quản lý các doanh nghiệp này còn rất sơ hở. Nhiều người nước ngoài liên quan án ma tuý khi xác minh mới phát hiện là đối tượng hình sự, lừa đảo, gian lận thương mại.

Đại tướng Tô Lâm lưu ý, TPHCM là trung tâm kinh tế sôi động của cả nước, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá diễn ra nhộn nhịp, có tuyến đường hàng không, đường biển, đường bộ... Đây là các yếu tố thuận lợi để tội phạm ma tuý người nước ngoài lợi dụng hoạt động. Trong đó, tuyến đường biển tiềm ẩn rất lớn nhưng chưa kiểm soát được, đòi hỏi sự phối hợp chặt hơn nữa giữa Công an với Hải quan, Cảnh sát biển, Biên phòng.

Việt Nam hiện là địa bàn trung chuyển, vừa tiêu thụ ma tuý. Trong đó, khoảng 20% ma tuý tiêu thụ trong nước, 80% chuyển đi nước thứ ba như Đài Loan, Philipine, Malaysia... thậm chí sang các nước châu Âu, Úc và cả châu Mỹ Latin.

Nghi can Đài Loan bị bắt cùng hơn 1,1 tấn hàng đá tại Sài Gòn. Ảnh: Công an cung cấp

Hàng loạt vụ vận chuyển ma tuý với số lượng cực lớn liên tiếp được nhà chức trách phát hiện trong thời gian gần đây.

Hai hôm trước, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện 23 bao tải bên đường quốc lộ 48B, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, chứa gần một tấn ma tuý đá. Khám xét một nhà kho cách đó hơn 10 km, cảnh sát tìm thấy 50 loa thùng được cho là trước đó chứa các bao tải ma tuý. Cách thức này tương đồng với băng nhóm hơn 1,1 tấn vừa bị bắt ở Sài Gòn nên có thể chung một đường dây.

Trong tháng 3, C04 triệt phá đường dây vận chuyển ma túy từ Tam Giác Vàng về Việt Nam rồi xuất ra các nước khác. 1,1 tấn ma túy đá đã bị thu giữ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, TPHCM; 7 người bị bắt. Kẻ cầm đầu được xác định là Wu HeShan (57 tuổi, quốc tịch Trung Quốc).

Tiếp đó, khuya 27/3, Tổ CSGT An Sương (Công an TPHCM) tuần tra chặn hai chiếc xe ôtô phát hiện bên trong có gần 900 bánh heroin. Số ma tuý cũng được những nghi can người Trung Quốc vận chuyển đến TP HCM để xuất đi nước thứ 3.

Công an TPHCM đang phối hợp với Bộ Công an, Công an tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An làm rõ mối liên quan giữa các lô hàng tương tự mới bị phát hiện. Cơ quan điều tra cũng đang xác minh vai trò của một số người có quốc tịch Thái Lan, Lào, Malaysia.

Theo Quốc Thắng - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X