Hotline 24/7
08983-08983

Nhiễm trùng vết mổ, trăm sự trút lên… bệnh nhân!

Tưởng chừng là vấn đề nhỏ, nhưng nhiễm trùng vết mổ (NTVM) để lại nhiều hậu quả nặng nề từ tăng chi phí điều trị, tăng khả năng đề kháng kháng sinh, thậm chí đe doạ cả tính mạng bệnh nhân.

Nhiều nguyên nhân gây ra nhiễm trùng vết mổ trong đó có việc người tham gia phẫu thuật rửa tay không đạt

Đáng nói hơn, gần như chỉ mình bệnh nhân phải gánh chịu hậu quả.

H. - 28 tuổi, tiếp tân một khách sạn tại TPHCM, tháng qua mổ viêm ruột thừa. Được hai ngày, vết mổ sưng tấy, đau nhức, mưng mủ và bác sĩ xác định vết mổ bị nhiễm trùng. “Lẽ ra chỉ cần nằm viện vài ngày là xuất viện, nhưng do NTVM tôi phải nằm gần hai tuần lễđể được săn sóc và điều trị, làm tốn kém tiền bạc lẫn thời gian”, chị nói.

H. còn may mắn hơn ông T., 62 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM, bị tử vong cách đây hai năm vì… NTVM. Theo người nhà kể, đó là lần ông phải nhập viện mổ sỏi túi mật. Ca mổ hở diễn tiến bình thường, nhưng những ngày sau đó ông vẫn sốt âm ỉ vì vết mổ nhiễm trùng.Nằm viện mười ngày, dùng nhiều loại kháng sinh khác nhau, vết mổ vẫn không lành, không những thế ông còn bị thêm nhiễm trùng phổi.Một tháng sau, ông T. phải thở máy, biến chứng suy thận và tử vong.

Tại hội nghị “Kiểm soát nhiễm khuẩn trong ngoại khoa” do BV Bình Dân và hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM tổ chức tuần qua, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà, phó chủ tịch hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, cho biết hàng năm trên thế giới có 187 - 281 triệu ca phẫu thuật, tương đương cứ 25 người có một ca phẫu thuật. “Nhưng không phải ca mổ nào cũng suôn sẻ, thống kê cho thấy phẫu thuật gây ra 7 triệu ca biến chứng, 1 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu, một phần trong đó liên quan đến NTVM”, BS Hà nói.

NTVM, theo các chuyên gia, liên quan đến nhiều nguy cơ như bệnh nhân lớn tuổi, tình trạng dinh dưỡng kém, kèm thêm bệnh đái tháo đường hay béo phì… hoặc môi trường phẫu thuật có vấn đề, như phòng mổ không đạt vệ sinh, khử khuẩn dụng cụ kém, phẫu thuật viên rửa tay không đạt.

BS Hà nhận định: “Hầu hết các vết mổ đều bị nhiễm trùng, nhưng chỉ một số ít tiến triển đến nhiễm khuẩn trên lâm sàng. Có ít nhất ba yếu tố quan trọng dẫn đến NTVM: liều lượng nhiễm khuẩn, độc lực của vi khuẩn và sức đề kháng của bệnh nhân”.

Tại Việt Nam, điều tra của bộ Y tế cho thấy NTVM chỉ xếp thứ 2 trong nhiễm trùng bệnh viện, chiếm 15 - 31% tổng số ca nhiễm trùng bệnh viện. Năm 2010, một khảo sát về sự hiện diện của vi sinh vật trong không khí ở 33 phòng mổ, phòng hồi sức của 13 bệnh viện lớn ở TPHCM, khiến người ta phải giật mình lo lắng khi có đến 80% phòng không đạt tiêu chuẩn vi sinh.

Tám năm sau khảo sát này, liệu tình hình có cải thiện không? Khó có câu trả lời, nhưng theo BS H., làm việc tại khoa ngoại của một bệnh viện TPHCM, rất khó cải thiện khi quá tải bệnh viện vẫn là vấn đề nan giải. “Do quá tải, các phòng mổ đang được khai thác hết công suất, không đủ thời gian để vô khuẩn phòng mổ theo yêu cầu, và điều này làm tăng nguy cơ NTVM”, BS H. nói.

Áp lực tự chủ tài chính cũng gián tiếp làm NTVM tăng lên. Tại một bệnh viện lớn của TPHCM, từ khi triển khai dịch vụ mổ trong ngày để giải toả áp lực quá tải và làm hài lòng bệnh nhân, các phòng mổ ở đây gần như lúc nào cũng sáng đèn.

Một bác sĩ làm việc ở đây chia sẻ: “Bệnh nhân mổ xong mới đẩy ra ngoài thì bệnh nhân tiếp theo được đẩy vào phòng. Mổ dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, nên bác sĩ nào cũng giành bệnh nhân mổ.Nhân viên ra vào liên tục, dễ bỏ qua những quy tắc khử khuẩn cơ bản,
rốt cuộc chỉ làm thiệt hại bệnh nhân”.

NTVM tưởng chừng là “chuyện nhỏ”, nhưng thực tế  gây thiệt hại đáng kể cho bệnh nhân. Nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy NTVM làm tăng gấp 2 - 3 lần thời gian nằm viện, tăng khả năng bệnh nhân nhập viện trở lại gấp 5 lần, tăng chi phí điều trị, tăng sử dụng kháng sinh và tăng đề kháng kháng sinh, nhưng nghiêm trọng hơn là làm tăng nguy cơ tử vong gấp 2 lần. Tại Mỹ, đất nước có nền y khoa hàng đầu thế giới, mà mỗi năm có đến 20.000 ca tử vong vì NTVM. Nếu xét bình diện toàn cầu, con số này không nhỏ.

Đầu năm nay, tại một bệnh viện lớn ở TPHCM, số ca NTVM và tử vong sau phẫu thuật đột nhiên tăng cao bất thường. Xem xét mọi nguyên nhân, sau cùng người ta mới biết nguồn nước cung cấp cho phòng mổ bị nhiễm trùng. Bệnh viện cho xử lý nguồn nước, nhưng lại không thể đóng cửa phòng mổ để tẩy trùng vì… áp lực mổ quá nhiều.

“Mọi hậu quả của nhiễm trùng vết mổ đều khiến bệnh nhân gánh chịu, nhưng họ lại không thể đòi hỏi bất kỳ sự bồi thường nào từ bệnh viện, trong trường hợp bệnh viện sai sót vì điều này thật khó chứng minh, không khác gì… “trời kêu ai nấy dạ”, BS H. nói.

Cũng có ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng, vấn nạn NTVM ở Việt Nam còn từ một nguyên nhân khác, đó là tình trạng đề kháng kháng sinh. “Việc lạm dụng kháng sinh, sử dụng thuốc kháng sinh từ nhiều nguồn khác nhau không bảo đảm chất lượng, cũng góp phần đáng kể làm tăng tỷ lệ NTVM”, một bác sĩ phẫu thuật tim trẻ em, nhận định.

Theo Vô Thường - Thế giới hội nhập/ TGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X