Hotline 24/7
08983-08983

Những ai nên tầm soát ung thư vú?

Với ung thư vú, bất kì phụ nữ trưởng thành nào cũng nên tham gia sàng lọc sau 6 - 12 tháng, nhất là nhóm được cảnh báo có nguy cơ cao như dưới đây.

Ảnh minh họa

Nhóm người mà gia đình có thành viên mắc ung thư vú

Theo thống kê, khoảng 13 - 15% số ca mắc ung thư vú có người ruột thịt trong gia đình từng mắc ung thư này. Vì vậy, giới chuyên môn cảnh báo nhóm tiền sử gia đình có người bị ung thư vú ghé thăm cần tuân thủ lịch thăm khám tổng quát/sàng lọc ung thư định kì để chủ động nắm bắt sức khỏe và can thiệp kịp thời nếu cần, tránh để muộn màng.

Nhóm người dùng nhiều thuốc tránh thai hay sinh nở muộn

Người sử dụng thuốc tránh thai lâu dài có nguy cơ đối mặt với một số tác dụng phụ, trong đó có các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: nếu phụ nữ sinh con đầu lòng sau 30 tuổi hay sinh nở mà không cho con bú cũng tăng tỷ lệ mắc ung thư. Bởi vậy chị em cần cân nhắc các biện pháp tránh thai an toàn và tính toán độ tuổi sinh nở hợp lý để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.

Phụ nữ mãn kinh sử dụng liệu pháp hormone

Phụ nữ tuổi mãn kinh có nhiều vấn đề về nội tiết tố nên họ thường sử dụng liệu pháp thay thế hormone để cải thiện tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và một số vấn đề phòng the. Nhưng nếu lạm dụng phức hợp estrogen và progestin (nhất là nhóm sử dụng trên 5 năm) thì nguy cơ ung thư vú tăng khá cao. Việc tham vấn bác sĩ là thật sự cần thiết để bạn có giải pháp tối ưu cho mình.

Người béo phì

Tình trạng thừa cân/béo phì dẫn đến rất nhiều mối lo bệnh tật cho mọi người trong đó có ung thư vú. Các nhà khoa học cho rằng: chất béo trong cơ thể mỗi người có thể sản sinh ra một hợp chất chuyển hóa androgen thành estrogen. Khi lượng estrogen tăng đột biến thì nguy cơ ung thư vú cũng theo đó đe dọa nhiều hơn tới sức khỏe của bạn. Bạn cần có một chế độ ăn khoa học và chế độ tập luyện đều đặn để duy trì trọng lượng hợp lý, đề phòng mắc chứng béo phì.

Người có các khối u vú lành tính

Không ít người có các khối u vú lành tính trong mô ngực nhưng do không đau đớn, không có các bất tiện đi kèm nên họ hoặc không biết hoặc an tâm sống chung với chúng mà không theo dõi, kiểm tra tình trạng khối u định kì. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa ung bướu cảnh báo rằng: u vú lành tính có thể phát triển thành ung thư vú. Người bệnh cần theo dõi sát sao sự phát triển của khối u để có biện pháp giải quyết triệt để.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, ngoài những yếu tố trên, nguy cơ ung thư vú còn chịu tác động từ một vài yếu tố khác như tuổi tác (nhóm người trên 70 tuổi có nguy cơ cao hơn), giới tính (nguy cơ ung thư vú ở nữ cao hơn nam tới 100 lần), độ tuổi có kinh hay mãn kinh (nhóm có kinh sớm trước 12 tuổi hay mãn kinh muộn sau 55 tuổi được cho là có nguy cơ cao hơn), nồng độ estradiol trong máu (người có nồng độ chất này cao cũng đối mặt với nguy cơ ung thư vú cao) hay một số yếu tố địa lý, tiền sử phơi nhiễm bức xạ ion hóa, uống nhiều rượu bia…

Ung thư vú có thể chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp song do tâm lý chủ quan mà số lượng ca mắc bệnh cũng như tỷ lệ tử vong do ung thư vú trên cả nước vẫn không ngừng tăng lên. Tầm soát ung thư vú tại bệnh viện chuyên khoa ung bướu là cách đơn giản và hiệu quả để chị em yên tâm về sức khỏe đôi "gò bồng đảo" của mình.

Theo Linh Chi - VTV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X