Hotline 24/7
08983-08983

Nhật Bản sẽ cho vay 2 tỉ USD xây dựng sân bay Long Thành

Sáng ngày 17/10, Bộ GTVT phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Dự án sân bay Long Thành - Cơ hội và thách thức".

Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời chủ yếu thảo luận các vấn đề xoay quanh dự án, như: Tại sao phải xây dựng sân bay Long Thành khi sân bay Tân Sơn Nhất được cho là vẫn có thể mở rộng; Vì sao chọn địa điểm Long Thành tỉnh Đồng Nai để triển khai dự án; Với tổng mức đầu tư dự kiến gần 8 tỉ USD, nguồn vốn sẽ được huy động từ đâu; Phương án thu hồi vốn; Tính khả thi cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án...

Một số chuyên gia cho rằng, vốn đầu tư xây dựng rất lớn, nếu không tính toán thì con cháu phải trả nợ. Tại sao trong lúc khó khăn Bộ GTVT lại trình Dự án Cảng Hàng không Long Thành mà giai đoạn 1 lên tới 7,8 tỉ USD. Trong đó 50% vốn ODA và trái phiếu Chính phủ, còn lại là các nguồn vốn khác.

Nhật Bản sẽ cho vay 2 tỉ USD xây dựng sân bay Long ThànhMô hình thiết kế sân bay Long Thành.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nói, trong lúc khó khăn mà tìm ra được dự án có hiệu quả thì chúng ta cần phải làm. Phải dùng vốn ODA và trái phiếu Chính phủ vì cho đến bây giờ, hạ tầng khu bay, đường băng, sân đỗ của hàng không dân dụng vẫn chưa có nhà đầu tư nào quan tâm đầu tư theo hình thức BOT hoặc PPP.

Với đường băng, đường lăn, sân đỗ... để đảm bảo khẩn nguy về an ninh hàng không thì Nhà nước phải đầu tư. Cho nên, để xây dựng hạ tầng khu bay, đường băng, sân đỗ chúng ta phải vận dụng nguồn vốn ODA. Cái này đã được cam kết giữa hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản vào cuối năm 2013. Phía Nhật Bản cam kết sẽ cho vay 2 tỉ USD cho dự án sân bay Long Thành, tuy nhiên phải qua các cuộc đàm phán.

Nói về hiệu quả kinh tế, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho rằng, Dự án Cảng Hàng không Long Thành được tính toán dựa theo căn cứ hiệu quả của hoạt động ngành hàng không trong thời gian vừa qua và hiện tại để có những cơ sở cho tương lai. Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế đánh giá trong 10 năm tới Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển hàng không nhộn nhịp nhất, dự báo tăng trưởng 5-6%/năm. Vì thế dự án sẽ cho hiệu quả kinh tế trong tương lai.

Nằm cách TPHCM khoảng 40 km về hướng Đông Bắc, với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm (đến năm 2030), Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành được triển khai với mục tiêu xây dựng từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không quốc tế - ICAO), giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ, quan trọng của quốc gia, và dự kiến trong tương lai nơi đây sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

Trước đó, cuối tháng 8/2014, Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cần thiết phải xây dựng sân bay Long Thành, nhằm hỗ trợ và thay thế sân bay Tân Sơn Nhất. Bởi hiện sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang đón khoảng 19 triệu lượt khách/năm, dự kiến đến năm 2020 sẽ đón tới 20 - 25 triệu khách/năm và sẽ dẫn đến tình trạng quá tải.

Việc mở cảng hàng không quốc tế mới sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư, phát triển kinh tế các tỉnh phía nam và giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô TPHCM. Vị trí dự kiến xây dựng sân bay Long Thành có diện tích 5.000ha, dự kiến sẽ đón từ 80-100 triệu khách/năm. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, dự kiến chia thành 3 giai đoạn và đến năm 2030 sẽ kết thúc công suất sẽ đạt 100 triệu hành khách/năm.

Nguồn vốn đầu tư theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư, khuyến kích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư.

AloBacsi.com
Theo PetroTime

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X