Hotline 24/7
08983-08983

Những điều thần kỳ trong y học và suy nghĩ một chút về tâm linh

Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã đi vào hoạt động 8 tháng, cứu được rất rất nhiều ca thập tử nhất sinh. Dù đã có 15 năm kinh nghiệm trong can thiệp thần kinh đột quỵ, TS.BS Trần Chí Cường vẫn không khỏi bồi hồi, khắc khoải khi chứng kiến những ca bệnh vượt quá sự mong đợi, hồi sinh một cách thần kỳ dù chính bàn tay mình đã mang họ trở về từ cõi chết.

Nhân ngày 20/10/2019, tôi đang trên máy bay trong cuộc hành trình tới Ý tham dự Hội nghị can thiệp Thần kinh thế giới (WFITN) với vai trò thành viên chủ tọa đàm.

Thời gian trôi thật là nhanh! Mới đó mà đã trải qua 8 tháng kể từ khi đi vào hoạt động của Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, nơi tập hợp của những tấm lòng nhiệt huyết đam mê cứu người, nơi đã thực hiện những việc không chỉ riêng tôi mà hàng nghìn người chứng kiến đều cho rằng là “thật sự kỳ diệu”, khó lòng mà tin được nếu chúng ta không trực tiếp chứng kiến.

Với chút thời gian trên chuyến bay dài, tôi xin chia sẻ để chúng ta có thêm những kinh nghiệm đôi khi sẽ rất quý giá cho chính mình!

Sau 8 tháng hoạt động bệnh viện đã cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân đột quỵ trong đó có hàng trăm trường hợp chúng tôi đã “ghi bàn phút chót” khi bệnh nhân đến vào những phút cuối để bác sĩ có thể cân nhắc tiêm thuốc tan máu đông rTPA hay can thiệp nội mạch lấy huyết khối… điều mà trong 15 năm gầy dựng ở TPHCM tôi thường tiếc nuối: giá như bệnh nhân đến sớm hơn vài giờ… thì nay, với Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ chúng ta đã rút ngắn được nhiều giờ để cứu não người bệnh, “rút ngắn được một phút là chúng ta đã cứu được 2 triệu tế bào não của bệnh nhân đang đột quỵ”.

Có nhiều ca đã chẩn đoán điều trị tại các bệnh viện lớn tại TPHCM đột quỵ tái phát nhiều lần do nguyên nhân “hẹp tắc động mạch lớn nội sọ”, điều trị nội khoa thất bại nhiều lần, đồng nghiệp tư vấn bệnh nhân ngược về Cần Thơ khi bệnh nhân thuộc hàng “VIP” ở Sài Gòn làm cho thân nhân hơi bị “sốc”, bán tính bán nghi…

Nhưng sau tìm hiểu kỹ “nơi cứu tinh cho bệnh nhân đột quỵ”, người nhà đã hăm hở đưa bà cụ trên 80 tuổi ngược về Cần Thơ với chẩn đoán “hẹp nặng động mạch cảnh trong phải, đoạn nội sọ” và chúng tôi đã làm tròn sứ mệnh của mình là đặt stent thành công cho bà cụ. Tương tự với khá nhiều bệnh nhân tận miền Bắc, miền Trung… và thậm chí từ Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…

Hơn nữa, có khá nhiều ca 99% tử vong cho dù chúng ta có lạc quan đến mấy cũng xin thua nhưng cuối cùng chúng tôi đã đưa bệnh nhân trở về từ cõi chết:

- Ngưng tim ngưng thở ngoại viện được cứu sống

Bệnh nhân nữ 74 tuổi nhà ở Cần Thơ, một buổi chiều sau khi ăn cơm xong người con gái phát hiện bệnh nhân tự nhiên có biểu hiện tím tái bất thường sau đó lơ mơ hôn mê… người nhà đã gọi ngay 18001115 (tổng đài cấp cứu Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ).

Xe cấp cứu chuyên dụng đã nhanh chóng tới nhà, phát hiện bệnh nhân đã ngưng tim, mạch huyết áp không đo được,… nhanh chóng xoa bóp tim, đặt nội khí quản giúp thở ngay trên xe, các đồng nghiệp đã đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu, “code blue” báo động toàn viện chúng tôi đã có mặt sẵn sàng, mỗi người một việc, không chậm nhịp nào… “Shock điện!”, “Adre…!”,  “xoa bóp tim!”…

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường bình tĩnh quyết đoán chỉ đạo êkip cấp cứu trước sự chứng kiến của tôi và mọi người, tất cả diễn ra kịch tính như một bộ phim hành động. 5 phút trôi qua, rồi 10 phút, cả rổ Adre…, đến phút thứ 15 khi cả ekip đã mệt nhoài, tiếng khóc nấc nghẹn tiếng cầu nguyện vang lên, chúng tôi chuẩn bị buông xuôi thì trời đã không phụ lòng người!

“Tim đập lại rồi kìa!” may quá! Nhưng huyết áp kẹp chỉ có 60/40… “Siêu âm tim tại giường!” và ngay tức khắc trên màn hình siêu âm chúng tôi thấy quả tim đang “bơi” trong bể dịch.

“Tràn dịch màng ngoài tim cấp!” chuẩn bị bộ chọc dò màng tim… và chưa đầy 5 phút sau hơn 300 ml dịch vàng đã được rút ra, sau đó là 700ml…, tim đã có thể hoạt động mạnh, huyết áp 100, may quá! Có hi vọng rồi!

Nhưng không biết bệnh nhân có bị chết não hay không nữa, tôi lo lắng, “chỉ định chụp CT cấp cứu ngay!”. Và ngay sau đó kết quả CT bệnh nhân không phù não nhưng còn hôn mê sâu. “Chuyển hồi sức cho thở máy, giải thích thân nhân”…

Và cuối cùng sau gần 1 tháng điều trị bệnh nhân đã tỉnh táo, đi lại được, chẩn đoán cuối cùng là: “Suy giáp gây tràn dịch màng ngoài tim cấp”.

- Đột quỵ nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim được cứu sống

Cụ ông 90 tuổi, nhà ở Trà Vinh vào viện vì đột quỵ hôn mê, được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch lớn trong những phút cuối giờ vàng. May mắn cho bệnh nhân, chúng tôi đã tái thông mạch máu não thành công, bệnh nhân tỉnh lại.

Nhưng tuổi cao sức yếu trời thử lòng người… đột quỵ chưa ổn, ông lại mắc thêm chứng bệnh nhồi máu cơ tim, chậm nhịp tim làm cho “tuổi gần đất xa trời” không làm gì thêm được… Sau giải thích thoái lui, không làm gì nữa, người thân kiên quyết: “Bác sĩ cứ làm hết khả năng chuyên môn, gia đình chấp nhận mọi rủi ro và chi phí”.

Sau bao lần hội chẩn, cân nhắc, cuối cùng chúng tôi cũng đã tái thông mạch máu não, can thiệp mạch vành, đặt máy trợ tim cho ông thành công, giúp ông trở lại bình thường…

- Nhồi máu cơ tim cấp, biến chứng loạn nhịp tim, suy tim được cứu sống

Bệnh nhân nam 64 tuổi nhà ở Hậu Giang, vào viện trong tình trạng lơ mơ, mệt khó thở nhịp tim 140 lần/phút, huyết áp tụt, tay chân lạnh… “Mắc ngay monitor theo dõi” - bác sĩ Nguyễn Đào Nhật Huy bắt đầu cuộc chiến với tử thần “cơn loạn nhịp tim” đe dọa ngưng tim.

Sau khi thăm khám và xét nghiệm cơ bản, bác sĩ Huy đã tư vấn người nhà “Bệnh đang trong tình trạng nguy kịch, chúng tôi cần shock điện để chuyển nhịp cho bệnh nhân”… người nhà bắt đầu căng thẳng, mắt đỏ hoe, cầu mong bác sĩ cố gắng… Quả thực, chứng kiến tận mắt những đồng nghiệp trẻ thực hiện các thao tác shock tim mà nhịp tim tôi cũng không khỏi hồi hộp…

“Tiêm an thần!” sau một vài phút bệnh nhân bắt đầu ngủ lơ mơ, bác sĩ Huy nhanh như chớp đặt hai điện cực vào ngực bệnh nhân “bấm nút” bệnh nhân giật nảy người tỉnh lại nhưng không biết chuyện gì vừa xảy ra… Chúng tôi vỡ òa vui sướng “về nhịp xoang rồi!” “cho xét nghiệm men tim khẩn” và kết quả là bệnh nhân bị “nhồi máu cơ tim không ST chênh lênh, bệnh 3 nhánh động mạch vành nặng”.

Chúng tôi cho bệnh nhân nằm hồi sức ổn định huyết áp và phải shock điện thêm vài lần trước khi bệnh nhân được BS.CK2 Trần Chí Dũng đặt stent thành công. Bệnh nhân hồi phục như một giấc mơ và trở về lại công việc đời thường…

- Xuất huyết cầu não, hôn mê sâu được cứu sống

Có lẽ ca bệnh làm tôi sẽ nhớ suốt đời và tin vào “tâm linh” trong ngành y đó chính là trường hợp hy hữu của bệnh nhân nam 51 tuổi nhà ở Hậu Giang. Tôi còn nhớ rõ hôm tại phòng cấp cứu bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, anh vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, glasgow 4 điểm, chỉ còn 1 dấu hiệu sống duy nhất là khi kích thích đau bệnh nhân “nhúc nhích” được các ngón chân phải, tim còn đập, huyết áp có lúc dao động, thở khó, cơn ngưng thở…

Tôi trực tiếp giải thích gia đình: “Chắc người nhà nên đưa về lo hậu sự vì anh nặng lắm, khả năng không cứu được, nếu tính cơ hội phần trăm lạc quan lắm thì cũng khoảng 1%... Tôi từng chứng kiến một ông Thầy tôi là bác sĩ cũng rất nổi tiếng ở TP.HCM, cũng bị đột quỵ tương tự như anh, trong lúc thầy đang đi làm tại bệnh viện, được cấp cứu ngay và sau đó phải chịu cảnh đời sống thực vật hơn 2 năm rồi cũng tử vong…!”

Nghe quá bi quan nhưng sau một hồi bàn bạc, gia đình người nhà quyết định theo đuổi đến cùng nếu bác sĩ nhận điều trị!

Tôi thật sự rất xúc động trước sự quyết tâm của người nhà; và thầm nghĩ anh này thật có phước… có những người khả năng cứu được cao hơn nhiều nhưng đôi khi người nhà lại từ chối, không hiểu vì sao…

Tôi đành phải chấp nhận chuyển bệnh nhân vào khoa hồi sức và hy vọng vào những đồng nghiệp của mình với khả năng điều trị nội khoa bằng thuốc, thở máy chăm sóc chống loét, chống viêm phổi, chống nhiễm trùng bệnh viện.

Và cuối cùng… điều thần kỳ đã xảy ra! Sau 3 ngày bệnh nhân đã có phản xạ sống lại… Sau 2 tháng bệnh nhân đã nói được, làm theo y lệnh được, bắt đầu tập đứng tập đi… Thật là niềm hạnh phúc vô biên.

- Hôn mê 1 tháng do “rò động tĩnh mạch màng cứng” được cứu sống

Bệnh nhân nữ hơn 60 tuổi, quê Bạc Liêu, cách nay vài tháng bị đau đầu, chóng mặt, ù tai, sau đó tri giác giảm dần… cũng chạy chữa khắp nơi. Gia đình đã đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy được chẩn đoán: Rò động tĩnh mạch màng cứng (một dạng bệnh thông động tĩnh mạch não rất khó điều trị, có thể do dị tật bẩm sinh hay do mắc phải thường có biểu hiện lâm sàng là đỏ mắt, lồi mắt, ù tai, có âm thổi sau tai, trên mi mắt…) sau đó đã được điều trị xạ trị gamma knife.

Thông thường, bệnh sẽ giảm dần rồi khỏi, nhưng trường hợp này thì không! Bà lơ mơ hôn mê dần sau đó không đi lại được, nằm một chỗ, ăn uống phải đút hơn tháng trời… Người nhà rất đau lòng.

May thay, bà có người nhà cũng làm trong ngành y tế nên liên hệ Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (S.I.S Cần Thơ) thử vận mệnh coi có làm gì thêm được không…

Sau khi bà nhập viện, qua thăm khám và nghe người nhà kể, trong đầu tôi đã nghĩ ngay đến bà bị chứng phù não do ứ trệ tĩnh mạch trong bệnh cảnh rò động tĩnh mạch màng cứng, có thể nguồn rò lưu lượng cao, kèm với khả năng tắc đường tĩnh mạch dẫn lưu về làm cho tình trạng ứ trệ càng nặng.

Để khẳng định chẩn đoán, tôi đã nhờ “mắt thần” MRI 3 tesla của mình và kết quả trả về đúng như dự đoán: rò động tĩnh mạch màng cứng vùng xoang ngang, xoang sigma kèm tắc xoang ngang và xoang sigma sau nơi rò làm cho dòng máu thoát về bị dội ngược vào trong não, gây phù não trầm trọng, làm bệnh nhân hôn mê…

Bằng tất cả lòng quyết tâm và kinh nghiệm khá nhiều trường hợp rò động tĩnh mạch màng cứng, tôi lại đặt mình vào hoàn cảnh người nhà: “Nếu mình không làm gì hết khả năng bà sẽ tử vong rất cao. Nếu cố gắng hết sức thì chỉ là một vài phần trăm cơ hội… ý gia đình thế nào?” “Chúng tôi đồng ý! Các bác cứ làm hết sức có thể, chúng tôi cũng hiểu là không còn cách nào khác, trăm sự nhờ bác!”.

Chúng tôi huy động hết êkip: BS Nguyễn Lưu Giang và BS Trần Minh Luận, BS Nguyễn Đào Nhật Huy và tôi tất cả cùng chiến đấu hơn 3 giờ can thiệp DSA gây tắc mạch rò, khai thông đường thoát và cầu nguyện thêm một chút may mắn!

Có lẽ trời thật không phụ lòng người khi chúng ta thành tâm và cố gắng hết sức: điều thần kỳ lại xảy ra tại S.I.S Cần Thơ! Sau can thiệp vài ngày bệnh nhân bắt đầu hồi tỉnh, làm theo y lệnh… chúng tôi và gia đình bệnh nhân thật vui mừng khôn xiết!

- Xuất huyết não nặng, thuyên tắc động mạch phổi được cứu sống

Bệnh nhân nữ 45 tuổi quê Bạc Liêu, vào cấp cứu Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ trong tình trạng hôn mê sau khi đã qua 2 bệnh viện khác vì quá nặng; được chẩn đoán xuất huyết não bán cầu (T) rất nguy kịch. Người chồng quyết tâm “theo tới cùng” không chấp nhận số phận…

Sau khi được phẫu thuật lấy máu tụ cầm máu thành công, trong thời gian chị nằm thở máy tại khoa hồi sức tích cực (ICU), các đồng nghiệp BS Tô Văn Tân, BS Lâm Thành Luân, BS Phan Thị Ngọc Lời và các bạn điều dưỡng đã xuất sắc phát hiện được bệnh nhân bị thuyên tắc động mạch phổi cấp tính và đã cứu sống bệnh nhân lần thứ 2.

Đây là trường hợp thuyên tắc động mạch phổi hi hữu được cứu sống vì bệnh nhân vừa bị đột quỵ xuất huyết não hôn mê, vừa đang trong giai đoạn sau phẫu thuật não, việc chẩn đoán đã hết sức khó khăn vì lâm sàng bệnh nhân không hợp tác, không có biểu hiện khó thở vì đang thở máy!

Tuy nhiên, nhờ các thiết bị máy móc hiện đại, điều dưỡng chăm sóc tốt, trong thời gian theo dõi bệnh nhân có biểu hiện thiếu oxy cấp mặc dù đang được hỗ trợ thở máy, nghi ngờ bệnh nhân có bệnh lý nặng ở phổi hoặc tắc động mạch phổi, ngay lập tức các đồng nghiệp khoa hồi sức đã tiến hành chụp CT ngực cho bệnh nhân và phát hiện kịp thời.

Ngay sau đó, ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường cùng êkip đã thực hiện thủ thuật, sau hơn 1 giờ đã hút được huyết khối, tái thông hoàn toàn động mạch phổi bị tắc, tình trạng hô hấp bệnh nhân được cải thiện nhanh chóng ngay sau thủ thuật.

Thành công hi hữu này có được là nhờ sự phối hợp tốt giữa các bác sĩ can thiệp thần kinh, can thiệp tim mạch, các bác sĩ hồi sức tích cực và một sự thần kỳ, tâm linh nào đó vì thuyên tắc động mạch phổi là bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong rất cao. Trường hợp này đặc biệt hơn là không thể nào dùng thuốc tiêu sợi huyết được, vì thuốc sẽ làm máu loãng gây ra nguy cơ xuất huyết não tái phát có thể dẫn đến tử vong! Do đó, với trường hợp này, can thiệp nội mạch hút huyết khối là cứu tinh duy nhất.

Sau can thiệp bệnh nhân hồi phục tốt tiếp xúc được, vận động đi lại được, xuất viện sau 1 tuần trong niềm hân hoan vui sướng tột cùng của người thân và các bác sĩ của bệnh viện!


- Xuất huyết não, vỡ phình động mạch thân nền được cứu sống

Bệnh nhân nữ 69 tuổi quê Cà Mau, vào viện vì đau đầu, nôn ói… đã được chẩn đoán xuất huyết não, vào viện trong tình trạng tỉnh táo, tổng trạng gầy. Sau thăm khám, chụp mạch máu não, chúng tôi phát hiện bệnh nhân bị túi phình đỉnh động mạch thân nền cổ rộng; vị trí được coi là tử huyệt vì nằm rất sâu, lại ngay ngã ba mạch máu - đây là vị trí “bất khả xâm phạm” với đa số phẫu thuật viên, lại thêm “cổ rộng” làm cho việc điều trị càng khó khăn về kỹ thuật!

Chúng tôi khá chùn bước trước ca này, giải thích thật kỹ với thân nhân bệnh nhân: “Nếu không làm gì thì nguy cơ xuất huyết tái phát khá cao, khi đó thì nguy cơ tử vong nhiều hơn là qua khỏi… Và phương pháp điều trị duy nhất là đặt stent + coils để loại bỏ túi phình. Chúng tôi không loại trừ khả năng túi phình có thể vỡ trong lúc làm can thiệp với một xác suất nào đó, nhưng nếu vỡ trong lúc làm thì thật sự không biết chuyện gì xảy ra… Người nhà suy nghĩ kỹ điểm này…!”

Sau vài ngày suy nghĩ, người nhà cũng đặt hết niềm tin vào chúng tôi… và chúng tôi lại dấn thân tìm sự sống. Quá trình can thiệp lúc đầu diễn ra khá suôn sẻ: đặt ống thông vào lòng túi phình, chuẩn bị đặt coils, tiến hành bung stent bên ngoài cổ phình, rồi bung stent thành công…

Tôi bắt đầu chụp kiểm tra sau đặt stent… Tôi đạp tia, bơm thuốc rồi thốt lên trong nổi kinh hoàng “chết rồi anh em ơi, túi phình vỡ rồi kìa!”. Tôi bắt đầu mất tinh thần, cảm giác như sụp đổ vì đã từng chứng kiến những ca tương tự, đa số bệnh nhân đều tử vong…

Sau một phút thất thần, tôi lấy lại bình tĩnh, hít thật sâu ra y lệnh: “Tất cả anh em tập trung vào vị trí, kiểm soát độ mê không để bệnh tĩnh, kiểm soát huyết áp, trung hòa thuốc chống đông... Và cầu nguyện”.

Tôi vừa làm vừa buồn thê thảm, nhưng may mắn nhờ kinh nghiệm hơn 15 năm với hàng nghìn ca đã thực hiện, tôi đứng vững và không buông xuôi,… cuối cùng cũng cầm được máu! Nhưng lúc đó vẫn chưa an toàn vì phần máu đã chảy ra ngoài cũng có thể gây họa.

Kết thúc can thiệp chúng tôi cho bệnh nhân thở máy chủ động chống phù não, cả đêm tôi không thể yên giấc và cầu nguyện cho bệnh nhân có thể vượt qua được… Và 24 giờ sau can thiệp chúng tôi giảm thuốc an thần, đánh giá lại tri giác thì thật may, chúng tôi vỡ òa trong niềm vui: bệnh nhân làm theo y lệnh được rồi!

Thật là hy hữu, khó mà tin được với những ai từng làm trong ngành y! Quả thực như một giấc mơ! Quá thần kỳ! Những việc này đôi khi sách vở ngành y cũng chưa nhiều ca ghi nhận sự hi hữu như thế!



Có những lúc bi thương, tôi tự hỏi mình: Tại sao mình lại làm chi cho khổ như thế? Ăn có bao nhiêu? Ở có bao nhiêu? Tiền bạc thì không có lại gánh thêm nợ nần mà đâu phải ít? Hàng trăm tỷ cơ mà? Nhưng chỉ thoáng qua tôi lại nhận ra rằng: Chắc số của mình là như thế! Sinh ra để cứu người! Sinh ra để chịu cực

Nhưng thiết nghĩ, sau hàng nghìn cái chết đang đến gần với bệnh nhân được chính chúng ta ngăn chặn, mang lại sự tái sinh, chúng tôi lấy đó làm động lực lại tiếp hành trình không mệt mỏi để cống hiến, mục tiêu của chúng tôi là tồn tại để phục vụ…, để xây dựng một bệnh viện mà ở đó thật sự vì những lợi ích chung cho cộng đồng, ở đó với đội ngũ y bác sĩ chân chất thật thà, rộng lượng, dám dấn thân hy sinh và giàu lòng nhân ái, luôn luôn đồng cảm chia sẻ với bệnh nhân, phục vụ tận tâm tận lực vì người bệnh.

Tất nhiên không chỉ đơn thuần là bằng tấm lòng, bằng lời nói suông, mà chất lượng chuyên môn phục vụ đến từ sự hòa trộn, kết tinh giữa tay nghề, kinh nghiệm, y đức cộng thêm trang thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến, sự đoàn kết phối hợp nhịp nhàng…

Với những điều thần kỳ đã làm được, chúng tôi thật sự là “Cứu tinh cho bệnh nhân đột quỵ” đặc biệt là khu vực miền Tây. Tuy nhiên để phát huy được hiệu quả tốt nhất tránh những cái chết thương tâm do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, vẫn còn nhiều bệnh nhân đột quỵ đi lên Sài Gòn và chính thời gian di chuyển đã làm mất đi cơ hội được cứu chữa tốt nhất, thậm chí là mất đi cơ hội sống. Nhiều người khi hiểu ra thì ân hận nhưng đã quá muộn màng… Các bạn hãy chia sẻ đến thật nhiều người những thông tin hữu ích này:

1- Khi có ai đó chẳng may bị đột quỵ ở miền Tây thì hãy nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ để được cứu chữa một cách nhanh nhất, tốt nhất! Những lời khuyên bệnh nhân đột quỵ đi Sài Gòn thật sự là hại thêm cho bệnh nhân!

2- Nếu bạn đã từng có biểu hiện của “cơn thiếu máu não thoáng qua” như: tự nhiên chóng mặt, choáng ngất, tê tay chân, nói khó, mờ mắt… thì xin đừng chờ đến đột quỵ rồi mới chữa mà hãy đến Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ tầm soát ngay để điều trị phòng ngừa từ xa!

Riêng các bạn đồng nghiệp của tôi ơi, hãy tranh thủ chút ít thời gian kiểm tra sức khỏe của mình và người thân lớn tuổi (cha mẹ, ông bà...) vì với công nghệ hiện đại nhất: cộng hưởng từ (MRI) 3 tesla, chúng ta không cần tiêm chích cản quang gì cả mà tất cả mạch máu trong đầu sẽ hiện ra, vấn đề duy nhất còn lại là chuyên gia đọc kết quả và can thiệp an toàn!

Hãy nhớ: Đột quỵ không loại trừ một ai! Trong 8 tháng qua cũng có vài đồng nghiệp gặp sự cố, và khá nhiều người nhà đồng nghiệp tiếc nuối… sao mình quá chủ quan!

3- Đừng chủ quan cho rằng mình quá khỏe rồi hút thuốc nhiều, uống rượu bia nhiều, thậm chí khó chịu với người khuyên can: Bạn hãy cẩn thận vì đột quỵ trẻ trên dưới 40 hiện nay khá nhiều!!!

4- Khi có ai đó đã từng bị đột quỵ nhiều lần rồi nhưng với những thông tin chẩn đoán mơ hồ, cảm thấy chưa an tâm về hiệu quả điều trị muốn tìm nguyên nhân và hi vọng tốt hơn… chúng tôi sẽ cố gắng hết mức có thể như đã từng làm để đồng hành cùng bệnh nhân đi tìm một cơ may, bởi vì kỳ tích chỉ xuất hiện khi bạn tin là có và bạn chịu khó đi tìm…!


Napoli - Italia - WFITN - 2019
TS.BS Trần Chí Cường

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X