Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết về bệnh thoái hóa cột sống

AloBacsi xin trích đăng bài viết của BS Cao Thanh Ngọc và BS Trần Hồng Thụy để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân, phương pháp điều trị cũng như cách phòng ngừa bệnh thoái hóa cột sống.

Bệnh thoái hóa cột sống là gì? 

Thoái hóa cột sống là tình trạng lão hóa của cột sống. Tình trạng này tiến triển từ từ ảnh hưởng lên tất cả các thành phần của cột sống như đĩa đệm, dây chằng… đến một lúc nào đó gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống mà không có biểu hiện viêm. Thoái cột sống thường gặp là thoái hóa cột sống cổ và thoái hóa cột sống thắt lưng.

Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa cột sống?

Thoái hóa cột sống là hậu quả của nhiểu yếu tố: cao tuổi, nữ, nghề nghiệp lao động nặng, một số yếu tố khác như tiền sử chấn thương cột sống, tiền sử phẫu thuật cột sống, yếu cơ, di truyền, tư thế lao động…

Do tình trạng chịu áp lực quá tải lên sụn đĩa đệm lặp lại kéo dài trong nhiều năm dẫn đến sự tổn thương sụn khớp, phần xương dưới sụn, mất tính đàn hồi của đĩa đệm, xơ cứng dây chằng bao khớp tạo nên những triệu chứng và biến chứng trong thoái hóa cột sống.

BS Cao Thanh Ngọc trong một lần tư vấn cho bạn đọc AloBacsi về: Viêm khớp dạng thấp và các thắc mắc quanh bệnh cơ xương khớp
Những đối tượng nào dễ bị thoái hóa cột sống?

- Những người lao động chân tay: do đặc thù công việc phải cúi khom nhiều hoặc phải khiêng vác nặng nên dễ mắc thoái hóa cột sống cổ và thoái hóa cột sống thắt lưng.

- Nhân viên văn phòng: thường xuyên làm việc với máy tính nhiều giờ liền, cúi nhiều, ngồi nhiều  đặc biệt khi ngồi sai tư thế và dễ bị thoái hóa cột sống cổ.

- Nghề nghiệp đặc thù như thợ cắt tóc, thợ sơn, nha sĩ… thường xuyên phải cúi và ngửa cổ nhiều, vì vậy các đốt sống cổ dễ bị ảnh hưởng, thời gian kéo dài dễ bị thoái hóa cột sống cổ.

Hiện nay có những phương pháp điều trị nào điều trị thoái hóa cột sống?

Nguyên tắc:

- Điều trị triệu chứng (thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ…).

- Phối hợp các biện pháp điều trị nội khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Trường hợp có chèn ép rễ thần kinh, tùy trường hợp, xem xét chỉ định ngoại khoa.

Điều trị cụ thể:

1. Vật lý trị liệu

Tập các bài tập thể dục (dưỡng sinh, yoga..), xoa bóp, kéo nắn, chiếu hồng ngoại, liệu pháp nóng hoặc lạnh giúp giảm đau và duy trì vận động.

2. Điều trị nội khoa

- Thuốc giảm đau: Paracetamol, paracetamol phối hợp với codein, thuốc chống viêm không steroid (meloxicam, piroxicam, celecoxib…).

- Thuốc giãn cơ: Eperisone, tolperisone.

- Tiêm corticoid tại chỗ: được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa.

3. Điều trị ngoại khoa

Chỉ định khi thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống gây đau thần kinh tọa kéo dài hoặc có hẹp ống sống với các dấu hiệu thần kinh tiến triển nặng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà các biện pháp điều trị nội khoa không kết quả được đánh giá bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Người bị thoái hóa cột sống có nên tập luyện thể thao? Khi luyện tập cần lưu ý những gì?

Người bị thoái hóa cột sống vẫn nên luyện tập thể dục. Tuy nhiên, nếu người bệnh đang bị đau cấp thì nên nghỉ ngơi, vì khi đó các cơ cạnh cột sống co cứng gây đau nhức nhiều, đến khi giảm đau có thể tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng theo sự hướng dẫn của các chuyên viên vật lý trị liệu để giúp tăng cường sức mạnh cơ hỗ trợ lực cho đốt sống và đĩa đệm bị thoái hóa.

Những môn thể thao nào người thoái hóa cột sống không nên tập luyện?

Người bệnh thoái hóa cột sống cổ không nên tập luyện những môn thể thao cúi hoặc ngửa quá mức, không nên tập khi tập luyện khi đang bị đau cấp. Khi các cơn đau giảm đi có thể bắt đầu luyện tập các bài tập hỗ trợ cột sống, tuy nhiên nên luyện tập dưới sự hướng dẫn của các chuyên viên vật lý trị liệu để được hiệu quả điều trị.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cột sống gặp “trục trặc”, bao gồm: Sự lão hóa tự nhiên theo tuổi tác; giới tính nữ; nghề nghiệp lao động nặng... Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Những phương pháp giúp hạn chế giúp bệnh giảm tiến triển nặng hơn

- Thay đổi chế độ hoạt động để tránh căng thẳng lên cột sống như cúi hoặc khom người quá mức

-  Sử dụng kỹ thuật thích hợp khi nâng vật nặng.

- Thường xuyên tập luyện, vận động và nghỉ ngơi hợp lý giúp đĩa đệm giữ nước và giữ cho xương, cơ bắp ở lưng và cổ mạnh mẽ. Điều này, cải thiện sự ổn định cột sống và có thể làm chậm sự thoái hóa.

- Một chế độ ăn uống thích hợp sẽ giúp chống béo phì. Dinh dưỡng tốt cũng sẽ giúp cho sức mạnh của cơ tốt để hỗ trợ cột sống.

- Để giữ cho cột sống luôn luôn khỏe mạnh nên tham gia các bài tập như đi bộ hoặc bơi lội.

- Tập yoga nhẹ nhàng cũng có thể giúp cột sống của bạn mạnh mẽ và linh hoạt. (Luôn luôn hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu một chế độ tập luyện).

- Ăn các thức ăn có nhiều chất xơ và ít chất béo sẽ làm giảm khối lượng cơ thể, để cột sống chỉ phải nâng đỡ một trọng lượng ít hơn.

- Thực phẩm như cá, các loại hạt, rau lá xanh cao trong axit béo omega và chất chống oxy hóa, cả hai đều đóng góp vào sức khỏe của khớp và đĩa đệm.

- Không nên hút thuốc vì các độc tố và chất nicotine trong thuốc lá ngăn chặn hấp thụ vitamin và chất dinh dưỡng.

Bệnh nhân bị thoái hóa cột sống cần ăn uống đầy đủ chất, đủ các nhóm thực phẩm, giữ mức cân nặng thích hợp giúp cải thiện triệu chứng đau nhức. Bổ sung đủ Canxi và vitamin D giúp cho xương chắc và khỏe.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh thoái hóa cột sống?

- Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt, lao động mà gây đau như ngồi lâu, đứng lâu một tư thế.

- Tránh mang vác nặng quá mức hoặc các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế.

- Giữ cho cân nặng ở mức lý tưởng, tránh tình trạng béo phì.

- Tập luyện, chơi các môn thể thao vừa sức như bơi lội, đi bộ, đạp xe…

- Phát hiện sớm các dị dạng cột sống để có biện pháp chỉnh hình nội khoa hay ngoại khoa thích hợp.

Các bài tập thể dục gợi ý

Có rất nhiều bài tập cột sống khác nhau và bệnh nhân nên tập dưới sự hướng dẫn của các chuyên viên vật lý trị liệu để việc tập luyện được hiệu quả và chọn bài tập phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân.

Sau đây là một vài bài tập dễ thực hiện:

Bài 1:

Người tập ở tư thế nằm ngửa. Hai chân co ở đầu gối, bàn chân đặt lên sàn nhà, tay dọc chân. Tỳ thắt lưng xuống sàn. Sau đó từ từ nâng mông chậu nhờ sức tỳ của vùng cột sống ngực lên sàn - thở ra.

Cố gắng kéo giãn từng đốt sống một. Sau đó từ từ hạ thân xuống sàn, "đặt từng đốt sống một xuống sàn", hít vào. Lặp lại động tác 7 - 10 lần.

Bài 2:

Tư thế nằm ngửa. Co hai chân ở đầu gối, nhấc hai chân lên trên sao cho đầu gối nằm trên khớp háng, hóp bụng. Từ từ duỗi thẳng từng chân - thở ra, co chân - hít vào. Lặp lại động tác 7 - 10 lần cho mỗi chân.

Bài 3:

Tư thế nằm ngửa. Hai chân co ở đầu gối, hai bàn tay đan xen vào nhau ở sau gáy. Nâng đầu và vai khỏi sàn đến xương vai - thở ra. Hạ xuống - hít vào. Lặp lại động tác 10 - 12 lần.

Bài 4:

Tư thế nằm úp sấp. Hai tay co ở khuỷu, hai khuỷu ở mức ngang vai, dựa vào cẳng tay. Nâng lồng ngực, cổ duỗi. Hãy nâng chậu mông đến mức hai vai, co hai chân ở đầu gối. Thở đều và giữ ở tư thế này trong 30 - 60 phút. Sau đó từ từ trở về tư thế ban đầu. Lặp lại động tác 5 - 6 lần.

Bài 5:


Tư thế chống tay xuống sàn. Giữ thẳng lưng đồng thời nhấc tay trái và chân phải lên cao - thở ra, hạ xuống - hít vào. Sau đó làm lại động tác với tay phải và chân trái. Lặp lại động tác 7 - 10 lần.


BS Trần Hồng Thụy, BS Cao Thanh Ngọc
Đơn vị Nội Cơ Xương Khớp - BV Đại Học Y Dược TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X