Hotline 24/7
08983-08983

Những bất thường của nhau thai

Nhau thai là “trạm trung chuyển” đưa các chất dinh dưỡng và ôxy từ máu mẹ tới bào thai, giúp duy trì sự sống của thai nhi.

Do vậy, khi có những bất thường xảy ra với nhau thai, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của cả mẹ và bé: sinh non, sẩy thai, thai chết lưu, mẹ băng huyết….

BS Phan Nguyễn Quốc Thuận - BV Q.2 tư vấn những bất thường có thể xảy ra ở nhau thai, trong suốt quá trình mang thai.

Nhau tiền đạo

- Nhau tiền đạo (NTĐ) là tình trạng nhau thai nằm thấp ở đoạn dưới của tử cung, che lấp một phần hoặc hoàn toàn lỗ trong của cổ tử cung. Chính vì bánh nhau nằm che lấp lỗ trong của cổ tử cung, cản trở đường đi xuống của thai nhi khi sinh nên được gọi là NTĐ. Tuy nhiên, vấn đề NTĐ khiến thầy thuốc cũng như sản phụ lo lắng chính là ra huyết âm đạo trong ba tháng cuối thai kỳ.

- Điểm đặc trưng của ra huyết âm đạo trong NTĐ là không kèm với đau bụng, thường xảy ra vào ba tháng cuối của thai kỳ. Ra huyết âm đạo có thể xảy ra mà không cần có bất kỳ yếu tố thúc đẩy nào (chấn thương, sau giao hợp, khám âm đạo).

- Thai nhi kém dinh dưỡng, sinh non, nhẹ ký là hậu quả của NTĐ ra huyết nhiều. Khi NTĐ ra huyết nhiều và dai dẳng sẽ làm giảm lượng máu trong cơ thể mẹ, khiến mẹ thiếu máu, đồng thời ảnh hưởng đến dinh dưỡng của thai nhi. Lý do chính khiến phụ nữ có NTĐ bị sinh non là do ra huyết âm đạo quá nhiều, ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ, buộc các thầy thuốc phải chấm dứt thai kỳ, bất chấp thai có đủ tháng hay chưa.

- Các yếu tố nguy cơ gây ra NTĐ rõ ràng nhất là: mẹ lớn tuổi (trên 35 tuổi), sinh con nhiều lần, đa thai, sản phụ hút thuốc lá, sử dụng cocaine, tiền căn nạo hút lòng tử cung do sẩy thai hoặc phá thai, tiền căn mổ lấy thai…

- Phát hiện NTĐ chủ yếu dựa vào siêu âm. Do đó, khám thai định kỳ đầy đủ sẽ phát hiện sớm được tình trạng nhau bám thấp.

- Khi được phát hiện NTĐ, sản phụ cần được theo dõi thai kỳ chặt chẽ hơn. Ngoài các chế độ dưỡng thai bình thường, sản phụ cần lưu ý tránh các công việc nặng, các hoạt động thể lực. Song song đó, sản phụ sẽ được tiêm thuốc hỗ trợ trưởng thành phổi cho thai nhi, đề phòng biến cố phải chấm dứt thai kỳ sớm khi thai nhi chưa trưởng thành. Lưu ý: các trường hợp NTĐ cần được theo dõi tại cơ sở y tế có chuyên môn cao, có phòng mổ và ngân hàng máu.

- Khi NTĐ ra huyết, các bác sĩ sẽ đánh giá xem có cần tiếp tục trì hoãn thai kỳ, chờ thai trưởng thành hoặc cho tới khi thuốc hỗ trợ trưởng thành phổi có tác dụng. Việc đánh giá này hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người mẹ. Nếu ra huyết nhiều đe dọa tính mạng mẹ thì sẽ không trì hoãn thêm, cần mổ lấy thai ngay lập tức.

- Vấn đề cắt tử cung để cầm máu cứu mẹ hiện nay hiếm khi áp dụng, trừ trường hợp NTĐ kèm với nhau cài răng lược.

- Chỉ có NTĐ bán trung tâm hoặc NTĐ trung tâm thì mới chỉ định mổ lấy thai tuyệt đối. NTĐ bám thấp hoặc nằm cạnh lỗ trong cổ tử cung vẫn có thể sinh thường. Tuy nhiên, việc lựa chọn cách sinh phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng mất máu của người mẹ.

- Nhau bám thấp là một hình thái của NTĐ. Theo giới chuyên môn thì NTĐ có bốn kiểu: nhau bám thấp, nhau bám mép (ngay sát lỗ trong cổ tử cung), NTĐ bán trung tâm (che lấp một phần lỗ trong cổ tử cung) và NTĐ trung tâm (che lấp hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung).

Nhau cài răng lược

- Nhau cài răng lược (NCRL) là tình trạng các gai nhau của bánh nhau xâm lấn vào lớp cơ tử cung. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của NTĐ.

- Bình thường bánh nhau sẽ bám vào đáy tử cung, nơi có nhiều mạch máu giúp bánh nhau trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, trong NTĐ, bánh nhau bám ở đoạn dưới của tử cung, nơi có ít mạch máu phát triển, khiến cho trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi kém hiệu quả. Khi đó, các gai nhau sẽ xâm lấn vào trong cơ tử cung để duy trì nguồn dinh dưỡng nuôi thai nhi hình thành nên NCRL.

- NCRL đem lại nhiều biến chứng cho người mẹ. Hầu hết các trường hợp NCRL đòi hỏi phải cắt tử cung để cứu mẹ. Nặng nề hơn, NCRL có thể xâm lấn ra khỏi các cơ quan khác nằm lân cận tử cung.

Phù nhau thai

- Phù nhau thai (PNT) là bệnh lý làm mô nhau ứ nước, tăng thể tích và trọng lượng, mất chức năng của bánh nhau. PNT thường đi kèm với dị tật bẩm sinh nặng nề.

- Nguyên nhân dẫn đến PNT: nhiễm trùng, nhiễm độc ở ba tháng đầu thai kỳ (ví dụ: nhiễm Rubella), do bất thường nhiễm sắc thể thai nhi, bất đồng nhóm máu mẹ và con…

- Khi đã được chẩn đoán PNT, cần chấm dứt thai kỳ, do bánh nhau đã mất chức năng nên thai nhi sẽ nhanh chóng chết lưu trong bụng mẹ.

- Hiện tại, PNT được phát hiện sớm nhờ những phát triển của kỹ thuật siêu âm. Việc phát hiện sớm PNT sẽ làm giảm biến chứng của thai chết lưu.

- Phòng ngừa PNT bằng cách tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ; tiêm ngừa Rubella, cúm trước khi mang thai; không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia…

Nhau bong non

- Nhau bong non (NBN) là tình trạng bánh nhau bị bong ra sớm trước khi thai nhi được sinh ra.

- Các yếu tố liên quan đến NBN: tuổi mẹ lớn (trên 35 tuổi), chấn thương (thai phụ bị tổn thương vùng bụng), hút thuốc lá, sử dụng cocaine… Đáng chú ý nhất là tình trạng tăng huyết áp mạn tính hoặc tăng huyết áp thai kỳ cũng là những nguyên nhân dẫn tới NBN.

- Các triệu chứng thường gặp: ra huyết âm đạo, đau bụng, tử cung gò cứng liên tục và kéo dài.

- Biến chứng của NBN rất nặng nề, ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ. Các biến chứng đó bao gồm: choáng mất máu, rối loạn đông máu, hoại tử các cơ quan do thiếu máu nuôi, biểu hiện rõ ràng nhất là suy chức năng thận.

Theo Thiên Nga - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X