Hotline 24/7
08983-08983

Những công dụng chữa bệnh “thần kì” của lúa gạo

Loại lương thực đặc biệt quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta hóa ra có rất nhiều công dụng trong chữa bệnh.

Hạt gạo tẻ: (Hình minh họa: radionacional.co)
Hạt gạo tẻ: (Hình minh họa: radionacional.co)

Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước đã tồn tại từ rất lâu đời. Cây lúa, hạt gạo bởi thế trở nên hết sức quen thuộc trong tâm tưởng mỗi người dân Việt, là biểu tượng của làng quê Việt Nam. Ngày nay, gạo là loại lương thực chính yếu, không thể thiếu của mọi gia đình. Gạo tẻ, gạo nếp đều rất thông dụng, dùng để nấu các món cơm, xôi trong bữa ăn hàng ngày.

Trong y học cổ truyền, lúa gạo cũng là loại dược liệu rất hữu ích khi có rất nhiều công dụng chữa bệnh, cả với những loại bệnh thường gặp như sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy… và những bệnh hiếm gặp hơn như liệt dương, viêm loét dạ dày tá tràng, tê phù…

Theo GS Đoàn Thị Nhu, PGS Phạm Duy Mai và PGS.TSKH Đỗ Trung Đàm trong cuốn Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (NXB Khoa học và Kỹ thuật), lúa tẻ có vị ngọt, tính mát bình, có tác dụng bổ khí huyết. Lúa tẻ lâu năm thì có vị chua, hơi mặn, tính ấm, giúp ích khí, mạnh tỳ, thông huyết mạch và giúp cho tiêu hóa. Hạt gạo tẻ ăn hàng ngày cung cấp nguồn dinh dưỡng cho sự sống và được dùng làm thuốc giải phiền nhiệt trong trường hợp sốt cao, ra nhiều mồ hôi, háo khát. Gạo tẻ sao, sắc uống thay nước trong trường hợp nôn mửa, tiêu chảy, háo khát do mất nước hoặc trẻ bị rối loạn tiêu hóa cần nhịn ăn, nhịn bú tạm thời.

Lúa nếp mang vị ngọt, thơm dẻo, tính âm, có tính năng bổ tỳ vị hư yếu. Gạo nếp được dùng trị đau bụng, nôn mửa và tiểu tiện ra dưỡng trấp (nước tiểu đục).

Ngoài hạt gạo, những sản phẩm, chế phẩm từ lúa gạo cũng có rất nhiều công dụng. Cụ thể, kẹo mạ hay di đường (sản phẩm thu được bằng cách cho các men trong mầm hạt thóc tẻ tác dụng lên tinh bột đã nấu chín của lúa nếp hay lúa tẻ, vẫn thường được biết đến nhiều hơn với tên gọi mạch nha) có vị ngọt tính ấm, giúp bổ, mạnh tỳ vị, nhuận phế, tiêu đờm. Kẹo mạ chứa các chất men có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn có tinh bột, tạo cảm giác ăn ngon và trị chứng sôi bụng.

Kẹo mạ (mạch nha) (Hình minh họa: beemart.vn)
Kẹo mạ (mạch nha) (Hình minh họa: beemart.vn)

Cám gạo vị ngọt tính bình, có tác dụng khai vị, hạ khí đầy. Trong y học cổ truyền, cám gạo được dùng chữa bệnh tê phù và chứng nghẹn.

Ngoài ra, rơm lúa nếp cũng có tác dụng chữa tiểu tiện ra dưỡng trấp với cách thức sắc uống, liều từ 100 đến 150g. Rạ lúa nếp đốt thành tro, tán nhỏ để rắc là bài thuốc chữa mụn lở mọng nước hay chứng tay lở chảy nước, nếu dùng để nấu nước để ngâm rửa lại là bài thuốc chữa trĩ hữu hiệu.

Tham khảo y học nước ngoài, trong y học cổ truyền Trung Quốc, lúa gạo cũng có rất nhiều công dụng như cám gạo được dùng chữa bệnh tê phù trong khi tinh bột gạo nếp được dùng chữa tiêu chảy. Dầu béo từ cám gạo cũng được dùng làm tá dược bào chế thuốc mỡ.

Ở Ấn Độ, mầm gạo đã loại chất béo có trong thành phần chế phẩm ăn kiêng cho phụ nữ sau khi cai sữa cho con và người dưỡng bệnh.

Ở Indonesia, bột gạo được dùng làm tá dược cho bột phấn mà phụ nữ dùng xoa trên mình sau khi sinh đẻ và bột phấn dùng xoa lên trán trị nhức đầu.

Ở Italia, nhân dân uống nước sắc gạo rang để điều trị bệnh viêm đường tiêu hóa.

Hạt gạo nếp (Hình minh họa: alibaba.com)
Hạt gạo nếp (Hình minh họa: alibaba.com)

Các bài thuốc có gạo:

- Chữa sốt cao, ra nhiều mồ hôi: gạo tẻ 1 nắm, lá tre hay cỏ lá tre 1 nắm, thạch cao từ 12 đến 20g. Sắc gạo tẻ, lá tre hay cỏ lá tre lấy nước, uống cùng với thạch cao.

- Chữa nôn mửa không ngừng: gạo nếp 20g sao vàng, gừng 3 lát, sắc uống.

- Chữa bệnh tê phù (2 bài thuốc):

  + Cám gạo, gạo nếp, đậu đỏ, đường, kết hợp nấu chè ăn.

  + Cám gạo cùng ý dĩ, nấu cháo ăn hàng ngày. Kết hợp sắc lõi cây ngô hay rễ ý dĩ uống thay chè.

- Chữa tích trệ tiêu hóa (2 bài thuốc):

  + Kẹo mạ 8g, ý dĩ 12g, sơn tra 8g cùng thần khúc, kê nội kim, trần bì, hạt củ cải, mỗi vị 4g. Sắc uống hay tán bột làm viên, ngày uống từ 12 đến 16g.

  + Kẹo mạ 40g, hương phụ 80g, thần khúc 40g kết hợp cùng chích cam thảo, sa nhân, mỗi vị 20g và trần bì 8g. Tán bột, ngày uống từ 4 đến 6g, chia hai lần.

- Chữa tích trệ tiêu hóa do giun đũa hoặc giun kim: kẹo mạ 10g; hoàng liên, bạch truật mỗi vị 20g; đảng sâm, sử quân tử, thần khúc, mỗi vị 16g; sơn tra, phục linh mỗi vị 12g; lô hội, chích cam thảo, mỗi vị 6g. Tất cả tán nhỏ làm viên, ngày uống từ 8 đến 12g.

- Chữa viêm loét dạ dày tá tràng: gạo nếp, mai mực, cam thảo, hàn the phi, mẫu lệ nung, hoàng bá, kê nội kim lượng bằng nhau. Tán bột, ngày uống từ 20 đến 30g.

- Chữa thiếu máu: kẹo mạ, đảng sâm, rau má, ngải cứu, củ mài, cỏ nhọ nồi, huyết dụ, hoàng tinh mỗi vị 20g cùng 4g gừng. Sắc uống ngày một thang hoặc có thể làm viên uống với liều lượng 20g một ngày.

- Chữa liệt dương: Cám gạo nếp, hoài sơn, đinh lăng, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long mỗi vị 8g cùng 6g sa nhân. Sắc uống, ngày một thang.

Theo VTV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X