Hotline 24/7
08983-08983

Những căn bệnh tiềm ẩn của lao động dệt may

Vấn đề bảo hộ lao động và phòng các bệnh nghề nghiệp cho công nhân ngành dệt may vẫn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tỷ lệ công nhân mắc các bệnh nghề nghiệp.

Dệt may là một trong những ngành mang lại giá trị xuất khẩu cao, đồng thời cũng giải quyết được rất nhiều lao động cho xã hội. Đây cũng là ngành nghề tập trung số lượng lớn lao động nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh nghề nghiệp cũng như an toàn lao động.

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính đến năm 2014, nước ta có khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp và gần 2 triệu lao động thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ, kho bãi, vận chuyển trong ngành dệt may.

Đây là một trong những ngành mang lại giá trị xuất khẩu cao, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014 đạt 24,5 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các mặt hàng xuất khẩu mang lại ngoại tệ cao, sau hàng linh kiện điện tử.

Số người mắc bệnh nghiệp cao

Dù là ngành thu hút được nhiều nhân công lao động nhưng trên thực tế, vấn đề bảo hộ lao động và phòng các bệnh nghề nghiệp lại chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tỉ lệ công nhân ngành dệt may bị mắc các bệnh nghề nghiệp nghiệp rất cao.

Theo số liệu khảo sát trên 1.000 công nhân may tuổi từ 25-35, tại 3 doanh nghiệp ở Bình Dương, TPHCM và Đồng Nai của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM, có tới 93% công nhân bị mệt mỏi sau lao động, trong đó 47% mệt mỏi toàn thân; 16,7% nặng đầu, nhức đầu; 15,1% kiệt sức; hơn 80% đau mỏi cơ, xương khớp tại thắt lưng, vùng cổ và bả vai…

Những căn bệnh tiềm ẩn của lao động dệt may - 1

Theo BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội hô hấp TPHCM, công nhân may phải tiếp xúc, hít nhiều loại sợi đay, gai, bông…, lại không mang khẩu trang trong quá trình sản xuất nên nguy cơ mắc bệnh bụi phổi bông rất lớn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh bụi phổi bông là do hít phải sợi đay, gai, bông… là tức ngực, khó thở, ho.

“Nếu không can thiệp kịp thời khi đã chuyển sang giai đoạn mạn tính thì không thể điều trị dứt bệnh mà chỉ điều trị phòng ngừa. Bên cạnh căn bệnh này, tỷ lệ công nhân may mắc các bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp cũng rất cao” - BS Lan cho biết.

Trong khi đó, BS Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Lao động và Môi trường TPHCM, cũng nhìn nhận “Mặc dù nhiều công nhân bị ảnh hưởng sức khỏe nghề nghiệp nhưng hầu hết chủ cơ sở chưa quan tâm đến môi trường lao động và an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân.

Quy định bắt buộc cơ sở sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân ít nhất mỗi năm một lần, để phát hiện dấu hiệu người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, từ đó có hướng can thiệp, nhưng rất ít doanh nghiệp thực hiện”.

Rất cần sự sẻ chia

Đặc thù của ngành may mặc là môi trường làm việc chịu nhiều tác động của các yếu tố như bụi, tiếng ồn, ánh sáng và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Do đó, công tác an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động (NLĐ) cần phải được các chủ doanh nghiệp chú trọng quan tâm.

Tại Công ty May TNHH Garnet (KCN Hòa Xá, Nam Định), hệ thống nhà xưởng được thiết kế thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, đảm bảo các yêu cầu về PCCN với nhiều lối thoát hiểm.

Công ty cũng đầu tư máy may điện tử công nghiệp theo công nghệ hiện đại của châu Âu, có năng suất, chất lượng và độ an toàn cao; bố trí các chuyền may hợp lý, đầu tư hệ thống thiết bị thông gió, hút bụi làm giảm nhiệt độ trong nhà xưởng (4-5 độ C) so với ngoài trời và giảm thiểu bụi, tiếng ồn trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra còn trang bị hệ thống ánh sáng đúng tiêu chuẩn đảm bảo đủ ánh sáng cho công nhân. Định kỳ hằng năm, công ty tổ chức huấn luyện an tòan, vệ sinh lao động và cấp đủ trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân theo yêu cầu công việc.

Riêng với công nhân làm công việc nặng nhọc, độc hại, vận hành máy có yêu cầu an toàn nghiêm ngặt như nồi hơi, bình chứa khí nén… được tạo điều kiện tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng an toàn, vệ sinh, phòng chống cháy nổ khi làm việc.

Những căn bệnh tiềm ẩn của lao động dệt may - 2

Còn công ty Cổ phần may Đáp Cầu (Dagarco) lại chú trọng đảm bảo ATVSLĐ bằng những việc làm rất cụ thể như: Tại các xưởng may, công ty đều trang bị hệ thống thiết bị thông gió, thay cho hệ thống quạt làm mát trước đây, góp phần giảm nhiệt tới 4-5oC ở trong nhà so với ngoài trời và giảm bụi, tiếng ồn nơi làm việc; Trang bị đèn huỳnh quang, bảo đảm cung cấp ánh sáng theo tiêu chuẩn và không gây hại mắt cho người thợ tại hầu hết xưởng may, xưởng thêu….

Ngoài ra, công ty còn xây dựng hệ thống phát thanh ở tất cả các xí nghiệp để hàng ngày tuyên truyền, giáo dục nội quy, quy chế làm việc cũng như công tác ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ tới từng cán bộ, công nhân viên, người lao động.

Hàng tháng ban kiểm tra sẽ đi chấm điểm các chỉ tiêu ATVSLĐ của từng xí nghiệp, phân xưởng, phòng, ban và gắn với công tác thi đua, khen thưởng để khuyến khích công nhân tích cực thực hiện nhằm hạn chế những rủi ro, gây ảnh hưởng tới sức khỏe trong quá trình sản xuất.

Theo Phương Hà - Khám phá

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X