Hotline 24/7
08983-08983

Những công nghệ mới trong điều trị, sàng lọc và phát hiện sớm ung thư

Đây là chủ đề trong phần báo cáo của Tiến sĩ Phan Minh Liêm, Viện Trưởng Viện Y Sinh Việt Nam - Hoa Kỳ tại Diễn đàn bệnh nhân ung thư 2018 quy tụ các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam.

Điểm khởi nguồn của ung thư


Ung thư là căn bệnh của tất cả các sinh vật đa bào, chúng có thể xuất hiện ở cả những loại thực vật, động vật như cá… Ở con người, tỷ lệ mắc ung thư hiện nay rất cao. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, mỗi năm 125.000 ca ung thư mới được phát hiện và có tới 95.000 người qua đời vì căn bệnh này. Điều đáng quan tâm là số ca ung thư gia tăng nhanh qua từng năm, đồng thời có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Trong các loài động vật có vú, voi là loài hầu như không bị ung thư bởi chúng có 20 bản sao gen của một protein có tên là p53 - đây là gen đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư. Trong khi đó, con người chỉ có 2 phiên bản và tỷ lệ người mắc ung thư cao hơn so với voi rất nhiều.

Đổi lại, cơ thể con người có khoảng 3.720 tỷ tế bào, 200 loại mô như não, gan, phổi… chung sống hòa bình và chỉ phân chia, tái tạo khi cơ thể cho phép để bù lại những tế bào đã lão hóa hoặc tổn thương. Khi tế bào mất khả năng kiểm soát phân chia thì ung thư bắt đầu được hình thành. Chúng có thể xuất phát từ bất cứ nơi đâu trên cơ thể. Những khối u ban đầu sẽ xuất phát từ một số vị trí nguyên phát như ruột, đại trực tràng… sau đó tích lũy thêm những đột biến để tăng khả năng di căn.

Tiến sĩ Phan Minh Liêm, Viện Trưởng Viện Y Sinh Việt Nam - Hoa Kỳ


Tiến sĩ Phan Minh Liêm cho biết: “Tế bào ung thư di căn có nhiều con đường để lựa chọn. Đầu tiên là xâm lấn những mô xung quanh và di chuyển vào những hạch bạch huyết - một kênh vận chuyển dịch mô để đưa chất dinh dưỡng vào tế bào cũng như loại bỏ những chất thải. Kế đến, tế bào ung thư sẽ sử dụng mạch máu như một điều kiện hoàn hảo để di căn xa.

Tuy nhiên, khi tế bào ung thư di chuyển đến mạch máu thì đa phần sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng bởi áp lực chảy của dòng máu vô cùng lớn và nhanh. Lúc này, tế bào ung thư sẽ thay đổi chiến thuật, tạo thành một cụm lớn rồi di chuyển.

Những tế bào bên ngoài đóng vai trò đội quân tiên phong, nhanh chóng hy sinh để bảo vệ tế bào ung thư sống ở giữa và đưa nó đến mao mạch - nơi tốc độc máu chảy chậm cho phép những khối đó lắng xuống và bám vào được thành mạch máu. Từ đó, những tế bào ung thư sống sót len lỏi ra ngoài và chui vào thành mạch máu, hình thành những khối u mới ở các vị trí quan trọng như não, gan, phổi, xương...”.

Cuộc chiến sinh tồn giữa hệ miễn dịch với tế bào ung thư


Theo tiến sĩ Liêm ung thư là căn bệnh của tất cả các sinh vật đa bào, chúng có thể xuất hiện ở cả những loại thực vật, động vật như cá…


Ông bà ta thường nói “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Do đó, muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến chống ung thư thì cần hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Theo tiến sĩ Liêm, sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã thống kê được ung thư có 10 đặc điểm quan trọng nhất. Đó là khả năng phân chia liên tục, thoát khỏi sự kiểm soát của hệ miễn dịch, kháng lại hiện tượng tự sát của tế bào, tái lập trình quá trình trao đổi chất và năng lượng giúp tế bào ung thư có thêm “sức sống” để di căn xa hơn, kháng thuốc tốt hơn.

Đồng thời, tế bào ung thư cũng hình thành nên những mạch máu, từ đó nuôi tế bào mới và khả năng tránh các tín hiệu ức chế tăng sinh, có những phản ứng viêm để kích thích tế bào ung thư phát triển rộng hơn.

Ngoài ra, nó còn có khả năng phân chia vô hạn. Thông thường, các tế bào mầm chỉ phân chia từ 50-60 lần nhưng tế bào ung thư khi kích hoạt một số enzym thì nó sẽ  “sống dậy bất tử ” phân chia hàng trăm, hàng ngàn lần mà không hề hấn gì.

Trong đó, có 2 đặc điểm chính của tế bào ung thư mà chúng ta cần phải xử lý khi điều trị cho người bệnh.

Một là khả năng phân bào liên tục. Thông thường, sự phân chia của tế bào bình thường được kiểm soát rất chặt chẽ. Khi có tế bào lão hóa hoặc tổn thương thì chúng sẽ tự bảo vệ bằng cách tiết ra những hoạt chất hoặc sinh ra phân tử để tự sát, tránh ảnh hưởng đến những “đồng đội” khác.

Nghĩa là khi tế bào bình thường cảm nhận được có nguy cơ biến thành tế bào ung thư thì nó sẽ hy sinh. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, khả năng này bị bất hoạt, tế bào vẫn tiếp tục sống sót và tích lũy đột biến, ngày càng hung hãn, phân chia càng lúc càng nhanh. Đó là khả năng phân bào liên tục và khả năng thoát khỏi sự kiểm soát của hệ miễn dịch.

Hiện nay, đã có hóa trị là biện pháp tấn công các tế bào ung thư phân chia.

“Thuốc hóa trị có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, ức chế sự phân bào. Tế bào nào phân chia càng nhanh thì thuốc càng có tác dụng tốt. Bởi thuốc hóa trị sẽ tóm được “cơ hội vàng” để ngấm vào trong tế bào, chèn giữa các ADN tấn công tế bào ung thư hiệu quả hơn.

Đồng thời, thuốc sẽ tấn công những bào quang chịu trách nhiệm trong sự phân bào phải dừng lại. Lúc này, khối u ngừng tăng trưởng và tạo ra stress, áp lực bên trong nội tại của tế bào ung thư sẽ tự tiêu diệt chính nó. Tuy nhiên, đối với những tế bào ung thư đang ngủ đông thì khả năng tấn công của hóa trị sẽ giảm nhiều” - Tiến sĩ Liêm cho biết.

Ngoài ra, hiện nay còn có thuốc trúng đích (Trastuzumab, Cetuximab, Panitumumab…) sử dụng khá phổ biến, được thiết kế để tấn công những con đường tín hiệu quan trọng trong tế bào ung thư, từ đó kiểm soát được sự phát triển của khối u.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp thuốc trúng đích sẽ tấn công mục tiêu khác trên tế bào bình thường. Do đó, thuốc trúng đích vẫn có tác dụng phụ nhất định chứ không an toàn tuyệt đối.

Trước khi xác định cơ thể phù hợp với loại thuốc trúng đích nào, người bệnh sẽ được làm xét nghiệm sinh học phân tử để tìm được trong tế bào ung thư đang có đột biến nào xảy ra. Một số loại mẫu có thể sử dụng để tiến hành xét nghiệm này là: Khối u lấy trực tiếp trong quá trình sinh thiết hoặc trong phẫu thuật; Lấy máu của người bệnh để làm sinh thiết lỏng, lấy niêm mạc miệng trong trường hợp muốn xem lại đột biến đó có khả năng di truyền hay không...

“Dựa trên các mẫu này, chúng ta có thể tách chiết, phân tích những đặc điểm sinh học phân tử do tế bào ung thư sản xuất ra. Nhờ đó, bác sĩ sẽ nắm được mức độ ác tính của tế bào ung thư, khả năng di căn, tái phát, tiên lượng thời gian sống và lên chiến lược điều trị, sử dụng loại thuốc nào là tối ưu, có sự theo dõi phù hợp.

Mặc dù xét nghiệm sinh học phân tử mang lại nhiều lợi ích nhưng lượng dữ liệu lại rất “khổng lồ”. Do đó, hiện nay để đối phó với tình trạng này, nhiều quốc gia đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho phép bác sĩ phân tích đồng thời 4 ngân hàng dữ liệu, giúp nắm bắt được được những thông tin cập nhật nhất, liên quan đến đột biến gen hay loại thuốc được sử dụng và tư vấn khả năng di truyền cho thân nhân (con, cháu)” - Tiến sĩ Liêm nhận định.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Liêm cũng đưa ra khuyến cáo, đối với các bác sĩ, trí tuệ nhân tạo cũng chỉ là phần mềm nên không thể tin tưởng mù quáng mà cần có những chuyên gia kiểm định lại. Tương tự như vậy, với các báo cáo di truyền học, khi đánh giá nguy cơ mắc ung thư di truyền thì cần kết hợp 2 nhóm bác sĩ điều trị và di truyền thì để đánh giá tổng quát, đưa ra phương án điều trị, tư vấn khả năng phòng ngừa tối ưu cho các thành viên khác trong gia đình.

Riêng đối với người bệnh, khi sử dụng thuốc điều trị ung thư, cần chú ý lắng nghe sức khỏe của mình. Nếu phát hiện bất thường thì cần lập tức liên hệ với các bác sĩ và nhân viên y tế để có sự hỗ trợ về chuyên môn nhằm giảm bớt tác dụng phụ, tác hại của hóa trị cũng như thuốc trúng đích gây ra. Qua đó, chúng ta sẽ đảm bảo được thể trạng, duy trì được quá trình điều trị hiệu quả.

Ung thư là cuộc chiến cam go, quyết liệt, đòi hỏi một lộ trình dài. Đây không chỉ là cuộc chiến của riêng người bệnh nào mà còn là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà khoa học, y bác sĩ


Vấn đề thứ 2 là tế bào ung thư có khả năng thoát khỏi sự kiểm soát của hệ miễn dịch.

Để giúp người bệnh hiểu cặn kẽ đặc điểm này của ung thư, tiến sĩ Liêm ví von tế bào miễn dịch là cảnh sát, còn tế bào ung thư là tội phạm. 2 thế lực luôn có sự đấu tranh.

Chẳng hạn như trong ung thư vú, tế bào lympho T (CD8+) là cảnh sát được huấn luyện khả năng nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư. Khi phát hiện tên tội phạm, nó sẽ bám vào và tiết ra những độc tố để tiêu diệt tế bào ung thư vú.

Nhưng tế bào ung thư vú cũng chẳng phải dạng vừa, chúng sẽ tự phát triển bản thân để phòng vệ, chẳng hạn như tàng hình hay giảm bớt một số biểu hiện kháng nguyên trên bề mặt tế bào.

Khi tế bào ung thư tiến hóa ở mức độ phù hợp thì sẽ biểu hiện trên bề mặt của nó một số phân tử gọi là PDL1, để đến khi có sự xung đột giữa cảnh sát và tội phạm thì phân tử này sẽ gắn vào thụ thể PD1 có trên tế bào Lympho T. Lúc này, tế bào Lympho T nhanh chóng bị ức chế hoặc tiêu diệt và tế bào ung thư sẽ an toàn.

Tương tự như vậy, CTLA 4 - một thụ thể khác trên tế bào lympho T, khi được kích hoạt bởi tế bào ung thư thì nó cũng có khả năng ức chế tế bào lympho T.

Khi các nhà khoa học hiểu được cơ chế này thì đã có chiến lược phát triển những loại thuốc ức chế không cho sự tương tác này diễn ra và bảo vệ tế bào lympho T, giúp nó thực hiện chức năng của mình: Tấn công tế bào ung thư hiệu quả hơn.

Điều đó cho thấy sự tương tác và đấu tranh giữa 2 nhóm tế bào là cuộc chiến sinh tồn, bên nào thắng sẽ quyết định số phận của chúng ta.

Do đó, hiện nay liệu pháp miễn dịch được mong chờ rất nhiều. Tuy nhiên, nó vẫn còn một số hạn chế là chúng ta chưa hiểu hết cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch. Mặt khác, thuốc miễn dịch cũng gây một số tác dụng phụ nhất định, đôi khi gây ra bệnh tự miễn hoặc gây viêm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Tiến sĩ Liêm lấy ví dụ khi bệnh nhân sử dụng liệu pháp miễn dịch - thuốc Pembrolizumab trong điều trị ung thư đường tiết niệu thì thời gian sống cao hơn người sử dụng hóa trị. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lúc nào cũng nên dùng liệu pháp miễn dịch mà cần có xét nghiệm phù hợp để thấy những đặc điểm sinh học phân tử như PD1, PDL1 đạt được tỉ lệ trên 50% dương tính.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm cách tấn công điểm yếu của tế bào ung thư dựa trên 8 đặc điểm còn lại đã nêu trên. Ví dụ như đối với loại kháng sinh mạch thì chúng ta có Avastin (bevacizumab)… hoặc đối với khả năng phân chia vô hạn của tế bào ung thư dựa trên những enzym Telomere thì chúng ta đang phát triển để ức chế những enzym này, từ đó tế bào ung thư không phân chia vô hạn như trước nữa…

Chia sẻ những vấn đề này, tiến sĩ Liêm mong muốn đưa ra thông điệp, đó là cuộc chiến giữa con người và ung thư là chặng đường đầy cam go, quyết liệt nhưng nền y học đã có những bước phát triển rất dài.

Nổi bật nhất trong thời gian gần đây là công trình của 2 nhà khoa học giáo sư Tasuku Honjo (Nhật Bản) và giáo sư James P.Allison (Mỹ) phát hiện ra liệu pháp điều trị ung thư mới, kích hoạt tế bào miễn dịch của cơ thể để chúng nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư. Điều đó đã tạo ra động lực lớn cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu sâu hơn nữa về đặc điểm sinh học phân tử của cơ chế miễn dịch kháng ung thư.



Ở Việt Nam, liệu pháp miễn dịch đã được ứng dụng tại những bệnh viện nào? 

Khách mời: Hiện nay, liệu pháp miễn dịch đã được ứng dụng tại những bệnh viện nào ở Việt Nam? 

Tiến sĩ Phan Minh Liêm: Hiện nay theo như cháu được biết, một số bệnh viện lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115 đã bắt đầu sử dụng những liệu pháp miễn dịch Pembrolizumab kháng thể đơn dòng kháng lại sự tương tác giữa PD1 và PDL1. Còn những loại miễn dịch khác như Ipilimumab, Nivolumab chưa được sử dụng ngay tại thời điểm này ở Việt Nam. 

Còn liệu pháp tế bào Kymriah thì hiện nay chưa được sử dụng rộng rãi vì nhiều nguyên nhân, trong đó có giá cả còn tương đối đắt. Khi mới ra đời năm 2017, ở Mỹ loại thuốc này có giá 473.000 USD. Sau khoảng 1 năm thì còn 373.000 USD. Cháu hy vọng trong tương lai giá thành sẽ thấp hơn nữa phù hợp với nhiều người sử dụng.




Tiến sĩ Phan Minh Liêm (1983) là người Việt Nam đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện MD Anderson - viện ung thư số 1 của Mỹ do tạp chí US News xếp hạng trong suốt 12 năm qua.

Tiến sĩ Liêm tham gia đồng nghiên cứu hơn 24 công trình nghiên nghiên cứu ung thư và đạt giải thưởng của Quốc hội Mỹ và chương trình nghiên cứu y học của Bộ Quốc phòng Mỹ về nghiên cứu, ung thư.

Mặc dù bận rộn với công việc nghiên cứu, đi lại như coi thoi giữa Mỹ và Việt Nam để cho ra đời Viện Y Sinh Việt Nam - Hoa Kỳ nhưng anh vẫn dành thời gian tư vấn cặn kẽ, rõ ràng thắc mắc của bạn đọc AloBacsi.  Mời bạn xem thêm:

>>> TS Phan Minh Liêm: Thực phẩm phòng ngừa ung thư và dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
>>> TS Phan Minh Liêm chia sẻ cách phòng chống ung thư
>>> TS.Phan Minh Liêm, Viện ung thư Anderson - Hoa Kỳ tư vấn cho AloBacsi về phác đồ tầm soát ung thư và “thuốc ngừa” ung thư


Phương Nguyên
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X