Hotline 24/7
08983-08983

Như Quỳnh: “Dù bệnh thế nào cũng phải đi hát”

Để bạn đọc có thông tin đúng đắn về chứng bệnh động kinh của ca sĩ Như Quỳnh, chúng tôi ghi nhận ý kiến của chuyên gia sức khỏe.

Như Quỳnh: “Dù bệnh thế nào cũng phải đi hát”

Trong một cuộc trò chuyện trên VnExpress, em trai út của Như Quỳnh - ca sĩ Tường Khuê cho biết gia đình từng thuyết phục Như Quỳnh tạm nghỉ hát vì quá vất vả nhưng cô không chịu: “Hồi còn nhỏ, chị Như Quỳnh bị phong thấp cùng nhiều bệnh khác. Tôi là người hay chăm lo cho chị. Tuy ốm yếu, không khi nào chị tôi ngừng nghĩ về gia đình. Từ khi theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp, chị luôn nghĩ làm cách nào để các em, cha mẹ không khổ cực. Làm được điều gì để phụ giúp gia đình, chị tôi cũng không nề hà. Chị tôi vất vả nhất là những lúc chạy show.

Vào những ngày lễ, đặc biệt là mùa Noel và Tết Dương lịch, chị Quỳnh phải làm việc liên tục trong khi bị mất ngủ, thời tiết thì lạnh. Chưa kể, chị tôi cũng gặp áp lực phải làm hài lòng khán giả rồi biếng ăn, bệnh tật. Có những lúc, tôi tưởng chị không thể vượt qua.

Cách đây khoảng tám, chín năm, chị Quỳnh kiệt sức vì quá chú tâm vào công việc. Có mấy lần ra sân bay đi lưu diễn, chị tôi ngất rồi bị chuyển vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán là bị động kinh. Thực ra, bệnh này chị tôi mắc từ nhỏ nhưng vì cuộc sống quá căng thẳng nên mới dẫn đến tình trạng như vậy... Tôi và gia đình cũng đã có lúc muốn chị nghỉ ngơi, khi nào khỏe hẳn rồi mới đi hát kiếm tiền. Nhưng chị tôi một mực không muốn, chị bảo trời sinh ra chỉ để chị làm một công việc duy nhất là ca hát, dù bệnh thế nào cũng phải đi”...

Ca sĩ Như Quỳnh cùng ca sĩ Tường Khuê (em ruột, bên trái) và ca sĩ Tường Nguyên (em nuôi) trong một chương trình tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc
Ca sĩ Như Quỳnh cùng ca sĩ Tường Khuê (em ruột, bên trái) và ca sĩ Tường Nguyên (em nuôi) trong một chương trình tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc

“Thủ phạm” gây động kinh

TS-BS Lê Văn Tuấn (Phó chủ tịch Hội Thần kinh học TP.HCM; Chủ nhiệm bộ môn Nội thần kinh Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết: cơn động kinh được định nghĩa là tình trạng bệnh lý của não, đặc trưng bởi sự phóng lực quá mức, đồng bộ và nhất thời của một nhóm các neuron trong não, biểu hiện bằng các triệu chứng tương ứng với vùng não bị kích thích. “Chứng động kinh được biểu hiện bởi các cơn động kinh tái phát. Thông thường, một người được chẩn đoán là động kinh khi có ít nhất từ hai cơn động kinh trở lên; nếu chỉ có một cơn duy nhất thì chưa gọi là động kinh”, BS. Tuấn nói.

Khoảng 60% các trường hợp không biết nguyên nhân động kinh, mặc dù người bệnh đã được làm các xét nghiệm, chụp hình não... Những trường hợp này gọi là động kinh vô căn. Các trường hợp còn lại có thể do các nguyên nhân cụ thể như: tổn thương não của thai nhi, chấn thương lúc sinh (do thiếu oxygen), ngộ độc, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, chấn thương đầu, u não, tai biến mạch máu não... Đa số động kinh không có tính di truyền nhưng y khoa vẫn ghi nhận một số trường hợp có khuynh hướng di truyền.

Một số tác nhân cũng gây ra cơn động kinh như: sốt cao co giật ở trẻ nhỏ, bệnh nhân ngưng một số thuốc đang dùng, ngộ độc, phản ứng dị ứng, nhiễm trùng, rối loạn điện giải, hạ đường huyết... Tuy nhiên, những nguyên nhân này chỉ nhất thời và không được xem là động kinh. Một số bệnh lý như tai biến mạch máu não hay đau nửa đầu migraine cũng dễ nhầm lẫn với động kinh do các triệu chứng giống động kinh như tê, yếu nửa người, các triệu chứng thị giác (nhìn mờ, mù tạm thời)... Cần cảnh giác hội chứng tử vong đột ngột không dự đoán trước do động kinh. Nguyên nhân chưa được biết rõ.

Hội chứng thường gặp ở người 20 - 40 tuổi, bị động kinh trên một năm.

Ai dễ động kinh?

Theo BS. Tuấn, động kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Khoảng 50% trường hợp động kinh mới xảy ra ở trẻ nhỏ và thiếu niên, với tỷ lệ cao nhất trong vài tháng đầu sau sinh. Nhiều người bị động kinh ở tuổi nhỏ và thiếu niên, sau đó các cơn động kinh có thể giảm khi đến tuổi trưởng thành. Tỷ lệ động kinh cũng tăng ở người lớn tuổi.

Có ba loại cơn động kinh: cơn động kinh cục bộ, cơn động kinh toàn thể và cơn động kinh không phân loại được cục bộ hay toàn thể. Chẩn đoán động kinh cần dựa vào kết quả thăm hỏi bệnh sử cẩn thận, khám thần kinh và làm một số xét nghiệm, CT scan, MRI, đo điện não đồ... Khi hỏi bệnh sử, thầy thuốc sẽ hỏi: cơn động kinh thường bắt đầu khi nào, mô tả chi tiết những biến cố khi cơn động kinh xảy ra, tiền căn sức khỏe của người bệnh và gia đình... “Nếu cơn động kinh kéo dài hơn năm phút hay có nhiều cơn động kinh liên tiếp và người bệnh không hồi phục đầy đủ giữa các cơn động kinh thì được gọi là trạng thái động kinh. Đây là tình huống cấp cứu, cần xử trí ngay nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng hoặc để lại di chứng”, BS. Tuấn khuyến cáo.

Khi xử trí tại chỗ người bệnh co giật, cần bình tĩnh, tránh chấn thương (để bệnh nhân nằm, tránh vật nhọn, lửa, điện...). Ghi nhận khoảng thời gian bị co giật, nếu cơn co giật kéo dài hơn năm phút thì gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân nhập viện ngay. Không đặt bất cứ vật gì vào miệng bệnh nhân như khăn, muỗng, que, ngón tay… vì có thể làm nghẹt đường thở. Không giữ chặt bệnh nhân, khi hết co giật thì để bệnh nhân nằm nghiêng nhằm tránh làm tắc đường thở do dị vật (đàm nhớt, thức ăn, răng giả...).

Không cho bệnh nhân ăn hay uống bất cứ thứ gì cho đến khi tỉnh hẳn. Sau cơn co giật bệnh nhân thường lú lẫn, nên ở bên cạnh họ cho đến khi họ tỉnh hẳn. Người bệnh thường không nhận biết được khi nào cơn động kinh sẽ đến. Tuy nhiên, một số người có thể nhận biết cơn động kinh sắp xảy ra, trong trường hợp này nên gọi người nhà, tìm chỗ an toàn nằm nghỉ, tránh tình huống nguy hiểm khi động kinh như đang bơi, trèo cao, tiếp xúc điện, lửa... Trong cơn động kinh, nếu người bệnh còn biết thì bình tĩnh, thông thường cơn chỉ ngắn và người bệnh sẽ về trạng thái bình thường.

Sống với động kinh

Để điều trị động kinh, phương pháp phổ biến là dùng thuốc chống động kinh. Có nhiều loại thuốc và việc chọn lựa thuốc, liều dùng, cách dùng phải do bác sĩ chỉ định, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại cơn động kinh, nguyên nhân, tuổi, giới tính, bệnh lý đi kèm... Người bệnh không nên tự ý mua thuốc và điều trị.

Khi điều trị với thuốc, có các khả năng: 50% người bệnh không còn cơn động kinh; 30% còn cơn nhưng nhẹ và thưa hơn; 20% không đáp ứng với thuốc. Nếu chọn lựa thuốc không thích hợp, tỷ lệ không đáp ứng sẽ cao hơn. Trẻ 1 - 8 tuổi thường được áp dụng phương pháp chế độ ăn sinh ceton (thực đơn chọn sẵn với nhiều mỡ, ít chất bột và đạm).

Một số phương pháp điều trị khác đã thực hiện ở nước ngoài: phẫu thuật (cắt bỏ vùng não gây ra động kinh, hoặc thực hiện các đường cắt sâu ở não làm gián đoạn các xung lực của động kinh); đặt máy kích thích dây thần kinh X...

Người bị động kinh có thể gặp một số vấn đề về tâm lý và xã hội. Đa phần người thân của người bệnh thường sợ sệt, ít quan tâm hoặc quan tâm quá mức do thiếu hiểu biết về động kinh. Điều này làm cho người bệnh được chăm sóc quá kỹ, dẫn đến hạn chế các hoạt động sinh hoạt cần thiết. Các vấn đề cá nhân khác mà người bệnh có thể gặp phải là sự giận dữ, chán nản và trầm cảm. Đối với nhiều người bệnh, thái độ tiêu cực của cộng đồng lại là yếu tố chính ảnh hưởng nặng đến đời sống bệnh nhân. “Việc thông tin cho cộng đồng hiểu đúng về động kinh thật sự có ảnh hưởng rất lớn đến loại bỏ các thành kiến của xã hội với chứng bệnh này. Nếu được chăm sóc và điều trị tốt, nhiều người bệnh vẫn có cuộc sống, sinh hoạt và công việc như bình thường”, BS. Tuấn nhấn mạnh. 

Theo Người đô thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X