Hotline 24/7
08983-08983

Những điều bạn cần biết về phẫu thuật tiền liệt tuyến

Tuyến tiền liệt là tuyến nằm ở phía dưới bàng quang, phía trước trực tràng. Tuyến tiền liệt đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh dục của nam giới.

Phẫu thuật tuyến tiền liệt là việc sẽ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tiền liệt. Nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn phải tiến hành phẫu thuật tiền liệt tuyến là do ung thư tiền liệt tuyến, phì đại tiền liệt tuyến hoặc tăng sản tiền liệt tuyến lành tính. Tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định phẫu thuật là bước đầu tiên bạn cần làm. Tất cả các loại phẫu thuật tiền liệt tuyến đều cần được tiến hành bằng việc gây mê hoặc gây tê tủy sống.

Bác sỹ sẽ đưa ra lời khuyên về loại gây mê thích hợp cho bạn, dựa vào điều kiện cụ thể. Mục tiêu của việc phẫu thuật là:

- Điều trị tình trạng của bạn
- Duy trì khả năng tự chủ khi tiểu tiện
- Duy trì khả năng cương cứng
- Hạn chế tối tiểu phản ứng phụ
- Hạn chế tối tiểu tình trạng đau trước, trong và sau phẫu thuật.


1. Các loại phẫu thuật tiền liệt tuyến

Mục tiêu phẫu thuật tiền liệt tuyến sẽ phụ thuộc vào tình trạng của bạn. Ví dụ, mục tiêu của phẫu thuật tiền liệt tuyến có thể là để loại bỏ mô ung thư. Mục tiêu của phẫu thuật tăng sản tiền liệt tuyến lành tính là để loại bỏ mô tiền liệt tuyến và đưa lượng nước tiểu trở về bình thường.

Phẫu thuật mở

Phẫu thuật mở là loại phẫu thuật truyền thống nhất. Bác sỹ sẽ tạo ra vết cắt thông qua da để loại bỏ tuyến tiền liệt và các mô xung quanh. Có 2 cách tiếp cận trong phẫu thuật mở, bao gồm:

Phẫu thuật toàn bộ phía sau mu (Radical retropubic - ORR): Bác sỹ sẽ tạo ra vết cắt từ rốn tới xương mu. Trong đa số các trường hợp, bác sỹ sẽ chỉ loại bỏ tuyến tiền liệt. Nhưng nếu nghi ngờ tình trạng ung thư lan rộng, bác sỹ có thể sẽ loại bỏ một số hạch lympho để đem đi xét nghiệm. Nếu bác sỹ thấy rằng tình trạng ung thư đã lan rộng, thì có thể việc phẫu thuật sẽ không được tiếp tục nữa.

Tiếp cận từ vùng đáy chậu (Radical perineal approach): Bác sỹ sẽ tạo ra vết cắt ở giữa trực tràng và bìu. Cách tiếp cận này  thường được tiến hành khi bạn mắc phải một số tình trạng bệnh khác khiến cho việc phẫu thuật phía sau mu trở nên quá phức tạp. Trong trường hợp này, bác sỹ cũng sẽ không thể loại bỏ các hạch lympho. Phẫu thuật từ vùng đáy chậu sẽ tốn ít thời gian hơn phẫu thuật từ phía sau mu, nhưng sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn cương dương.

Phẫu thuật nội soi

Phẫu thuật nội soi là kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn nhất. Có 2 cách tiếp cận cho phẫu thuật nội soi:

Nội soi toàn bộ (Laparoscopic radical prostatectomy- LRP): Loại phẫu thuật này sẽ cần tạo ra rất nhiều vết cắt nhỏ để bác sỹ, thông qua những vết cắt đó sẽ đưa các dụng cụ phẫu thuật nhỏ vào. Bác sỹ có thể sử dụng một ống mảnh có gắn camera ở đầu để có thể quan sát được các phần bên trong.

Phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot (RALRP): Một số ca phẫu thuật sẽ được sự hỗ trợ của robot. Với loại phẫu thuật này, bác sỹ sẽ ngồi trong phòng mổ và hướng dẫn cánh tay robot thông qua một máy tính điều khiển. Cánh tay robot có thể sẽ có khả năng cơ động và chính xác hơn những thủ thuật khác.


Có gì khác biệt giữa ORP, LRP và RALPR?

Theo một nghiên cứu năm 2010 về các loại phẫu thuật ung thư tiền liệt tuyến khác nhau, thì kết quả của phẫu thuật sau mu (ORP), phẫu thuật nội soi (LRP) và phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot (RALRP) không có sự khác biệt lớn

Nhưng những người lựa chọn phẫu thuật nội soi và phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot có thể sẽ:

- Ít mất máu hơn
- Ít đau hơn
- Thời gian nằm viện ngắn hơn
- Thời gian hồi phục nhanh hơn

Những người lựa chọn cách phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot cũng báo cáo lại rằng, sự hồi phục trong khả năng kiểm soát bàng quang và nhu động ruột nhanh hơn, giảm thời gian nằm viện, khi so sánh với người tiến hành phẫu thuật nội soi thông thường. Tuy nhiên, kết quả đầu ra nói chung, cũng phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và kỹ năng của bác sỹ phẫu thuật.

Các loại phẫu thuật tiền liệt tuyến giúp lưu thông nước tiểu

Phẫu thuật laser

Phẫu thuật laser tiền liệt tuyến thường được sử dụng chính để điều trị tăng sản tiền liệt tuyến lành tính, và sẽ không tạo ra vết cắt nào bên ngoài cơ thể. Thay vào đó, bác sỹ sẽ đưa vào một sợi quang (a fiber-optic scope) qua đầu dương vật và vào niệu đạo. Sau đó bác sỹ sẽ loại bỏ các mô tiền liệt tuyến gây tắc nghẽn dòng nước tiểu.

Phẫu thuật nội soi

Tương tự như phẫu thuật laser, phẫu thuật nội soi cũng không tạo ra bất cứ vết cắt nào cả. Bác sỹ sẽ sử dụng một ống dài, dẻo với đèn và thấu kinh để loại bỏ đi một phần của tiền liệt tuyến. Ống này sẽ đi qua đầu dương vật và đây được coi là phương pháp ít gây xâm lấn.

Mở nộng niệu đạo

Cắt bỏ một đoạn tiền liện tuyến qua niệu đạo trong trường hợp tăng sản tiền liệt tuyến lành tính (TURP): Đây là phương pháp chuẩn để điều trị tăng sản tiền liệt tuyến lành tính. Một chuyên gia về thận tiết niệu sẽ cắt bỏ đi lớp mô bị phì đại của tiền liệt tuyến bằng một vòng dây. Các mảnh mô này sẽ đi vào bàng quang và được rửa trôi ra ngoài trong bước cuối cùng của quá trình phẫu thuật.

Cắt bỏ tiền liệt tuyến qua niệu đạo (TUIP): Thủ thuật này sẽ yêu cầu tạo ra một vài vết cắt nhỏ tại tiền liệt tuyến và bổ bàng quang để làm rộng niệu đạo. Một số chuyên gia về thận tiết niệu tin rằng TUIP sẽ gặp phải ít phản ứng phụ hơn TURP.


2. Sau phẫu thuật

Trước khi bạn tỉnh dậy sau phẫu thuật, bác sỹ sẽ đặt ống thông vào dương vật của bạn để làm rộng bàng quang. Bạn sẽ cần phải đặt ống thông trong khoảng 1-2 tuần. Bạn cũng sẽ cần phải ở lại bệnh viện trong vài ngày, nhưng thông thường, bạn có thể xuất viện sau 24 giờ sau phẫu thuật. Bạn sẽ được đặt ống thông tiểu và chăm sóc cho các vết cắt được tạo ra trong quá trình phẫu thuật.

Bác sỹ cũng là người sẽ quyết định khi nào là thời điểm thích hợp để rút ống thông tiểu và bạn có thể tự đi tiểu một cách bình thường.

Cho dù bạn lựa chọn phẫu thuật loại nào, vết cắt tạo ra trong quá trình phẫu thuật cũng có thể sẽ bị sưng trong vài ngày. Bạn có thể sẽ bị:

- Có máu trong nước tiểu
- Kích thích tiểu tiện
- Khó giữ nước tiểu
- Viêm đường tiết niệu
- Viêm tuyến tiền liệt

Những triệu chứng này là hết sức bình thường trong vòng vài ngày đến vài tuần sau khi hồi phục. Thời gian hồi phục của bạn sẽ dựa vào loại phẫu thuật cũng như thời gian tiến hành phẫu thuật, tình trạng sức khỏe chung của bạn và cả việc bạn có tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sỹ hay không. Bạn có thể sẽ được bác sỹ khuyên nên giảm cường độ hoạt động, bao gồm cả giảm quan hệ tình dục

3. Những phản ứng phụ thường gặp khi phẫu thuật tiền liệt tuyến

Tất cả các loại phẫu thuật đều sẽ đi kèm với một số nguy cơ nhất định, bao gồm:

- Phản ứng với thuốc gây mê
- Chảy máu
- Viêm nhiễm tại vị trí phẫu thuật
- Tổn thương các cơ quan
- Cục máu đông

Những dấu hiệu cho thấy bạn bị nhiễm trùng bao gồm: sốt, ớn lạnh, sưng phù hoặc chảy mủ từ vết cắt. Hãy gọi điện cho bác sỹ nếu bạn bị tắc nghẽn khi đi tiẻu hoặc nếu máu trong nước tiểu của bạn rất nhiều và ngày càng nặng hơn. Một số phản ứng phụ đặc trưng liên quan đến phẫu thuật tiền liệt tuyến bao gồm:

Các vấn đề về tiểu tiện: Bao gồm đau khi đi tiểu, khó tiểu và tiểu tiện không tự chủ hoặc các vấn đề về kiểm soát nước tiểu. Những vấn đề này thường sẽ biến mất sau vài tháng phẫu thuật. Rất hiếm khi người bệnh sẽ bị tiểu tiện không tự chủ kéo dài hoặc mất khả năng kiểm soát tiểu tiện vĩnh viễn.

Rối loạn cương dương: Sau 8-12 tuần sau phẫu thuật, việc không thể cương cứng được là một điều rất bình thường.  Nguy cơ rối loạn cương dương kéo dài sẽ tăng lên nếu các dây thần kinh của bạn bị tổn thương. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lựa chọn bác sỹ đã từng tiến hành ít nhất 1000 ca phẫu thuật tuyến tiền liệt sẽ tăng khả năng hồi phục về vấn đề cương cứng sau phẫu thuật. Những bác sỹ có thể xử lý các dây thần kinh một cách nhẹ nhàng và tinh tế có thể sẽ giúp giảm tối đa nguy cơ gặp phản ứng phụ. Một số nam giới thấy rằng, dương vật sẽ giảm kích thước di một chút do niệu đạo bị cắt bỏ một phần.

Rối loạn chức năng sinh dục: Bạn có thể sẽ nhận thấy những thay đổi khi đạt cực khoái và mất khả năng sinh sản. Nguyên nhân là vì có thể bác sỹ đã loại bỏ tuyến sản sinh ra tinh dịch trong quá trình phẫu thuật. Hãy trao đổi với bác sỹ nếu đây là vấn đề làm bạn lo lắng.

Các phản ứng phụ khác:
Nguy cơ tích tụ dịch tại các hạch lympho ở cơ quan sinh dục hoặc chân, hay bị thoát vị bẹn cũng có thể sẽ xảy ra. Hai tình trạng này có thể gây đau và sung nhưng cả hai đều có thể được cải thiện bằng việc điều trị.

4. Nên làm gì sau phẫu thuật

Hãy cho bản thân thời gian nghỉ ngơi, vì sau phẫu thuật, bạn có thể cảm thấy rất mệt mỏi. Thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào loại phẫu thuật và độ dài của ca phẫu thuật cũng như việc tuân thủ chỉ dẫn của bác sỹ. Các hướng dẫn của bác sỹ có thể bao gồm:

- Giữ vết thương luôn sạch
- Không lái xe trong vòng 1 tuần
- Không hoạt động với cường độ cao trong vòng 6 tuần
- Không ngâm mình trong bồn tắm, bể bơi hoặc bể sục nóng
- Tránh ngồi lâu một chỗ trong vòng 45 phút hoặc nhiều hơn
- Sử dụng thuốc đúng như chỉ định để giảm đau

Mặc dù bạn có thể tự làm mọi việc sau phẫu thuật, tuy nhiên, có người thân hoặc bạn bè ở xung quanh để giúp đỡ bạn vẫn là một điều tốt, đặc biệt là trong giai đoạn bạn đặt ống thông tiểu.

Trong vòng 1-2 ngày sau phẫu thuật, việc đi đại tiện được cũng rất quan trọng. Để tránh bị táo bón, bạn nên uống nước, tăng cường bổ sung chất xơ vào chế độ ăn và luyện tập nhẹ nhàng. Nếu những cách này không hiệu quả với bạn, bạn có thể hỏi ý kiến bác sỹ về việc sử dụng thuốc nhuận tràng.

Theo Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X