Hotline 24/7
08983-08983

Những dấu lặng trên khoé mi tuổi tác

Tuổi tác, một khái niệm thường dùng để chỉ thời gian mà cá thể nào đó bắt đầu xuất hiện trên đời cho đến hiện tại. Thi thoảng, nó còn được dùng với ý nghĩa trừu tượng hơn, thi vị hơn và ... buồn hơn. Như xế chiều tuổi tác, vết hằn tuổi tác, gánh nặng tuổi tác, nỗi đau tuổi tác ... Vậy hôm nay hãy nhìn tuổi tác theo góc yêu thương và thấu hiểu những người có tuổi!

Ảnh minh họa - Internet

Khi nhìn trẻ thơ, ta rộn rã, phấn chấn thấy lại hình ảnh mình trong quá khứ! rồi bâng khuâng hoài niệm biết bao điều thú vị khi xưa, thấy một tương lai rạng ngời, rộng mở phía trước và cả những kỳ vọng, mơ ước viễn vong. Không ít người trong chúng ta mơ ước có một “vé” về lại tuổi thơ...để một lần nữa được hưởng thụ.

Nhưng khi thấy những người cao tuổi, ta lại mường tượng tương lai không xa của chính mình ở đó. Nhìn ba mẹ hay cô dì chú bác, lòng ta thường lắng lại những vết trầm, những dấu lặng thời gian. Mỗi sáng họ thức dậy sau một đêm nặng nề khó ngủ, với bộn bề lo toan về sức khỏe: Nào là uống thuốc đúng giờ, nào là lịch khám bác sĩ, nào là đau lưng nhức mỏi rồi đi đứng khó khăn hay mắt mờ tay rung chân đi không vững.

Hơn thế nữa, trí nhớ lại sa sút. Nhớ trước quên sau, một câu chuyện mà kể cho con cháu nghe vài chục lần. Tội các cụ là mỗi khi muốn kể chuyện gì đó, lại phải thăm dò ”bây nghe chuyện này chưa?” Haizzz! thi thoảng tui nghe đã không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn trả lời “dạ chưa, ba kể đi” ạ.

Tâm lý, tâm trạng người có tuổi lại là một bức tranh đẫm màu nước mắt. Cô đơn và cô độc.

Cô đơn khi không được ở gần con cháu, ngồi nhìn điện thoại từng giờ với mong muốn chúng gọi hỏi thăm vài câu, nhưng rồi điện thoại vẫn là chiếc điện thoại hồn.

Nhớ quá! làm gan làm liều gọi đại cho thỏa lòng thì bên kia đầu dây: “Dạ con đây ba, giờ con bận họp, tí con gọi lại ạ” mà chẳng cần nghe giọng của đầu dây bên kia. Thế thôi, chứ có gọi lại đâu.

Đã bao nhiêu lần ngồi chờ gọi lại, nhưng cái điện thoại vẫn im lặng như hết pin tự lúc nào?. Một năm về thăm hai lần vào ngày giỗ, tết nhưng cũng hên xui. Có năm chẳng thấy mặt mũi đâu cả. Mà khi có về thì cũng giành thời gian cho các cụ được bao lâu? Bởi nào bạn bè, bà con chòm xóm và rồi ... cũng đến giờ đi.

Buồn hơn là nỗi cô độc khi con cháu gần bên cạnh mà chẳng được chung vui, chia sẻ, chuyện trò. Các cụ nói “mỗi ngày chỉ gặp chúng vài giờ dù sống chung mái nhà nhưng có trò chuyện với chúng được mấy câu”. Mỗi ngày chỉ là lời chào trước khi chúng đi hay mỗi lúc chúng về, thế thôi. Các cụ có cháu, vui lắm khi được ẳm bồng, đùa cợt. Ấy vậy mà thi thoảng các ông bố bà mẹ lại sợ sẽ làm con họ té hay ...

Trong mỗi bữa ăn hay mỗi khi có món ngon vật lạ, ta thường nghĩ ngay đến mấy đứa nhỏ mà lại quên đằng kia góc bàn, cũng có một đứa trẻ tuổi cao đang cần bón chăm, nâng niu chiều chuộng.

Dẫu rằng các cụ có thèm thuồng mấy cái thứ đó đâu, cái họ cần là sự quan tâm, yêu thương với cả tình ruột thịt, sự hiếu thảo và đạo nghĩa làm con làm cháu. Buồn thay, ta lại hay quên, một sự đãng trí đáng trách.

Đành rằng đời có câu “Mưa trên trời rơi xuống, mấy khi nước chảy ngược lên đồi” nhưng mỗi khi dành hết tâm trí, tình cảm, sức lực và tiền bạc để nuôi dạy, chăm sóc con cái, tui thường nghĩ “ngày xưa hẳn là ba mẹ cũng yêu thương mình như thế.

Buồn thay, đó chỉ là một giây thoáng nghĩ rồi... vụt tắt mà không chuyển thành hành động yêu thương chăm sóc.
 
Hỡi những ai còn được cài bông hồng màu đỏ, màu hồng trên áo mỗi dịp lễ vu lan, hãy biến yêu thương, hiếu thảo thành hành động, để đẩy một ít nước mưa khi rơi xuống, bay ngược lên trời để khi bông hồng trên áo chuyển thành màu trắng mỗi dịp vu lan mà không có gì phải hối hận hay nuối tiếc.

Nguồn: Fb BS Nguyễn Vũ Linh (*)

(*) BS Nguyễn Vũ Linh hiện là trưởng ban
Đào tạo Truyền thông Dinh dưỡng của Vinamilk

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X