Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết về xét nghiệm máu khi mang thai

Xét nghiệm máu cho phụ nữ mang thai để xác định các bệnh như giang mai, viêm gan B, thiếu máu, HIV… để có thể phát hiện sớm bệnh dễ dàng điều trị bệnh.

Xét nghiệm máu khi mang thai để làm gì?

Xét nghiệm máu khi mang thai không mang tính chất bắt buộc, nhưng nó lại cực kỳ quan trọng và cần thiết, nhất là vào 3 tháng đầu thai kỳ. Nhờ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có cái nhìn tổng quan nhất về sức khỏe của mẹ bầu, sự phát triển của thai nhi, đồng thời theo dõi những nguy cơ bất thường có thể xảy ra. Cụ thể, tầm quan trọng của xét nghiệm máu khi mang thai như sau:

Phát hiện hội chứng Down

Vào tam cá nguyệt đầu tiên, ngoài một số thủ tục thăm khám thông thường khác, bà bầu sẽ được chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra bất thường ở bào thai. Thông qua kết quả này, mẹ có thể biết thai nhi trong bụng có đang mắc phải hội chứng Down hay không.

Nhóm máu và yếu tố Rh:

Thai phụ nên biết mình thuộc nhóm máu nào, đề phòng trường hợp cần truyền máu. Nếu bạn thuộc nhóm máu Rh, bác sĩ cần kiểm tra độ âm hay dương tính với Rh. Nếu mẹ là âm tính Rh-, trong khi bố dương tính Rh+, bé con sinh ra có thể mang nhóm máu Rh+.

Lúc này, trong thai kỳ, cơ thể mẹ sẽ sản xuất những kháng thể, phá hủy hồng cầu ở cơ thể bé. Do đó, với trường hợp này, bà bầu có nhóm máu RH- sẽ được chích Globulin miễn dịch Rh, ngăn chặn các kháng thể chống Rh gây nguy hiểm trong quá trình mang thai hay lần mang thai tiếp theo.

Hàm lượng sắt

Xét nghiệm máu cho biết hàm lượng heamoglobin là thấp - một dấu hiệu thiếu máu. Cơ thể mẹ cần sắt để sản xuất heamoglobin, giúp mang oxy vào hồng cầu. Nếu thiếu máu, bác sĩ sẽ gợi ý những món ăn giàu sắt cho bạn (như thịt đỏ và rau bina). Hoặc bạn được bổ sung sắt.

Mực heamoglobin được kiểm tra lại ở tuần thứ 28 nhưng nếu bạn thấy mệt mỏi ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, bạn nên đề nghị được kiểm tra máu sớm hơn dự kiến.

HIV

Phụ nữ nên làm xét nghiệm tìm kháng thể HIV trước khi quyết định có thai. Nếu xét nghiệm dương tính thì không nên có thai. Trường hợp mẹ bị nhiễm HIV sau khi sinh con không nên cho con bú để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.

Trẻ sơ sinh có thể nhiễm HIV sau khi sinh nhưng có thể các xét nghiệm có thể âm tính trong các tuần lễ đầu vì vậy không đảm bảo một trẻ sơ sinh sẽ không bị nhiễm. Khuyến cáo hiện nay là cần xét nghiệm lại lúc 1 tháng, 6 tháng và 18 tháng tuổi để xác định tình trạng nhiễm HIV.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Phát hiện bệnh giang mai

Vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, xoắn khuẩn giang mai từ mẹ có thể nhiễm vào thai nhi, gây thai chết lưu, sinh non. Nếu trẻ vẫn được sinh ra bình thường, nguy cơ mắc bệnh giang mai bẩm sinh trể là rất cao. Giang mai bẩm sinh trể có triệu chứng lâm sàng xuất hiện 10-20 năm sau với nhiều thay đổi về sinh lý, thần kinh, khiếm khuyết trí lực…

Viêm gan B

Thai phụ có thể mang virus viêm gan B mà không biết, vì thế, xét nghiệm máu là cách phổ biến để kiểm tra viêm gan B. Nếu bạn chuyển bệnh cho con (trước hoặc sau khi bé chào đời) thì gan của bé cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bé nhiễm virus viêm gan B từ mẹ phải được tiêm phòng càng sớm càng tốt ngay sau khi chào đời.

Rubella

Phần lớn phụ nữ miễn dịch với Rubella vì họ được tiêm phòng bệnh này từ bé. Nếu bạn chưa miễn dịch, bạn cần phải tiêm phòng để tránh bệnh ảnh hưởng đến bé nếu chẳng may bạn tiếp xúc với nguồn bệnh khi mang thai. Nếu mẹ mắc Rubella, bé có thể bị ảnh hưởng thị giác, thính giác, tim.

CMV (Cytomegalo virut)

Cytomegalo virut lây truyền từ người qua người do tiếp xúc, đa số phát hiện nhờ xét nghiệm. Bệnh thường nhẹ đối với người lớn, đối với sản phụ mang thai sự lây truyền trong tử cung chiếm dưới 50% các trường hợp. Nhiễm trùng bẩm sinh có thể gây hư thai. Trẻ sơ sinh bị nhiễm CMV có thể bị khiếm khuyết khả năng nghe, nhìn và chậm phát triển.

Bệnh tiểu đường

Nếu bạn có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ thì bạn cần làm xét nghiệm dung nạp glucose vào giữa tuần 24 và 28 của thai kỳ. Một xét nghiệm máu được tiến hành sau khi bạn được uống một đồ uống ngọt.

Phát hiện bất thường hồng cầu

Thông qua việc xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán bệnh tế bào hình liềm hoặc thalassaemia. 2 căn bệnh rối loạn tế bào máu này có thể gây ra hiện tượng thiếu máu ở mẹ, cản trở sự phát triển của thai nhi.

Xét nghiệm máu khi mang thai có cần nhịn ăn?

Theo quy định chung, đối với các xét nghiệm máu: thời điểm lấy máu làm xét nghiệm tốt nhất là vào buổi sáng. Nhịn ăn, không uống nước ngọt, sữa, nước hoa quả, rượu, chè, cà phê, trong vòng 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm máu. Các chỉ số sinh hóa máu của các xét nghiệm làm không đúng thời điểm, sau ăn hoặc sau khi dùng các chất kích thích sẽ cho kết quả không chính xác.

Không chỉ nhịn đói, người làm xét nghiệm cũng cần tránh sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, cà phê…) vài giờ trước khi lấy máu để có kết quả chẩn đoán bệnh chính xác. Tuy nhiên, không phải bất kỳ xét nghiệm máu nào cũng cần nhịn đói.

Chỉ một số bệnh cần kiểm tra đường huyết thì phải nhịn đói khi xét nghiệm: bệnh liên quan đường và mỡ (tiểu đường), bệnh về tim mạch (cholesterol, triglycerid, HDL, LDL…), bệnh về gan mật. Còn lại những xét nghiệm bệnh khác (khoảng 300 xét nghiệm) như HIV, suy thận, cường giáp, Alzheimer (mất trí nhớ ở người già)… người mang thai vẫn có thể ăn nhẹ trước khi xét nghiệm. Vấn đề xét nghiệm máu đối với người mang thai là rất cần thiết vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bà mẹ và thai nhi.

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X