Hotline 24/7
08983-08983

Những câu hỏi sức khoẻ thú vị

Không dễ trả lời những chuyện liên quan đến sức khoẻ thường gặp hàng ngày, nhưng một số nhà khoa học thử lý giải.

Ăn trưa quá no dễ làm người ta buồn ngủ và không tập trung làm việc buổi chiều

Tại sao chảy nước mũi khi khóc?

Mỗi phút con người tiết ra 1 - 2 microliter nước mắt (hỗn hợp dầu, nước và chất nhầy) từ những tuyến và tế bào khác nhau quanh mắt. Nước mắt giúp bôi trơn bề mặt nhãn cầu vì khi chớp mắt, mi mắt hoạt động như chiếc cần quạt nước đẩy nước mắt vào trong hai hốc nhỏ đổ vào hai túi lệ giữa mắt.

Chớp mắt cũng co bóp túi lệ, đẩy nước ra sau mũi và họng.Hệ thống này hoạt động suốt ngày, dù bạn không hay biết. Nếu bạn buồn hoặc mắt bị kích thích, nước mắt tiết ra nhiều hơn. Tuyến lệ nằm ở trên và bên ngoài mắt sẽ sản xuất nước mắt đến khi mắt bị đầy và trào ra ngoài.

Theo Penny Asbell, chuyên gia nhãn khoa của trung tâm y khoa Mount Sinai, TP New York (Hoa Kỳ), mỗi mắt  có thể giữ khoảng 7 microliter nước mắt. Nếu quá nhiều, nước mắt tràn ra, lăn xuống má, trong khi nước mắt thừa cũng đổ vào các ống dẫn để chảy vào mũi và làm chảy nước mũi.

Tại sao cơ thể có mùi hôi?

Theo George Preti, chuyên gia hoá hữu cơ trung tâm Monell Chemical Senses tại Philadelphia (Hoa Kỳ), số lượng mùi cơ thể tạo ra và độ mạnh của mùi quyết định một phần bởi yếu tố di truyền. Tuy nhiên, yếu tố quyết định nhất để tạo ra mùi chính là vị trí cơ thể bài tiết và những loại vi khuẩn khác nhau trú ngụ ở đó.

Cơ thể có hai dạng tuyến mồ hôi, tuyến toàn vẹn (eccrine) nằm khắp cơ thể, chủ yếu bài tiết mồ hôi ở dạng nước để điều hoà thân nhiệt; và tuyến dầu (apocrine) nằm ở nách và vùng sinh dục, chứa nhiều  protein và lipid, khi bị vi khuẩn phân huỷ sẽ tạo ra mùi hôi khó chịu.

Theo Preti, dân gian quan niệm ăn nhiều hành, tỏi, cà ri hay thức ăn cay sẽ khiến cơ thể tiết ra nhiều mùi hôi hơn, nhưng điều này không có cơ sở. Ông nói: “Ngược lại, một số thức ăn có thể làm mùi cơ thể nồng nặc hơn, chẳng hạn thức ăn chứa các phức hợp tan trong mỡ, vì chúng hoà tan trong mỡ rồi sau đó cơ thể tiết ra trong mồ hôi”.

Để giảm thiểu mùi hôi cơ thể, người ta thường dùng các chất khử mùi, ngoài ra theo Preti, có thể áp dụng một số giải pháp như ăn mặc thoáng mát, tránh kích thích. Ông nói: “Đừng lo lắng khi cho rằng bạn là người có mùi cơ thể tệ hại nhất trên đời. Bạn không có lỗi trong chuyện này. Mùi cơ thể chỉ là sự tương tác giữa các protein được tạo ra tự nhiên và vi khuẩn vô hại trên da bạn. Nếu lo lắng, bạn hãy đề nghị một ai đó đứng ở khoảng cách thích hợp và hỏi họ có ngửi được mùi cơ thể bạn hay không, câu trả lời có lẽ là không”.

Tại sao ăn xong lại… buồn ngủ?

Hiện tượng “buồn ngủ sau ăn” không chỉ có ở người mà còn ở rắn, chuột, côn trùng… Theo một số chuyên gia, động vật (trong đó có con người) đã hình thành một loại “tín hiệu tỉnh thức”, giúp chúng luôn thức giấc và sáng suốt khi đói để khu trú vị trí và tiếp nhận thức ăn. Một khi ăn no, tín hiệu này biến mất và thay bằng cảm giác mệt mỏi.

Một số nhà khoa học lại cho rằng, chính sự thay đổi lượng máu tuần hoàn sau ăn đã gây ra cơn buồn ngủ. TS Tomonori Kishino, giáo sư khoa học sức khoẻ đại học Kyorin (Nhật Bản), cho biết sau khi tiếp nhận thức ăn, lượng máu đến ruột non tăng lên để giúp tiêu hoá thức ăn, ngược lại máu đến não lại giảm đi và điều này kích thích cơn buồn ngủ.

Một số yếu tố cũng góp phần tạo ra cơn buồn ngủ sau ăn, chẳng hạn như ăn quá nhiều. Một nghiên cứu trong năm qua cho thấy những tài xế nào ăn khẩu phần nhiều thực vật và chất béo như bơ, sữa, dầu ô liu, thì ít buồn ngủ hơn so với người ăn bữa ăn “Tây phương” có nhiều thịt chế biến sẵn, thức ăn nhanh và thức uống ngọt.

Tại sao bệnh thường nặng hơn vào ban đêm?

Chắc hẳn bạn đã từng bị cảm, cúm hoặc đau bao tử và cảm thấy chúng thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm. Các nhà khoa học cho rằng nhịp điệu sinh học và một số yếu tố khác đã can dự vào điều này. Michael Smolensky, nhà nghiên cứu nhịp điệu sinh học thuộc đại học Texas (Hoa Kỳ), lý giải: “Khi cơ thể nhiễm bệnh, hệ miễn dịch sẽ được kích hoạt để tấn công và loại bỏ tác nhân gây bệnh. Tiến trình này tiết ra một số thành phần gây viêm, tạo ra những triệu chứng như sốt, sung huyết hoặc đau họng. Nhưng hoạt động của hệ miễn dịch lại không ổn định, thường mạnh mẽ khi cơ thể ngủ, vì thế những triệu chứng cũng thường nặng hơn vào lúc này”.

Theo TS Rob Danoff, bác sĩ gia đình tại trung tâm Aria-Jefferson Health, Philadelphia (Hoa Kỳ), sự vắng mặt những hình thức giải khuây cũng có thể khiến triệu chứng bệnh nặng hơn. Chẳng hạn cơn nhức đầu hay đau họng thường biến mất khi người ta xem tivi, nhưng lại xuất hiện khi người ta nằm trên giường, vì không có gì để phân tâm. Nằm ngủ cũng làm triệu chứng sung huyết nặng hơn. Danoff nói: “Khi người ta đi lại trong ngày, đàm nhớt đổ ra phía sau để chảy xuống và không tích tụ trong họng gây ra khó chịu như khi bạn nằm ngủ”.

Theo Châu Giang - Thế giới hội nhập/ TGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X