Hotline 24/7
08983-08983

Nhiều bài thuốc hay từ mộc nhĩ

Mộc nhĩ có công dụng trong chữa nhiều loại bệnh như kiết lỵ, băng huyết, rong kinh…

Mộc nhĩ (Hình minh họa: forestproductvn.company.weiku.com)
Mộc nhĩ (Hình minh họa: forestproductvn.company.weiku.com)

Mộc nhĩ là một loài thực vật thuộc họ nấm, xuất hiện thường xuyên trong rất nhiều món ăn của người Việt, đặc biệt là các món xào. Ngoài công dụng làm thức ăn, mộc nhĩ còn được dùng làm thuốc với công dụng hữu hiệu trong chữa nhiều loại bệnh.

Cuốn sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" (NXB Khoa học và Kỹ thuật) đã chỉ rõ cách thức thực hiện từng bài thuốc với mộc nhĩ, đa số đều khá đơn giản và dễ dàng thực hiện.

Mộc nhĩ có vị ngọt, tính bình, vào hai kinh vị và đại tràng có tác dụng lương huyết (thanh giải nhiệt tà ở phần huyết), chỉ huyết (cầm máu) và ích khí. Ở Việt Nam, từ lâu đời, Tuệ Tĩnh đã dùng mộc nhĩ mọc trên cây dâu sao khô, tán bột, uống với liều 16g để chữa băng huyết, rong kinh. Mộc nhĩ mọc trên cây liễu sắc uống có công dụng chữa chứng nôn mửa. Bài thuốc mộc nhĩ và kinh giới, 2 vị lượng bằng nhau, sắc lấy nước để ngậm, súc miệng lại là bài thuốc chữa đau răng rất hiệu quả.

Theo kinh nghiệm dân gian, mộc nhĩ thường được sử dụng trong các trường hợp sau:

- Chữa kiết lỵ: Mộc nhĩ (20g), núm quả chuối tiêu (10g), lá dạ cẩm (10g), lá mã đề (10g). Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ (phương pháp đem rang dược liệu trên chảo tới khi dược liệu có mùi thơm, sau đó lấy một miếng vải sạch chải trên mền đất, đổ dược liệu đã sao vàng lên miếng vải trong khoảng thời gian 30 đến 40 phút đến khi dược liệu nguội rồi đem sử dụng). Sau đó, sắc thuốc với 400ml nước tới khi còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.

- Chữa băng huyết, rong kinh: Mộc nhĩ (100g) hấp cách thủy cho chín, phơi khô, tán bột. Lá ngải cứu (30g), cây cứt lợn (50g) thái nhỏ, phơi khô, tán bột. Trộn đều hai loại bột trên, sau đó luyện với mật ong làm từng viên 1,5g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 viên cùng với nước chè nóng.

Theo tài liệu nước ngoài, mộc nhĩ (30g) ngâm nước trong một đêm rồi hấp chín với đường phèn trong từ 1 đến 2 giờ, ăn trước khi đi ngủ có tác dụng hạ huyêt áp, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch.

Ở nước láng giềng Trung Quốc, người ta dùng mộc nhĩ để cầm máu, chữa tràng phong, trĩ chảy máu, băng lậu đới hạ (chứng bệnh âm đạo xuất huyết, ra khí hư nhiều, bất thường), chảy máu mũi với các bài thuốc sau:

- Chữa băng trung lậu hạ (phụ nữ lúc không hành kinh mà máu ra ở âm đạo không theo quy tắc nào, lúc chảy lai rai không dứt gọi là lậu hạ, lúc tuôn xuống ồ ạt gọi là băng trung): Mộc nhĩ 250g sao đến khi bốc khói, nghiền thành bột. Tóc đốt thành tro, nghiền thành bột. Mỗi lần dùng bột mộc nhĩ 6g, bột tóc 1g, uống cùng với rượu.

- Chữa chứng chảy nước mắt nhiều: Mộc nhĩ (30g), sao tồn tính (dùng lửa vừa phải đốt chảo cho nóng rồi bỏ thuốc vào đảo đều tay cho đến khi bên ngoài thuốc cháy đen, giòn, bẻ ra bên trong thuốc vẫn còn nguyên chất thuốc là được) kết hợp cùng 30g mộc tặc. Trộn đều, nghiền thành bột, mỗi lần dùng 6g, sắc với nước vo gạo uống.

Theo VTV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X