Hotline 24/7
08983-08983

Những bác sĩ ghép phổi giúp tái sinh một cuộc đời

Thành công trong ca ghép phổi đầu tiên ở VN mở ra cơ hội điều trị những bệnh lý liên quan đến phổi như phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh tự miễn về phổi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (bên phải giường bệnh) cùng thành viên ê kíp ghép phổi thăm bé Ly Chương Bình hôm 24-2 - Ảnh: Trần Ngọc Kha
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (bên phải giường bệnh) cùng thành viên ê kíp ghép phổi thăm bé Ly Chương Bình hôm 24/2 - Ảnh: Trần Ngọc Kha

Trong thư gửi các bác sĩ đã tham gia thực hiện ca ghép này hôm 23/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá đây là một bước tiến quan trọng của y học Việt Nam.

Em bé được ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam

Từ lúc biết tin bé Ly Chương Bình chuẩn bị được ghép phổi, cả đại gia đình của bé gồm mẹ, bà ngoại bé và vợ, mẹ vợ của anh Toàn - bác ruột bé Bình và là người hiến tặng phổi cùng với bố đẻ bé đều theo xuống Hà Nội trong suốt quá trình phẫu thuật.

Mặc dù đã được các bác sĩ động viên tinh thần nhưng hầu như ai cũng trong tâm trạng lo lắng, nhất là chị Phàn Thị Tâm, mẹ bé Bình.

Chị Tâm kể cho đến khi bác sĩ thông báo ca mổ kết thúc thành công mới vỡ òa, trước đó là cảm xúc đè nén suốt 10 tiếng đồng hồ. Đã có những phút giây chị lo sợ mất con.

“Bình là con thứ hai. Ngay từ lúc mới sinh cháu đã rất yếu ớt. Từ khi hai tháng cháu đã xuất hiện triệu chứng khò khè, khó thở và sau đó là ốm đau, dặt dẹo liên miên. Hiện cháu Bình đã 7 tuổi nhưng mới được 14kg. Đáng nhẽ cháu đã vào lớp một nhưng do thể trạng yếu ớt nên vẫn chưa thể đi học”- chị Tâm cho hay.

Bình 7 tuổi là gần 7 năm gia đình chị Tâm gắn với thuốc thang, bệnh viện và nỗi lo lắng triền miên.

Chị Tâm cũng cho biết ở vùng xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn nên mỗi khi Bình ốm đều tìm đến những bài thuốc dân gian hay thuốc nam để chữa trị, nhưng bệnh tình cứ tái phát liên miên.

Mãi đến năm cháu 3 tuổi thấy tình trạng của Bình nặng quá, gia đình mới quyết tâm đưa Bình đi bệnh viện để khám. Lúc này Bình được các bác sĩ xác định viêm phổi. Điều trị ở bệnh viện tỉnh một tuần có đỡ khò khè. Từ đó gia đình lại tiếp tục sử dụng thuốc nam mỗi khi bé đau ốm.

Năm 2016, Bình càng ốm nặng hơn, gia đình đưa bé xuống bệnh viện tỉnh điều trị, sau hai tuần hết triệu chứng khò khè cháu được về nhà, tuy nhiên tình trạng khó thở, khò khè của bé lại nhanh chóng tái phát và nghiêm trọng hơn.

Thấy vậy, chị Tâm lại đưa con lên bệnh viện tỉnh. Lần này bé được chuyển lên bệnh viện Nhi T.Ư. Điều trị tại đây được một tháng, do hết hạn bảo hiểm y tế, gia đình xin chuyển cho bé sang bệnh viện 103 để điều trị tiếp.

Năm 2016, khi Bình 6 tuổi, các bác sĩ 103 cho hay cháu phải ghép phổi mới có thể điều trị được. “Các bac sĩ đã vận động, hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Giờ đây chúng tôi rất mừng vì sắp được đón cháu Bình khỏe mạnh về nhà” - chị Tâm nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa chúc mừng giáo sư Đỗ Quyết sau khi ca ghép phổi thành công - Ảnh:
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa chúc mừng giáo sư Đỗ Quyết sau khi ca ghép phổi thành công - Ảnh: Đình Nam 

Những bác sĩ vẫn chưa chịu nhận thành công

Đã hoàn tất một ca ghép quan trọng, được đồng nghiệp đánh giá cao, Thủ tướng gửi thư khen, nhưng khi trao đổi với chúng tôi, thiếu tướng - giáo sư Đỗ Quyết, giám đốc Học viện Quân y, một trong hai đơn vị thực hiện ca ghép này rất khiêm tốn: Việc của chúng tôi bây giờ là quay lại khám chữa bệnh, chăm sóc cho người bệnh. Khi nào cháu Bình khỏe mạnh, chạy nhảy vui chơi được thì đó mới là ngày ca ghép thực sự thành công.

Để có ca ghép cho cháu Bình hôm 21/2 vừa qua, các bác sĩ đã phải chuẩn bị từ tâm lý cho gia đình, bác sĩ phải liên tục động viên gia đình.

“Nhà chúng tôi sau đó đã tổ chức… họp bàn. Tôi rất bất ngờ vì gần như ngay lập tức anh Toàn - bác ruột của cháu Bình - đứng ra đồng ý cho cháu phổi.

Sau nhiều lần xét nghiệm, bố và bác ruột của cháu có các chỉ số tương thích, đủ điều kiện cho phổi, cháu có cơ hội được sống khỏe mạnh nhờ bàn tay bác sĩ” - chị Tâm cho biết.

Hai ngày sau mổ, hai người cho phổi là bố và bác của bé Bình đã có thể nói chuyện, ăn uống bình thường. Khi được hỏi chuyện, anh Ly Cù Toàn (30 tuổi, bác của Bình) cười rất tươi, thổ lộ, thấy cháu Bình yếu ớt từ bé rất thương nhưng không biết có cách nào giúp được.

"Khi biết cháu cần ghép phổi, tôi đã đồng ý cho luôn. Chỉ mong sao cháu mình khỏe lại là vui lắm rồi" - anh Toàn chia sẻ.

Theo ông Đỗ Quyết, ghép phổi là một trong những phẫu thuật cực khó do dễ nhiễm khuẩn.

Để có thể diễn ra ca ghép phổi và thành công, các bác sĩ học viện đã phải chuẩn bị trong nhiều năm, từ việc đưa bác sĩ đi học tập kinh nghiệm ở Nhật Bản, phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản trong quá trình phẫu thật...

Một may mắn nữa là sự hỗ trợ của gia đình, trong đó có tấm lòng của người bác ruột Ly Cù Toàn. “Bác cháu đã có tấm lòng rất đáng quý” - ông Quyết chia sẻ.

Ở ca ghép phổi lần này đã có 3 kíp mổ hoạt động đồng thời, trong đó 2 ca lấy thùy dưới phổi của bố và bác ruột, thay thế cả 2 lá phổi cho bé với sự tham gia của chuyên gia Nhật Bản cùng hơn 100 y bác sĩ Bệnh viện 103 và Học viện Quân y.

Ngay sau khi lấy phổi ra khỏi lồng ngực người cho, phần phổi còn lại của hai người cho đã giãn ra chiếm đầy khoang phổi, thực hiện chức năng hô hấp như bình thường. Sau hai ngày, sức khỏe của hai người cho đã trở lại bình thường.

Còn cháu Bình đã rút được ống thở, thậm chí khi các bác sĩ hỏi chuyện đã có thể trả lời "cảm ơn bác sĩ". Một thời gian ngắn nữa, cháu Bình sẽ được trở lại quê nhà Hà Giang, với vườn cam vườn mận ở quê hương.

Còn các bác sĩ, họ đã trở lại với công việc hàng ngày, với những người bệnh đang chờ. Họ đã để lại một ca ghép quan trọng ở phía sau và nhờ ca ghép đó, một cuộc đời đã được tái sinh.

Ghép phổi là kỹ thuật khó

Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, nguyên giám đốc BV Việt Đức, chuyên gia về ghép tạng, ghép phổi là một kỹ thuật khó, đặc biệt là khâu theo dõi sau ghép.

Nhật Bản là quốc gia giỏi về ghép phổi và các chuyên gia Nhật đã hỗ trợ và tư vấn cho ca ghép này, nhưng chúng tôi cũng đánh giá cao các đồng nghiệp, đặc biệt Học viện Quân y và Bệnh viện 103 luôn đi đầu trong ghép tạng ở Việt Nam, như thực hiện ca ghép thận và ghép gan đầu tiên ở Việt Nam.

Tuy nhiên sau khi thực hiện thành công ca ghép đầu tiên, để triển khai kỹ thuật này trở thành thường quy thì đòi hỏi phải có thêm các yếu tố như có đầy đủ nhân lực thành thạo về kỹ thuật, có phổi được hiến tặng, chăm sóc sau ghép tốt thì mới có kết quả tốt.

Nếu triển khai được thường quy thì bệnh nhân COPD giai đoạn muộn, bị bệnh lý tự miễn liên quan đến phối… có thể được điều trị hiệu quả.


Theo Quỳnh Liên - Lan Anh - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X