Hotline 24/7
08983-08983

Nhìn lưỡi đoán bệnh

Về cơ bản, lưỡi giống như một cái cửa sổ mà thông qua đó người ta có thể chẩn đoán bệnh cho mình bằng cách thông qua những biến đổi của lưỡi.



Ảnh: flickr.com

Lưỡi có lớp phủ màu trắng

Khi lưỡi xuất hiện một lớp phủ màu trắng dày, có thể lưỡi của bạn bị nhiễm trùng, sưng tấy, hoặc có thể là dấu hiệu của bệnh tưa miệng, nhiễm nấm candida (hay còn gọi là nấm men). Với bệnh này, chúng ta có thể điều trị bằng thuốc diệt nấm đặc trị hoặc làm vệ sinh lưỡi thường xuyên để lưỡi trở lại trạng thái bình thường.

Lưỡi có màu sậm hoặc đen

Lưỡi khỏe mạnh sẽ có màu hơi hồng, vì vậy khi lưỡi có màu sậm tối hoặc đen là biểu hiện sức khỏe của bạn có vấn đề: lối sống, chế độ ăn uống hoặc việc sử dụng thuốc. Tác dụng phụ của thuốc bismuth (như Pepto Bismol: thuốc trị tiêu chảy, hoặc viêm loét dạ dày, tá tràng) làm lưỡi tạm thời chuyển sang màu đen. Cũng có thể do bạn uống quá nhiều cà phê và hút thuốc lá. Nếu lưỡi bị nhuộm màu từ thức ăn hoặc do dùng thuốc thì chỉ cần bạn vệ sinh lưỡi vài lần sẽ giúp giảm màu, nhưng nếu đó là do thói quen hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ ung thư miệng.

Lưỡi mọc lông

Nếu lưỡi của bạn giống như mọc lông, có thể nguyên nhân là do bạn dùng thuốc kháng sinh, lưỡi bị nhiễm khuẩn hay do khô miệng làm lưỡi bị mất nước.

Lưỡi có nốt đỏ

Nếu lưỡi của bạn có những nốt đỏ hay vết loét có thể là do cảm lạnh, sốt, ăn uống nhiều loại trái cây như cam quýt hoặc do cắn vào lưỡi. Những vết loét bình thường sẽ lành lại và biến mất trong vòng 1 tuần đến 10 ngày nhưng nếu kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư miệng. Trong trường hợp này, bạn nên đi đến bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.

Bề mặt lưỡi sần sùi

Bề mặt lưỡi sần sùi có thể là do lưỡi của bạn bị viêm và có cảm giác đau. Nếu là những vết loét bình thường thì tình trạng này không nghiêm trọng và sẽ hết trong một vài ngày. Nhưng nếu nó chuyển sang màu đỏ hoặc màu trắng, đau và không biến mất, nó có thể là một dấu hiệu của ung thư miệng.

Lưỡi có màu đỏ và đau

Khi lưỡi màu hồng đột nhiên biến thành màu đỏ có thể là dấu hiệu thiếu vitamin B3, thiếu máu hoặc thiếu axít folic và vitamin B12. Tuy nhiên, khi lưỡi bị đỏ tạm thời và cảm giác đau có khả năng là do thức ăn hoặc bạn nhạy cảm với một số hương vị của kem đánh răng, nước súc miệng hoặc kẹo swingum (như quế) hay các loại thực phẩm có tính axít (như thơm). Nếu bạn bị những cơn đau lưỡi thường xuyên, bạn hãy hạn chế ăn những thực phẩm này.

Lưỡi chuyển sang vàng

Màu vàng trên lưỡi có thể là do lưỡi nhiễm một số loại nấm hoặc vi khuẩn trong miệng. Một nguyên nhân khác có thể do dạ dày trào ngược. Đôi khi, những thay đổi màu sắc của lưỡi chỉ xuất hiện trong một khoảng nhỏ là do cơ địa. Trong trường hợp đó, một số vùng trên lưỡi có màu vàng trong khi các khu vực khác vẫn bình thường và màu hồng.

Lưỡi nóng rát

Hiện tượng nóng rát miệng và lưỡi là triệu chứng phổ biến nhất ở phụ nữ sau mãn kinh. Các nguyên nhân khác có thể do nhiễm khuẩn, miệng khô (một tác dụng phụ của một số loại thuốc), hoặc thiếu dinh dưỡng. Khắc phục tình trạng này bằng cách uống nước thường xuyên, nhai kẹo swingum (để chống lại khô miệng), hoặc dùng thuốc chống lo âu và trầm cảm.

Lưỡi có màu nhợt nhạt và mịn

Khi một người bị thiếu máu do thiếu sắt, lưỡi sẽ trở nên nhợt nhạt và mịn. Đó là bởi vì khi cơ thể bạn thiếu sắt, máu không mang đủ ôxy cần thiết đến các mô (gồm cả lưỡi) để lưỡi có màu đỏ hồng. Do vậy, bạn cần bổ sung chất sắt cho cơ thể bằng cách tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất sắt như các loại thịt màu đỏ, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, sò, trai, bắp cải, cải xoong, hạt mè, hạnh nhân…

AloBacsi.vn
Theo Đình Huệ - Phụ Nữ TP.HCM/organicjar.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X