Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết về rối loạn tăng động giảm chú ý

AloBacsi xin trích đăng bài viết của BS.CKII Trần Minh Khuyên để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ.

Chứng tăng động giảm chú ý là gì?

Tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorderm - ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường có những hành vi hiếu động quá mức và khả năng tập trung kém dẫn đến kết quả học tập giảm sút. Về lâu dài, nếu không được điều trị tốt thì việc hình thành tính cách, hành vi, tâm lý trong tương lai cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Chứng tăng động giảm chú ý được phân loại như thế nào?

Đa số người có rối loạn này thể hiện đồng thời cả triệu chứng tăng động và giảm chú ý, nhưng một số khác lại trội hơn mặt nào đó, để chi tiết, các nhà chuyên môn phân ra làm 3 loại dựa trên biểu hiện trội trong thời gian 6 tháng:

Rối loạn tăng động giảm chú ý - Dạng phối hợp: Nếu có ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý hoặc ít nhất 6 triệu chứng tăng động bồng bột tồn tại trong một thời gian ít nhất là 6 tháng. Hầu hết những trẻ em và thiếu niên có rối loạn này đều thuộc dạng phối hợp. Người ta chưa biết ở người lớn có tình trạng tương tự như vậy hay không.

Rối loạn tăng động giảm chú ý - Dạng trội về giảm chú ý:
Nếu có ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý nhưng lại phải có chưa đến 6 triệu chứng về tăng động bồng bột tồn tại trong một thời gian ít nhất là 6 tháng.

Rối loạn tăng động giảm chú ý - Dạng trội về tăng động bồng bột: Nếu có ít nhất 6 triệu chứng về tăng động bồng bột nhưng lại phải có chưa đến 6 triệu chứng về giảm chú ý tồn tại trong thời gian ít nhất là 6 tháng. Sự giảm chú ý có thể vẫn còn là một đặc tính lâm sàng rõ rệt trong những trường hợp như thế.

Những dấu hiệu để nhận biết trẻ tăng động giảm chú ý gồm những gì?

ADHD bắt đầu sớm trong quá trình phát triển, thường là trước 5 tuổi. Các nét đặc trưng chính là thiếu sự kiên trì trong các hoạt động đòi hỏi sự tham gia của nhận thức và có khuynh hướng chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, nhưng không hoàn thành hoạt động nào cả, kết hợp với một sự hoạt động quá mức, thiếu tổ chức và kém điều tiết.

Những trẻ này thường dại dột, xung động, dễ bị tai nạn và bản thân chúng thường vi phạm kỷ luật do không tôn trọng các quy tắc (vì thiếu suy nghĩ hơn là cố tình chống đối). Các quan hệ của chúng đối với người lớn thường là thiếu kiềm chế, thiếu thận trọng và dè dặt, chúng thường  không được các trẻ khác thừa nhận và có thể trở nên bị cô lập. Cũng thường gặp các tật chứng về nhận thức và các trạng thái chậm phát triển đặc hiệu về vận động và ngôn ngữ đi kèm.

BS.CK2 Trần Minh Khuyên trong một lần tư vấn cho bạn đọc AloBacsi về Rối loạn lo âu - trầm cảm, làm sao điều trị?

Đâu là tiêu chuẩn khoa học để chẩn đoán tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ?

Hiếu động quá mức: Dường như trẻ có một chiếc “động cơ luôn hoạt động” ở trong người. Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ mà thường chạy nhảy liên tục không biết mệt. Chúng sẽ cố gắng đứng lên và chạy xung quanh, hoặc khi buộc phải ngồi xuống thì chúng cũng không ngừng cựa quây, làm ồn.

Ví dụ khi ở nhà, những đứa trẻ này không chịu ngồi yên, hết chạy nơi này đến nơi khác, chúng không có cảm giác mệt, leo trèo khắp nơi từ cử sổ đến lan can mà không màng đến lời dọa nạt của người lớn, không biết đến nguy hiểm. Yêu cầu những đứa trẻ này ngồi yên một lúc là cả một vấn đề.

Chứng tăng động giảm chú ý sẽ ảnh hường rất nhiều đến học tập, hành vi và tính cách trong tương lai của trẻ.

Khả năng tập trung rất kém: Khả năng tập trung của trẻ bị tăng động giảm chú ý rất kém, thật khó mà bắt chúng lắng nghe, làm theo hướng dẫn hoặc thực hiện một việc gì đó trọn vẹn. Trẻ có thể thích thú với rất nhiều thứ, nhưng không được lâu.

Những đứa trẻ này thường có xu hướng chuyển một cách nhanh chóng từ sở thích này sang sở thích khác. Chúng thường bỏ dở giữa chừng khi đang làm một công việc, chỉ là một tiếng động nhỏ, hay một đồ vật lạ đặt trước mặt cũng có thể làm trẻ phân tâm khi học bài. Trẻ còn gặp khó khăn ngay cả khi đang nói chuyện trực tiếp với người khác. Có khi đang nghe bạn nói, nhưng khi yêu cầu nhắc lại thì trẻ cũng không nhớ.

Trẻ mắc chứng này sẽ gặp khó khăn trong việc chú ý ngay cả khi đang bị người lớn nhắc nhở. Trẻ nói là đang nghe lời bạn, nhưng khi được yêu cầu lặp lại lời của bạn, trẻ sẽ không biết nói gì.

Thực ra trẻ tăng động giảm chú ý không hề kém thông minh so với các bạn khác, nhưng chính sự suy giảm khả năng chú ý lại là nguyên nhân dẫn đến kết quả học hành sút kém.

Hấp tấp, bồng bột: Phần lớn những trẻ này thường có tính hấp tấp, vội vàng, bất cẩn và bồng bột. Trẻ thường trả lời khi người khác chưa hỏi xong, khó chờ đến lượt mình và hay phá đám trong khi người lớn nói chuyện hoặc các bạn cùng lớp đang chơi đùa. Sự hấp tấp, bồng bột cũng sẽ khiến trẻ dễ mắc lỗi khi làm bài tập hay thực hiện những công việc khác.

Chậm phát triển ngôn ngữ: Một nét khá nổi bật trong phần lớn những trẻ tăng động giảm chú ý hay gặp phải đó là chậm phát triển về ngôn ngữ. Những trẻ này phát triển khả năng nói bình thường trong giai đoạn đầu, nhưng về sau sẽ chậm lại và thường gặp phải các vấn đề về cấu trúc câu hay khả năng diễn đạt bằng lời nói.

Dễ nổi nóng, khó kiềm chế được cảm xúc
: Trẻ bị hội chứng “tăng động giảm chú ý” thường dễ nổi nóng, giận dữ, khó kiềm chế được cảm xúc - cả tốt và xấu, do vậy rất dễ dẫn tới xô xát, đánh bạn hoặc làm tổn thương ngay cả những người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, tính cách này thường khiến cho trẻ không có bạn thân hoặc bị bạn bè xa lánh.

Nguyên nhân của hội chứng tăng động giảm chú ý là gì?

Nguyên nhân của rối loạn cho đến nay vẫn chưa được biết rõ. Các bằng chứng đã cho thấy rằng một nguyên nhân duy nhất không thể giải thích được cho rối loạn này.

Trước tiên, rối loạn có thể biểu hiện  với sự tổn thương sinh học hay  loạn chức năng hệ thần kinh trung ương. Những biểu hiện của loạn chức năng theo giả thiết này là những khó khăn trong việc kiểm tra sự tự điều chỉnh, tổ chức quá trình thông tin, sự chú ý, sự phản ứng xã hội và sự kiềm chế thích hợp (Douglas - 1983, Cohalen - 1989). Tuy nhiên, tổn thương não trước, trong và sau khi sinh không được chứng minh là có liên quan đến rối loạn này.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ của rối loạn nhân cách chống xã hội, chứng nghiện rượu, lạm dụng ma tuý ở cha và rối loạn phân ly ở mẹ của trẻ ADHD không liên quan trong việc phân biệt những trẻ có và không kèm theo các vi phạm về đạo đức. August và Steward (1983) thì cho rằng những rối loạn ở cha mẹ được kể ở trên đi kèm với ADHD chỉ khi hội chứng cùng xảy ra với những rối loạn khác. Tuy vậy, cha của trẻ ADHD thường cũng có biểu hiện tương tự hoặc đã có trong thời thơ ấu. Điều này gợi ý là có yếu tố di truyền.

Zametkin và Rapopoit thì cho rằng chức năng catecholamine và sự điều tiết của nó rất có khả năng liên quan đến nguyên nhân gây bệnh và điều trị ADHD. Một số nghiên cứu lại phát hiện ở trẻ ADHD methylphenidate và dextroamphetamine gây ra việc tiết nhanh nhiều các hóc môn tăng trưởng.

Thomson và cộng sự (1989) đã phát hiện  mức  chì trong máu cao có khả năng gây các vấn đề về hành vi và nhận thức ở trẻ.

Một số nghiên cứu gần đây sử dụng kỷ thuật chụp cắt lớp có đồng vị phóng xạ (PET) đã chứng minh được những thay đổi về phát triển trong suốt thời thơ ấu và vị thành niên theo mật độ của thụ thể dopamine, lượng máu não và sử dụng glucose ở thùy trán.

Nhiều nghiên cứu cũng đã  quan tâm đến các yếu tố tâm lý xã hội. Một số báo cáo chỉ ra sự liên quan giữa stress gia đình và địa vị kinh tế xã hội thấp với tỷ lệ mắc ADHD. Sự hiện diện của tình trạng dễ bị thương tổn sinh học cùng với sự gia tăng ly hôn, cha mẹ làm việc suốt ngày, cha mẹ và thầy cô giáo ít quan tâm chăm sóc có thể làm cho trẻ dễ bị rối loạn hơn trẻ bình thường.

Tóm lại, sự dễ tổn thương sinh học và các yếu tố tâm lý xã hội, môi trường cùng tương tác để tạo ra nguyên nhân, tính phức tạp và hậu quả của rối loạn.

Đối với trẻ mắc chứng bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý, bố mẹ cần dành nhiều thời gian và tình yêu thương để giúp bé vượt qua căn bệnh này và phát triển bình thường như những đứa trẻ khác

Chứng tăng động giảm chú ý này về lâu dài có gây nguy hại gì không?

Hậu quả của rối loạn tăng động giảm chú ý làm cho trẻ dễ bị bạn bè xa lánh, bị bỏ rơi, cô lập, kết quả học tập kém, bị lưu ban, bị thầy cô quở trách và liệt vào dạng học sinh cá biệt... Điều này càng làm cho trẻ thiếu tự tin, cảm xúc không ổn định, lo âu, trầm cảm, chán học, bỏ học hoặc một số trẻ có phản ứng trở nên cô độc, dễ giận dữ gây gổ, thách thức chống đối xung quanh, dễ sa vào các tệ nạn xã hội như nghiện rượu, ma túy khi lớn... Tóm lại, rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống xã hội, học tập, gia đình, nghề nghiệp của trẻ hiện tại và sau này.

Vì thế, khi thấy trẻ có những biểu hiện của chứng rối loạn này, cha mẹ nên đưa trẻ tới các chuyên khoa tâm thần của các bệnh viện để được khám và tư vấn điều trị đúng hướng. Mặt khác, đối với những trẻ được xác định là rối loạn tăng động giảm chú ý, gia đình và nhà trường cần hiểu rõ tâm lý của trẻ để có cách giáo dục và hướng dẫn trẻ thích hợp tránh gây áp lực không cần thiết, có thể dẫn tới tiến triển bệnh xấu hơn.

Chứng tăng động giảm chú ý có thể phòng ngừa bằng cách nào?

Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ, nên việc phòng ngừa là rất khó. Tuy nhiên, hãy tránh các yếu tố nguy cơ như phòng tránh không cho trẻ bị chấn thương vào đầu hay bị nhiễm trùng thần kinh trung ương và không cho trẻ tiếp xúc với kim loại nặng (chì). Mặt khác, người mẹ khi mang thai cần phải chú ý không được hút thuốc, uống rượu hay dùng chất ma túy, tránh mọi kích thích từ môi trường ô nhiễm và tiếng ồn.

Trẻ tăng động giảm chú ý có thể được hỗ trợ như thế nào?


Về điều trị, những nghiên cứu gần đây đã nói lên rằng liệu pháp hoá học có hiệu quả hơn liệu pháp hành vi hay chăm sóc tại cộng đồng. Dùng thuốc kết hợp với liệu pháp hành vi được cho là hợp lý nhất. Liệu pháp bao gồm:

Thuốc:


1. Methylphenidate (Ritalin), Dextroamphetamine (Dexedrin):

- Nên bắt đầu với liều lượng thấp nhất và điều chỉnh dần cho phù hợp với hiệu lực lâm sàng và sự dung nạp thuốc.

- Mục đích nhắm tới bao gồm giải quyết xung động, giảm tập trung, khó hoàn thành công việc, tăng hoạt động và giảm chú ý.

- Lưu ý không uống thuốc gần lúc đi ngủ vì thuốc có thể gây mất ngủ.

2. Thuốc chống trầm cảm SSRI (Venlafaxine…), thuốc chống trầm cảm ba vòng (Imipramine, Nortriptyline…)  được sử dụng khi có lo âu, trầm cảm. An thần kinh cũng có thể dùng để làm giảm bớt hoạt động nhưng chú ý đề phòng gây an dịu quá mức.

Liệu pháp hành vi:
 
- Có kết quả tốt khi được sử dụng kết hợp với chế độ thuốc hiệu quả.

- Làm việc với bố mẹ trẻ và nhà trường để thiết lập môi trường có lợi cho sự tập trung và chú ý là cần thiết.

- Liệu pháp hành vi nhằm giúp trẻ giảm bớt những dự định không chắc chắn và tăng cường sự tổ chức.

- Đối với người lớn bị ADHD, lao động để làm giảm bớt sự sao lãng và tăng cường kỹ năng tổ chức là việc làm có ích.

- Việc giáo dục cho người bệnh và các thành viên gia đình họ là rất quan trọng. Khuyến khích việc dùng thuốc, giáo dục việc điều khiển hành vi, tập luyện kỹ năng xã hội và thường xuyên điều chỉnh lại nhận thức. Để chăm sóc trẻ mắc ADHD một cách tốt nhất cần thực hiện các vấn đề sau (theo ý kiến của các chuyên gia thuộc Đại học Michigan):

+ Hãy chú ý đến những phẩm chất tốt của trẻ và nói cho trẻ biết điều này.

+ Khi muốn khen ngợi trẻ hãy cho trẻ biết đã làm những hành động nào tốt và bạn rất thích những hành động đó.

+ Hãy dùng lời lẽ nhẹ nhàng để hướng dẫn trẻ làm việc.

+ Cho trẻ biết bạn muốn trẻ làm như thế này thế kia thay vì bảo trẻ đừng làm điều này điều kia.

+ Do thuốc điều trị ADHD có thể ảnh hưởng đến sự ngon miệng của trẻ nên chú ý nấu cho trẻ những bữa ăn ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng.

+ Luôn để mắt đến trẻ khi trẻ chơi và tập thể dục thể thao để ngăn ngừa các chấn thương có thể xảy ra do các hoạt động hiếu động thái quá của trẻ.

Làm sao phân biệt một đứa trẻ năng động với chứng tăng động?

Trẻ tăng động giảm chú ý

Trẻ hiếu động

- Hoạt động liên tục mọi nơi

- Không tập trung chú ý trong ở tất cả mọi hoạt động

- Dể kích thích bởi âm thanh

- Chậm nhận thức và ngôn ngữ

- Rối loạn giấc ngủ

- Rối loạn lo âu

- Độ tuổi phát hiện : 4 tuổi

- Chỉ hoạt động liên tục ở nơi quen thuộc

- Cái gì thích sẽ rất tập trung

- Không bị kích thích xung quanh bởi tiếng ồn

- Không chậm phát triển ngôn ngữ và trí tuệ

- Không rối loạn giấc ngủ

- không rối loạn lo âu

- Độ tuổi phát hiện sớm (từ khi biết đi )


Hội chứng tăng động giảm chú ý là một dạng rối loạn hành vi thường gặp trong quá trình phát triển của trẻ em với những biểu hiện đặc trưng như hiếu động thái quá, không có khả năng tập trung, có nhu cầu chạy nhảy liên tục

Tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM

1. Có tiêu chuẩn A hoặc B:

A. Tồn tại ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý trong thời gian tối thiểu là 6 tháng, đến độ không thích nghi và không phù hợp với trình độ phát triển:

- Thường không thể tập trung chú ý nhiều vào các chi tiết hoặc phạm phải những lỗi lầm do bất cẩn trong học tập, làm việc hoặc trong các hoạt động khác.

- Thường khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong công việc hoặc vui chơi.

- Thường có vẻ không lắng nghe người khác khi nói chuyện trực tiếp.

- Thường không tuân theo những hướng dẫn hoặc không thể hoàn tất bài vở ở trường, công việc nhà, hoặc các trách nhiệm nơi làm việc (không phải do hành vi chống đối hoặc không có khả năng hiểu hướng dẫn).

- Thường khó khăn khi tiến hành các hoạt động cần tính tổ chức.

- Thường né tránh, không thích, hoặc miễn cưỡng tham gia các công việc đòi hỏi sự cố gắng tinh thần trong thời gian dài (như làm bài tập ở trường hoặc bài tập về nhà).

- Thường để thất lạc những vật dụng cần để làm việc hoặc vui chơi (đồ chơi, dụng cụ học tập, bút chì, sách vở).

- Thường dễ dàng bị phân tâm bởi các kích thích bên ngoài.

- Thường quên làm các công việc hằng ngày.

B. Tồn tại ít nhất 6 triệu chứng tăng động - bồng bột trong thời gian ít nhất là 6 tháng, đến độ không thích nghi và không phù hợp với trình độ phát triển:

Tăng động

Bồng bột


- Tay chân ngọ nguậy, hay vặn vẹo khi ngồi.

- Thường rời bỏ chỗ ngồi trong các tình huống đòi hỏi phải ngồi yên.

- Thường chạy nhảy hoặc leo trèo quá mức trong những tình huống không thích hợp (ở thiếu niên và người lớn, điều này có thể giới hạn ở mức họ cảm giác bồn chồn).

- Thường khó tham gia những trò chơi hoặc hoạt động giải trí chỉ cần các hoạt động nhẹ nhàng.

- Thường luôn di chuyển hoặc hành động như thể "đang lái môtô".

- Thường nói quá nhiều.

 

- Thường buột miệng trả lời khi người khác chưa hỏi xong.

- Thường khó chờ đợi đến lượt mình.

- Thường làm gián đoạn hoặc quấy rầy người khác (xen vào các cuộc nói chuyện hoặc các trò chơi).


2. Một số triệu chứng tăng động - bồng bột hoặc triệu chứng giảm chú ý gây ra suy giảm chức năng xuất hiện trước 7 tuổi.

3. Tình trạng giảm chức năng do các triệu chứng này được thấy hiện diện trong ít nhất 2 môi trường khác nhau (ở trường, ở nơi làm việc, hoặc ở nhà).

4. Phải có bằng chứng rõ ràng về tình trạng suy giảm chức năng đáng kể về các mặt xã hội, học tập và công việc.

5. Các triệu chứng không xảy ra đồng thời với rối loạn phát triển lan tỏa, tâm thần phân liệt. Các triệu chứng cũng không được phù hợp hơn với các rối loạn tinh thần khác như rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách.

Triệu chứng giảm chú ý, tăng động, bồng bột liên quan đến việc sử dụng thuốc (như thuốc giãn phế quản, isoniazide, akathisia lấy từ các neuroleptics) ở những trẻ dưới 7 tuổi không được chẩn đoán là ADHD, thay vào đó nên được chẩn đoán là các rối loạn liên quan hóa chất không đặc hiệu (other substance-related disorders not otherwise specified).

BS.CKII Trần Minh Khuyên - Chuyên khoa tâm thần kinh - Trị liệu tâm lý
Giám định viên Pháp Y Tâm thần

(Bài viết có tham khảo sách giáo khoa và tài liệu của quý đồng nghiệp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X