Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết để giúp bé tránh xa bệnh viêm tai giữa

Mùa đông là thời điểm trẻ thường mắc các bệnh nhiễm trùng về tai mũi họng, trong đó viêm tai giữa là chứng bệnh phổ biến nhưng không phải cha mẹ nào cũng hiểu đầy đủ về bệnh này.

Bé thường quấy khóc nhiều hơn khi bị viêm tai giữa
Bé thường quấy khóc nhiều hơn khi bị viêm tai giữa

Viêm tai giữa là gì?

Viêm tai thường xảy ra ở bộ phận tai giữa, vì các vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào khoang chất lỏng phía sau màng nhĩ này.

Viêm tai giữa (VTG) đa số xảy ra sau khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Khi ống nối giữa tai và họng (vòi nhĩ) bị tắc nghẽn, dịch sẽ bị ứ lại sau màng nhĩ. Vi khuẩn thường sẽ phát triển trong dịch gây đau và nhiễm trùng.

VTG nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tổn thương trong tai, khiến bé mất thính giác vĩnh viễn.

Thường có 3 loại VTG ở trẻ nhỏ:

1. VTG cấp tính

Đây là bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Đó là khi các phần của tai giữa bị nhiễm trùng, sưng và chất lỏng bị mắc kẹt phía sau màng nhĩ.

Kết quả là trẻ em bị nhiễm trùng tai và sốt.

2. VTG có tràn dịch

Đây đôi khi là hậu quả sau khi nhiễm trùng tai thường xuyên.

Bệnh này rất khó phát hiện bởi vì nó thường không gây ra các triệu chứng và chỉ có thể được chẩn đoán khi bác sĩ kiểm tra tai con bạn bằng một dụng cụ y tế chuyên dụng.

3. VTG mạn tính có tràn dịch

Điều này xảy ra khi chất lỏng vẫn còn ở tai giữa trong một thời gian dài hoặc trẻ mắc VTG trở đi trở lại nhiều lần.

Tình trạng này làm cho trẻ khó chống lại các chứng bệnh mới và có thể gây giảm thính lực.

Nguyên nhân gây VTG ở trẻ em

Vi khuẩn và virus là thủ phạm gây VTG. Thông thường sau khi con bạn bị viêm họng, cảm lạnh, hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, vi khuẩn có thể lan sang tai giữa.

Ngoài ra, các chất dịch trong tai thường di chuyển nhanh xuống các ống kết nối tai giữa với phía sau mũi và cổ họng. Nhưng khi bé bị cảm lạnh, nhiễm trùng xoang và dị ứng thời tiết, những ống này sẽ bị tắc nghẽn và chất lỏng sẽ bị mắc kẹt trong tai giữa.

Chất dịch này là môi trường thuận lợi mở đường cho nhiễm trùng xảy ra.

Nhiễm trùng tai ở trẻ em cũng phổ biến hơn ở người lớn vì ống tai trong của trẻ nhỏ hơn, nhiều lớp hơn, do đó khó thoát dịch hơn so với ống tai trong của người lớn.

Ngoài ra, hệ thống miễn dịch của trẻ không tốt như người lớn và điều này làm cho bé khó chống lại bệnh.

Cha mẹ cần nghĩ đến bệnh viêm tai giữa nếu thấy bé phản xạ kém với âm thanh
Cha mẹ cần nghĩ đến bệnh viêm tai giữa nếu thấy bé phản xạ kém với âm thanh

Trẻ nào dễ bị mắc VTG?

- Trẻ nhỏ (trẻ dưới ba tuổi nhạy cảm nhất)

- Trẻ em có hệ miễn dịch yếu

- Gia đình có tiền sử nhiễm trùng tai

- Ngủ hoặc thức nhưng nằm để bú bình

- Các nguyên nhân thứ cấp dẫn đến VTG

- Nhiễm trùng đường hô hấp trên và tái phát

- Tiếp xúc với khói thuốc lá

- Tiếp xúc với trẻ đang bị VTG

Các triệu chứng nhiễm trùng tai ở trẻ em
    - Đau trong tai
    - Sốt. Bất cứ khi nào bé bị sốt quá 5 ngày cha mẹ nên nghĩ đến bệnh VTG.
    - Có chất dịch màu vàng hoặc trắng thoát ra từ tai
    - Khó ngủ
    - Lười ăn. Tai đau nhức khiến bé khó nuốt sữa và thức ăn hơn thường lệ.
    - Mùi khó chịu từ tai
    - Phản xạ kém hoặc không phản xạ khi nghe tiếng động
    - Khó khăn để giữ cân bằng
    - Nhút nhát và hay khóc
    - Kéo tai thường xuyên

    Điều trị nhiễm trùng tai ở trẻ em

    Nếu chỉ là trường hợp nhiễm trùng tai ngoài, hoặc không có nhiễm trùng, bác sĩ có thể điều trị bằng thuốc nước nhỏ vào tai.

    Tuy nhiên, đối với VTG, có thể bé sẽ phải điều trị kháng sinh kéo dài từ 7 - 10 ngày. Bé cũng cần được uống thuốc hạ sốt.

    Với VTG dạng nặng, bé có thể cần tiến hành phẫu thuật nhỏ ở tai.

    Cha mẹ không nên lo lắng nếu bác sĩ thực hiện một cuộc kiểm tra thính giác cho con. Chất lỏng trong tai có thể gây ra tình trạng mất thính lực nhẹ tạm thời và thính lực sẽ trở lại khi nhiễm trùng được giải quyết.

    Bệnh viêm tai giữa phát hiện sớm sẽ dễ dàng được chữa khỏi
    Bệnh viêm tai giữa phát hiện sớm sẽ dễ dàng được chữa khỏi

    Phòng ngừa nhiễm trùng tai ở trẻ em

    - Cố gắng tránh xa những đứa trẻ khác đang bị bệnh.

    - Tiêm các loại vắc-xin thích hợp như vắc-xin phế cầu và Haemophilus để phòng ngừa viêm phổi và viêm màng não.

    - Thường xuyên rửa tay.

    - Giữ cho con bạn tránh xa khói thuốc lá.

    - Không để bé nằm khi bú bình.

    Theo Phương Phương - Gia đình mới/ Theasianparent.com

    Đối tác AloBacsi

    Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

    Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

    Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

    hoàn toàn MIỄN PHÍ

    Khám bệnh online

    X