Hotline 24/7
08983-08983

Nhịp tim mục tiêu khi vận động, giảm cân và bảo vệ sức khỏe của bạn

Nhịp tim bao nhiêu là thích hợp khi vận động và làm sao để theo dõi chúng? Biểu đồ đơn giản trong bài này sẽ giúp bạn xác định vùng nhịp tim mục tiêu khi vận động.

Hãy tìm hiểu nhịp tim khi nghỉ bình thường và tối đa cho độ tuổi của bạn; hiểu được luyện tập cường độ cao và một số yếu tố khác ảnh hưởng đến nhịp tim mình như thế nào.

Cách xác định nhịp tim mục tiêu


Khi vận động, làm sao biết mình tập nhiều quá hay chưa đủ?

Cách đơn giản để nhận biết là nắm được nhịp tim mục tiêu của mình vì nó giúp đạt hiệu quả tối đa cho mỗi lần tập. Dù bạn là một vận động viên ưu tú hay người ít vận động, biết nhịp tim mục tiêu (hay mạch đập) sẽ giúp bạn theo dõi sức khỏe và mức độ tập luyện.

Điều đầu tiên: Nhịp tim khi nghỉ ngơi

Nhịp tim lúc nghỉ là số lần tim đập mỗi phút khi đang nghỉ ngơi. Thời điểm tốt nhất để kiểm tra là vào buổi sáng sau một giấc ngủ ngon, trước khi ra khỏi giường hoặc trước khi uống cốc cà phê đầu tiên.

Với hầu hết mọi người, nhịp tim lúc nghỉ từ 60 đến 100 nhịp một phút (n/p) là bình thường.

Nhịp tim có thể bị ảnh hưởng do căng thẳng, lo lắng, thay đổi hóc môn, sử dụng thuốc điều trị và mức độ vận động thể chất. Một vận động viên hay người năng động có thể có nhịp tim lúc nghỉ thấp ở mức 40 nhịp/phút.

Nhịp tim lúc nghỉ càng thấp càng tốt. Vì điều đó có nghĩa là cơ tim đang ở trạng thái tốt và không cần làm việc nhiều. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhịp tim lúc nghỉ cao thường liên quan tới ít vận động thể chất, cao huyết áp và béo phì.

Nắm được chỉ số của bạn: Nhịp tim mục tiêu và tối đa

Bảng bên dưới cung cấp thông tin về nhịp tim mục tiêu và tối đa trung bình cho nhiều lứa tuổi. Nhịp tim tối đa được xác định bằng cách lấy 220 trừ đi số tuổi của bạn.

Chọn số tuổi gần nhất với tuổi bạn để xem nhịp tim mục tiêu và tối đa của mình. Nhịp tim mục tiêu trong hoạt động thể chất trung bình vào khoảng 50-70% nhịp tim tối đa, và khi luyện tập nặng lên đến 70-85% nhịp tim tối đa.

Đây là số liệu trung bình về nhịp tim, được sử dụng như công cụ hướng dẫn chung.

Tuổi Nhịp tim mục tiêu- 50-85% Nhịp tim tối đa, 100%
20 tuổi 100-170 n/p 200 n/p
30 tuổi 95-162 n/p 190 n/p
35 tuổi 93-157 n/p 185 n/p
40 tuổi 90-153 n/p 180 n/p
45 tuổi 88-149 n/p 175 n/p
50 tuổi 85-145 n/p 170 n/p
55 tuổi 83-140 n/p 165 n/p
60 tuổi 80-136 n/p 160 n/p
65 tuổi 78-132 n/p 155 n/p
70 tuổi 75-128 n/p 150 n/p

Tiến tới mục tiêu: Đo nhịp tim của bạn

Giờ bạn đã biết nhịp tim mục tiêu của mình, bạn có thể kiểm soát nhịp tim mình trong khoảng cho phép. Một dụng cụ đeo theo dõi sẽ giúp thực hiện việc này dễ dàng, nếu không có, bạn có thể xác định bằng phương pháp thủ công:

- Bắt mạch ở bên trong cổ tay, phía ngón cái.
- Dùng đầu của 2 ngón tay đầu tiên (không phải ngón cái) ấn nhẹ nhàng vào mạch máu.
- Đếm mạch trong 30 giây rồi nhân đôi để xác định mạch trong một phút.

Lưu ý quan trọng: Thuốc điều trị có thể ảnh hưởng nhịp tim và thay đổi khoảng mục tiêu nhịp tim thích hợp của bạn. Hãy tham khảo bác sĩ để biết nhịp tim mục tiêu nếu bạn có vấn đề về tim hoặc đang dùng thuốc điều trị.

Các chỉ số sẽ cho bạn biết gì?

Vùng nhịp tim

Khi nhịp tim quá cao, bạn đang tập quá sức. Hãy giảm bớt.

Nếu nhịp tim thấp quá, hay từ mức ‘thấp” đến “trung bình”; bạn cần tăng tốc luyện tập nặng hơn, nhất là khi bạn muốn giảm cân.

Khi mới bắt đầu tập, có thể nhắm đến mức thấp của nhịp tim mục tiêu (50 %) và từ từ tăng dần. Theo thời gian, bạn có thể đạt đến mức 85% nhịp tim tối đa một cách thoải mái. Khi đó, xin chúc mừng!

Tài liệu tham khảo

- American Heart Association website- website của Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ
- Centers for Disease Control website- Website của Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh tật Hoa Kỳ

Theo ThS Đặng Thị Thu Hồng - Yhoccongdong.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X