Hotline 24/7
08983-08983

Những đứa trẻ ở Bắc Ninh phải nhập viện điều trị sán lợn giờ ra sao?

17 cháu bé ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đã được bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị vì mắc sán lợn.

Hơn 10 ngày sau khi hàng nghìn trẻ mầm non ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) được cha mẹ đưa về Hà Nội làm xét nghiệm sán lợn, ghi nhận của phóng viên tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương ngày 28/3 không còn cảnh xếp hàng, cảnh tượng được xem là hiếm có ở bệnh viện chuyên khoa này.

Trước đó, từ ngày 15-21/3, đã có 1.902 trẻ ở huyện này đến khám và xét nghiệm tại viện. Trong 1.602 mẫu xét nghiệm, có 176 mẫu dương tính với kháng thể ấu trùng sán dây lợn, chiếm 10,9%.

Cũng trong thời gian từ ngày 17-23/3, 17 trường hợp dương tính với sán lợn đã được yêu cầu cho nhập viện, trong đó 7 bệnh nhi mắc thêm các bệnh ký sinh trùng khác như sán dây chó, ấu trùng giun đũa chó.

3 bệnh nhi đang điều trị sán lợn tại viện. Ảnh: HQ.

Bé Nguyễn Thị Ngọc Diệp (5 tuổi, học sinh trường mầm non Mão Điền) là một trong số bệnh nhi đến từ huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đang điều trị tại viện. Chị Lê Thị Hương (33 tuổi) - mẹ bé Diệp - phải nghỉ việc để cùng con ra Hà Nội nhập viện.

Trước đó, chị cho con gái làm xét nghiệm ngay tại địa phương nhưng chờ lâu chưa có kết quả, trong khi hàng xóm, họ hàng của chị đều đã đưa con ra Hà Nội xét nghiệm và có kết quả khiến chị thấp thỏm không yên bởi trong số những người này, đã có nhiều bé dương tính với sán.

4h sáng 23/3, chị quyết định đưa hai con (bé Diệp và người anh trai 8 tuổi) cùng 5 gia đình khác lên Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng - Trung ương làm xét nghiệm. Kết quả cả hai con của chị đều dương tính với sán lợn và được chỉ định nằm viện điều trị.

“Cầm kết quả mà tôi vô cùng hoang mang, thất vọng. Con trai tôi bị nặng hơn nhưng cháu đang học lớp 2 và phải lo thi cuối kỳ nên tôi xin bác sĩ cho thuốc điều trị tại nhà, liệu trình 28 ngày, còn con gái thì nằm viện, đã được 3 hôm nay. Hàng ngày, cháu được bác sĩ cho uống thuốc, liệu trình 15 ngày”, chị Hương cho hay.

Người mẹ này cho biết hai con không có biểu hiện bất thường, chỉ khi cùng dân làng đưa con đi xét nghiệm mới biết mắc sán lợn. Bé Diệp ăn trưa bán trú tại trường mầm non, còn anh trai của bé chỉ ăn tại nhà.

Ở giường bên cạnh, bé Trần Thị Linh Đan (hơn 4 tuổi) cũng là học sinh trường mầm non Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh. Bà Nguyễn Thị Chinh (58 tuổi, bà nội bệnh nhi) cho biết bé Đan được nhập viện từ ngày 19/3 do kết quả dương tính với sán lợn.

“Em gái của bé cũng học cùng trường nhưng không ăn tại trường, cháu được xét nghiệm tại địa phương nhưng chưa có kết quả. Hy vọng cháu không sao. Chứ nằm viện mệt mỏi lắm”, bà Chinh nói.

Đây là 2 trong số 17 trường hợp bệnh nhi đang được điều trị tại viện. Tại đây, hàng ngày các cháu được bác sĩ kê thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế và theo dõi.

"Cháu chỉ mang sán trong người nên cần loại bỏ, còn hiện tại các cháu vẫn khỏe mạnh, ăn uống, vui chơi như những trẻ bình thường", bà Chinh cho biết.

TS.BS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Điều trị chuyên ngành (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho hay hiện tại khoảng 17 cháu ở Thuận Thành, Bắc Ninh đang được điều trị tại khoa.

“Tâm lý bố mẹ khi con bị bệnh lo lắng là điều dễ hiểu, chúng tôi đã khám và tư vấn, trong trường hợp cần thiết mới cho nhập viện. Ngoài sán lợn, các cháu còn mắc các loại giun sán khác. Sau 10 ngày điều trị, các cháu đều tương đối ổn định. Một vài trường hợp tiến triển tốt chúng tôi đã cho ra viện”, TS Thọ thông tin.

Cảnh tượng xếp hàng chờ xét nghiệm sán lợn từ nửa đêm ở Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương. Ảnh: Quỳnh Trang.

Theo bác sĩ này, để điều trị sán lợn hiện đã có thuốc, phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Về mức độ hồi phục đối với bệnh nhân mắc sán lợn, chuyên gia cho biết còn tùy từng thể bệnh, giai đoạn bệnh và tính chất tổn thương của người bệnh mới có thể đánh giá.

“Có những bệnh nhân tổn thương dưới da, có những bệnh nhân tổn thương não. Ở da, điều trị những tổn thương da sẽ mất đi, còn với não thì có những bệnh nhân điều trị theo 3 lộ trình khỏi nhưng cũng có những bệnh nhân không hết, tạo thành sạn vôi trên não để lại di chứng. Những trường hợp cần thiết chúng tôi phải can thiệp ngoại khoa”, TS Thọ cho biết thêm.

Đối với những bệnh nhi đến từ huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, TS Thọ cho rằng: “Khi có một thực phẩm chúng ta nghi ngờ là nguyên nhân gây bệnh nhưng thực tế khi nấu chín kỹ khả năng lây bệnh thấp, hầu như là không thể. Do đó, bệnh nhi được xác định dương tính với sán lợn, bố mẹ không nên lo lắng, nên theo dõi trong vòng 2,5 đến 3 tháng, tức hết chu trình vòng đời của sán dây, sau đó, theo dõi xem trẻ có đi ngoài ra đốt sán không. Kết quả dương tính cũng phải làm thêm một số xét nghiệm khác và phải theo dõi thêm”.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh giun sán nói chung, bệnh sán lợn nói riêng là bệnh mọi đối tượng người dân đều có nguy cơ nhiễm bệnh.

“Ngay cả bản thân chúng tôi vẫn có thể nhiễm bệnh, bởi có nhiều nguồn lây như môi trường, tiếp xúc. Biện pháp tốt nhất vẫn là dùng thực phẩm phải qua chế biến, nấu chín, uống nước đun sôi để nguội, rửa tay trước khi ăn. Đồng thời định kỳ tẩy giun 6 tháng một lần”, TS Thọ khuyến nghị.

Theo Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X