Hotline 24/7
08983-08983

Nhiều người không biết mình mắc bệnh viêm gan

Viêm gan virus được coi là "sát thủ thầm lặng" bởi tính âm thầm tấn công gan và phát bệnh đôi khi không biểu hiện ra bên ngoài

Tại Việt Nam tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B chiếm 10%-20% tổng dân số. Đây chính là nguyên nhân gây ra tới hơn 80% các ca bệnh về gan và ung thư gan.

Gần 8 triệu người mắc viêm gan B

Ngày 2/7, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động hưởng ứng ngày Viêm gan thế giới 2019. GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết Việt Nam đã triển khai vắc-xin phòng bệnh viêm gan B trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1987 giúp giảm tỉ lệ viêm gan B dưới 5 tuổi xuống dưới 5%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phong trào anti vắc-xin rộ lên khiến một bộ phận người dân "quay lưng" với vắc-xin, trong đó có vắc-xin phòng bệnh viêm gan B khiến tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B giảm xuống. Đây là điều rất đáng lo ngại, song nhờ có nỗ lực của ngành y tế, việc tăng cường truyền thông sức khỏe về vấn đề tiêm chủng nên tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B đã tăng trở lại trên 90%.

Theo GS Nguyễn Văn Kính, viêm gan là bệnh mạn tính dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Trong đó viêm gan B được xem là "sát thủ thầm lặng" bởi tính âm thầm tấn công gan và phát bệnh đôi khi không biểu hiện ra triệu chứng bên ngoài. Do đó, nhiều bệnh nhân không biết mình bị bệnh, đến khi cấp cứu thì bệnh đã trở nên trầm trọng, thậm chí chớm xơ gan. Thống kê trên toàn thế giới mỗi năm có hơn 1 triệu người tử vong vì xơ gan, ung thư gan.

Bệnh nhân viêm gan B điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỉ lệ nhiễm viêm gan virus cao. Tại nước ta có gần 8 triệu người mắc viêm gan B, 1 triệu người mắc viêm gan C, do đó nhu cầu chăm sóc, điều trị là rất lớn. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân đến được cơ sở chăm sóc điều trị vẫn rất thấp do người dân chưa có đầy đủ thông tin về bệnh viêm gan, trong khi bệnh lại không có triệu chứng rõ ràng, khó nhận biết.

Đừng chủ quan với viêm gan B "thể ngủ"

GS.TS Nguyễn Văn Mùi - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 103, Chủ tịch Hội đồng Viết phác đồ điều trị viêm gan B - cho biết người mắc viêm gan B mạn tính được chia thành 2 thể bệnh: thể người lành mang bệnh (hay còn gọi là viêm gan B "thể ngủ") và viêm gan B thể hoạt động.

Phần lớn những người bị nhiễm viêm gan virus B ở thể ngủ có tâm lý chủ quan. Việc duy trì thói quen ăn uống không có lợi như ăn thức ăn nhiều dầu mỡ; sử dụng bia, rượu; lười kiểm tra sức khỏe thường xuyên… có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ virus tái hoạt động mạnh mẽ gây tổn thương đến gan. Viêm gan virus B là một căn bệnh có diễn tiến phức tạp thay đổi theo thời gian, không có triệu chứng rõ ràng và khi gan bị tổn thương có nguy cơ dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Vì vậy, những người lành mang virus hay người viêm gan virus mạn tính thể không hoạt động vẫn cần có những biện pháp phòng bệnh, tránh để virus hoạt động trở lại.

Theo GS Nguyễn Văn Mùi, người lành mang HBV tạm thời virus không hoạt động, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của gan, không cần điều trị bất kỳ loại thuốc nào. Vì thế, việc duy trì sức khỏe tốt để ngăn chặn sự bùng phát của virus viêm gan B đòi hỏi người mang virus phải hết sức chú ý. "Quan trọng nhất là tăng cường sức đề kháng, không để virus có cơ hội nhân lên. Tuyệt đối kiêng rượu, bia và các loại nước giải khát có cồn; không hút thuốc lá, hạn chế mỡ động vật, chơi các môn thể thao như: thể dục nhịp điệu, đi bộ, bơi hoặc cầu lông" - GS Nguyễn Văn Mùi lưu ý.

GS Nguyễn Văn Kính cho biết người dân muốn biết mình có mắc bệnh hay không thì chỉ có cách xét nghiệm sàng lọc viêm gan, chứ không phải chờ đến khi có biểu hiện vàng mắt, bụng trướng mới vào viện thì đã muộn. "Nên kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm định kỳ 6 tháng/lần có liên quan đến HBV như: HBsAg, HBeAg và xét nghiệm men gan để được theo dõi thật chặt chẽ đề phòng HBV tái hoạt động. Với người viêm gan B thể hoạt động thì 3-6 tháng, tùy tình trạng hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Việc hỗ trợ cải thiện sớm và kiểm soát tốt khi viêm gan B mạn tính sẽ giúp giảm thiểu tổn thương cho gan, hỗ trợ ngăn chặn nguy cơ tiến triển thành những biến chứng xơ gan, ung thư gan" - GS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 1/3 dân số thế giới bị nhiễm virus viêm gan với khoảng 400 triệu người bị viêm gan B mạn tính. Hằng năm trên thế giới có khoảng hơn triệu người tử vong do biến chứng viêm gan virus mạn tính sang xơ gan và ung thư gan, viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết tại Việt Nam ước tính có 40.000 người tử vong do viêm gan B và C. Tuy nhiên, viêm gan B là bệnh có thể phòng được bằng tiêm vắc-xin, viêm gan C tuy không có vắc-xin nhưng đã có thuốc kháng virus chữa khỏi bệnh.
Theo Hải Anh - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X