Hotline 24/7
08983-08983

Nhiều vi phạm của nguyên bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Nguyên bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng chịu trách nhiệm với vai trò chủ trì để Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương một số dự án có sử dụng đất không đúng quy định pháp luật.

Dự án công trình quảng trường - công viên Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư 280 tỉ đồng. Dù là dự án BT nhưng tỉnh Vĩnh Phúc đã chia dự án thành nhiều giai đoạn và thanh toán tiền ngân sách theo từng giai đoạn, dự án này cũng được xác định có vi phạm trong phê duyệt dự án - Ảnh: Xuân Long

Từ ngày 7 đến 9/11, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKT)đã họp kỳ 19 do ông Trần Quốc Vượng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm UBKT chủ trì kỳ họp.

Tại kỳ họp này, UBKT trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020 và ông Phạm Văn Vọng - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 (đến tháng 2/2015), chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016.

* Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020 có các vi phạm, khuyết điểm sau:

- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước và quy chế làm việc của Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án, công trình trọng điểm, cụ thể:

- Tham mưu để Tỉnh ủy ban hành quy chế làm việc, trong đó có quy định ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy xem xét, giải quyết một số nội dung vượt thẩm quyền theo quy định số 51-QĐ/TW, ngày 19/4/2007 của Ban bí thư về nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy.

- Quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với một số cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cục bộ, không bình thường. Thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cơ quan, tổ chức có số lượng phòng, số lượng lãnh đạo cấp phó sở, ngành và sử dụng lao động hợp đồng không đúng quy định.

- Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương đối với một số dự án sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, không phù hợp quy hoạch; giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

- Buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm đối với một số dự án, công trình trọng điểm, gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xảy ra chủ yếu trong nhiệm kỳ 2010-2015.

Theo kết luận, ông Vọng có các vi phạm, khuyết điểm sau:

* Ông Phạm Văn Vọng - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 (đến tháng 2/2015), chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016

- Với cương vị người đứng đầu, ông Vọng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015.

- Chịu trách nhiệm với vai trò chủ trì để Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương một số dự án có sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật.

Dự án công trình quảng trường - công viên Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư 280 tỉ đồng được xác định có vi phạm trong phê duyệt dự án - Ảnh: Xuân Long

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết trong số những dự án được Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ rõ các vi phạm tại Vĩnh Phúc có cả dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) và dự án đầu tư từ vốn ngân sách.

Điển hình như dự án công trình cầu - đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), đây là dự án BT, nhưng chỉ một công trình cầu con đường đã được tỉnh Vĩnh Phúc thanh toán cho chủ đầu tư hai lần tiền.

Từ đổi đất lấy hạ tầng thành tiền ngân sách

Theo tìm hiểu, công trình cầu - đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên nằm trong quần thể hạ tầng dự án khu đô thị Nam Vĩnh Yên do công ty thương mại sông Hồng Thủ đô làm chủ đầu tư.

Từ năm 2010, công trình cầu - đường kể trên đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết nguồn vốn đầu tư bằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng, tức nguồn vốn xây dựng công trình này đã được Sở Tài chính Vĩnh Phúc tính toán vào số tiền sử dụng đất chủ đầu tư khu đô thị Nam Vĩnh Yên phải nộp.

Tuy nhiên, đến năm 2012, không hiểu vì sao Sở Tài chính với tư cách là cơ quan đề nghị lại trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt chính con đường này bằng tiền ngân sách(?).

Sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý và triển khai con đường này (lần 2) bằng dự án BT, lấy tiền từ ngân sách để thanh toán và đã thanh toán tổng số tiền hơn 45 tỉ đồng cho nhà đầu tư.

Như vậy, chỉ với một công trình cầu - đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên, ở các thời điểm khác nhau, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cả nguồn vốn theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng và cả chi ngân sách hơn 45 tỉ đồng trả cho nhà đầu tư, tức thanh toán tiền đầu tư hai lần.

Đầu tư BT và hàng loạt sai phạm

Chưa hết, nguồn tin của Tuổi Trẻ cũng cho biết dự án đầu tư xây dựng công trình quảng trường-công viên tỉnh Vĩnh Phúc dù được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ định thầu và thực hiện theo hình thức BT, nhưng cũng có vi phạm trong phê duyệt dự án.

Theo tìm hiểu, tháng 10/2012, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án này có tổng mức đầu tư gần 280 tỉ đồng, trong đó chia dự án thành 2 thành phần, dự án thành phần 1 là khu quảng trường phía Bắc đường Hai Bà Trưng có mức đầu tư 105,8 tỉ đồng, dự án thành phần 2 là khu công viên phía Nam đường Hai Bà Trưng có mức đầu tư hơn 174,2 tỉ đồng.

Dự án này cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn Công ty thương mại sông Hồng Thủ đô làm nhà đầu tư bằng hình thức BT trong đó có thống nhất phương thức thanh toán từ nguồn ngân sách của tỉnh sau khi công trình hoàn thành.

Tuy nhiên, trong thực hiện, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chia nhỏ dự án thành phần thành nhiều giai đoạn và thanh toán tiền ngân sách cho chủ đầu tư theo từng giai đoạn hoàn thành hạng mục chứ không phải thanh toán khi cả công trình đã hoàn tất.

Nguồn tin này cũng cho biết với dự án công trình quảng trường - công viên được xác định có sai phạm trong lập và phê duyệt hồ sơ dự án. Dù được ghi thành dự án hạ tầng đô thị - thuộc nhóm không được thực hiện dự án BT, nhưng vẫn được phê duyệt.

Tương tự, với dự án kè đê sông Hồng, dù dự án được triển khai từ năm 2009 nhưng đến giai đoạn 2011-2015 vẫn tiếp tục triển khai. Điểm chưa phù hợp tại dự án này là dự án được thực hiện từ nguồn vốn trung ương nhưng tỉnh là đơn vị ký phê duyệt vốn, không đúng theo quy định.

Theo Xuân Long - Lâm Hoài - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X